CHÂN TRẦN, CHÍ THÉP

NIỀM HY VỌNG DÀI LÂU

Docsach24.com

ếu có thể rút được một bài học từ cuộc chiến Việt Nam, có lẽ đó là: không ai chiến thắng trong chiến tranh. Đối với người lính trên chiến trường, đối với người dân bị cuốn vào cuộc chiến, đối với người thân mòn mỏi chờ ngày trở về của con em, chiến tranh đều gieo đau thương tang tóc. Niềm đau, nỗi thống khổ, những chịu đựng ám ảnh tất cả. Với hầu hết những người liên quan, cuộc chiến là một cơn ác mộng rốt cuộc đã chấm dứt.

Đối với những người mất đi người thân, đối với những người vĩnh viễn tàn phế, đối với những người ủng hộ chính quyền Sài Gòn và sau đó phải đi cải tạo dài ngày, mọi sự đã rõ ràng. Đối với họ, món nợ đã được trả - mà cái giá của nó thì họ đã hiểu rõ. Nhưng đối với một số người khác, mọi việc vẫn chưa có gì rõ ràng – và như một hệ quả, họ tiếp tục phải chịu đựng. Đối với họ, mỗi ngày qua đi mà vẫn chưa biết về tung tích của người thân thì cuộc chiến tranh ở Việt Nam vẫn còn nguyên nỗi ám ảnh.

Thật khó mà đo được nỗi đau của những gia đình có người thân mất tích trên chiến trường. Dù cuối cùng cuộc chiến đã cướp đi của tôi một người anh trai, nhưng tôi vẫn được an ủi phần nào khi biết được anh ấy chết vào lúc nào và ở đâu. Những gia đình có con em mất tích phải chung sống với nỗi đau dai dẳng khi không biết được người thân đã ngã xuống chiến trường trong hoàn cảnh nào hoặc không tìm được hài cốt của họ.

Đi dọc Việt Nam và nói chuyện với hàng trăm cựu chiến binh, tôi thấy họ luôn sẵn sàng góp phần giải quyết số trường hợp mất tích còn lại với hy vọng sẽ giúp xoa dịu nỗi đau của những gia đình có con em mất tích. Sự sẵn sàng của họ là rất chân thực. Họ, và chính phủ của họ, nhận thấy rằng sẽ không đạt được điều gì – và có thể sẽ mất rất nhiều – nếu thiếu hợp tác. Lá thư đề ngày 13 tháng 11 năm 1995 do Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Walter B. Slocombe gửi tới Thượng nghị sĩ Strom Thurmond, được viết sau khi ông Slocombe rà soát lại các trường hợp mất tích, đã công nhận sự hợp tác của chính quyền Hà Nội: “Cuộc rà soát toàn diện không phát hiện bằng chứng nào cho thấy Việt Nam cố ý giấu thông tin về bất cứ trường hợp nào”.

Để thảo luận sâu hơn về vấn đề quân nhân mất tích, đòi hỏi chúng ta phải hiểu nhiều thuật ngữ được áp dụng đối với các trường hợp quân nhân không thể trở về từ cuộc chiến và những vấn đề pháp lý liên quan tới mỗi trường hợp.

Những quân nhân vắng mặt trong khu vực chiến sự rơi vào một trong ba trường hợp. Nếu xác định đã bị bắt, anh ta sẽ được liệt vào danh sách tù binh chiến tranh (prisoner-of-war – POW); nếu xác định bị giết khi đang làm nhiệm vụ (killed-in-action – KIA) nhưng không tìm thấy thi thể (body not recovered – BNR), anh ta sẽ được liệt vào danh sách KIA/BNR; và nếu không thể biết anh ta đã bị bắt hoặc bị giết, trường hợp này sẽ nằm trong danh sách mất tích khi đang làm nhiệm vụ (missing-in-action – MIA). Thông thường, để cho tiện, người ta sử dụng cụm từ “không xác định được” (unaccounted for) cho cả ba trường hợp nói trên.

Tình trạng “không xác định được” của một quân nhân sẽ được chuyển thành “xác định được” một khi có ba trường hợp sau xảy ra: (1) anh ta sống sót trở về; (2) xác định được thi thể của anh ta; (3) thu thập đủ chứng cứ để xác định rằng không thể xảy ra hai trường hợp trên.

Sự sắp xếp POW, KIA/BNR và MIA có tầm quan trọng không chỉ ở khía cạnh phân loại các quân nhân “không xác định được” vào những nhóm chính xác. Tầm quan trọng của nó còn nằm ở khía cạnh pháp lý cũng như những phúc lợi đi kèm có được tiếp tục hay chấm dứt tùy theo tình trạng cụ thể của một cá nhân. Chẳng hạn, các khoản chi trả và phúc lợi sẽ tiếp tục được áp dụng đối với các trường hợp POW và MIA, còn KIA/BNR thì không. Tương tự, rất nhiều vấn đề pháp lý nảy sinh liên quan tới người phối ngẫu của quân nhân “không xác định được”. Người phối ngẫu của một quân nhân thuộc dạng POW hoặc MIA không thể đứng tên chuyển nhượng những tài sản sở hữu chung với chồng/vợ - trong trường hợp này là quân nhân vẫn còn ở trong tình trạng “không xác định được” – bởi có thể xảy ra khả năng là người kia còn sống, cần phải có chữ ký của anh ta/cô ta mới thực hiện được việc chuyển nhượng. Trong khi đó, người phối ngẫu của một trường hợp KIA/BNR có thể đứng tên chuyển nhượng vì có chứng cứ khẳng định cái chết của quân nhân.

