Chùm Nho Phẫn Nộ

Chương 12

Đường cao tốc 66 là con đường cái chính của những cuộc di tản. Đường 66... dải băng dài bằng xi măng chạy ngang qua khắp xứ, lượn sóng nhẹ nhàng trên bản đồ, từ Missisipi tới Backensfleli... qua những vùng đất đỏ và đất xám, chạy ngoằn ngoèo chênh vênh trên các triền núi, chạy ngang qua tuyến phân chia các nguồn nước, đổ xuống sa mạc khủng khiếp và sáng lóa rồi từ đó lại chui ra để leo trên các dãy núi trùng điệp trước khi đi vào các thung lũng giàu có của xứ California.

Con đường 66 là con đường của những người di tản, của những kẻ đi tránh cát và các mảnh đất eo hẹp, tránh tiếng ầm ầm sấm sét của máy cày, các đất ruộng bị cắt xén, sự xâm lăng từ từ của sa mạc về phía bắc, những trận gió bão gào rú qua vùng Texas, những trận lụt đã không hề khiến đất tốt lên mà còn hủy diệt chất màu mỡ ít ỏi lẽ ra còn tìm thấy ở đấy. Chính tất cả điều đó khiến thiên hạ phải bỏ trốn. Và qua những đường nhánh gần bên, qua những con đường hằn vết xe bò cùng những con đường liên xã, họ đổ ra quốc lộ 66. Quốc lộ 66 là con đường chính, con đường của sự trốn tránh.

Trên đường 66: Clazloville, Ozark, Van Buren và Fort Smith, thế là tận cùng của bang Arkansa. Rồi tất cả những con đường dẫn tới Oklahoma City. Quốc lộ 66 từ Tulsa đi xuống, đường 270 ngược lên Mac - Alester. Đường 81, từ Wiclita Facls xuống phía nam, từ Emid lên phía bắc đến Edmon Mac-Loud, Purcell. Quốc lộ 66 ra khỏi Oklahoma City. El Reno và Clinton trên 66, hướng về phía Tây, Hyđro, Em - City và Texola - thế là tận cùng Oklahoma. Đường 66 đi qua vùng Cán Xoong của Texas, qua Shamrock, Mac Lean Conwan và Amarillo màu vàng, Wildorali Vaga và Boise, thế là hết bang Texas. Tucumcari, Santa Rosa, rồi đi tới các vùng núi của New Mexico tới Albuquerque ở đó có con đường từ Santa - Fe đổ xuống. Rồi đi xuống Rio Grande tận tới Los Lunas và một lần nữa hướng về phía Tây trên Quốc lộ 66 tận tới Gallup. Và đây là biên giới của New Mexico.

Và bây giờ là các vùng núi cao, Holbrook, Winslon và Flagstaf dưới những đỉnh chọc trời của Arizona. Tới cao nguyên lớn nhấp nhô như một làn sóng ngầm đáy biển. Ashfork và Kinglnan và một lần nữa, những vùng núi đá ở đó người ta phải chở nước đem bán. Ra khỏi những dãy núi bị thiêu đốt dữ dội, bị gặm nhấm bởi mặt trời xứ Arizona, tới sông Colorado đôi bờ xanh um lau sậy. Thế là hết bang Arizona. Bang Califonia ở ngay bên kia sông, bắt đầu với một thành phố nhỏ xinh xắn, thành phố Needle nằm trên sông. Nhưng ở đây, con sông cảm thấy như lạc lõng. Từ Needle, người ta leo lên một dãy núi đá vôi, phía trên kia là sa mạc; và quốc lộ 66 chạy qua sa mạc khủng khiếp, con đường dài xa tít tắp, chói chang ánh mặt trời, hai bên sừng sững những ngọn núi âm u ám ảnh đến nhức nhối.

Cuối cùng đã tới Barston, vẫn còn mênh mông sa mạc, sa mạc mãi cho tới lúc gặp những dãy núi hiền lành, cao dần lên với con đường 66 chạy ngoằn ngoèo ở giữa. Rồi bỗng nhiên, đến một cái đèo và ở phía dưới, một thung lũng tươi đẹp xanh um những vườn cây ăn quả, những vườn nho với những ngôi nhà bé nhỏ xinh xắn và một thành phố ở phía xa xa. Ôi! Lạy Chúa, cuối cùng thế là - đã tới nơi.

