Khách mời của Vanozza Cattanei ngồi nơi các bàn tiệc được trang hoàng nhiều màu sắc vui mắt, dõi theo ánh mặt trời rực rỡ đổ xuống trên các phế tích bằng đá đỏ thắm của Quảng trường thành Rome. Bà đã mời nhiều bạn bè cũng như các con về điền trang của mình để dự tiệc tiễn Cesare đi Naples vào tuần sau với tư cách Khâm sứ Tòa thánh.
Vườn nho Vanozza, như các con bà gọi một cách âu yếm, nằm trên ngọn đồi Esquiline hoang vắng, đối diện Giáo đường uy nghi San Pietro có từ thế kỉ thứ năm.
Một dịp khá hiếm hoi để Juan, Jofre và Cesare cùng ngồi bên nhau thân mật cười đùa. Lúc đó Cesare để ý thấy mẹ chàng, bên kia khoảng sân, nói chuyện rất thân mật với một chàng vệ binh Thụy Sĩ trẻ. Chàng ta thầm mỉm cười vì Vanozza vẫn còn mặn mà quá. Bà dong dỏng cao, dáng người thanh nhã, làn da màu ô-liu sáng và mái tóc dài màu nâu đỏ còn bóng mượt chưa lẫn sợi bạc nào. Trông bà rạng rỡ trong chiếc áo dài lụa đen tuyền, điểm chuỗi ngọc trai Nam Hải lấp lánh, một món quà tặng đặc biệt từ Alexander.
Cesare ngưỡng mộ mẹ mình, tự hào về sắc đẹp, trí thông minh và tài kinh doanh của bà. Bởi bà quản lí các lữ quán rất thành công, không kém bất kì một doanh nhân tài giỏi nào của Rome. Chàng lại nhìn vào anh vệ binh trẻ, và trong thâm tâm chàng cầu mong mẹ mạnh khỏe, bởi nếu bà còn hưởng được một tình yêu sôi nổi thì điều đó chứng tỏ bà sẽ còn vui sống lâu và anh em chàng vẫn còn được niềm vui có mẹ.
Trong đêm đó, Vanozza gọi về hai bếp trưởng từ các nhà hàng của bà trong kinh thành để chế biến nhiều món ngon đặc biệt. Họ áp chảo món gan ngỗng có hương vị đậm đà đặc trưng với các lát táo và nho, tôm càng xanh tươi rói hầm nhỏ lửa với nước xốt cà chua, húng quế và kem, cùng thịt bê xào với nấm hương và ô-liu xanh vừa chín tới được hái trong vườn.
Một vài vị hồng y trẻ tuổi hơn, kể cả Gio Medici, reo hò hào hứng mỗi khi một món mới được dọn lên. Riêng hồng y Ascanio Sforza vẫn giữ vẻ điềm tĩnh, đường hoàng nhưng khéo léo tranh thủ giành được vài phần mỗi khi có món mới. Hồng y Monreal, em họ của Alexander, cũng làm theo sách ấy.
Những bình sứ đựng loại rượu vang chế biến từ nho Burgundy chín mọng hái từ vườn nho của Vanozza, được bày lên bàn tiệc. Juan nốc cạn cốc này đến cốc khác, vừa xong cốc này là nhấp môi cốc kia ngay. Suốt bữa ăn, một anh chàng trẻ tuổi gầy gò, mang mặt nạ đen, đến ngồi xuống kế bên và thì thầm điều gì đó vào tai Juan.
Tháng trước, Cesare đã nhiều lần thấy người mang mặt nạ đó ở Vatican, đi cùng em chàng, nhưng khi chàng hỏi han về người khách lạ đó thì hình như không ai biết anh ta. Và khi chàng hỏi Juan thì Juan chỉ cười chế nhạo và bỏ đi xa. Cesare giả định rằng chàng trẻ đó là một anh chàng nghệ sĩ lập dị từ một trong những khu “ghetto” của đô thị, những nơi Juan thường đến ngủ cùng gái điếm và đốt tiền mua lấy những cuộc vui.
Giờ đây với cúc áo mở toang, mái tóc bê bết mồ hôi, Juan đứng lên, lắc lư lảo đảo, say khật khưỡng và định nâng cốc lần nữa. Chàng nâng cốc rượu lên và cầm trước mặt mình, nghiêng đến độ rượu bắt đầu chảy tràn ra. Jofre đưa tay giúp giữ nó cho vững nhưng Juan thô bạo hất tay Jofre ra. Rồi với một bài phát biểu ngọng nghịu, líu nhíu, chàng ta quay mặt về phía Cesare và nói - một cách hùng hồn theo cái giọng lè nhè của người say - “Li rượu này là để mừng cho ông anh cao cả của ta thoát khỏi tay quân Pháp. Xin có lời khen tài năng tránh mọi hiểm nguy của anh ấy. Cho dầu là mang chiếc mũ hồng y hay chuồn đi khỏi tay quân Pháp. Có người gọi đó là can đảm. Nhưng ta gọi đó là hèn nhát, hèn nhát!…” và chàng ta bắt đầu cười vang.
Cesare nhảy dựng lên, tay đặt vào đốc kiếm. Chàng dợm bước về phía Juan, nhưng anh bạn cũ Gio Medici chộp lấy chàng, Jofre cũng góp sức thêm, cộng thêm lời nài nỉ của Vanozza, chàng mới ngừng lại.
Vanozza khuyên giải con. “Em nó không biết nó đang nói gì đâu, Cesare à. Nó không có ý như vậy đâu.”
Cesare trả lời với đôi mắt nảy lửa mặt đanh lại. “Hắn biết chứ, thưa mẹ, và nếu như không phải đang ở nhà mẹ, con đã giết cái thằng khốn hỗn láo này rồi cho dầu hắn là em con và là con của mẹ.”
Vẫn còn giận run người, Cesare để cho Gio dìu mình về lại chỗ ngồi. Khách khứa mất hứng vì chuyện bất hòa của anh em nhà Borgia, giờ đây chỉ còn nói chuyện rì rào nhỏ tiếng thôi.
