CHÂN TRẦN, CHÍ THÉP

ĐẠI BÀNG GÃY CÁNH

Docsach24.com

ó lẽ không vấn đề nào liên quan đến chiến tranh Việt Nam lại khơi gợi nhiều xúc cảm bằng câu chuyện về những người vẫn còn bị coi là mất tích trong khi làm nhiệm vụ (Missing In Action – MIA). Hầu hết người Mỹ đều biết rõ về MIA, nhưng chủ yếu là những mất mát bên phía mình. Họ hầu như không hề biết về vấn đề MIA bên phía Việt Nam – kể cả những nỗ lực của chính quyền Hà Nội trong việc giải quyết các trường hợp MIA của Mỹ lẫn những tác động của nó đối với người Việt Nam, và rộng hơn, toàn bộ vấn đề MIA. Loạt chuyện sau đây tập trung vào phương diện này.

Các cựu chiến binh Việt Nam hiểu rất rõ về vấn đề MIA của Mỹ - một số người thậm chí còn biết rõ trường hợp thương vong và mất tích đầu tiên của lính Mỹ là vào ngày tháng nào. Vì thế, kèm theo sau đây là câu chuyện về trường hợp mất tích đầu tiên của lính Mỹ và lời cảnh báo ít được quan tâm mà người này đã gửi tới thượng cấp trước ngày định mệnh.

ĐẠI BÀNG GÃY CÁNH

Là phóng viên chiến trường, ông Trần Công Tấn đã chứng kiến nhiều khía cạnh của cuộc chiến tranh. Từ Hà Nội ở miền Bắc tới Đồng Hới và Nhân Trạch ở miền Trung, ông đã ghi chép lại các chuyến đi và những quan sát của mình trong hàng chục cuốn nhật ký chiến tranh. Ông đặc biệt quan tâm tới các trận không kích và phi công của những máy bay bị bắn rơi. Đôi khi, theo các trang nhật ký tiết lộ, những phi công đó sống sót và bị bắt; nhưng đôi khi họ lại thiệt mạng.

Rút một cuốn nhật ký ra, ông Tấn đưa lên mũi ngửi và nhăn mặt: “Nó vẫn còn mùi khói lửa” – nhiều thập niên sau khi ra đời, những trang nhật ký ấy vẫn còn phảng phất mùi vị của chiến tranh.

Một mục nhật ký ghi lại cuộc không kích do mười hai chiếc F-105 thực hiện vào tuần đầu tiên của tháng 2 năm 1965 ở Đồng Hới, một thị trấn với chừng 50.000 người. Một số mục tiêu quân sự bị trúng bom, nhiều nhà cửa và khu chợ của thị trấn cũng bị tàn phá.

Một chiếc F-105 bị trúng đạn cao xạ và người phi công buộc phải nhảy ra. Chiếc máy bay đâm chúi xuống đất chỉ cách trận địa pháo 700 mét. Bộ đội ngay lập tức tỏa ra bắt phi công.

Viên phi công là Thiếu tá Robert H. Schumaker. Anh này nói được tiếng Pháp, nên những người nói được tiếng Pháp lập tức tới thẩm vấn. Nhưng rồi cuộc tra hỏi đã bị gián đoạn khi dân làng giận dữ vây quanh viên phi công. Sợ rằng không thể kìm giữ được dân làng, những người bắt giữ đã nhanh chóng chuyển tù binh đi nơi khác. (Hồ sơ của Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay Robert H. Schumaker được trả tự do cùng các tù nhân khác vào năm 1973.).

Nhật ký của Tấn còn đề cập tới một phi công trẻ người Mỹ nữa; anh này kém may mắn hơn.

Sau khi Schumaker bị bắt, một nhóm năm máy bay của Hải quân Mỹ, trong đó có chiếc do Trung úy Edward Andrew Dickson lái, tấn công một phi trường gần Đồng Hới. Theo ông Tấn, tốp máy bay lướt qua trên đầu những chiếc thuyền gần bờ trên đường tiếp cận mục tiêu. Sau khi hoàn tất vụ không kích, máy bay trở ra biển, xả súng xuống đoàn thuyền.

Máy bay bay rất thấp, cách mặt biển chỉ chừng 50 mét. Ở độ cao như vậy, chúng trở thành mục tiêu của lưới lửa bủa ra từ các trận địa cao xạ trên bờ cũng như súng trường trên thuyền. Máy bay của Dickson trúng đạn. Nó loạng choạng rồi đâm xuống biển. Trước khi máy bay biến mất, một chiếc dù bung ra. Đoàn thuyền liền vào cuộc truy tìm viên phi công nhưng không thấy.