Dòng suối người tị nạn chảy dài trên - đường 66, khi thì họ đi trên những chiếc xe riêng lẻ, đôi khi hợp thành những đoàn nhỏ. Suốt cả ngày, họ chậm rãi tiến lên trên con đường cái và ban đêm họ dừng lại cạnh chỗ có nước. Ban ngày, những cột hơi phọt ra từ những máy tản nhiệt bị thủng, những cần nối lỏng đinh ốc kêu cót két, vì xe tải nặng lặc lè. Các người lái xe cam-nhông nơm nớp lắng nghe. Các thành phố cách nhau bao xa? Nỗi kinh hoàng bao trùm giữa hai thành phố. Ngộ nhỡ đánh gãy một cái gì đó... đúng thế... ngộ nhỡ một cái gì đó bị gẫy, thì thôi, đã tới đâu đành phải cắm lại đó, để thằng Jim cuốc bộ đem về, và, xem nào, thức ăn dự trữ còn bao nhiêu?

Hãy nghe động cơ xem, hãy nghe bánh xe chạy. Hãy nghe với hai lỗ tai của anh, với hai bàn tay của anh trên tay lái. Hãy nghe với lòng bàn tay của anh trên cần gạt tốc độ, hãy nghe với đôi bàn chân của anh trên bàn đạp. Hãy căng tất cả các giác quan của anh ra mà nghe cái xe cà tàng già nua hen suyễn, bởi vì một thay đổi tiếng động, một biến đổi nhịp điệu có thể có nghĩa là... một tuần chết máy tại đây? Tiếng lách cách này... đây là mấy cái nắp... Đừng có gõ làm gì. Những cái nắp chúng có thể lách cách cho tới ngày Chúa Jesus sống lại, mà chả can hại gì. Nhưng cái tiếng thịch thịch khi xe chạy... không nghe được người nói như ai nói, chỉ ngửi thấy thôi. Chắc có lẽ một cuxinê bị long. Nếu đó là một ổ bi bị vỡ, thì sẽ biết làm ăn thế nào đây? Tiền nong biến nhanh quá.

Mà cái con đĩ này nữa, có gì mà hôm nay nó nóng rực lên thế? Chưa lên dốc... Phải xem sao... Trời ơi là trời. Dây curoa cánh quạt bị tuột mất rồi! Nào lấy các mẩu dây thừng này làm cho tao một cái dây curoa. Thử xem dài bao nhiêu... được rồi. Để tao nối lại hai đầu. Giờ thì đi từ từ... hết sức từ từ chờ tới khi có thể bò được tới một thành phố. Dây thừng này chả bền đâu.

Giá như có thể tới được California, tới xứ sở của cam 1 trước khi cái đinh ốc cũ này tung ra. Giá có thể thế... !

Còn mấy cái lốp nữa... Hai lượt vải đắp đã đi tong. Mà chỉ có bốn lượt vải đắp. Còn có thể kéo được khoảng một trăm dặm nữa, nếu không vấp phải đá, bị nổ. Chọn cách nào nhỉ... một trăm dặm... có lẽ thế. Hãy cứ liều, mặc cho xăm muốn hỏng thì hỏng. Thế nào? Một trăm dặm. Đó là chuyện đáng phải suy nghĩ. Đang còn mấy cái xăm, thôi, nó có bục cũng đành vậy. Hay là lót lớp chắn đinh chọc thủng? Có lẽ làm thế, sẽ đi thêm được năm trăm dặm. Thôi cứ đi, lúc nào nổ hẵng hay.

Chúng ta cần một chiếc lốp. Ấy thế mà, lạy Chúa, một cái lốp tã mà họ đòi giá cắt cổ. Chúng bắt thóp được anh ngay lập tức. Chúng thấy anh không thể chờ được, sống chết gì anh cũng phải đi tiếp Thế là giá tăng vọt.

Vậy ông lấy hay thôi quách. Đâu có phải để cho khỏe người mà tôi chui đầu vào chuyện buôn bán. Nghề của tôi là bán săm lốp, chứ đâu biếu không. Đâu lỗi tại tôi nếu ông gặp chuyện này chuyện nọ. Tôi phải nghĩ đến phận tôi chứ?

Thành phố gần nhất cách đây bao xa?

Hôm qua tôi thấy có bốn mươi hai chiếc xe đi qua, loại xe như của ông. Bốn mươi hai chiếc lèn chặt. Thế các ông từ đâu đến? Các ông đi đâu?