Thế rồi người mang mặt nạ đứng lên, và lại một lần nữa thì thầm điều gì đó vào tai Juan. Và Juan, tỉnh người lại phần nào vì khớp trước cơn giận của anh mình, đứng lên vững hơn trước và thông báo, “Xin tất cả thứ lỗi cho tôi, vì tôi có cuộc hẹn khác không thể bỏ lỡ.”
Tên tiểu đồng giúp Juan mặc chiếc áo khoác nhung xanh đậm vào người, chàng ta nhanh chóng rời bàn tiệc, đi theo là một cận vệ và gã mang mặt nạ gầy nhẳng.
Chẳng bao lâu sau những người còn lại cũng giải tán, và Cesare rời đi cùng chú em Jofre, Gio và Ascanio Sforza. Trong lúc lên ngựa đi xa, Cesare vẫy tay tạm biệt mẹ, Vanozza, giờ đây chỉ còn lại chàng vệ binh Thụy Sĩ trẻ làm bầu bạn.
Đoàn người cưỡi ngựa phi nhanh về kinh thành. Khi đã vượt qua các cổng thành Rome, đến giao lộ phía trước cung điện Borgia, họ bàn tán một lúc khá lâu về sự cố với Juan. Cesare công khai cho mọi người biết rằng chàng không thể dung thứ sự xúc phạm của thằng em ngạo mạn và thiếu trung thành với gia đình như thế. Chàng quyết định phải nói chuyện phải quấy lại với Juan, phải cho hắn thấy rõ mức độ nghiêm trọng của sự cố ở nhà Vanozza. Trước tiên chàng muốn dùng lời lẽ để phân tích chuyện phải trái, đúng sai với Juan, nhưng nếu cần, chàng sẽ thách hắn đấu tay đôi để giải quyết dứt điểm vấn đề, một lần và mãi mãi. Juan biết rằng nếu đấu tay đôi, Cesare thiện chiến hơn, và Juan sẽ phải hối hận về hành vi lố lăng của mình - không chỉ với Cesare, mà còn với tất cả những người chàng ta đã xúc phạm, gây tai tiếng cho cả nhà Borgia.
Cesare cũng biết rằng chính Juan, chứ không phải chàng, mới là đứa hèn nhát, bất chấp những lời kết tội vô lối mà hắn ném bừa vào chàng. Trong bất kì trận chiến nào, dầu là chiến tranh cân não hay so tài vũ dũng, Cesare đều chắc chắn giành phần thắng.
Hồng y Ascanio Sforza cũng bực bội lắm vì chỉ mấy đêm trước đây thôi, Juan lại say xỉn, và ra tay hung bạo, giết một cận vệ của Ascanio mà không có lí do. Ascanio vẫn còn hậm hực về chuyện đó và thề rằng nếu như mình không đang mang chiếc mũ đỏ hồng y và không phải sợ đòn thù từ Giáo hoàng thì tự tay ông đã giải quyết món nợ này với Juan rồi.
Cậu út Jofre mười sáu tuổi chưa từng tranh cãi với Juan tiếng nào, nhưng Cesare biết nó ức gã anh trai lắm, vì nó đâu ngu đến nỗi không biết về mối quan hệ giữa Juan và Sancia. Cậu em này là một ẩn số. Thoạt nhìn, vì gương mặt cứ lơ đãng nên trông cậu có vẻ không được sáng dạ cho lắm. Nhưng Cesare đã chứng kiến cuộc lột xác của cậu trước mặt de Cordoba trong đêm hôm ấy, nên chàng không bao giờ còn nhìn cậu út theo kiểu như trước nữa.
Sau khi chúc Ascanio ngủ ngon và Gio Medici cũng trở về tư dinh của chàng ta, Jofre nói với Cesare, “Em nghĩ là em sẽ đến thăm khu ghetto thành Rome mua vui vài giờ với cô nào hứng thú với mình.”
Cesare mỉm cười và vỗ vai cậu ta khích lệ. “Ta không có gì phản đối chú em đâu.” Chàng nói và cười lớn, “Chúc một đêm hoan lạc tưng bừng!”
Cesare nhìn theo trong lúc cậu út cưỡi ngựa đi xa. Chính lúc đó chàng chứng kiến một điều khiến chàng cảm thấy bất an. Khi Jofre quẹo vào góc phố tiến về khu ghetto, sau lưng cậu, bỗng có ba người cưỡi ngựa vụt ra từ giữa các căn nhà bằng đá đi theo. Gã cao nhất cưỡi chiến mã trắng.
Sau khi đứng chờ một lát để bọn họ không nghe thấy vó ngựa phi của mình ở phía sau, Cesare cưỡi ngựa đến quảng trường phía trên khu ghetto. Phía trước chàng, cách mấy dãy phố, bốn người cưỡi ngựa, bóng đổ dài trên đường, trong số đó, có Jofre em chàng. Chàng có thể nghe họ nói chuyện với nhau, giọng thân thiện và vui vẻ. Thấy vậy, chàng tin rằng em mình không gặp nguy hiểm nào, Cesare quay đầu ngựa và một mình trở về Vatican.
* * *
Cesare đã ngủ được nhiều giờ nhưng một cơn mộng dữ kinh hoàng khiến chàng thức giấc. Phải chăng đó là tiếng đám người cưỡi ngựa nọ? Chàng cố lay mình để tỉnh hẳn, nhưng ngọn đèn trong phòng đã tắt khiến căn phòng tối đen như mực.
Toát mồ hôi lạnh, tim đập nhanh thình thịch, chàng cố trấn tĩnh nhưng dường như không có gì làm dịu đi nỗi kinh hoàng trong tâm chàng. Như người mù, chàng đứng lên và tìm que diêm để đánh lửa, nhưng cả hai tay đều run run và đầu óc đầy những nỗi sợ vô cớ. Trong cơn hoảng loạn, chàng gọi to người hầu. Nhưng chẳng ai đến.