Luật pháp Mỹ yêu cầu mỗi năm phải có sự rà soát lại tình hình MIA để xem từng trường hợp cụ thể, qua đó giúp quyết định giữ nguyên tình trạng mất tích hay xác định tình trạng chết của một quân nhân. Đối với một số người phối ngẫu, những cơn ác mộng đó kéo dài nhiều năm trời sau khi chiến tranh qua đi.

Vào lúc chiến tranh kết thúc, một nửa số quân nhân thuộc nhóm “không xác định được” thực ra đã chết. Phần lớn các trường hợp mất thi thể là hậu quả trực tiếp của các hoạt động thù địch vào thời đó. Tuy nhiên, có một số trường hợp lạ lùng là thi thể của quân nhân Mỹ đã nằm trong sự kiểm soát của người Mỹ và sau đó mới “bị mất”.

Sau đây là một ví dụ về trường hợp trước – có nghĩa là các hoạt động thù địch khiến không thể quy tập hài cốt được – liên quan tới một vụ rơi máy bay trên lãnh thổ quân địch. Chiếc máy bay ấy khi thực hiện bổ nhào, cùng với nhiều chiếc khác, đã đâm thẳng xuống đất. Phi công ở những máy bay kia không hề thấy chiếc dù nào được bung ra. Vì thế, tình trạng của phi công nọ được ghi là KIA/BNR.

Còn đây là một ví dụ về trường hợp sau – có nghĩa là chính phủ Mỹ mất sự kiểm soát đối với hài cốt mà lúc đầu họ cất giữ - liên quan tới sự kiện một chiếc trực thăng sa vào vùng hỏa kích của kẻ thù khi đang đáp xuống để vận chuyển người chết và bị thương. Thi thể một người lính đã được chuyển lên máy bay. Khi máy bay vội vã rời nơi đáp và bay qua khu vực có quân thù, thi thể nọ tuột khỏi máy bay và rơi xuống đất. Do súng địch bắn rất rát nên người ta không thể xuống để quy tập thi thể đó được.

Còn một ví dụ nữa về tình huống sau, liên quan tới một sự cố khá lạ sau khi xác một người lính được đưa tới nơi quy tập ở căn cứ không quân Tân Sơn Nhất tại Sài Gòn. Do nhà xác đã chật chỗ, thi thể nọ được đặt tạm trong bưu điện của căn cứ. Sau đó, nhân viên nhà xác tới bưu điện để nhận xác người chết thì phát hiện nó đã biến mất. Tới ngày hôm nay, người ta vẫn không có thông tin về hài cốt quân nhân này.

Ngoại trừ một số ít trường hợp, còn lại thì tất cả những quân nhân “không xác định được” vào thời điểm kết thúc chiến tranh đều được xếp vào loại MIA. Chỉ có chừng hơn ba chục người vào thời điểm đó không được coi là KIA/BNR hay MIA mà là POW.

°°°

Một cựu quan chức Lục quân Mỹ phụ trách tìm kiếm MIA chia sẻ một câu chuyện cho thấy thiện chí hợp tác của Hà Nội trong việc giải quyết các trường hợp MIA/POW còn lại cũng như tinh thần sẵn sàng theo đuổi vai trò dẫn dắt mới.

Quan chức này cho biết vào năm 1994, Nhóm tìm kiếm MIA nhận được tin báo rằng có người trông thấy một tù binh Mỹ tại một ngôi làng xa xôi. Tin báo cho biết tù binh này là một “người Mỹ da sậm bị xích” và bị một nhóm cầm súng áp giải.

Theo các điều khoản trong thỏa thuận giữa Mỹ và Việt Nam về vấn đề tìm kiếm MIA, để kiểm tra khu vực trên, người Mỹ phải báo cáo với quan chức Việt Nam trước và phía Hà Nội phải phúc đáp kịp thời trước đề nghị đó. Nhóm tìm kiếm MIA liền thông báo cho chính quyền và phía Hà Nội đã ngay lập tức cho phép thanh sát khu vực hẻo lánh được cho là có việc cầm giữ tù binh. Chỉ chưa đầy hai mươi bốn tiếng đồng hồ, Nhóm tìm kiếm MIA đã dùng trực thăng bay tới ngôi làng.

Phản ứng nhanh chóng của hai phía đã tạo điều kiện cho Nhóm tìm kiếm MIA làm sáng tỏ vấn đề. Như tin báo, một người đàn ông da sậm cùng dây xích đã được tìm thấy – nhưng anh ta không phải tù binh Mỹ. Anh này là một người dân miền núi làm nghề gỗ - lúc ấy anh ta đang quấn dây xích dùng để buộc gỗ quanh người. Những người cầm súng đứng đó không phải để canh giữ anh ta; họ ở đấy để bảo vệ thợ xẻ khỏi bị bọn cướp đột nhập từ bên Campuchia sang tấn công.

Tin báo không đúng sự thật, nhưng nó cho thấy Hà Nội phản ứng rất nhanh trong việc giúp người Mỹ thẩm định tính xác thực của thông tin. Những tin báo kiểu này cũng cho thấy cơ sở để những tin đồn về tù binh Mỹ còn bị cầm giữ tồn tại. Một hệ quả không may của những tin đồn ấy là việc các gia đình có quân nhân “không xác định được” tiếp tục nuôi dưỡng hy vọng rằng người thân yêu của mình có thể còn sống – để rồi sau cùng hy vọng sụp đổ.

