Lucrezia đến đoàn tụ với cha và mấy anh em trong mùa lễ Phục sinh ở Vatican. Nàng đang lưu lại tại căn hộ riêng ở cung Santa Maria in Portico khi viên thị thần của Giovanni Sforza đến trình một thông điệp khẩn cấp. Chồng nàng yêu cầu nàng cùng đi với chàng ta trở về Pesaro, theo lời viên thị thần giải thích, vì chàng cảm thấy cuộc sống ở Rome thật ngột ngạt và mong muốn thoát khỏi sự canh chừng gắt gao của Giáo hoàng.
Lucrezia lắng nghe, cảm thấy buồn bực, còn Julia bắt đầu chọn một số đồ đạc của Lucrezia để cho cô người hầu thu xếp hành trang. Ở Pesaro nàng thấy cô đơn cùng cực; còn tại thành Rome này, cuối cùng nàng mới lại cảm thấy là chính mình.
“Ta phải làm gì đây?” Nàng lớn tiếng hỏi, chân nặng nề bước quanh phòng. “Ở Pesaro, cũng như ở Rome, công tước chẳng thèm quan tâm đến ta; còn khi hắn để mắt đến ta thì toàn là vì chuyện gì đâu đâu chứ chẳng bao giờ biểu lộ chút cảm tình trìu mến. Thế mà bây giờ hắn lại muốn ta đi cùng hắn.”
Julia bước đến bên, an ủi nàng.
Viên thị thần đằng hắng lấy giọng, thu hết can đảm và xin phép được nói. Khi được lệnh bà đồng ý, anh ta mới dám tiếp lời. “Công tước xứ Pesaro tỏ ra rất quý nữ công tước. Ngài mong có nữ công tước bên cạnh, không trò chuyện với nhau cũng được, chỉ cần cùng ngài sống tại chính công quốc của riêng mình, nơi ngài cảm thấy thung dung tự tại, được quyền cai trị theo ý của mình.”
“Được rồi, thưa ông,” Lucrezia nói, “đó là mong muốn của ông ta, ông ta muốn mọi chuyện diễn ra theo ý mình. Nhưng ta sẽ ra sao khi quay lại chốn đó? Ta sẽ héo tàn và chết rũ vì cô đơn. Ở Pesaro chẳng có cái quái gì làm ta thấy hứng thú cả.”
Hết còn kiên nhẫn nổi với Lucrezia và cũng biết nỗi đau buồn mà cuộc chia li sẽ gây ra cho Alexander, Julia liền cáo từ và rời phòng.
Bỗng có tiếng gõ cửa, và Lucrezia nghe giọng anh mình gọi. “Crezia, Chez đây. Anh vào được chứ?”
Nàng nhanh chóng ra lệnh cho viên thị thần nấp vào sau bức bình phong. Nàng cảnh báo ông ta không được nhúc nhích cục cựa gì cả, cũng không được gây ra tiếng động nào, bởi nếu bất cẩn e rằng ông ta phải trả giá bằng mạng sống đấy. Chuyện cơm không lành canh không ngọt giữa anh trai với chồng nàng từng làm anh nàng nổi cơn lôi đình cách đây không lâu và nàng không muốn lại xảy ra chuyện ồn ào.
Viên thị thần nhỏ con lặng lẽ di chuyển sau bức bình phong và chộp lấy một chiếc áo choàng của Lucrezia trùm lên người, phủ thêm áo quần khác lên đầu che sao cho thật kín kẽ, phòng khi Cesare bước đến quá gần hoặc muốn sục sạo phòng của cô em. Khi Cesare bước vào, điều trước tiên chàng làm là hôn Lucrezia. Chàng có vẻ hài lòng. “Cha đã quyết định chấp thuận cho em li dị. Hiện nay cha hoàn toàn tin chắc rằng con lợn Giovanni Sforza đó không mang lại lợi ích gì cho chúng ta, và giờ đây vì Milan lại liên kết với Pháp, nên chúng ta chẳng còn dùng hắn vào việc gì nữa. Quan trọng hơn, cha bất mãn vì hắn không làm cho em hạnh phúc.”
Lucrezia ngồi trên đi-văng và ra hiệu cho Cesare ngồi kế bên nàng. Nhưng chàng từ chối, thay vì thế, tản bộ quanh phòng.
“Nhưng rồi cha và anh sẽ nói gì với Giovanni?” Nàng hỏi chàng. “Vụ li dị sẽ được tiến hành như thế nào? Anh ta không phải là kẻ ngoại đạo, và cũng đâu phạm phải tội phản bội nào ngoại trừ chuyện làm cho em không được hạnh phúc…”
Cesare mỉm cười. “Và như thế chưa đủ là tội ác hay sao?”
Đôi mắt Lucrezia sáng lên với nét dí dỏm. “Mặc dầu em nghĩ đó là một tội ác ghê gớm, nhưng em e rằng người khác không nghĩ vậy.”
Cesare trở nên nghiêm túc hơn. “Cha sẽ không chơi trò may rủi với một cuộc li hôn hợp pháp. Chuyện đó sẽ tạo ra một vụ tai tiếng quá lớn. Cha đã mật chỉ rằng Giovanni sẽ phải biến mất.”