Cuối cùng, không hiểu tại sao chiếc lồng đèn trong phòng chàng cháy lên chập chờn và lại có ánh sáng, vẫn còn ngái ngủ chàng ngồi lại trên giường. Nhưng giờ đây những bóng đen vây quanh chàng, vươn đến chàng từ các bức tường. Cesare quấn người trong chăn, vì chàng thấy lạnh như băng và cứ liên tục run rẩy. Thế rồi không biết từ nơi đâu chàng nghe giọng nói của bà vú Noni văng vẳng bên tai: “Trong nhà con có mùi tử khí…”
Chàng cố xua đi dự cảm không lành đó, gạt bỏ giọng nói ấy, nhưng tâm trí chàng vẫn tràn đầy sợ hãi. Có thể là Crezia gặp nguy hiểm? Không đâu, chàng tự trấn an. Tu viện là nơi chốn an toàn cho nàng - cha nàng đã lo liệu chuyện đó bằng cách bảo Don Michelotto bố trí một đội vệ sĩ chung quanh tu viện, nhưng phải cẩn thận ẩn mình để không đánh động Lucrezia hay khiến nàng nổi giận thêm nữa. Tiếp theo chàng nghĩ đến Jofre. Nhưng nhớ lại giọng cười nói của Jofre cùng đám bạn, Cesare lại thấy yên tâm.
Còn Juan? Chúa biết, nếu như có công lí nơi các tầng trời, chàng sẽ chẳng bao giờ gặp ác mộng khi Juan lâm nguy. Nhưng rồi Cesare lại bị nỗi lo chiếm hết tâm trí khi nghĩ đến cha chàng. Ông sẽ thế nào nếu có chuyện gì xảy đến cho Juan?
Cesare mặc vội quần áo vào và đi đến phòng của Giáo hoàng. Trước phòng ngủ của ông, hai người lính của đội Vệ binh đang đứng nghiêm, bất động như hai pho tượng, mỗi người một bên của hai cánh cửa kim loại nặng nề.
“Đức Thánh Cha vẫn ngủ nghỉ tốt đấy chứ?” Cesare hỏi, cố giữ giọng bình tĩnh.
Jacamino, người hầu thân tín của cha chàng, lên tiếng trả lời từ phòng đợi. “Người đã ngủ được một lúc rồi,” anh ta nói. “Mọi chuyện vẫn ổn.”
Cesare quay lại phòng riêng của mình. Tuy nhiên nỗi bất an vẫn còn dai dẳng trong lòng chàng, và không biết làm gì nữa, chàng đành dong ngựa ra vùng ngoại ô như mọi lần, mỗi khi tim chàng như muốn nổ tung khỏi lồng ngực. Chàng chạy đến chuồng ngựa, sắp sửa vọt lên lưng con tuấn mã ưa thích, chàng chợt thấy con ngựa của Jofre đang được một tên giữ ngựa chăm sóc làm vệ sinh. Chàng để ý thấy đất sét đỏ ven bờ sông dính trên các móng ngựa.
“Vậy là em Jofre của ta đã quay về nhà an toàn?” Cesare hỏi.
“Thưa hồng y, vâng ạ,” chú thiếu niên nói.
“Còn em Juan của ta? Chú ấy đã về chưa?”
“Thưa hồng y, chưa ạ,” chàng thiếu niên nói. “Đến giờ vẫn chưa thấy về.”
Cesare rời thành đô với linh tính về một chuyện chẳng lành. Chàng cũng không biết mình đang muốn tìm kiếm cái gì nhưng cứ như bị quỷ ám, chàng vẫn cứ phóng ngựa lên đường. Mọi thứ quanh chàng hiện ra như trong giấc mộng. Trong tâm trạng thay đổi kì lạ đó, chàng phi ngựa qua miền quê dọc theo bờ sông, tìm kiếm Juan, em chàng.
Đêm lạnh và ẩm ướt, và mùi muối từ sông Tiber làm thông thoáng và giúp đầu óc chàng dịu lại. Chàng lùng sục các bãi sông để tìm bằng chứng đã xảy ra chuyện lộn xộn, nhưng chẳng thấy gì, và sau mấy giờ cưỡi ngựa chàng đến nơi bãi sông đầy đất sét đỏ. Phía bên kia cảng cá lớn, sừng sững lâu đài của bá tước Mirandella, và một bệnh viện với những ngọn đèn chập chờn lung linh nơi cửa sổ. Tuy nhiên mọi thứ dường như vẫn yên tĩnh.
Cesare xuống ngựa, đảo mắt một vòng xem có ai nhìn thấy em mình không. Nhưng cả bến cảng lẫn bãi sông dường như đều vắng người, và những âm thanh duy nhất mà chàng nghe được là tiếng quẫy đập của cá khi chúng uốn mình vọt qua mặt nước lấp lánh như gương của dòng sông. Cesare bước đến cuối bến cá và đứng nhìn lướt qua mặt nước. Có mấy chiếc thuyền câu neo đậu tại đó, các ngư phủ đã ra ngoài đến các quán đêm của làng lai rai giải sầu hoặc ngủ khò bên trong những chiếc ghe chài. Chàng lan man nghĩ không biết cuộc đời một ngư dân ra sao nhỉ, khi việc duy nhất để làm hằng ngày là quăng lưới rồi đợi cá đến cắn câu. Chàng mỉm cười và thấy lòng thoáng chút khuây khỏa, thảnh thơi…
Chàng sắp sửa quay người bỏ đi thì bỗng nhận thấy một chiếc thuyền con buộc vào một đống súc gỗ, một người nằm ngủ bên trong. “Này ông! Này ông gì ơi!” Cesare lên tiếng gọi.
Trong khi chàng bước đến chiếc thuyền, ông ta ngồi dậy và nhìn chàng với vẻ cảnh giác. “Ta là hồng y Borgia,” Cesare nói. “Và ta đang tìm kiếm em ta, thống soái quân đội giáo triều. Đêm nay, ông có thấy điều gì khả nghi không?”
