Chuyện Tình ( Love Story )

Chương 7

Ipswich, bang Massachusetts, cách cầu Mystic River khoảng bốn mươi phút, cái đó còn tùy ở thời tiết và cách lái. Tôi đã có lần đi chặng đường này trong hai mươi chín phút. Một ông chủ ngân hàng khá tiếng tăm ở Boston khoe là đã đi nhanh hơn nữa, nhưng khi đã nói đến thời gian dưới ba mươi phút để đi từ chiếc cầu ấy đến nhà họ Barrett thì khó lòng phân biệt đâu là thực đâu là hự Về phần mình, tôi cho rằng hai mươi chín phút là giới hạn tuyệt đối. Dù sao không thể không đếm xỉa đến các bảng hướng dẫn giao thông trên quốc lộ số 1.

- Anh lái như điên ấy – Jenny bảo tôi.

- Chúng mình đang ở Boston. Ở đây, mọi người đều lái như điên cả.

Đúng lúc bấy giờ xe chúng tôi phải dừng lại vì đèn đỏ.

- Anh sẽ làm anh và em chết cả đôi trước khi bố mẹ anh kịp biết chúng mình.

- Em này, Jen, cha mẹ anh là những người rất tử tế, dễ tính.

Đèn xanh bật lên. Xe của chúng tôi vụt lên 100km/ giờ trong không đầy mười giây đồng hồ.

- Cả bố khỉ nữa chứ? – nàng hỏi.

- Ai?

- Oliver Barrett III

- A! Ông ấy tốt bụng lắm. Em sẽ quý ông ấy cho mà xem.

- Sao anh biết?

- Mọi người đều quý ông ấy – tôi trả lời.

- Sao anh thì không?

- Bởi vì mọi người quý ông ấy.

Sự thực mà nói, tại sao lại đưa nàng đến gặp cha mẹ tôi? Tôi không th phớt lờ sự ban phúc của Ông già được sao? Thực ra, một phần vì nàng muốn (“lẽ thường phải thế, Oliver ạ”) và một phần vì lý do đơn giản Oliver Barrett III là chủ ngân hàng của tôi, hiểu theo nghĩa sát nhất của từ này, tức là ông ta là người trả tiền học cho tôi.

Mà phải là một bữa tối chủ nhật có đúng không. Tôi muốn nói là như thế mới hợp lệ. Chủ nhật, đúng vào cái ngày tất cả những người lái xe mèng để ra chật kín quốc lộ 1 cản đường xe tôi. Tôi rời đường chính chuyển sang đường Gorton, một con đường mà hồi mới mười ba tuổi, tôi đã cho xe chạy hết tốc lực qua cả các chỗ ngoặt.

- Ở đây không có nhà nhỉ, chỉ toàn là cây – Jenny nói.

- Nhà ở đằng sau các lùm cây.

Đi trên đường Gorton, cần phải hết sức chú ý để khỏi đi qua mất chỗ rẽ vào nhà chúng tôi. Chiều hôm đó, tôi đã cho xe quá mất. Tôi hãm xe làm bánh rít trên mặt đường quá chỗ rẽ mất ba trăm mét.

- Đã đến chưa anh? – Jenny hỏi.

- Đã qua mất rồi, - tôi trả lời, kèm theo mấy câu rủa.

Có nên coi việc tôi cho xe lùi ba trăm mét để tới lối rẽ vào dinh cơ nhà chúng tôi là một hình ảnh tượng trưng không? Dù sao đi nữa, từ lúc chúng tôi ở trên khu đất của gia đình Barrett, tôi cho xe đi chậm. Từ đường Gorton đến chính biệt thự Dover House còn ít nhất gần một cây số. Trên đường, xe chúng tôi đi qua… tóm lại qua nhiều tòa nhà khác. Tôi cho rằng ai mới đến lần đầu, cảnh đó gây ấn tượng khá mạnh…

- Ui chao! – Jenny thốt lên.

- Sao đấy, Jen?