Trong hai thập niên, việc không thể làm sáng tỏ hơn hai ngàn trường hợp mất tích của quân nhân Mỹ đã trở thành vật cản trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Washington và Hà Nội. Nhưng việc Việt Nam tăng cường hợp tác đã dẫn tới quyết định của Tổng thống Clinton vào tháng 7 năm 1997 về tái lập quan hệ ngoại giao đầy đủ. (Trước động thái thiết lập ngoại giao này, Tổng thống Clinton, trong bước đi đầu tiên của mình, đã dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Việt Nam. Ông đã hỏi ý kiến của cha tôi, với tư cách là một tư lệnh thời chiến tranh Việt Nam, liệu cha tôi có ủng hộ hành động đó không. Cha tôi đã ủng hộ và vận động Tướng William Westmoreland cùng đưa ra thông điệp ủng hộ chấm dứt cấm vận. Cha tôi sau đó tiếp tục ủng hộ ông Clinton về việc tái lập quan hệ ngoại giao, nhưng Westmoreland thì không). Chính việc tham khảo ý kiến của đại đa số người Mỹ tham gia vào nỗ lực làm sáng tỏ các trường hợp quân nhân mất tích trong chiến tranh, kể từ năm 1988, cùng với động thái tăng cường hợp tác của Hà Nội đã dẫn tới quyết định bình thường hóa quan hệ của Tổng thống Clinton.

Vài tuần trước khi Tổng thống Clinton công bố quyết định, tôi đã nói chuyện với nhiều nhà điều tra thuộc Nhóm tìm kiếm MIA; họ dù không muốn nêu tên nhưng đều chia sẻ quan điểm cá nhân về các nỗ lực hợp tác của Việt Nam.

“Khi phía Hà Nội không chịu hợp tác vào thời kỳ đầu”, một nhà điều tra nói, “thì chúng ta có trách nhiệm báo cáo với người dân Mỹ về thái độ đó – và chúng ta đã làm. Giờ đây, khi Hà Nội hợp tác toàn diện, chúng ta cũng phải có trách nhiệm báo cáo thực tế đó tới người dân Mỹ. Chúng ta đã báo cáo rất tốt khi xảy ra tình trạng bất hợp tác ban đầu; đáng tiếc là chúng ta đã không làm tốt việc báo cáo về nỗ lực hợp tác sau này”.

Một nhà điều tra khác nói rằng việc viện dẫn sự bất hợp tác của Hà Nội để chống đối quyết định của ông Clinton là không có cơ sở. “Những nhà hoạch định khi xem xét về thái độ hợp tác của Hà Nội đã không được cung cấp thông tin kỹ thuật một cách đầy đủ để có thể đưa ra quyết định đúng”, ông nói.

Giới điều tra cũng cho rằng báo chí Mỹ đôi lúc lệch lạc khi luôn tìm cách vẽ lên chân dung người Việt Nam một cách tiêu cực. Một ví dụ điển hình đó là bài viết khẳng định Hà Nội không cho phép thực hiện việc tìm kiếm trong một khu vực.

“Công bằng mà nói thì chúng tôi chưa bao giờ bị từ chối tiếp cận nơi mình muốn”, nhà điều tra trên cho hay, “ngoại trừ một vài trường hợp cá biệt ở vùng hẻo lánh khi việc thâm nhập là không khả thi”. Hầu hết các trường hợp không được phép xâm nhập đều xuất pháp từ hai nguyên nhân sau: (1) địa điểm muốn xâm nhập nằm gần căn cứ quân sự, và (2) tọa độ của địa điểm là do người Mỹ “phán đoán” dựa trên vị trí cuối cùng được biết đến của chiếc máy bay hoặc cá nhân trước khi mất tích – mà tính chính xác của kiểu phán đoán này bị các quan chức Việt Nam bác bỏ (một cách chính đáng).

“Thông thường chúng tôi không biết đích xác nơi máy bay rơi”, nhà điều tra người Mỹ thừa nhận. “Vì thế, điều duy nhất chúng tôi có thể làm là dựa vào thông tin lưu trữ về vị trí cuối cùng của người đó trước khi mất tích. Đó có thể là vị trí của chiếc máy bay khi lần cuối cùng còn giữ được liên lạc, cũng có thể là vị trí của mục tiêu nơi chiếc máy bay thực hiện cuộc tấn công cuối cùng trước khi mất tích. Trong các trường hợp như thế, chúng tôi chỉ có thể sử dụng phương pháp phán đoán”.

Trong nhiều trường hợp, việc xác định vị trí máy bay rơi không phải là một môn khoa học chính xác. “Ví dụ về trường hợp chiếc C-47 rơi vào tháng 12 năm 1964 tại Lào cho thấy chúng tôi đã phán đoán sai nhường nào”, nhà điều tra chia sẻ. “Máy bay đang làm nhiệm vụ ban đêm thì mất tích. Các nhà phân tích sử dụng phương pháp xác định tọa độ của chiếc máy bay khi phi công thực hiện cuộc liên lạc cuối cùng với mặt đất trước khi mất tích để định vị nơi máy bay có thể đã rơi. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ tìm thấy gì cả. Sau này, khi ông Clinton dỡ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam, một cựu chiến binh Việt Nam đã báo cáo với chính quyền rằng ông ta từng tới một số nơi máy bay rơi ở Lào thời chiến tranh. Một trong số đó là địa điểm rơi của chiếc C-47 mà chúng tôi đang tìm kiếm. Cựu chiến binh này có một cuốn nhật ký thời chiến tranh ghi lại tọa độ rơi của máy bay. Lúc bấy giờ, sau khi nhận thấy tất cả số người trên máy bay đều đã thiệt mạng, ông ghi chú lại tình trạng của tất cả thi thể cũng như tên và mã số theo thẻ quân nhân. Rốt cuộc chúng tôi đã tìm thấy chiếc C-47 rơi gần Xepone, Lào, trên Đường 9, phía Tây Khe Sanh – cách nơi mà các nhà phân tích phán đoán tới hơn 140 cây số”.