Trong lúc đứng nói chuyện với người đánh cá, Cesare xoay xoay một đồng ducat vàng giữa các ngón tay.
Thấy đồng tiền vàng, lão ngư phủ tên Giorgio liền cảm thấy muốn mở lòng ngay với người khách lạ.
Sau độ nửa giờ, trước khi từ giã lão ngư phủ, Cesare cảm ơn và trao cho ông ta đồng tiền vàng sáng chóe. “Không một ai được biết là chúng ta đã nói chuyện với nhau,” chàng nói. “Ta trông cậy cả vào ông.”
“Tiểu dân đã quên mất tiêu rồi, thưa hồng y,” Giorgio hứa.
Cesare quay ngựa trở về Vatican. Nhưng chàng không hé nửa lời với ai về những gì chàng đã tìm hiểu được.
* * *
Giáo hoàng Alexander dậy sớm hơn thường lệ với tâm trạng khó chịu, không thoải mái. Ông đã triệu tập cuộc hội nghị để rà soát lại chiến lược quân sự vốn sẽ được vận dụng trong các trận chiến sắp đến và tin rằng cảm giác bất an của mình có thể phát sinh từ nỗi lo lắng về kết quả cuộc chiến.
Sau khi quỳ lạy niệm kinh sáng và cầu xin thánh thần chỉ lối, ông đến bàn hội nghị, thấy có mỗi Duarte Brandao đến dự.
“Mấy đứa con ta đâu, Duarte?” Giáo hoàng hỏi. “Đến lúc bắt đầu rồi mà.”
Duarte sợ phải nói cho Giáo hoàng biết. Gã người hầu của tổng chỉ huy đánh thức ông dậy lúc tờ mờ sáng, hắn bẩm với ông rằng ông chủ mình đã không quay về từ bữa dạ tiệc ở vườn nho. Đáng ngại hơn nữa, tay cận vệ tháp tùng của Juan cũng mất tích.
Duarte đã trấn an người hầu, bảo hắn trở về căn hộ của tổng chỉ huy, và thông báo cho ông khi nào con của Giáo hoàng về. Nhưng Duarte có cảm giác kì lạ và không thể ngủ lại. Sau khi nằm thao thức một hồi lâu, cuối cùng ông ra khỏi giường, mặc vội quần áo vào và trước khi ánh sáng vàng tươi của ngày cắt xuyên qua bầu trời đêm đen, ông phóng ngựa qua các đường phố thành Rome đến khu ghetto dò hỏi xem có ai thấy Juan Borgia không. Nhưng chẳng ai thấy tăm dạng chàng ta đâu cả.
Khi quay về đến Vatican, Duarte lập tức đánh thức Cesare để hỏi lần cuối chàng thấy Juan là khi nào.
“Hắn rời khỏi bữa tiệc với người cận vệ và gã mang mặt nạ,” Cesare nói. “Hắn đã có lệnh cha phải quay về Vatican. Cận vệ của hắn đã được dặn dò phải đưa hắn trở về, bởi hắn còn say bí tỉ.”
“Tôi không thể tìm được người cận vệ đã tháp tùng cậu ta,” Duarte bảo Cesare. “Và bản thân tôi cũng đã lùng sục khắp kinh thành để tìm Juan.”
“Tôi thay quần áo ngay đây,” Cesare nói. “Chuyện này cha cần có tôi.”
Nhưng Duarte để ý, khi rời căn hộ của Cesare, ông thấy đôi giày ống của Cesare vẫn còn ướt và phủ đầy bùn đỏ còn mới.
* * *
Nhiều giờ sau đó, Alexander càng rối trí hơn về việc Juan biến mất. Ông đi tới đi lui trong phòng mình, tràng hạt vàng nơi tay. “Thằng con này thật bất trị,” ông bảo Duarte. “Chúng ta phải tìm ra nó. Nó có nhiều chuyện phải trả lời ta.”
Duarte cố gắng trấn an Giáo hoàng. “Cậu ấy còn trẻ mà, thưa Đức Thánh Cha, trong khi thành phố lại đầy đàn bà đẹp. Có lẽ cậu ta còn nằm trong một phòng ngủ nào đấy ở Trastevere mà chúng ta chưa khám phá ra.”
Alexander gật đầu, nhưng đúng lúc đó Cesare đi vào, mang theo hung tin. “Thưa cha, đã tìm thấy cận vệ của Juan, hắn bị thương nặng lắm và hình như các vết thương kinh khiếp đến độ hắn không nói được nữa.”
“Ta sẽ đến hỏi hắn về con ta,” Giáo hoàng nói, “nếu hắn còn nói được, hắn sẽ nói với ta.”
Đầu Cesare cúi xuống và giọng chàng thấp hẳn. “Không còn lưỡi, thưa cha.”
Giáo hoàng thấy hai đầu gối mình muốn khụy xuống. “Và hắn bị thương nặng đến nỗi không thể viết sao?” Giáo hoàng hỏi.
“Hắn không thể, thưa cha,” Cesare đáp. “Vì các ngón tay của hắn đã bị cắt cụt hết cả rồi.”
“Tên cận vệ đó được tìm thấy ở đâu?”
“Ở quảng trường della Giudecca,” Cesare nói, “và chắc là hắn bị quăng ở đó trong nhiều giờ, phơi thây ra trước mắt hàng trăm người qua lại, nhưng vì sợ dây dưa phiền toái nên không ai trình báo sự việc.”
“Và vẫn chưa có tin tức gì về em con?” Alexander hỏi, và ngồi xuống.
“Không, thưa cha,” Cesare nói. “Vẫn chưa có tin gì cả.”
* * *
Sau khi cưỡi ngựa vòng khắp kinh thành Rome để thu thập thông tin từ các tay chỉ huy của đội Cận vệ Giáo hoàng, tư lệnh Quân đội Tây Ban Nha và Vệ binh Thụy Sĩ, cũng như cảnh sát tuần tra thành phố, cả Cesare và Duarte quay về Vatican.