Dừng lại đi, Oliver. Em không đùa đâu. Dừng lại đi. Tôi cho xe dừng lại. Jenny thoát lui.

- Anh này, em không thể tưởng tượng là như thế này.

- Như thế nào?

- Giàu quá. Em cam đoan nhà anh có cả sông hỡ chứ không đâu.

Tôi muốn đưa tay ra chạm vào người nàng, nhưng bàn tay tôi ướt đẫm mồ hôi (điều không bình thường) nên tôi chỉ dùng lời làm yên lòng nàng.

- Không sao đâu, Jenny ạ. Mọi việc sẽ êm đẹp.

- Vâng, nhưng sao đột nhiên em muốn tên mình là Abigail Adams hoặc Wendy WASP (ý nói thuộc các gia đình dòng dõi lâu đời ở Mỹ).

Chúng tôi im lặng đi nốt đoạn đường còn lại, cất xe và bước lên những bậc đá dẫn đến cổng ra vào. Bấm chuông xong trong khi chờ đợi người ra mở cửa thì đến phút chót Jenny lại hoảng lên một lần nữa.

- Ta rút đi thôi, anh ạ – nàng nói.

- Cứ ở lại và bước vào cuộc chiến – tôi bảo nàng.

Một trong hai chúng tôi khôi hài chăng?

Ra mở cửa là Florence, người hầu gái tận tụy lâu năm của gia đình Barrett. Chị reo lên khi nhìn thấy tôi:

- A! Cậu chủ Oliver!

Sao tôi ghét cái lối gọi tôi như vậy đến thế! Tôi ghét cách gọi phân biệt, hạ phẩm giá ngầm giữa tôi và ông già.

Chị Florence cho biết là cha mẹ tôi đợi chúng tôi trong phòng khách.

Jenny ngơ ngác trước những bức chân dung treo ở những chỗ chúng tôi đi quạ Không chỉ vì một số bức là tác phẩm của họa sị John Singer Sargent (nhất là bức chân dung Oliver Barrett II, thỉnh thoảng lại được cho mượn để trưng bày tại nhà bảo tàng Boston), mà còn là vì nàng vừa mới nhận ra rằng tổ tiên tôi không phải ai cũng mang tên Barrett. Có những người con gái họ Barrett đã kết hôn được với những nơi tương xứng và đã nuôi dạy những người như Barrett Winthrop Richard, Barrett Sewal v2 cả Abbot Lawrance Lyman là người đã có gan đối chôi với cuộc đời (và trường Harvard) và trở thành một nhà hóa học kiệt xuất mà chẳng có Barrett nào hết trong tên mình.

- Ôi chao! Một nửa số tòa nhà Harvard được treo ở đây – Jenny nói.

- Toàn là những thứ vớ vẩn – Tôi đáp lại.

- Em không biết anh cũng có họ với nhà thủy tạ Sewall.

- Có chứ! Anh thuộc một dòng dõi gỗ đá lâu đời mà.

Sau dãy dài các bước chân dung và ngay trước khi rẽ vào phòng sách có một tủ kính, bên trong bày những chiến lợi phẩm – những chiến lợi phẩm thể thao.

- Chà, lộng lẫy quá – Jenny nói – em chưa bao giờ thấy những thứ có vẻ như vàng bạc thật thế này.

- Bằng vàng bạc thật cả đấy.

- Ôi chao. Của anh cả đấy à?

- Không. Của ông ấy.

Một điều không thể tranh cãi là Oliver Barrett III không giật được giải nào tại Thế vận hội Amsterdam. Nhưng cũng rõ ràng không kém là ông đã giành được những thắng lợi đáng kể trong môn đua thuyền ở một vài dịp khác. Tại nhiều dịp, rất nhiều dịp. Jenny nay đã có bằng chứng rực rỡ dưới con mắt choáng ngợp của nàng.

- Người ta không tặng những giải như thế này trong môn đánh khăng ở Cranston đâu.