Nhìn một cách tổng thể về công tác tiếp cận của các nhóm tìm kiếm, giới điều tra cho biết nhiều trường hợp vẫn còn nằm trong danh sách mất tích là do thủ tục quan liêu. Đây là nguyên nhân của nhiều trường hợp mà người ta cho rằng phải đòi hỏi sự quyết liệt từ Hà Nội. Đặt các trường hợp đó vào danh sách “không sáng tỏ vì lý do thủ tục”, với việc không thu thập thêm được chứng cứ mới nào khiến quân nhân vẫn bị liệt vào dạng mất tích, khiến cả hai bên đều phiền hà. Chẳng hạn, trước khi quyết định khép lại một trường hợp, nhóm tìm kiếm cần phải thực hiện một cuộc kiểm tra trực tiếp tại địa điểm được biết đến cuối cùng của quân nhân mất tích hoặc máy bay rơi. Thủ tục này được tiến hành trước hết là để khẳng định với các gia đình có phi công mất tích rằng, dù không thể thật sự tìm được địa điểm máy bay rơi, người ta cũng đã tiến hành kiểm tra trực tiếp tại vị trí lần cuối cùng phi công thông báo về mặt đất hoặc rađa mặt đất ghi nhận được. Vì thế, nhóm được yêu cầu trở lại và kiểm tra dữ liệu về không trình của máy bay để xác định điều kiện điểm cuối cùng máy bay còn giữ liên lạc trước khi rơi. Được trang bị một hệ thống nối với vệ tinh có thiết bị xác định tọa độ và định vị toàn cầu GPS cho phép người ta xác định chính xác một tọa độ nào đó trên mặt đất, nhóm tìm kiếm sẽ tới đúng tọa độ được ghi lại trong cơ sở dữ liệu. Tại đây, người ta sẽ thực hiện một cuộc tìm kiếm vòng tròn, với tâm là vị trí có tọa độ được xác định và tỏa ra một bán kính hợp lý, để từ đó có thể tìm ra manh mối liên quan tới vụ rơi máy bay.

Kiểu tìm kiếm này có thể dẫn đến một kết quả tích cực nào đó khi thi thể được phát hiện, nhưng hầu hết đều chẳng có thu hoạch nào. Kết quả tích cực có thể giúp khép lại vụ việc, nhưng đồng thời kết quả tiêu cực cũng có thể dẫn tới việc khép lại một trường hợp khi người ta có cơ sở để kết luận rằng việc tìm kiếm là vô vọng. Tuy nhiên, nếu không thể tổ chức được một cuộc tìm kiếm vòng tròn trực tiếp như thế, người ta sẽ không thể đóng hồ sơ vụ việc.

Yêu cầu thực hiện một cuộc kiểm tra trực tiếp tại địa điểm được ghi nhận cuối cùng ấy là rất hợp lý nhưng đôi khi lại không. Trong vài trường hợp, việc buộc chính quyền Việt Nam giải quyết những trường hợp không thể có chứng cứ cũng thật là thiếu công bằng.

Một trong những trường hợp đó là vụ mất tích của một quân nhân Mỹ tại vịnh Cam Ranh, một căn cứ hải quân được Mỹ sử dụng trong suốt chiến tranh. Cuộc sống tại vịnh Cam Ranh dễ dàng hơn nhiều so với trong rừng. Các quân nhân thường tận dụng thời gian rảnh rỗi để đi bơi. Có một quân nhân đi tắm biển đã bị sóng cuốn. Dù cố công tìm kiếm nhưng người ta đã không thể tìm thấy thi thể anh này. Nguyên nhân cái chết được xác định là chết đuối. Tuy nhiên do không vớt được xác, quân nhân này vẫn bị liệt vào danh sách “không xác định được”, kể cả khi chiến tranh đã kết thúc. Để khép lại hồ sơ vụ việc sau nhiều năm, các nhà điều tra được điều đến kiểm tra trực tiếp khu vực quanh vị trí cuối cùng còn xác định được của anh này. Nhóm tìm kiếm Mỹ đã phải trở lại bờ biển vịnh Cam Ranh, nơi lần cuối cùng người ta nhìn thấy quân nhân kia trước khi anh ta chết đuối.

Ai cũng biết rằng một cuộc tìm kiếm tại vị trí cuối cùng còn xác định được trong trường hợp này là vô ích bởi chẳng thể tìm được điều gì về một nạn nhân chết đuối hàng thập kỷ trước. Thêm vào đó, vịnh Cam Ranh ngày nay là một căn cứ hải quân của Việt Nam nên người nước ngoài bị hạn chế xâm nhập. Vì lẽ đó mà Nhóm tìm kiếm Mỹ bị chính quyền Việt Nam từ chối tiếp cận. Đây là điều có thể hiểu được – bởi vì trường hợp mất tích của quân nhân này xảy ra khi quân Mỹ còn kiểm soát vịnh Cam Ranh và lúc đó người Mỹ đã tiến hành tìm kiếm kịp thời ngay sau khi người kia chết đuối nhưng chẳng thể tìm được điều gì.

Việc yêu cầu tiếp cận một mục tiêu quân sự nhạy cảm của Việt Nam sau hơn một phần tư thế kỷ kể từ vụ mất tích chỉ để hoàn tất một thủ tục là điều không hợp lý. Sự cứng nhắc của các thủ tục trong những trường hợp này đã tạo ra khó khăn cho đại diện MIA của cả hai phía.