Alexander vẫn còn ngồi lặng lẽ, chuỗi hạt bằng vàng giờ đây được nắm chặt giữa các ngón tay ông. Khi họ đi vào phòng của Giáo hoàng, Cesare nhìn về Duarte Brandao. Chàng nghĩ rằng sẽ dễ chịu hơn cho cha khi nghe những tin tức mới nhất từ một người bạn tin cẩn.
Duarte đứng kế bên Giáo hoàng và đặt một bàn tay mạnh mẽ lên vai ông, giúp ông đứng vững. “Mới vừa rồi tôi được báo cho biết, thưa Đức Thánh Cha, rằng con ngựa của thống soái đã được tìm thấy, nó đi lang thang với một cái bàn đạp bị cắt mất, hình như là bởi một nhát gươm.”
Giáo hoàng thấy không thở nổi, như thể ông vừa nhận một quả đấm cực mạnh vào bụng. “Còn người cưỡi ngựa?” Ông hỏi không ra hơi.
“Không tìm thấy, thưa cha,” Cesare nói.
Giáo hoàng Alexander ngước đầu lên, đôi mắt như bị mây mờ che phủ, và quay sang Cesare, “Tập hợp toàn thể đội Cận vệ và lệnh cho chúng lùng sục tất cả các đường phố nội ô, và vùng ngoại ô. Chỉ khi nào tìm thấy con trai ta, chúng mới được quay về.”
Cesare y lệnh lui ra, chỉ việc cho các toán quân. Trên hành lang đến cung điện, chàng bắt gặp Jofre. “Juan đi đâu mất rồi,” Cesare nói, “và cha đang đau buồn lắm đấy. Ta sẽ nói năng rất cẩn thận nếu ta là cậu, và cho dầu bất kì tình huống nào cũng không để cha biết tối qua cậu ở những nơi đâu.”
Jofre gật đầu với anh cả và nói, “Em hiểu.”
Nhưng cậu ta không nói gì thêm.
* * *
Lời đồn loan truyền khắp kinh thành về cậu con Juan của Giáo hoàng: rằng cậu ta đã mất tích, và rằng Giáo hoàng đang đau buồn ghê gớm, đe dọa sẽ trừng trị nặng nề kẻ nào dám làm hại đến con của ngài.
Mọi nhà đều đóng cửa im ỉm, đường phố vắng tanh không người qua lại trong khi các toán lính Tây Ban Nha gươm tuốt trần đi rầm rập qua các con phố. Những kẻ đối địch với Alexander, gồm nhà Orsini và nhà Colonna, sợ rằng mình sẽ bị đổ tội, nên cũng cầm lấy khí giới trong tư thế sẵn sàng nghênh chiến. Lính tráng được gửi đi khắp mọi xó xỉnh của kinh thành, sục sạo tìm kiếm, án tử lơ lửng trên đầu nếu họ không tìm được Juan.
Mờ sáng hôm sau, cảnh sát đánh thức một người dân chài mà họ phát hiện đang ngủ trong thuyền. Tên ông ta là Giorgio Schiavi, và ông ta khai rằng trong đêm tiệc tùng đó, ông ta thấy bốn kị sĩ, một người trong số họ mang mặt nạ. Từ chiếc ghe chài của mình, ông ta thấy một con ngựa thứ năm được mang đến, trên lưng vắt vẻo một thân người, được đưa đến bãi rác của thành phố ở sông Tiber. Tại đó cái xác được nhấc khỏi ngựa, và ném xuống sông.
Cảnh sát hỏi, “Những người đó trông ra làm sao? Ông biết được gì không?”
Giorgio bẩm báo, “Lúc đó tối mò, tôi chỉ thấy lờ mờ vậy thôi…”
Khi bị thẩm vấn tiếp, ông ta khai nhận rằng mình nghe giọng nói của một người, hẳn là người cầm đầu, ra lệnh cho mấy người kia ném đá vào xác chết khi chiếc áo choàng nhung xanh của người xấu số nổi dập dềnh trên mặt nước. Ông ta khai với họ rằng có một con ngựa màu trắng trong số đó.
Nhưng ông ta giữ lời hứa với hồng y và không bao giờ mô tả người đã lớn tiếng ra lệnh, người đã có mặt ở đó. Cảnh sát bực tức hỏi tại sao ông ta không báo cáo một chuyện nghiêm trọng như thế, Giorgio bực mình trả lời, “Nhiều năm nay, tôi đã thấy hàng trăm xác người bị quăng xuống sông. Nếu cứ mỗi lần như thế tôi đều phải đi trình báo cảnh sát thì tôi đâu còn thì giờ để giăng câu bủa lưới kiếm cái ăn hằng ngày!”
* * *
Đến giữa trưa, các thợ lặn sục sạo lòng sông từ bờ này đến bờ kia với những lưới vét và những móc câu thật lớn. Nhưng mãi đến ba giờ chiều, một lưỡi câu lớn do ngư dân địa phương quăng xuống mới dính vào một vật gì đó cứng ngắc, một xác người đã trương sình nổi lên trên mặt nước, mặt úp sấp, áo choàng bằng nhung xanh xoay vòng vòng trong dòng nước.
Cái xác vẫn còn mang đôi giày ống và đinh thúc ngựa. Găng tay còn nhét nơi đai lưng, và ví tiền đựng ba mươi ducat vẫn còn nguyên, như vậy động cơ giết người không phải để cướp của. Khi được đưa lên khỏi mặt nước và khám nghiệm, người ta thấy cái xác bị đâm chín nhát sâu hoắm, cổ bị cắt.
Duarte đến để nhận dạng tử thi. Không nghi ngờ gì nữa. Đó là cậu con cưng của Giáo hoàng, Juan Borgia.
Cái xác của Juan lập tức được ghe chở về lâu đài Sant Angelo. Vừa nhìn thấy xác đứa con yêu quý nhất của mình, Alexander khụy cả hai gối, quẫn trí đến lạc mất hồn vì đau buồn. Tiếng khóc lóc kêu gào của ông nghe vang khắp điện Vatican.