Vài ngày sau, ngư dân làng Nhân Trạch, tỉnh Quảng Bình, phát hiện ra một điều rùng rợn. Xác một viên phi công Mỹ dạt lên bờ, trên người vẫn còn đính chặt chiếc dù. Theo quan sát lúc đó thì người này bị thương nặng khi bật ra khỏi máy bay và các vết thương đã giết chết anh ta. Thi thể người này không còn nguyên vẹn do quá trình phân hủy xảy ra nhanh chống trong điều kiện nắng nóng, sóng biển mạnh cùng với sự tấn công của sinh vật biển.

Người ta tìm thấy nhiều vật dụng trên người viên phi công, trong đó có một khẩu súng ngắn, tiền Mỹ, hình ảnh gia đình, một chiếc đồng hồ, một lá cờ Mỹ nho nhỏ, một thẻ quân nhân và một mảnh kim loại khắc thông tin nhân thân. Mặt sau lá cờ Mỹ có một thông điệp được viết bằng nhiều thứ tiếng: “Tôi là một người Mỹ. Hãy giúp tôi thức ăn và nơi ở. Hãy giúp đưa tôi trở về nước Mỹ. Chính phủ chúng tôi sẽ tưởng thưởng cho quý vị”. (Đây là một thông điệp được các phi công Mỹ mang theo bên mình để có thể cầu cứu sự giúp đỡ từ dân thường trong trường hợp máy bay bị bắn rơi).

Ông Tấn đã phác họa hình viên phi công trong cuốn nhật ký của mình. Từ thẻ quân nhân người chết, ông ghi lại những thông tin sau:

“Tên: Edward A. Dickson

Số: 9520447

Cấp bậc: Trung úy, Hải quân Mỹ

Ngày sinh: 3 tháng 9 năm 1937

Nhóm máu: A”

Người ta đào một hố sâu hai mét gần một cây dừa trên bãi biển, cách nơi người chết dạt vào chừng năm mươi mét để an táng. Ông Tấn quan sát dân làng khiêng thi thể từ bờ biển, đặt xuống huyệt chôn rồi đánh dấu bằng một tấm bia gỗ khắc tên Dickson.

Bà Nay, một người dân địa phương có chồng chết trong cuộc chiến chống Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, cắm hương lên ngôi mộ. Trang nhật ký cho biết vừa cắm hương, bà vừa cầu nguyện cho người lính trẻ nước Mỹ phải nằm xuống ở một nơi rất xa quê nhà: “Cầu cho hương hồn chú được trở về với gia đình bên Mỹ”.

°°°

Hồi đó tôi đã tìm hiểu tại văn phòng phụ trách quân nhân mất tích (MIA) ở Hà Nội và câu trả lời là Dickson vẫn còn nằm trong danh sách MIA. Khi được hỏi về những thông tin chi tiết liên quan tới nơi chôn cất, Tấn bảo rằng ông nhớ rất rõ bởi nơi đó có những đặc điểm rất dễ nhận ra. Ông phác họa một sơ đồ về bãi biển Nhân Trạch. Ông nói địa điểm này rất dễ nhận ra bởi có một con lạch chạy xuyên qua giữa bãi biển tạo thành một bán đảo nhỏ. Hồi đó cây dừa nơi Dickson được chôn cao chừng năm mươi thước. Tôi đã thử đối chiếu bản miêu tả của Tấn với một bản đồ quân sự thì thấy ông đã chỉ chính xác. Một con lạch, tạo nên bán đảo nhỏ như đã nói, được thể hiện rõ ràng trong một bản đồ cũ.

Khi đi dọc Quốc lộ 1 từ Sài Gòn ra Hà Nội sau lần phỏng vẫn ông Tấn – người lái xe đã dẫn tôi tới Nhân Trạch – và tôi quyết định tìm kiếm xem có nhận ra được nơi chôn cất hay không. Nỗ lực thất bại. Khi tôi tới nơi, người trưởng thôn ở đó bảo rằng cần phải xin phép chính quyền Hà Nội mới có thể thực hiện việc tìm kiếm. Vị trưởng thông còn cho biết Đội tìm kiếm quân nhân mất tích Mỹ đã tới Nhân Trạch trước đó ba tháng sau khi nhận được thông tin về việc một phi công Mỹ từng được chôn cất tại bãi biển này nhưng rốt cuộc chẳng tìm thấy gì cả. Thời gian đã xóa đi mọi dấu vết của ngôi mộ.

Đến Hà Nội vào ngày 19 tháng 6 năm 1995, tôi liên hệ với văn phòng MIA của Mỹ để thông báo về trang nhật ký của ông Tấn, trong đó có kể việc chôn cất Trung úy Dickson. Như người trưởng thôn đã kể và văn phòng MIA tái khẳng định, tổ tìm kiếm đã tới Nhân Trạch nhưng chẳng thể tìm thấy mộ Dickson. Dù thế, thông tin của ông Tấn trở thành bằng chứng đầu tiên về vụ chôn cất. Văn phòng MIA nói rằng họ sẽ liên hệ với Tấn để hỏi xem liệu ông có thể giúp họ thực hiện một cuộc tìm kiếm nữa hay không.