(Không thể giải quyết vụ này và bốn vụ khác, người ta đã đi đến quyết định rằng mỗi bên cử một đại diện ngồi lại để đưa ra giải pháp. Cuối cùng sự hợp lý đã thắng thế. Đối với trường hợp nói trên, người ta đã đi đến quyết định rằng các chuyên gia tìm kiếm sẽ tiếp xúc với người dân địa phương sống xung quanh vịnh Cam Ranh để hỏi xem họ từng biết bất cứ điều gì về vụ chết đuối hoặc giả họ có từng biết đến việc một thi thể quân nhân Mỹ bị dạt vào bờ hay không. Sau vài cuộc phỏng vấn, phía Việt Nam đoan chắc rằng nhóm tìm kiếm người Mỹ không phải là gián điệp và cho phép họ vào căn cứ để thực hiện việc tìm kiếm quanh tọa độ các vị trí cuối cùng được xác định. Đối với bốn vụ việc còn lại, với tất cả tài liệu phía Việt Nam đều bác bỏ các vị trí cuối cùng mà giới phân tích Mỹ đưa ra. Người ta đã thống nhất rằng những địa điểm mà phía Việt Nam gợi ý sẽ được ưu tiên kiểm tra trước, một khi không tìm ra địa điểm máy bay rơi thì sẽ bàn tiếp tới khả năng nhóm tìm kiếm tiếp cận các khu vực hạn chế).

°°°

Một trong những vụ khiến người Việt Nam thất vọng nhất đó là trường hợp mất tích của một quân nhân Mỹ có tên Joseph Grainger.

Grainger là một quan chức của Văn phòng Đối ngoại trực thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ làm việc tại Việt Nam. Ngày 8 tháng 8 năm 1964, trong khi đang ở bên ngoài Sài Gòn, xe của ông bị Việt Cộng chặn lại. Ông và tài xế người Philippine bị bắt. Người lái xe sau đó được thả còn Grainger vẫn bị giam giữ. Năm tháng sau, ông bị bắn chết khi đang tìm cách trốn chạy. Quân Việt Cộng chôn ông tại một ngôi làng nhỏ ở miền Nam Việt Nam.

Theo thỏa thuận của Hiệp định Paris năm 1973 nhằm chấm dứt sự hiện diện của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, chính quyền Hà Nội đồng ý cung cấp cho Washington danh sách của tất cả các tù binh Mỹ chết trong thời gian giam giữ (chính thức được gọi là “Danh sách chết trong thời gian giam giữ”). Tên của Grainger nằm trong danh sách này với ngày chết được ghi là 17 tháng 3 năm 1965, bảy tháng sau khi ông bị bắt.

Suốt mười lăm năm sau khi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, hầu như không có tiến triển gì trong việc làm sáng tỏ các trường hợp mất tích của người Mỹ. Năm 1987, Tổng thống Ronald Reagan bổ nhiệm cựu Tổng Tham mưu trưởng, Tướng John W. Vessey, Jr., làm phái viên tới Việt Nam để phụ trách việc đàm phán giải quyết các trường hợp mất tích còn lại. Hai bên thống nhất sẽ phối hợp cùng nhau điều tra. Vào năm sau, nhiều thông tin đã được chuyển giao trong đó có trường hợp của Grainger.

Cuộc điều tra riêng của phía Hà Nội đối với trường hợp Grainger đã dẫn đến kết quả sau: Người dân địa phương được hỏi cho biết Grainger được chôn gần trại tù binh nơi ông ta từng bị giam giữ. Tuy nhiên theo dân làng, quân Việt Nam Cộng hòa đã bay trực thăng đến đây, quật mồ và trở hài cốt đi vào năm 1967. Quan điểm của phía Hà Nội là vụ Grainger phải được khép lại bởi hài cốt đã được chuyển cho chính phủ Mỹ. Washington bác bỏ thông tin từ Hà Nội về trường hợp của Grainger, bởi vì một cuộc rà soát về danh sách tử vong do quân đội Mỹ lập từ thời chiến tranh đã không tìm thấy chứng cứ hỗ trợ cho kết luận của Hà Nội.

Lập trường của chính phủ Mỹ vào năm 1988 là Grainger vẫn nằm trong danh sách mất tích. Chính quyền Hà Nội được yêu cầu tiếp tục điều tra.

Tới tháng 6 năm 1992, vụ Grainger vẫn không có gì tiến triển. Một nhóm hỗn hợp Mỹ và Việt Nam cùng tiến hành cuộc điều tra mới. Người ta đã phỏng vấn lại các nhân chứng trước đây. Họ cũng có những câu trả lời tương tự, đồng thời cung cấp thêm vài chi tiết mới. Họ được biết một lính chiêu hồi (lính Việt Cộng đầu hàng chính quyền Sài Gòn) đã dẫn quân Việt Nam Cộng hòa tới nơi chôn. Người lính chiêu hồi, trước đây làm việc tại nơi giam giữ tù binh vào thời điểm Grainger chết và đã tham gia chôn cất ông, khẳng định lính Việt Nam Cộng hòa đã quật mồ vào tháng 4 năm 1967.

Một giải pháp cho vụ Grainger dường như là bất khả, khi mà Hà Nội lặp lại quan điểm cũ rằng hài cốt người này đã được giao trả - trong khi phía chính quyền Mỹ bác bỏ. Cuối cùng, vào đầu năm 1994, một Nhóm tìm kiếm hài cốt đặc biệt (SRT), gồm đại diện Mỹ và Việt Nam, đã yêu cầu Bộ Quốc phòng (DoD) cùng Bộ Ngoại giao (DoS) Mỹ phối hợp kiểm tra bởi vì Grainger là một nhân viên của Văn phòng Đối ngoại nên ông ta làm việc cho DoS chứ không phải là DoD.

Một đại diện của DoS đã liên hệ với người vợ góa của Grainger để giải thích về khó khăn đang gặp phải trong việc tìm kiếm hài cốt của chồng bà này ở Việt Nam. Bà Grainger thông báo với quan chức nọ rằng hài cốt chồng bà không nằm ở Việt Nam mà ở Nghĩa trang Quốc gia Arlington ở Washington, D.C. từ tháng 5 năm 1966. Người Việt Nam dù nhớ nhầm thời điểm hài cốt được đưa đi, nhưng họ đã nhớ chính xác việc quy tập hài cốt. (Grainger là một cựu Đại úy Không quân, đủ tiêu chuẩn được chôn cất tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Bia mộ ghi ngày mất của ông là 12 tháng 1 năm 1965).