Khi Alexander tự trấn tĩnh lại, ông ra lệnh phát tang ngay chiều tối hôm ấy. Di thể Juan được làm vệ sinh, tẩm liệm trong bộ nhung phục oai nghiêm của thống soái quân đội Giáo hội Công giáo La Mã.
Lúc sáu giờ chiều hôm ấy, Juan trông thật tuấn tú và dáng như nằm ngủ, được đặt trên một kiệu khiêng áo quan lộng lẫy, do những quý tộc ghé vai vào khiêng đi qua cây cầu. Lúc ấy, từ trên ngọn tháp của lâu đài Sant Angelo, Giáo hoàng đứng đơn độc, nhìn cảnh đưa tang.
Dẫn đầu đám rước là một trăm hai mươi người mang đuốc và khiên, theo sau là hàng trăm thị thần của Giáo hội và tu sĩ, khóc lóc tỉ ti và đi đứng rất lộn xộn.
Đêm đó, cả ngàn người đến đưa tang, ai cũng mang đuốc, xen giữa là những hàng quân Tây Ban Nha gươm tuốt trần cầm tay sáng quắc, đám rước đến Giáo đường Santa Maria del Popolo, nơi Juan được an táng trong nhà nguyện mà mẹ chàng ta, Vanozza đã chuẩn bị để làm chỗ an nghỉ cho chính bà.
* * *
Alexander vẫn còn đang chịu những cơn đau xé lòng, và ngay sau đám tang, ông cho gọi Cesare đến phòng riêng.
Lo lắng không biết có giúp được gì cho cha không, Cesare lập tức đến ngay.
Bước vào văn phòng riêng của Giáo hoàng, chàng thấy ông đang ngồi trước bàn giấy, mặt nhợt nhạt, đôi mắt sưng đỏ vì khóc nhiều. Cesare chỉ thấy ông như thế này một lần trước đây - khi chàng còn bé và lúc ấy mạng sống của Juan đang lâm nguy. Vào thời điểm ấy chàng đã thắc mắc không biết lời nguyện cầu có thể nào thay đổi được số mệnh hay không, hay phải chăng chỉ trì hoãn điều không thể tránh.
Khi Alexander thấy con trai đứng trong bóng tối của căn phòng nhập nhoạng, ông tiến lại gần Cesare, tấm thân đồ sộ chỉ cách chàng mấy tấc. Nỗi đau buồn lẫn với cơn cuồng nộ choáng ngợp lấy ông. Ông vẫn luôn biết rằng Cesare không yêu em trai mình; ông hiểu rằng Juan đã giành lấy cuộc đời mà Cesare mong ước cho chính mình. Ông đã nghe chuyện hai anh em gây gổ, chửi nhau thậm tệ hai đêm trước đó ở nhà Vanozza, cái đêm Juan biến mất. Giờ đây ông muốn biết sự thật từ Cesare. Và ông nói, bằng một giọng gay gắt, ra lệnh. “Hãy thề với ta rằng con không giết em con. Hãy thề trên linh hồn bất tử của con. Và hãy biết rằng nếu con giấu giếm sự thật với ta, con sẽ cháy thiêu trong lửa địa ngục đời đời.”
Cú sốc từ lời buộc tội của cha khiến chàng suýt nghẹn thở. Quả thật chàng không cảm thấy đau buồn chút nào về cái chết của thằng em khả ố. Nhưng cũng đúng thật là không phải chàng giết Juan. Tuy vậy, chàng cũng không thể trách cứ cha vì đã nghi ngờ chàng.
Cesare còn tiến lại gần hơn, ánh mắt hai cha con khóa chặt lấy nhau. Chàng đặt một bàn tay lên ngực và chân thành nói với Alexander. “Thưa cha, con không giết em con. Con xin thề về chuyện đó. Và nếu con không nói sự thật, con sẽ bị thiêu đốt trong lửa địa ngục đời đời.” Chàng thấy sự bối rối nơi khuôn mặt Giáo hoàng, và thế là chàng lặp lại. “Con không giết Juan.”
Giáo hoàng nhìn lảng ra trước. Rồi ông lại ngồi xuống, dường như đổ ập xuống chiếc ghế da rộng, đưa một bàn tay lên che mắt. Khi cất lời, giọng ông nhỏ nhẹ và đượm buồn. “Cảm ơn, cảm ơn con trai,” ông nói. “Con thấy đó, cha rất đau buồn vì mất đứa con yêu. Và cha rất nhẹ lòng vì những gì con vừa nói. Bởi ta phải cho con hay, đây không phải những lời của một người cha đau buồn để con nghe xong rồi quên, nếu con đã giết em con, ta sẽ ra lệnh gia hình con bằng cách làm đứt lìa tứ chi khỏi cơ thể con. Giờ con đi đi vì ta còn phải cầu nguyện và tìm đôi chút khuây khỏa cho nỗi đau buồn của ta.”
* * *
Trong cuộc đời mỗi người đều có thời điểm mà chỉ một quyết định thôi cũng mở ra con đường dẫn đến số mệnh. Khi đứng tại giao lộ ấy, vì không hề biết chuyện gì phía trước nên chỉ một lựa chọn thôi cũng gây ảnh hưởng đến mọi sự kiện sau này. Và như thế, Cesare đã lựa chọn không kể cho cha chuyện lão ngư phủ nọ đã tìm thấy chiếc nhẫn hoàng ngọc pha màu thiên thanh cũng như giấu luôn việc chàng biết Jofre đã giết Juan. Bởi nói cho ông biết chuyện ấy thì có ích gì cho chàng chứ?
Chính Juan đã tự nhào nặn nên số phận của hắn đấy thôi. Việc Jofre trở thành phương tiện thực thi công lí có vẻ là kết cục xứng đáng cho cuộc đời thảm hại của Juan. Hắn chẳng đóng góp gì cho gia đình Borgia, trái lại chỉ tổ làm cả nhà gặp họa. Và như vậy, việc Jofre mưu sát anh mình như chuộc lại bao tội lỗi chất chồng của nhà Borgia.
