Chuyện Tình ( Love Story )

Chương 6

Tôi rất quý Ray Stratton.

Anh ta có lẽ cũng chẳng phải là một thiên tài hay một cầu thủ phi thường gì (anh chuyền bóng hơi chậm) nhưng anh luôn luôn là một người bạn cùng phòng trung thành và tốt. Anh đã phải chịu khổ biết bao, người bạn tốt nghiệp ấy, torng gần hết năm học cuối cùng! Anh ta đi học ở đâu khi thấy chiếc cravat móc ở tay nắm cửa phòng hai chúng tôi (dấu hiệu “đang bận”)? Anh ta cũng chẳng học hành gì nhiều cho lắm, đúng vậy, nhưng dù sao đôi khi cũng phải học chứ. Có lẽ anh đến thư viện Lamont hay thậm chí đến câu lạc bộ Pi Etạ Nhưng anh ngủ ở đâu những đêm thứ bảy mà Jenny và tôi quyết định vi phạm nội quỷ Ray đành phải đi tìm một góc nào mà đặt lưng: trên chiếc đi-văng ở các phòng bạn v.v… với điều kiện là người bạn ấy cũng không có chương trình gì. Cũng may là mùa bóng đá kết thúc. Với lại, nếu phải tôi thì tôi cũng làm như thế vì anh.

Thế mà Ray đã được đền đáp như thế nào? Hồi trước lập được chiến công nào là tôi kể hết với anh mọi chi tiết tỉ mỉ nhất. Bây giờ, không những anh thấy mình bị tước mất cái quyền bất di bất dịch đó của một người bạn cùng phòng mà thậm chi tôi còn không bao giờ công nhận với anh là tôi với Jenny yêu nhau. Tôi chỉ bảo anh ta là khi nào tôi cần riêng phòng cho mình, vân vân. Tùy anh tự rút ra kết luận.

- Mẹ kiếp, Barrett, cậu có “đọc” cô gái ấy hay không thì bảo.

- Raymond, với tư cách người bạn, mình yêu cầu cậu đừng hỏi mình.

- Nhưng mẹ kiếp, Barrett, các buổi chiều, các tối thứ sáu, tối thứ bảy, hai người có thể làm chuyện gì khác mới được chứ?

- Đã biết thế, còn hỏi mình làm gì, Ray?

- Thế là không lành mạnh đâu.

- Cái gì không lành mạnh.

- Toàn bộ chuyện này, Oliver ạ. Cậu chưa bao giờ như thế này đấy. Cậu chưa bao giờ kín miệng đến như vậy với tớ. Tớ nhắc lại, thế là không lành mạnh đâu. Nhưng tóm lại, cái cô con gái ấy, nó có cái gì khác thường nào?

- Ray này, trong chuyện tình yêu chín chắn…

- Tình yêu?

- Đừng có thốt lên như thể đó là một từ tục tĩu.

- Tình yêu? Ở tuổi cậu? Mẹ kiếp, tớ lo ngại lắm.

- Lo cái gì? Lo cho sự thăng bằng tinh thần của mình ấy à?

- Lo cho đời trai độc thân của cậu. Cho tự do của cậu. Cuộc sống của cậu.

Tội nghiệp Raỵ Anh ta thực sự nghĩ vậy.

- Cậu sợ mất một người bạn cùng phòng hả?

- Cậu nói thế nào, tớ được thêm một người bạn cùng phòng thì có. Cô ấy ở đây suốt cả ngày còn gì.

Tôi đang mặc quần áo để đi dự một buổi hòa nhạc cho nên cuộc đối thoại giữa hai chúng tôi cũng sắp chấm dứt.

- Đừng lo, Raymon, chúng mình rồi sẽ kiếm được căn phòng ấy ở New York, sẽ bạn bè lu bù, mọi chuyện sẽ như đã định.

- Đừng có nói là đừng lo, cô gái ấy nắm được cậu rồi.

- Mình quả quyết với cậu là vẫn nắm tình thế trong tay – tôi đáp – Thôi, nghỉ đi!

Tôi sửa lại cravat và đi ra phía cửa – Stratton vẫn còn băn khoăn.

- Này, Oliver, bảo này.

- Gì?

- Cậu có “đọc” nó chứ, phải không?

- Thôi biến đi Stratton.

*

Không phả tôi đưa Jenny đi dự một buổi hòa nhạc mà là tôi đến nghe nàng biểu diễn. Hội nhạc Bach trình diễn bài Concerto Brandenburg số 5 tại nhà hát Dunster House và Jenny chơi phần độc tấu pianọ Cố nhiên, tôi đã nghe nàng biểu diễn cùng một dàn nhạc trước công chúng. Có thể nói là tôi lấy làm tự hào theo sức đánh giá của tôi thì nàng chơi không phạm một lỗi nào.