Vài ngày sau, tôi ghé thăm Phòng lưu trữ của quân đội ở Hà Nội để xem hình ảnh chiến trường trong Chiến tranh Việt Nam. Căn phòng chứa hàng ngàn bộ ảnh chiến trường được chụp thời chiến tranh. Không thể kiểm tra hết tất cả các tập ảnh, tôi nhờ người phụ trách chọn hai bộ ảnh để xem. Bà ấy mang đến hai tập ảnh đặt xuống trước mặt tôi. Khi vừa mở xem bộ đầu tiên, một tấm hình đặc biệt đập vào mắt tôi. Trong hình, một nhóm dân làng Việt Nam đang đứng trên bãi biển kiểm tra thi thể một phi công Mỹ nằm trên cát – dù vẫn còn dính vào người anh ta. Dòng chú thích cho biết quân nhân Mỹ trong hình là Trung úy Dickson, vốn được người dân địa phương phát hiện khi trôi dạt vào bờ ở Nhân Trạch.

Chưa thể khẳng định rằng trí nhớ của ông Tấn về vụ chôn Trung úy Dickson có dẫn tới những thông tin chi tiết hơn để xác định trường hợp mất tích của quân nhân này, nhưng có thể nói phát hiện trên ít nhất cũng là một bước tiến gần hơn tới giải pháp. Điều này chỉ có thể được thực hiện nếu Hà Nội sẵn sàng cho người Mỹ được tiếp xúc một cách thoải mái với các cựu chiến binh Việt Nam. Tinh thần hướng tới hợp tác giữa những cựu thù trong thời buổi mà bình thường hóa quan hệ đang nẩy mầm chắc chắn sẽ giúp tăng cường các cuộc tiếp xúc, qua đó phát quang lộ trình làm rõ các trường hợp mất tích khác.

Nhật ký của ông Tấn còn ghi lại sự kiện hai máy bay Mỹ rơi trong một ngày.

Sáng ngày 3 tháng 3 năm 1965, một đợt máy bay Mỹ oanh tạc vùng phụ cận Đồng Hới. Hai chiếc bị bắn rơi; hai phi công nhảy dù. Dân địa phương hè nhau đi bắt.

Ngay sau khi máy bay bị bắn cháy, pháo thủ trên trận địa cao xạ trông thấy một chiếc trực thăng từ biển bay vào để cứu phi công. Lúc 10 giờ 35, người ta phát hiện một người Mỹ đang hái quả mọng trong rừng ăn và tìm cách leo lên đồi. Ngay lập tức đơn vị quân đội tuần tra được thông báo để truy đuổi. Dân làng cũng thấy một chiếc dù đẫm máu. (Nhật ký ông Tấn viết rằng dân làng thấy rất nhiều máu, họ không chắc là viên phi công bị thương nặng khi máy bay rơi hay bị cọp vồ).

Cuối ngày hôm đó, một phi công bị thương ở chân đã bị nhóm tuần tra ba người bắt giữ khi anh ta đang xem bản đồ bằng nhựa. Người ta lấy tấm bản đồ để rịt vết thương. Nhóm bắt giữ tước súng của anh ta và bắn lên trời ba phát để thông báo cho những người khác. Khi viên phi công kêu đói, anh ta đã được dân làng cho ăn.

Viên phi công khai mình là Trung úy Hayden J. Lockhard của Không quân Mỹ. Các cuộc thẩm vấn sau đó cho thấy anh ta quê ở Ohio và phục vụ Không quân Mỹ hai năm trước khi được điều tới Việt Nam. Khi được hỏi về người phi công còn lại, Lockhard nói đó là “Ronca”, nhưng anh này đã thiệt mạng. (Tài liệu Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Hayden James Lockhard bị bắn rơi máy bay và bị bắt, cuối cùng được trả tự do đồng thời với Schumaker. Tuy nhiên, không tìm thấy người nào có tên là “Ronca”).

Khi Lockhard bị giải vào làng, một phụ nữ có chồng vừa chết trong đợt không kích đã cầm dao tấn công. Ông Tấn kể rằng mình đã phải ngưng bút trong chốc lát để nhảy vào bảo vệ viên phi công. Ông giải thích cho người phụ nữ kia biết rằng khi đang ngồi trên máy bay thì viên phi công là kẻ thù của nhân dân, nhưng một khi đã trở thành tù binh thì anh ta phải được bảo vệ. Người phụ nữ sụp xuống khóc.

Chuyện liên quan tới người phụ nữ này, theo ông Tấn, cho thấy lòng vị tha của người Việt Nam. Dù mới trải qua bi kịch gia đình trong ngày hôm ấy, người phụ nữ sau đó đã xách một con gà tới chỗ ông Tấn và bảo “hãy làm thịt nấu cháo cho gã phi công kia ăn bởi có lẽ hắn không quen thức ăn Việt Nam”.