Nói đến đây, nàng quẵng cho tôi một cái xương an ủi, có nhẽ thế:

- Oliver, thế còn anh, anh cũng có những chiến lợi phẩm chứ?

- Có.

- Cũng để trong tủ kính chứ?

- Để trong phòng anh ở trên gác, dưới gầm giường.

Nàng nhìn tôi với một ánh mắt kiểu Jenny và thì thầm:

- Ta sẽ lên xem sau nhé, được không anh?

Tôi không kịp trả lời, cả không kịp ước đoán xem động cơ thực sự nào đã thúc đẩy Jenny có ý muốn lên thăm buồng tôi, vì có một kẻ cắt ngang:

- À, xin chào!

Bố khỉ! Đó là Bố khỉ.

- Chào bạ Con xin giới thiệu đây là Jenny…

- À, xin chào.

Ông ấy bắt tay nàng trước khi tôi kịp nói hết tên nàng. Tôi nhìn thấy ông không ăn mặc theo kiểu chủ nhà băng. Hoàn toàn không. Oliver Barrett III mặc một cái áo vét thể thao bằng vải cashmerẹ Ngoài ra một nụ cười nhạt nhẽo đến tận trên nét mặt thường là trơ như đá của ông.

- Cháu vào gặp bà Barrett đi.

Một sự kiện hiếm có nữa. Thậm chí là có một không hai trong đời, chợ đợi Jenny: Gặp Alison Forbes “Tipsy” Barrett. (Trong những lúc ác cảm, tôi tự hỏi không biết cái bí danh thời ký túc xá của bà sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc đời bà nếu như bà không trở thành chủ trì các công việc từ thiện và cứu trợ như hiện nay). Sổ sách còn ghi cô gái Tipsy Forbes chưa hề học hết bậc đại học. Với sự ưng thuận của bố mẹ, cô đã thôi học ở trường cao đẳng Smith khi đang học năm thứ hai để làm lễ kết hôn chính thức với Oliver Barrett III.

- Đây là nhà tôi, Alison, đây là Jenny…

Ông ấy đã tiếm đoạt quyền giới thiệu nàng của tôi rồi.

- Cavilleri – Jenny lễ độ sửa lại vì tôi nói sai họ nàng – lần đầu tiên và là lần cuối cùng trong cuộc đời tôi.

- Như tên vở Cavalleria Rusticana phải không? – Mẹ tôi hỏi lại, ý chừng để chứng tỏ rằng tuy bà học hành chưa đến nơi đến chốn nhưng không phải không có một nền học vấn nhất định.

- Thưa bác, đúng vậy ạ – Jenny vừa nói vừa mỉm cười – nhưng không có họ hàng liên quan gì.

- Thế à! – Mẹ tôi nói.

- Thế à! – Cha tôi nói.

Thấy vậy, trong bụng tôi tự hỏi không biết cha mẹ tôi có hiểu cái ý khôi hài của Jenny không, rồi tôi không thể thêm vào:

- Thế à?

Mẹ tôi và Jenny bắt tay nhau. Trao đổi những từ khách sáo thông thường xong, chúng tôi ngồi xuống, vì ở nhà tôi sau những lời khách sáo đó người ta không chuyển sang chuyện gì khác nữa. Mọi người đều im lặng. Tôi cố thử linh cảm xem sẽ diễn ra chuyện gì. Chắc chắn là mẹ tôi đang xem xét Jenny, đánh giá cách ăn mặc của nàng (hôm nay lại không có vẻ phóng đãng tí nào), thái độ, cử chỉ, lời ăn tiếng nói của nàng. Phải thừa nhận cái giọng miền quê Cranston vẫn còn phảng phất ngay cả trong những lúc nàng cư xử lịch thiệp nhất. Có lẽ về phía nàng, Jenny cũng đánh giá lại mẹ tôi. Người ta có bảo với tôi rằng các cô con gái là hay làm thế lắm. Xem chừng việc đó sẽ giúp cho họ hiểu được khá nhiều về người con trai mà họ sẽ lấy làm chồng. Có lẽ nàng cũng xem xét, đánh giá cả Oliver Barrett III nữa. Liệu nàng có nhận ra ông ấy cao hơn tôi không? Liệu nàng có thích cái áo veston bằng vải cashmere của ông ấy không?