Chàng không ngạc nhiên khi thấy cha nghi ngờ mình, mặc dầu việc ông ngờ vực lòng trung thành và tình yêu của chàng gây tổn thương nhiều hơn chàng tưởng.
Nhưng nếu Alexander quy tội chàng, vậy thì hãy để mọi chuyện diễn ra như hiện giờ, vì nếu lúc này phản công lại cha chàng bằng sự thật sẽ chỉ làm tổn thương ông thêm mà thôi. Với tư cách là Đức Thánh Cha, Giáo hoàng phải bất khả ngộ, vì chính tính bất khả ngộ đó giữ vững quyền lực cho ông. Trong trường hợp này, Cesare lí luận, sự thật sẽ khắc chế phẩm chất cốt lõi, rường cột của giáo triều.
Cesare biết cha nghi ngờ chàng nhưng nếu để cho ông nghi ngờ chính bản thân ông thì liệu điều đó có tốt hơn không? Không, nó sẽ làm ông suy yếu đi. Và nếu làm thế thì chàng sẽ làm suy yếu toàn bộ nhà Borgia. Chuyện đó Cesare không bao giờ cho phép xảy ra.
Và thế là, với cái chết của Juan và với quyết định của chàng, Cesare đảm đương trọng trách phòng thủ thành Rome, đồng thời trông coi sự an nguy của gia đình.
* * *
Lucrezia đang cầu nguyện trước bức tượng cẩm thạch lớn trong nhà nguyện của tu viện San Sisto, bỗng nàng được một nữ tu trẻ mời đến, cô thiếu nữ dễ bị kích động này xuất thân từ hoàng gia xứ Naples. Rất nhiều tiểu thư giàu có từ các gia đình quý tộc của châu Âu được gửi đến các nữ tu viện để ẩn náu, để được bảo vệ cùng với nhiều thiếu nữ các gia đình bần nông được ơn kêu gọi thực sự. Tất cả họ đều phục vụ cho Giáo hội. Gia đình của những cô gái giàu có cúng dường những món tiền lớn cho nhà thờ, còn các cô gái nhà nghèo cầu nguyện cho sự cứu rỗi linh hồn của đám nhà giàu.
Cô gái trẻ lắp bắp báo cho Lucrezia rằng có người nào đó đang chờ nàng với một thông điệp quan trọng
Tim Lucrezia đập rộn lên vì lo, lấy hết sức đi thật nhanh, đôi giày khua vang trên những lối đi lát đá của hành lang vắng.
Nàng mặc chiếc áo dài bằng len xám giản dị, eo chít cao, khoác chiếc áo ngắn bằng vải bông đơn sơ. Mỗi buổi sáng thay trang phục, nàng đều thầm tạ ơn Chúa vì quần áo rộng lùng thùng mới giấu được cái bụng mỗi ngày càng phình to ra.
Ngàn vạn ý nghĩ vụt qua tâm trí nàng trong giây phút nàng đi đến tiền sảnh. Cha có khỏe không? Anh Cesare thế nào? Phải chăng anh không thể sống thiếu mình trong mấy tháng trời nay và đã bỏ đi xa biền biệt? Hay lại chỉ là một thông điệp khác nữa từ Đức Thánh Cha, từ cha nàng, thuyết phục nàng quay về Rome và lấy lại vị trí của nàng trong triều?
Nàng chỉ mở một phong trong số những phong thư mà chàng tiểu đồng Perotto đã trao. Sau bức thư đó, nàng e rằng tất cả những bức thư khác cũng cùng nội dung đó thôi: cha yêu cầu nàng vâng lời, còn bản thân Lucrezia lại không thể dầu nàng có muốn đi nữa.
Vì xuất hiện trong tình trạng thế này là chuyện bất lợi, đặc biệt là khi chàng trai trẻ Perotto nói cho nàng nghe rằng cha nàng quyết hủy bỏ hôn thú giữa nàng với Giovanni với lí do chàng ta bất lực. Nàng vỗ nhẹ vào bụng mình trong lúc bước đi. “Thế thì cha sẽ giải thích chuyện này như thế nào với bàn dân thiên hạ?”
Tiền sảnh trông ảm đạm và lạnh lẽo, với nền lát đá thô mộc, các cửa sổ được che phủ bằng những bức màn sẫm màu và nhiều cây thánh giá gỗ treo trên các bức tường đơn sơ. Khi Lucrezia đến đó nàng dừng chân, sững người lại vì những gì nàng vừa thấy. Anh Cesare của nàng, trong bộ quần áo tu sĩ, đơn độc đứng chờ nàng nơi tiền sảnh.
Tràn ngập vui sướng khi được gặp lại nhau, nàng chạy ùa đến bên anh trai, sà vào lòng chàng, không cần biết có ai nhìn thấy hay không. Nhưng Cesare đẩy nàng trước mặt và nghiêm khắc nhìn nàng, bộ mặt điển trai của chàng cau lại.
“Kìa Chez?” Nàng nói, suýt ứa nước mắt. “Chuyện gì thế?” Nàng không thể tin là chàng sớm nhận ra đến thế, hoặc đã nghe về việc nàng mang thai từ ai đó. Nàng đứng ngây ra trước mặt anh trai, cả ngàn ý nghĩ vụt qua tâm trí, rồi chàng cúi đầu và nói, “Juan mất rồi. Nó bị ám sát trong đêm tối.”
Hai đầu gối nàng khụy xuống, Lucrezia ngã về phía trước, suýt đập vào sàn đá hoa cương, nhưng Cesare kịp giữ nàng lại. Quỳ xuống kế bên em, chàng nhận ra làn da nàng nhợt nhạt hẳn, những mạch máu nhỏ nổi bật trên đôi mi khép chặt. Chàng khẽ gọi tên nàng: “Crezia, Crezia…” nhưng nàng không tỉnh lại. Thế là chàng cởi áo choàng nhung của mình ra, trải trên sàn nhà và đặt đầu nàng lên đó.