Ồ! California, một bang lớn lắm.

Không lớn đến mức ấy đâu. Cả cái nước Hợp chủng quốc này cũng chẳng lớn đến thế. Không lớn lắm đâu. Không có đủ chỗ cho ông, cho tôi, cho hạng người như các ông và hạng người như tôi, cho những người già và những kẻ nghèo sống chung trong cùng một xứ, ông ạ! Cho bọn kẻ cắp và người lương thiện. Cho kẻ đói ăn và cho người ăn nó béo phị. Cớ sao ông không quay trở về nơi ông đã ra đi?

Dẫu sao đây cũng là một đất nước tự do. Có thể muốn đi đâu cứ việc đi.

A! Ông tưởng thế! Ông không bao giờ nghe nói đến bọn thanh tra ở biên giới California hay sao? Cảnh sát Los Angeles. Chúng ách ông lại, mẹ kiếp! Bắt ông đằng sau quay. Chúng nói, nếu ông không có tiền mua ruộng đất thì ai cần đến ông? Có bằng lái không? Đưa xem? Thế rồi "roạt! " Bằng lái bị chúng xé tan. Không có bằng lái xe, ông không quá cảnh được, chúng nói thế đấy.

Đây là một đất nước tự do.

Vậy thì, cứ cố tìm kiếm đi, cố tìm kiếm chút tự do xem. Như ông kia nói, tự do của anh phụ thuộc vào tiền thuế anh đóng.

Ở California, công xá cao lắm. Đây tôi có tờ quảng cáo nói rõ chuyện đó.

Láo toét! Tôi thấy ối người trở về. Có kẻ nào đó đã lừa ông. Thế nào, ông có lấy chiếc lốp này hay không?

Phải lấy thôi, nhưng, trời ơi, ông ơi, nó khoét một lỗ ghê gớm vào túi tiền chúng tôi. Chúng tôi chả còn bao nhiêu.

Thôi, tôi ở đây không phải để làm việc từ thiện. Nào, mang đi.

Tôi biết trước rồi. phải đến cái nước này mà. Cho xem qua một tí. Vạch ra cho tôi xem cái lốp... đồ khốn kiếp; anh đã nói lốp còn tốt. Gần thủng rồi còn gì.

Bậy nào! Coi xem... ồ. lại thế này nữa! Sao tôi không trông thấy nhỉ?

Anh trông thấy sờ sờ ra đấy chứ, đồ thối nát! Muốn bắt bọn tôi phải trả bốn đô để lấy chiếc lốp thủng. Suýt nữa thì tôi tống cho anh một quả đấm vỡ mặt.

Nào... ông đừng nóng. Tôi đã nói rồi, tôi không trông thấy. Thế này.. ta sẽ tính thế này. Tôi để lại chiếc lốp này cho ông lấy ba đô la rưỡi.

Đừng có hòng mà với mặt trăng. Bọn ta cố gắng tới thành phố gần đây. Ông tin là chiếc lốp này có thể chạy được tới đấy sao?

Phải chạy thôi...Chẳng thà chạy trên vành không còn hơn ném mười xu cho cái thằng chó đẻ.

Cớ sao anh lại để cho một thằng nhãi nhép xen vào công việc này? Như nó nói, nó làm chả phải thích thú gì. Việc buôn bán làm ăn là thế đó. Anh tưởng tượng nó là thế nào. Còn phải... Mà này, anh có thấy những quảng cáo kia, bên bờ tường kia kìa. Câu lạc bộ Dịch vụ. Ăn trưa, thứ ba. Khách sạn Colmado! Hoan nghênh người anh em. Đây là một Câu lạc bộ Dịch vụ. Tôi nhớ lại một câu chuyện một thằng cha đã kể: Hắn đi dự một buổi họp của họ, và hắn đã kể cho tất cả bọn người làm ăn buôn bán đó nghe. Hắn nói: "Khi tôi còn là thằng nhóc con, bố tôi giao cho tôi giết con bò cái tơ đi chịu đực, tôi làm đúng như vậy, và từ hồi đó trở đi, mỗi lần tôi nghe một tay buôn bán nói đến "dịch vụ" bao giờ tôi cũng tự hỏi ai là kẻ bị bóp nặn. Đã buôn bán thì bao giờ cũng phải ăn gian nói dối, nhưng người ta gọi khác đi. Chỉ cái đó mới đáng kể. Nếu anh xoáy cái lốp này, người ta sẽ cho anh là trộm cắp, nhưng nếu hắn ta cứ thử bán cho anh một cái lốp thủng lấy bốn đô la, thì đấy là người ta gọi thế là trúng, là biết làm ăn.

