Từ năm 1978, sau chiến dịch cải tạo, lập tức TP.HCM thiếu gạo – điều chưa từng có trong lịch sử miền Nam. “Hòn ngọc Viễn Đông” phải ăn độn bo bo là điều không thể tưởng tượng nổi.
Ý tưởng “xé rào”
Những người chịu trách nhiệm ở TP.HCM lúc đó đứng trước một bài toán nan giải: phải chấp hành chủ trương của Trung ương là tiến hành cải tạo, xóa bỏ thị trường tự do, nắm trọn khâu bán buôn. Nhưng lương thực không có vì không huy động được.
Chuyện thu mua lương thực của các tỉnh đồng bằng là chuyện của trung ương, không phải việc của thành phố. Thành phố không được phép trực tiếp mua gạo ở các tỉnh. Mà nếu có được mua thì với giá “mua như giựt” cũng không thể nào mua được.
Chưa bao giờ người dân thành phố không có gạo để ăn. Bây giờ sau giải phóng lại không đủ gạo ăn, thay vào đó là khoai mì, khoai lang thậm chí hạt bo bo.
Từng đổ xương máu cho cuộc kháng chiến và sau đó lãnh đạo thành phố, Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt có lẽ là người nhức nhối nhất, vì cũng là người chịu trách nhiệm cao nhất trước Đảng, trước dân thành phố.
Ông đã tuyên bố trước lãnh đạo các ban ngành thành phố: “Không thể để một người dân nào của thành phố chết đói”. Nhưng làm thế nào để dân không đói? Gạo không được cung cấp. Tiền thì không có. Nếu có cũng không được phép đi mua. Mua được thì phải bán theo giá cung cấp do Nhà nước quy định. Thế thì càng chết. Nếu dân không chết thì ngân sách chết vì thiếu hụt. Người đi thu mua cũng chết vì vi phạm quy chế. Biết làm sao đây?
Cả tập thể thành ủy và những bộ phận có liên quan, trước hết là cơ quan lương thực, cùng trăn trở. Bà Ba Thi, giám đốc Công ty Lương thực thành phố, vốn là người năng nổ, xông xáo và có gan tìm ra những giải pháp đột phá, như một bản năng của bà từ thời hoạt động chống Mỹ. Từng lăn lộn khắp đồng bằng sông Cửu Long, bà biết rất rõ thị trường gạo ở đây.
Vấn đề không phải là thiếu, mà là không mua được. Vậy phải tìm cách nào để mua? Bà đề xuất với Bí thư Thành ủy: “Đi về đồng bằng sông Cửu Long tổ chức thu mua gạo trên thị trường, đem về phục vụ đồng bào thành phố”. Ý kiến này cũng đã xuất hiện trong đầu của nhiều cán bộ có trách nhiệm lúc đó. Ý hợp tâm đầu, từ những ý tưởng đột phá cá nhân đã hình thành ý kiến của tập thể.
Vào những năm cuối thập kỷ 1970, đầu thập kỷ 1980, khi “thị trường” còn là điều cấm kỵ, nền kinh tế bị trói chết trong cơ chế “tập trung” và chế độ bao cấp hoang phí, là Ủy viên dự khuyết của Bộ Chính trị, đứng đầu cơ quan lãnh đạo của Đảng ở TP. HCM, ông Võ Văn Kiệt đã đến từng nhà máy loay hoay tiến hành những cuộc thể nghiệm cục bộ không có tiền lệ và ngoài vòng pháp luật hiện hành.
Ông trò chuyện với công nhân và đứng sau lưng các giám đốc dám đánh đổi tất cả để sản xuất bung ra. Lúc đó, người ta nói rằng: nhân dân Sài Gòn vốn có nhiều kinh nghiệm trong kinh tế thị trường đã cứu lấy đảng bộ của mình. Nhưng không thể không thừa nhận sự bứt phá của cá nhân ông Kiệt trong suy nghĩ và hành động nhằm vượt qua thực trạng kinh tế tiêu điều lúc ấy.
Huỳnh Sơn Phước
Trích từ sách “Ấn tượng Võ Văn Kiệt”
Do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long và NXB Trẻ xuất bản năm 2002
Anh chị đi tù, tôi sẽ mang cơm nuôi
Ông Lữ Minh Châu, lúc đó là giám đốc Ngân hàng Nhà nước ở TP.HCM, còn nhớ một bữa ăn sáng được mời rất bất ngờ. Ông Châu kể: anh Sáu Dân (tức Võ Văn Kiệt, bí thư thành ủy) gọi điện rủ tới nhà ăn sáng.
Tôi hỏi có chuyện chi để tôi chuẩn bị. Anh nói “lên đây sẽ biết”. Tới nơi tôi mới biết anh cũng đã gọi một số người khác. Trong đó có anh Năm Ẩn - giám đốc Sở Tài chính, anh Năm Nam - chánh văn phòng Thành ủy và chị Ba Thi.