- Anh không thể tưởng tượng em đàn tuyệt vời đến thế – tôi nói với nàng sau buổi biểu diễn.

- Điều đó chứng tỏ anh hiểu âm nhạc đến đâu.

- Anh cũng hiểu kha khá đấy.

Chúng tôi đang đứng trong sân nhà hát Dunster Housẹ Chiều hôm đó là một trong những buổi chiều tháng tư mà người ta có thể nghĩ rằng cuối cùng mùa xuân có thể tới được Cambridgẹ Tất cả các nhạc sĩ đồng nghiệp của Jenny đứng lảng vảng không xa (trong đó có Martin Davidson đang phóng về phía tôi những viên đạn hận thù vô hình), làm tôi không thể tranh luận về kỹ thuật đánh đàn với nàng.

Chúng tôi qua đường Memorial Drive để đi dọc bờ sông.

- Đừng ngốc nghếch, anh Barrett. Em chơi không tồi, nhưng cũng chẳng ghê gớm gì đâu. Không được là “vô địch Ivy” như anh đâu. Em chơi không đến nỗi tồi thế thôi.

Tranh cãi với nàng thế nào được khi mà nàng đã cố nhún mình.

- Thôi được, em chơi không tồi. Anh chỉ muốn nói với em là em chớ bỏ kẻo phí đấy.

- Ai bảo với anh là em bỏ? Em sẽ theo học Nadia Boulanger chứ.

Nàng nói gì thế nhỉ? Thấy nàng bỗng im bặt, tôi cảm thấy đây là một vấn đề nàng không định nói.

- Ai thế? – Tôi hỏi.

- Nadia Boulanger. Một giáo sư rất nổi tiếng. Tại Paris. Nàng lướt qua khá nhanh mấy từ đó.

- Tại Paris à? – Tôi hỏi lại khá chậm.

- Bà ấy nhận rất ít học sinh Mỹ. Em may đấy. Lại có một học bổng khá nữa chứ.

- Jenny … em đi Paris à?

- Em chưa đến châu Âu bao giờ. Em háo hức ghê lắm.

Tôi nắm lấy vai nàng, có lẽ hơi quá thô bạo tôi cũng không biết nữa.

- Này… em biết tin từ bao giờ?

Lần đầu tiên trong đời, Jenny không dám nhìn thẳng vào mặt tôi.

- Đừng ngốc anh. Đây là điều không thể tránh khỏi – nàng nói.

Cái gì không thể tránh khỏi.

- Chúng mình sẽ tốt nghiệp, rồi chúng mình sẽ đi mỗi người một đường. Anh thì vào trường luật…

- Gượm hẵng… em định nói gì?

Lần này nàng nhìn thẳng vào mặt tôi, và mặt nàng đượm một vẻ buồn khó tả.

- Ollie, anh là một sinh viên triệu phú, còn em về mặt xã hội, em là con số không.

Tôi vẫn nắm lấy vai nàng.

- Tại sao chuyện ấy lại đẩy chúng mình đi những con đường khác nhau? Chúng mình hiện nay đang sống với nhau và hạnh phúc cơ mà.

- Đừng ngốc anh – nàng nhắc lại – Harvard như túi quà của ông già Noel. Ta có thể nhét vào đấy tất cả những thứ đồ chơi gì ta thích. Nhưng Noel xong người ta dốc túi ra… (nàng ngập ngừng). Thế là ai ở đâu về đấy…

- Em định bảo em sẽ về làm bánh bích quy tại Cranston, bang Rhodes Island sao?

Thất vọng quá, tôi có thể bạ câu gì nói câu ấy.

- Làm bánh ngọt, - nàng chữa lại – và đừng có mà chế giễu bố em.

- Thế thì, Jenny, vô phép em, đừng có mà xa anh.

- Còn học bổng của em thì sao? Và còn Paris nữa, nơi em chưa bao giờ đặt chân tới?

- Còn đám cưới chúng mình?

Chính tôi đã nói ra câu đó. Trong một phần giây đồng hồ, tôi không hoàn toàn tin chắc chính mình đã nói.

- Ai nói đến cưới xin đây nhỉ?

- Anh. Bây giờ anh nói đến chuyện ấy đấy.

- Anh định lấy em ư?

- Ừ.

Nàng không mỉm cười, chỉ nghẹo đầu sang một bên và hỏi:

- Vì lẽ gì?

Tôi nhìn thẳng vào mặt nàng.

- Chẳng vì lẽ gì cả.

- A! Đó là một lý do rất tốt – nàng nói.

Nàng cầm lấy cánh tay tôi (lần này không phải tay áo) và chúng tôi bước đi men theo bờ nước. Không còn gì để nói với nhau nữa, thực vậy.