Đôi mắt Lucrezia chớp chớp và bắt đầu mở ra đúng vào lúc Cesare xoa tay lên bụng nàng để dỗ dành và đánh thức nàng. Khi cảnh vật dần rõ nét, mắt chàng là thứ duy nhất nàng nhìn thấy. “Em thấy đỡ hơn chưa?”
“Một ác mộng kinh hoàng,” nàng nói. “Juan chết rồi? Còn cha? Cha có chịu nổi chuyện đó không?”
“Không vững lắm,” Cesare nói với nàng. Nhưng rồi chàng đặt tay lên bụng nàng và nhíu mày. “Có thay đổi trong người em mà anh chưa được biết.”
“Vâng.”
“Chuyện này quả không đúng lúc, trong lúc cha còn đang theo đuổi vụ hủy hôn. Giờ sẽ chẳng ai tin rằng cái thằng lợn Giovanni kia bị bất lực và việc hủy bỏ hôn ước của em sẽ không được chấp thuận.”
Lucrezia nhanh chóng ngồi dậy. Giọng nói của anh nàng lộ nét hờn giận; chàng không hài lòng về nàng. Nàng vẫn còn choáng váng vì tin Juan chết và giờ đây Cesare lại giận dỗi càng khiến nàng thêm bối rối. “Tình trạng của em chẳng liên quan gì đến Giovanni,” nàng lạnh lùng nói. “Em chỉ ăn nằm với hắn đúng một lần thôi và đó là lần trên giường tân hôn.”
Cesare có vẻ giận dữ, “Vậy bây giờ anh phải băm thây thằng khốn nào đây?”
Lucrezia rướn người lên để chạm vào má anh nàng. “Đứa con này của anh đấy, cưng à,” nàng nói. “Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, quả thật là cay đắng.”
Chàng lặng nhìn và trầm tư một lúc lâu.
Rồi chàng nói, “Ta phải tự giải thoát khỏi chiếc mũ hồng y này. Vì không thể để đứa con nào của ta phải là con hoang.”
Lucrezia ấn một ngón tay lên môi chàng. “Nhưng không đứa con nào của anh lại có thể là con của em.”
“Chúng ta phải nghĩ cách và lên kế hoạch,” chàng nói. “Có ai khác biết không?”
“Không một ai cả,” Lucrezia nói. “Vì vào ngày mà em chắc là mình đã có thai, em liền rời khỏi thành Rome.”
* * *
Giáo hoàng tự giam mình trong phòng nhiều ngày liền sau cái chết của Juan. Bất chấp những lời khẩn cẩu của Duarte, Don Michelotto, Cesare và tất cả những người yêu mến ông, ông chẳng chịu ăn uống tí gì hay nói năng với ai trong nhiều ngày - cả với Julia cũng không. Từ bên ngoài phòng ông, người ta vẫn nghe được những lời cầu nguyện và tiếng la hét hối hận khi ông cầu xin sự tha thứ.
Nhưng lúc đầu ông vung nắm đấm và oang oang kết tội cả Chúa. “Hỡi Cha Trên Trời, có ích gì để cứu rỗi linh hồn cả hàng ngàn người khi việc mất đi linh hồn này là nguyên nhân của bao đau đớn đến thế?” Alexander liên tục nổi cơn thịnh nộ trong nhiều ngày. “Trừng phạt tôi về tội vô đạo đức bằng cách lấy đi mạng sống của con tôi, là bất công! Quá bất công! Con người ta yếu đuối, sa ngã là chuyện thường! Nhưng là Cha Trên Trời thì phải đầy lòng xót thương chứ!” Ông hét lên như kẻ điên loạn. Những vị hồng y mà ông ưu ái lần lượt đến gõ cửa phòng ông xin được phép vào, giúp ông trong lúc đau khổ. Nhưng hết người này đến người khác đều bị ông từ chối. Cuối cùng mọi người nghe một tràng hét lớn vang vang khắp điện Vatican. “Đúng, đúng, lạy Cha Trên Trời, con biết - Chính Con của Người cũng phải chịu khổ nạn mà…” Và yên lặng trong hai ngày nữa.
Cuối cùng Alexander cũng mở cửa phòng, ông gầy nhom và nhợt nhạt, nhưng có vẻ thư thái. Ông thông báo cho tất cả những người chờ đợi ông: “Ta đã khấn nguyện với Đức Mẹ là sẽ canh tân Giáo hội và ta sẽ tiến hành ngay. Hãy triệu tập hội nghị hồng y để ta có lời trao đổi với họ.”
Giáo hoàng tuyên bố tình yêu của mình dành cho đứa con vừa mới mất trước công chúng, và nói với các hồng y có mặt là ông sẵn lòng bỏ cả bảy chiếc mũ triều thiên để có lại đứa con kia. Nhưng vì chuyện đó là bất khả, nên thay vì thế ông sẽ khởi sự cải cách Giáo hội, việc mưu sát Juan đã đánh thức ông và giúp ông ý thức rõ về những tội lỗi của mình.
Mặt ông lộ rõ vẻ thống khổ khi nói về chuyện đau buồn của mình, thú nhận sự độc ác của ông và của gia đình mình, ông hứa sẽ chuộc lỗi. Ông thổ lộ công khai trước toàn thể các hồng y và các sứ thần có mặt rằng ông hiểu là mình đã xúc phạm Thượng Đế và ông yêu cầu triệu tập một ủy ban để đề xuất các cải cách.
Ngày hôm sau, Giáo hoàng viết thư cho các vị vua chúa theo Ki-tô giáo, ghi lại cả bi kịch của ông lẫn cách suy xét mới về nhu cầu canh tân. Mọi người đều tin tưởng vào thiện ý của Alexander đến độ có những diễn văn đầy thương cảm khắp thành Rome, và cả hồng y della Rovere lẫn ngôn sứ Savonarola, hai đại kình địch của Giáo hoàng, đều gửi thư phân ưu.
Và thế là dường như một thời đại mới sắp bắt đầu.