Danny ở đằng sau đòi uống nước.

Nó phải đợi đã. Đây không có nước.

Nghe xem... có tiếng gì ở phía sau. đúng không?

Tao không thể biết được.

Thùng xe đánh thông điệp đây. Thôi đúng rồi, một chỗ nối đã bị đứt rồi.

Cứ phải đi. Nghe xem có phải nó đang kêu rít lên không? Nếu tao tìm được cái xó nào đó để cắm lại thì tao tháo mẹ chiếc quilat ra coi. Ôi trời ơi! thực phẩm đã bắt đầu hao hụt mà tiền cũng hao lụt. Khi nào không có gì để mua xăng nữa thì sẽ ra sao đây, hở Trời?

Danny ngồi phía sau đòi nước. Thằng bé ấy nó khát.

Nghe hộ tao cái chỗ nệm ấy, có phải nó đang rít không?

Con c...! Thế là xong! Nổ rồi, xăm nổ tất. Phải vá lại Giữ lấy chiếc lốp cắt làm mấy miếng lót chống đinh. Cắt lốp ra, luồn lót vào chỗ nào dễ bị.

Xe đậu bên vệ đường, mô tô nằm phơi bụng, lốp xe phải vá chữa.

Những chiếc xe ca ì ạch trên dọc quốc lộ 66, như những con vật tội nghiệp, bị thương, khập khiễng, hổn hển. Máy nóng rừng rực, các gioăng long ra, ốc bị giơ, thùng xe lúc la lúc lắc.

Danny muốn một cốc nước.

Những người tị nạn trên đường quốc lộ 66. Và con đường xi măng lấp lánh dưới mặt trời như một cái gương và xa xa nom như có những vũng nước đọng trên đường... những ảo ảnh do khí nóng tạo nên.

Danny muốn uống nước.

Tội nghiệp thằng bé, nó phải đợi thôi. Nó nóng quá. Tới trạm xăng gần nhất. Hay như gã kia nói, trạm dịch vụ.

Hai trăm năm mươi ngàn con người tràn đường cái, năm mươi ngàn xe hơi cũ.. bị thương, bốc hơi. Những xác xe hơi lăn lóc dọc đường. Này, họ gặp phải chuyện gì nhỉ? Những người ngồi trong xe kia gặp chuyện gì. Họ đi bộ hay sao? Họ đang ở đâu? Do đâu mà họ bạo gan đến thế? Do dâu mà họ lại có sự tin tưởng khủng khiếp đó vậy?

Và đây nữa, một câu chuyện khó mà tin được, ấy thế mà có thật. Câu chuyện ngộ nghĩnh nhưng rất cao đẹp. Có một gia đình mười hai người bị đuổi ra khỏi nhà. Họ không có ô tô. Họ bèn lấy các tấm sắt cũ làm một chiếc xe lăn và có của nả gì cứ việc chất hết lên đó. Họ đẩy nó ra bên lề đường 66 rồi chờ đợi. Và chẳng mấy chốc. Một chiếc xe hòm đi qua, người chủ xe tình cờ làm quen với họ và móc nhà lăn kéo đi. Năm người trong bọn họ ngồi lên ô tô. Bảy người kia ngồi trên nhà lăn. Với cả một con chó nữa. Nhoáng một cái họ đã tới được California. Người chủ xe cho họ đi nhờ lại cho họ ăn uống suốt dọc dường. Đó là một câu chuyện có thật. Nhưng làm sao người ta lại gan đến thế, có một niềm tin đến thế vào đồng loại của mình nhỉ? Những điều dạy cho người ta một niềm tin như vậy nào có nhiều gì cho cam.

Các người tị nạn trốn tránh nỗi kinh sợ mà họ để lại phía sau họ. Họ đã trải qua bao nhiêu chuyện lạ lùng, bao nhiêu chuyện đắng cay khốc liệt với bao nhiêu chuyện cao đẹp đến nỗi niềm tin luôn luôn được thổi bùng lên, nhen lên mãi mãi.

Chú thích

1 Quận Cam (Orange Couty, in Califormia).