Ngày 23 tháng 5 năm 1994, Trợ lý bộ trưởng phụ trách quan hệ công chúng của Bộ Quốc phòng đã có thông báo hướng dẫn về vụ Grainger, trong đó thừa nhận sai sót. Vậy là hai mươi mốt năm sau khi tên của Grainger xuất hiện trong “Danh sách chết trong thời gian giam giữ”, ông đã được xác định là không mất tích.

Nhiều trường hợp quân nhân không xác định được đến nay vẫn chưa thể giải quyết và, như lập luận từ phía Hà Nội, cho thấy một sự bất cập.

Một phần tương đối nhỏ các vụ này đã được Nhóm tìm kiếm hài cốt đặc biệt phân loại đẻ giải quyết. Đây là những trường hợp có tài liệu về việc một quân nhân Mỹ từng bị Việt Nam giam giữ ở một nơi nào đó. Vì thế, phía Việt Nam phải giải thích sự thay đổi địa điểm giam giữ cuối cùng của quân nhân vẫn nằm trong danh sách mất tích. Nhóm tìm kiếm hài cốt đặc biệt cũng liệt vào danh sách “không xác định được” những quân nhân: Nằm trong “Danh sách chết trong thời gian giam giữ”; xuất hiện trong các tấm ảnh cho thấy họ bị bắt giữ; được Chính phủ Mỹ liệt vào danh sách bị giết khi đang làm nhiệm vụ (KIA) nhưng chưa quy tập được hài cốt; được giới chức địa phương xác định rằng chính quyền trung ương đã tìm thấy hài cốt nhưng hài cốt chưa được quy tập.

Sau đây là ví dụ về một trường hợp chưa được giải quyết như thế, dựa vào một hình ảnh do Thông tấn xã Việt Nam chụp sau khi một máy bay Mỹ rơi vào giữa thập niên 1960. Máy bay rơi tại một khu vực lầy lội ở thành phố Vinh, gần nhà ga xe lửa. Theo các phi công Mỹ khác cùng bay trong ngày hôm ấy, chiếc máy bay này thực hiện động tác bổ nhào rồi rơi luôn. Hình ảnh của xác máy bay là bằng chứng rõ ràng rằng phi công không thể sống sót. Các hình ảnh cho thấy xác máy bay với khói tỏa ra từ một cái hố trên mặt đất – có nghĩa là máy bay đâm xuống rất mạnh. Tuy nhiên, tấm ảnh có nhiều thông tin khả dụng nhất là hình ảnh khá rõ của một chiếc mũ phi công bị vỡ gắn với một cái tai người cùng một mảng da đầu. Ngoài ra thì không thấy thêm bộ phận cơ thể nào nữa.

Kết luận hợp lý đối với những tấm ảnh trong trường hợp này là máy bay lao với tốc độ cao, phi công không đủ thời gian để nhảy ra – một kết luận được các phi công Mỹ chứng kiến vụ rơi máy bay ủng hộ. Một vụ va chạm với tốc độ cao như vậy có thể khiến xác của viên phi công biến mất, không còn lại thứ gì để nhận dạng.

Tuy nhiên, do có một bộ phận cơ thể được nhìn thấy trong tấm hình, phía Hà Nội bị buộc phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về thi thể viên phi công. Hiện phi công này vẫn nằm trong danh sách không xác định được, bất chấp một kết luận hợp lý là không thể tìm thấy được một bộ phận nào có thể nhận dạng được của anh ta trong vụ rơi máy bay.

(Gần ba mươi năm sau, địa điểm máy bay rơi đã được khai quật. Người ta phát hiện chiếc ghế bật của phi công vẫn còn nằm đúng vị trí, một bằng chứng chứng minh nhận định của các nhân chứng là phi công đã không thể thoát ra. Xăng còn dư lại trong cái hố được tạo ra khi máy bay đâm xuống tiềm ẩn mối nguy cơ cho những người tìm kiếm một khi muốn mở rộng khai quật. Vì thế, việc khai quật đã bị bỏ dở và không có phần hài cốt nào được tìm thấy).

°°°

Những người Mỹ phụ trách các trường hợp mất tích còn lại tại Việt Nam đã làm tất cả trong nỗ lực mang đến câu trả lời cho các gia đình có quân nhân mất tích. Với tinh thần trách nhiệm đối với quân nhân mất tích, họ quyết tâm kiểm tra mọi manh mối. Nhiều lúc, tinh thần trách nhiệm này khiến họ đặt ra các đòi hỏi vô cùng nặng nề đối với chủ nhà Việt Nam. Thế nên cũng cần hiểu rằng để đáp ững những đòi hỏi lớn lao trong việc giải quyết các trường hợp mất tích còn lại, người Việt Nam đã thể hiện một lòng bao dung đáng kinh ngạc.

Có lẽ minh họa rõ nhất lòng bao dung ấy là câu chuyện về phi công Frank Nelson và phi công phụ William Charles (Tên hai người đã được đổi để đảm bảo quyền riêng tư của gia đình).

Nelson và Charles bị bắn rơi vào tháng 12 năm 1965. Người ta tin rằng Charles thiệt mạng ngay khi máy bay rơi còn Nelson sống sót, dựa theo một bức hình chụp anh sau đó trong một bệnh viện ở Việt Nam. Trong hình, Nelson nằm trên giường, người quấn băng, một ống thở đặt vào khí quản đã được mở, hai mắt nhắm nghiền. Một bác sĩ và bốn y tá (trong đó một người bị làm mờ) đứng cạnh bệnh nhân.