Còn Oliver III cố nhiên tập trung các phát đạn của ông vào tôi, như mọi khi.

- Thế nào, con dạo này ra sao?

Đối với một người đã từng được học bổng Grand của ông là một người nói chuyện nghèo nàn.

- Tốt, ba ạ. Tốt.

Để cân bằng, có lẽ thế, mẹ tôi hỏi chuyện Jenny:

- Các con đi đường tốt đẹp cả chứ?

- Thưa bác vâng ạ – Jenny trả lời – Thật là thú vị và nhanh lắm.

- Oliver lái xe nhanh lắm – ông Già nhận xét.

- Chưa nhanh bằng ba, - tôi bẻ lại.

Ông ta sẽ đáp lại như thế nào?

- Hừm… có lẽ không bằng thật, đúng vậy.

Có lẽ cái con khỉ gì nữa!

Mẹ tôi, bao giờ cũng đứng về phía ông ấy bất kể trong trường hợp nào, lái câu chuyện sang một đề tài khác chung chung hơn: âm nhạc hay hội họa, hình như vậy. Tôi không chăm chú để tai nghe như cần phải có. Đến một lúc nào đó, tôi tự nhiên thấy mình đang cầm một cái tách trong tay.

- Con cám ơn – tôi nói (nối tiếp luôn), - chúng con phải đi ngay bây giờ.

- Ơ! Jenny thốt lên.

Hình như mọi người đang nói chuyện về nhạc sĩ Puccini hay chuyện gì đó và câu nói xen ngang của tôi bị coi là lạc lõng. Mẹ tôi nhìn tôi (sự kiện hiếm hoi).

- Nhưng các con lên đây để ăn bữa tối cơ mà?

- Hừm – không thể được, mẹ ạ,.- tôi trả lời.

- Vâng ạ – Jenny nói, gần như cùng một lúc với tôi.

- Anh phải về, - tôi nói nghiêm chỉnh với Jenny

Jenny nhìn tôi như bảo: “Anh lại dở dói gì thế?” Sau đấy, ông Già tuyên bố dứt khoát:

- Các con ở lại ăn tối. Đây là mệnh lệnh.

Nụ cười giả tạo trên nét mặt ông không làm cho câu nói đó bớt vẻ mệnh lệnh một chút nào. Đó chính là cái kiểu mà tôi không chịu nổi, cho dù ở một người đã từng vào vòng chung kết Thế vận hội.

- Chúng con không thể ở lại được, ba ạ, - tôi đáp

- Phải ở lại, anh Oliver – Jenny nói.

- Vì sao? – Tôi hỏi

- Vì em đói rồi

*

Làm theo ý muốn của Oliver III, chúng tôi ngồi vào bàn. Ông cúi đầu. Mẹ tôi và Jenny làm theo. Tôi hơi nghiêng nghiêng cái đầu của tôi.

- Xin ban phúc lành cho đồ ăn thức uống của chúng con và cho cả chúng con, xin giúp chúng con bằng quan tâm đến các nhu cầu của kẻ khác. Nhân danh Cha và Con, và Thánh thần, Amen.

Tôi đã bị làm nhục! Ông ấy không thể gác lại một lần thói ngoan đạo của mình được sao? Jenny sẽ nghĩ gì đây? Y như bị ném trở lại thời Trung cổ.

- Amen – mẹ tôi nói (và Jenny cũng vậy bằng một giọng rất nhẹ)

- Và mạnh ai người ấy thắng! – Tôi nói, làm ra vẻ bông phèng.

Không ai tỏ ra hưởng ứng. Jenny càng ít hưởng ứng hơn ai hết. Nàng nhìn đi nơi khác. Trái lại Oliver III nhìn tôi qua mặt bàng:

- Oliver, thú thực ba muốn thấy con thỉnh thoảng có những nỗ lực theo hướng ấy.