Ăn sáng xong, anh Sáu Dân nói: “Hiện nay, dự trữ gạo của thành phố chỉ còn có vài ngày. Mình không thể để cho dân thiếu gạo được. Nhưng việc này với cơ chế hiện nay, không phải dễ giải quyết. Bộ Lương thực có trách nhiệm cung cấp gạo cho thành phố nhưng chưa bao giờ cung cấp đủ và kịp thời. Sở Lương thực thì không được phép mua với giá thỏa thuận. Dân đồng bằng sông Cửu Long có gạo nhưng không chịu bán nghĩa vụ cho Nhà nước vì họ bị thiệt. Trong khi đó dân thành phố có tiền và sẵn sàng mua với giá thỏa thuận thì lại không được xuống mua và đưa ra khỏi tỉnh. Tại sao chúng ta không ráp hai mối này lại? Đó là vấn đề mà tôi mời các anh chị đến để hiến kế giải quyết”.
Ông Châu trầm ngâm nhớ lại: “Đúng là rất khó khăn. Ngoài các vướng mắc mà anh Sáu Dân nêu ra, cơ chế của từng ngành cũng có đủ thứ bó buộc. Chị Ba Thi phải lấy danh nghĩa “cá nhân” chứ không thể lấy danh nghĩa Sở Lương thực để mua gạo theo giá thỏa thuận. Nhưng cá nhân thì tài chính không thể ứng vốn, ngân hàng cũng không thể cho vay hoặc chi tiền mặt. Việc xin mua ở tỉnh và việc vận chuyển về thành phố cũng không phải dễ dàng.
Bàn tới bàn lui rồi cũng có lối ra, chúng tôi nghĩ: vướng do cơ chế thì chỉ còn cách “xé rào”. “Xé rào” không phải khó. Nếu anh Sáu đồng tình với việc làm tuy gọi là “xé rào” nhưng có lợi và hợp tình, hợp lý thì chúng tôi làm được ngay: tài chính xuất tiền vốn chi cho chị Ba Thi mua gạo, ngân hàng xuất tiền mặt theo lệnh chi của tài chính và cho giấy đi tỉnh.
Chị Ba Thi liên hệ với địa phương để mua gạo và xin phép chở về thành phố tổ chức bán thu tiền về và quay vòng tiếp theo. Để đảm bảo an toàn cho việc “xé rào” thì tài chính phải cử cán bộ đi cùng làm kế toán, ngân hàng cử cán bộ giữ và chi tiền mặt, còn chị Ba Thi phụ trách chung, gọi là tổ trưởng “Tổ thu mua lúa gạo” (có người gọi đùa là tổ buôn lậu gạo).
Ông Sáu Dân đồng tình với phương án này và chịu trách nhiệm về chủ trương để các ngành làm. Bà Ba Thi nói: “Làm cách này thì chúng tôi làm được, nhưng nếu Trung ương biết là đi tù đó”. Ông Sáu Dân vừa nói vừa cười: “Nếu do việc này mà anh chị đi tù thì tôi sẽ mang cơm nuôi”. Một câu tuyên bố như một lời thề mà nhiều người đến nay vẫn thường hay nhắc lại.
Phá cơ chế giá lỗi thời
Chuyện mua lúa giá thị trường tưởng đơn giản nhưng là việc tày đình. Giám đốc Công ty Lương thực thành phố dám đánh cả đoàn xe xuống đồng bằng sông Cửu Long mua lúa giá 2,5 đồng/kg (tương đương 5 đồng/kg gạo). Gạo chở về Sài Gòn bán theo giá kinh doanh (giá mua thực tế + chi phí xay xát + chi phí vận tải + thặng số thương nghiệp).
Trong khi giá lúa do Ủy ban Vật giá quy định, Bộ Chính trị duyệt và Thủ tướng ký là 0,52 đồng/kg. Bà Ba Thi mua cao hơn năm lần quả là chuyện động trời. Nhưng lý do của bà khó ai có thể kết tội: phải lo cho cái bao tử của 3 triệu người dân thành phố. Đúng là bà dám vượt đèn đỏ, nhưng là ngồi trên xe cứu thương và cứu hỏa vượt công khai, chính đáng.
Cái mốc “phá giá” này đã đẩy giá lúa khắp đồng bằng Nam bộ lên 2,5 đồng/kg. Giá chỉ đạo 0,52 đồng/kg bị vô hiệu hóa. Không bao lâu sau, mức phá giá đó lan ra cả nước. Không lùi được nữa.
Sự đột phá của Công ty Lương thực thành phố không chỉ cứu cái bao tử người dân thành phố mà còn cứu nông dân cả nước khỏi cơ chế giá nghĩa vụ quá ư lỗi thời.
ĐẶNG PHONG (chuyên gia sử kinh tế Việt Nam)