Nelson không qua khỏi do thương tích quá nặng và tên anh ta sau đó có trong “Danh sách chết trong thời gian giam giữ” do phía Hà Nội cung cấp năm 1973. Hồ sơ được phía Việt Nam cung cấp sau đó cho biết Nelson đã được an táng tại nghĩa trang ở tỉnh Quảng Ninh.

Do các chứng cứ hình ảnh cho thấy rõ ràng Nelson, ở lần cuối cùng được biết tới, vẫn còn sống trong vòng giam giữ của chính quyền Việt Nam nên vụ việc được giao cho Nhóm tìm kiếm hài cốt đặc biệt (SRT).

Nhóm hỗn hợp đã mở một cuộc điều tra, rà soát lại tất cả các tài liệu sẵn có. Tài liệu không chính thức chứng minh rằng Charles chết tại hiện trường và được chôn tại một làng gần đấy. (Hài cốt cuối cùng đã được quy tập). Hồ sơ cũng cho biết Nelson bị bắt sống và do thương tích quá nặng nên được chuyển tới Bệnh viện Hữu nghị Việt – Tiệp ở Hải Phòng. Sau đó anh ta chết tại bệnh viện và được chôn cất. Nhưng SRT không thể tìm được một nhân viên nào hiện còn làm việc tại bệnh viện trên mà biết câu chuyện về Nelson.

Không có tiến triển trong điều tra, SRT phải làm lại từ đầu. Kiểm tra lại tấm hình, nhóm cho rằng nơi điều trị cho Nelson không phải là Bệnh viện Hữu nghi Việt – Tiệp mà là một bệnh viện huyện ở Quảng Ninh. SRT mới chuyển tầm ngắm. Tại bệnh viện huyện ở Quảng Ninh, các nhà điều tra đã gặp hầu hết những nhân viên y tế có mặt trong tấm hình chụp cùng Nelson. Họ xác nhận Nelson đã không được chuyển tới Bệnh viện Hữu nghị bởi theo quy định, những trường hợp bị thương nặng được chuyển đến bệnh viện được trang bị tốt hơn. Vì thế, sau khi được điều trị ban đầu tại bệnh viện huyện, Nelson được chuyển lên Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh. Một y tá có mặt trong tấm hình đã trực tiếp chuyển Nelson đến đó. Nhưng ngay sau khi đến bệnh viện mới, Nelson đã không qua khỏi.

Các thành viên SRT đã tới Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh và sớm gặp được những nhân viên y tế còn nhớ tới sự kiện một phi công Mỹ chết khi vừa được đưa tới đây. Họ cho biết có hai người đã phụ trách việc chôn cất Nelson ở nghĩa địa ngay sau bệnh viện.

Các nhà điều tra đã có được thông tin về hai người chôn cất kia. Một người là Hoa kiều và không còn làm việc ở bệnh viện; người còn lại đã chết vài năm trước. Vì vậy, dù đã lần ra nghĩa trang nơi Nelson được chôn nhưng nhóm tìm kiếm vẫn không gặp được một nhân chứng nào có thể chỉ rõ chính xác vị trí chôn cất. Tiếp tục tìm hiểu, SRT xác định rằng có thể Nelson đã được táng trong một khu vực riêng ở nghĩa trang. Thế là họ xin phép khai quật chỗ này, và thật ngạc nhiên, đề nghị của họ đã được đáp ứng.

Cuộc khai quật được tiến hành trước sự chứng kiến của dân địa phương. Nhóm tìm kiếm sau đó đã đào được hài cốt của một đứa trẻ nhỏ trong một nấm mồ không dấu tích. (Các thành viên SRT đã chi tiền túi mua quan tài và bia mộ để tái táng). Tuy nhiên, họ không thể tìm ra hài cốt của Nelson. Thế là anh này vẫn nằm trong danh sách mất tích.

Không tìm được hài cốt của Nelson nhưng SRT vẫn rất hài lòng với sự hợp tác của chính quyền Hà Nội trong suốt quá trình điều tra. Họ chỉ ra rằng nếu câu chuyện này đảo ngược lại, tức là phía Hà Nội xin phép khai quật trong một nghĩa trang Mỹ để tìm kiếm người mất tích của họ, thì không có gì chắc chắn Chính phủ Mỹ sẽ dễ dàng cho phép như thế - và trong trường hợp cho phép, chắc chắn dân chúng sẽ rất giận dữ.

Một bi kịch khủng khiếp của Chiến tranh Việt Nam đó là, trên thực tế, hầu hết các trường hợp mất tích đều không bao giờ được tìm thấy. Một nhà điều tra ví von rằng việc tìm kiếm cũng giống như “đề nghị cảnh sát điều tra một cái chết đã xảy ra ba mươi năm về trước – mà có rất ít, thậm chí không có, bằng chứng, nhân chứng và rất ít hoặc không có hồ sơ liên quan”. Đó thực sự là bài toán nan giải; thế nhưng chúng ta hầu như không do dự trong việc áp đặt những yêu cầu đó đối với người Việt Nam.

Người Mỹ và Việt Nam hiện nay đã có thể chia sẻ với nhau nhiều điểm chung. Các gia đình có quân nhân mất tích, bất kể họ đứng ở phe nào trong cuộc chiến, luôn không nguôi hy vọng rằng hài cốt của người thân yêu sẽ sớm trở về với gia đình.