Chúng tôi ăn không phải trong một bầu không khí im lặng hoàn toàn nhờ ở năng khiếu khác thường của mẹ tôi về mặt trò chuyện trong phòng khách – ở trường hợp này là trong phòng ăn.

- Cháu nói gia đình cháu ở Cranston, hả Jenny?

- Nói chung là thế ạ. Mẹ cháu ở Fall River.

- Họ Barrett có một số nhà máy ở Fall River – Oliver III nhận xét.

- Tại đó họ đã bóc lột những người nghèo khó hết thế hệ này sang thế hệ khác – Oliver IV tiếp lời.

- Hồi thế kỷ 19, - Oliver III nói thêm.

Mẹ tôi mỉm cười, rõ ràng hài lòng thấy Oliver của bàng thắng hiệp này. Nhưng trận đấu chưa phải đã kết thúc.

- Ba có ý kiến gì về các dự án tự động hóa các nhà máy đó? – Tôi phản công.

Không khí im lặng một lúc. Tôi chờ đợi quả đập lại. Nhưng lại là Alison Forbes Tipsy Barrett lên tiếng:

- Mọi người có ý kiến gì không, nếu ta chuyển sang dùng cà phê?

*

Cả bốn người chúng tôi chuyển sang phòng khách để cho diễn ra cái sẽ là hiệp cuối cùng. Ngày mai, Jenny và tôi có giờ lên lớp, ông Già thì có việc ở ngân hàng và vân vân. Còn Tipsy chắc chắn cũng có một dự án gì đó choán hết tâm trí ngay từ giờ đầu ngày hôm sau.

- Con dùng đường chứ, Oliver? – Mẹ tôi hỏi.

- Oliver bao giờ cũng dùng đường, mình ạ, - Cha tôi bảo.

- Con cảm ơn, tối nay thì không – tôi nói – và không sữa, mẹ ạ.

Bây giờ mọi người đã ngồi yên vị, thoải mái, mỗi người một tách, không có gì để nói với nhau, hoàn toàn không có gì. Tôi đành tung ra một đề tài.

- Em này, Jenny em nghĩ thế nào về đội Hòa Bình?

Nàng chau mày nhìn tôi và không chịu hợp tác.

- Ồ! Mình đã kể với các con rồi à? ỌB? – Mẹ tôi hỏi cha tôi.

- Bây giờ không phải lúc, mình ạ, - Oliver III trả lời với một vẻ nhún nhường giả tạo, thực ra muốn bảo to lên: “Hỏi đi, hãy hỏi tôi là có chuyện gì đi”

Tôi nhượng bộ:

- Việc gì hả ba?

- Không có gì quan trọng cả đâu, con ạ.

- Không hiểu sao mình lại có thể nói là không quan trọng – mẹ tôi bảo, rồi bà quay sang tôi để loan báo, với tất cả sự khoa trương cần thiết (tôi đã nói là bà bao giờ cũng đứng về phía ông ấy mà):

- - Ba con sẽ là Giám đốc đội Hòa Bình.

- Ồ.

Jenny cũng nói “Ồ”, nhưng với một giọng khác, có phần hào hứng hơn.

Cha tôi giả vờ ngượng nghịu và mẹ tôi có vẻ chờ đợi tôi nói một vài lời ca ngợi hoặc bày tỏ sự khâm phục và ngưỡng mộ của tôi bằng một lời nào đó. Thôi được, dù sao thì cũng chưa phải là ngoại trưởng.

Jenny đi trước, nàng nói:

- Cháu xin chúc mừng bác.

- Vâng. Con xin chúc mừng ba.

Mẹ tôi muốn kể lể lắm đấy. Bà nói:

- Mẹ cho rằng, trên phương diện giáo dục, đây sẽ là một kinh nghiệm đặc biệt.

- Vâng, đúng thế ạ – Jenny tán thành.

- Vâng – tôi nói, giọng thờ ơ – Hừm… Cho con xin tí đường.