Vào thời điểm cuốn sách này được viết, 1.800 quân nhân Mỹ vẫn còn nằm trong diện mất tích tại Việt Nam. Con số này về phía người Việt Nam, theo như các thông tin được đưa ra lần đầu trong cuộc gặp giữa cha tôi và tôi với Đại tướng Giáp ở Hà Nội vào tháng 9 năm 1994, là 300.000 quân nhân mất tích. Để có thể hiểu tác động tương đối của vấn đề MIA lên dân số của hai quốc gia, thiết nghĩ nên so sánh theo tỷ lệ. Dựa trên dân số năm 1975 của Bắc Việt và nước Mỹ - lần lượt là 26 triệu và 210 triệu người – tỉ lệ chênh lệch thật kinh khủng: trong khi trung bình 116.700 người Mỹ mới có một người mất tích thì tỷ lệ này đối với người Việt Nam là cứ 87 người thì có một trường hợp chịu cảnh mất tích.

Nếu tỷ lệ này là ngang nhau, nước Mỹ phải có tới 2,4 triệu người thuộc diện MIA!

Việc quy tập hài cốt người thân là rất quan trọng đối với cả người Việt Nam lẫn người Mỹ. Một chuyến thăm về vùng nông thôn Việt Nam đã cho tôi thấy văn hóa truyền thống trong việc đưa hài cốt người thân yêu trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Giữa cánh đồng lúa, các thành viên đã khuất của gia đình, dòng tộc được chôn cất ngay nơi mà người thân đang sống của họ canh tác. Phương thức an táng này có một ý nghĩa đặc biệt đối với người Việt Nam về sự tiếp nối vòng đời. Khi được chôn cất trên đất canh tác của gia đình, linh hồn người đã khuất sẽ thẩm thấu vào đất; đất nuôi cây trồng; và khi các thành viên đang sống thu hoạch hoa màu để ăn, linh hồn người chết sẽ theo đó đi vào cơ thể người đang sống, điều này giúp cho linh hồn của người đã khuất sống mãi.

Nguyễn Ngọc Hùng là một trong những người vẫn còn chờ đợi tin tức của một người thân yêu. Ông Hùng và người em trai nhập ngũ cùng lúc. Trong khi ông sống sót qua các cuộc chiến khốc liệt thì người em trai lại không thể trở về.

Mãi tới năm 1973, khi gặp những người lính cùng đơn vị với em trai, ông Hùng mới biết về cái chết xảy ra trước đó sáu năm. Cho tới hôm nay, nỗi đau không tìm được  hài cốt người em vẫn khiến ông Hùng rơi lệ. Nhưng bất chấp bi kịch lớn ấy, ông Hùng cũng như nhiều người Việt Nam khác vẫn đang tìm kiếm người thân mất tích, không hề nuôi dưỡng lòng hận thù đối với kẻ thù cũ.

“Cơ thể người Việt chúng tôi nhỏ lắm”, ông nói. “Nếu cứ chứa chất thù hận thì đâu còn chỗ cho tình yêu thương”. Ông Hùng giải thích rằng bản chất của người Việt không cho phép nỗi đắng cay và lòng hận thù che khuất hy vọng vào tương lai.

Nhắc lại quá khứ, ông Hùng giải thích thái độ hướng về tương lai của người Việt Nam đối với nước Mỹ: “Trong lịch sử, mỗi khi chiến thắng Trung Quốc, chúng tôi lại cử sứ sang gặp vua Trung Quốc để xin lỗi về chiến thắng mà chúng tôi giành được đối với quân của ông ta và xin ông ta tha thứ”. Đối với người Việt Nam, sự khiêm tốn của người chiến thắng là nhân tố quan trọng trong việc xây dựng quan hệ tương lai với kẻ chiến bại.

“Cựu Chiến Binh” (“Veterans”) là một nguyệt san dành cho quân nhân xuất ngũ. Mấy mươi năm sau chiến tranh, tờ tạp chí vẫn tràn ngập thông tin về những người mẹ tìm con, vợ tìm chồng, con cái tìm cha hoặc anh chị em tìm nhau. Mỗi một mẩu tin đều có thông tin về quân nhân mất tích, chẳng hạn lần cuối cùng được nhìn thấy hoặc đơn vị của anh ta trước thời điểm mất tích.

Những tin này được xuất bản hằng tháng, được xếp vào một mục mà tờ tạp chí dành riêng cho các quân nhân mất tích trong cuộc chiến. Không thể đủ giấy để in tất cả các yêu cầu đăng tải, vì thế người ta phải đăng vào số tháng sau, mà tháng nào cũng có tình trạng quá tải như vậy. Hàng ngàn tin tìm người thân tồn đọng, và con số này tiếp tục tăng lên sau mỗi ngày.

Trong số ra tháng 5 năm 1995, Tạp chí Cựu Chiến Binh đăng lời giới thiệu trong mục Nhắn tìm đồng đội: “Nước ta hiện có hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập. Gần đây, nhân dân các địa phương và các cựu chiến binh đã phát hiện nhiều hài cốt và đã quy tập về nghĩa trang quốc gia ở thành phố - nhưng con số này quá nhỏ bé so với số hài cốt vẫn còn mất tích. Tạp chí Cựu Chiến Binh mở mục mới để đăng tin nhắn của các gia đình tìm người thân hoặc các cựu chiến binh tìm đồng đội đã hy sinh trong chiến tranh. Ủy ban Trung ương Đảng đã chỉ đạo rằng công tác quy tập hài cốt phải hoàn tất trong vài năm tới. Với tinh thần thấu hiểu những tình cảm mà gia đình và đồng đội dành cho những chiến sĩ mất tích, đội ngũ biên tập của tòa soạn quyết thực hiện chỉ thị của Ủy ban Trung ương Đảng bằng cách mở mục ‘Nhắn tìm đồng đội’ với mục đích thu thập thông tin phục vụ việc quy tập hài cốt liệt sĩ”.

Ở Việt Nam cũng như ở Mỹ, đối với cha mẹ, vợ con của những người lính không thể trở về, niềm hy vọng vẫn kéo dài mãi rằng một ngày nào đó trong tương lai, họ sẽ biết về số phận của người thân yêu.