Lucrezia đứng bật dậy và chau mày nhìn anh mình. “Chez, anh không thể để xảy ra chuyện đó. Giovanni là một kẻ thô bỉ và là một thứ của nợ chán chết, đúng thế. Nhưng cốt lõi của việc em không hạnh phúc với hắn đó là vì hắn không phải là anh! Và mặc dầu chuyện đó có là tội ác đi nữa, thì cũng chưa phải là thứ tội ác đáng phải chịu một sự trừng phạt nặng đến mức như anh đề xuất.”
“Vậy em sẽ chọn cách nói với Đức Thánh Cha rằng em từ chối phục tùng mệnh lệnh của người? Em sẽ mang lửa địa ngục trên mình vì Giovanni, kẻ mà hành vi chẳng khác chi con lợn bẩn thỉu?” Cesare hỏi.
Lucrezia dò ý anh mình. “Vậy có ai đã hỏi công tước xứ Pesaro xem anh ta có bằng lòng li hôn trước khi anh tính đến những biện pháp quyết liệt như con dao găm hay chén thuốc độc?”
Cesare trả lời, “Cha đã yêu cầu và Giovanni từ chối. Chẳng còn gì để nói nữa.”
Giọng của Lucrezia đầy quả quyết. “Vậy thì hãy nói lại với Đức Thánh Cha, cũng chính là cha của anh, hãy nói rằng em không chấp nhận đánh mất linh hồn vì một hành động như thế. Vì địa ngục là đời đời, và mặc dầu bản thân em cũng từng phạm nhiều tội lỗi, em vẫn giữ hi vọng về một Chúa Lòng Lành và một đời sống vĩnh hằng nơi Thiên đàng.”
Cesare cúi đầu và dụi đôi mắt, vẻ cam chịu. “Crezia, chúng ta bắt buộc phải hành động quyết đoán để kết thúc cuộc vũ hội hóa trang này, và phải dứt điểm nhanh chóng.”
“Không có chuyện gì mà em tha thiết mong muốn hơn là thoát khỏi ông chồng công tước này,” Lucrezia giải thích. “Và anh cũng biết rõ chuyện này mà. Em chỉ quan tâm đến linh hồn của anh, của cha và em thôi. Em không thể nhúng tay vào tội ác tước đoạt mạng sống người khác chỉ vì lợi ích thế gian.”
Cesare đã chắc mẩm rằng em gái mình sẽ hài lòng khi nghe tin về quyết định của Giáo hoàng với cuộc hôn nhân này, nhưng giờ đây phản ứng của cô làm chàng hụt hẫng. Chàng định giải thoát nàng khỏi con quái thú, kẻ khiến cho hai người phải chia lìa, và chàng sẽ trở thành vị cứu tinh của nàng. Chàng liền nổi sùng, trước khi đùng đùng bỏ đi ra khỏi phòng em gái, chàng hét toáng lên: “Bị kẹt giữa em và cha chẳng khác nào bị kẹp giữa hai gọng kìm. Không có lối thoát. Vậy, bây giờ anh hỏi em - em muốn anh làm gì đây?”
“Đừng phản bội chính mình, anh yêu quý ạ, và cũng đừng phản bội người khác.”
Khi chắc chắn rằng Cesare đã đi xa, Lucrezia đi vòng ra phía sau bức bình phong để giải cứu viên thị thần của Giovanni; con người tội nghiệp đang run rẩy đến độ đống quần áo anh ta chất lên người cũng run bần bật theo. Dỡ số quần áo ra khỏi anh chàng khốn khổ, nàng thì thầm, “Anh có nghe những gì được nói hay không?”
Mắt mở to vì khiếp sợ, anh ta nhanh nhảu trả lời, “Không lời nào, thưa nữ công tước. Không một tí ti nào.”
“Chúa ơi! Đầu anh rỗng tuếch hay sao? Chuồn nhanh đi. Nói với công tước tất cả những gì anh đã nghe. Bảo hắn ta vù lẹ đi. Tôi không muốn dính giọt máu nào của hắn trên tay mình. Giờ thì đi đi…”
Nói xong mấy lời đó, nàng dẫn viên thị thần ra về bằng cánh cửa hông của dinh thự.
* * *
Khi viên thị thần thở không ra hơi về đến dãy phòng nhà Borgia nơi Giovanni đang lưu trú và rỉ tai cho công tước những gì anh ta vừa nghe lỏm được, Giovanni Sforza nhanh chóng đến chỗ Giáo hoàng. Chàng ta xin Giáo hoàng miễn cho buổi kinh chiều vì cảm thấy cần phải đến nhà thờ Thánh Onofrio, ngoại ô thành Rome, để xưng tội.
Alexander đành chấp thuận, vì lúc đó đang là Tuần lễ Thánh, và ai cũng biết rằng trong thời gian này, nơi nhà thờ đặc biệt này, một người mắc tội có thể được nhận đặc xá sẽ giải thoát linh hồn anh ta khỏi mọi tội lỗi. Cả Cesare và Giáo hoàng đều biết điều gì đang được giăng ra để chờ Giovanni, nên cảm thấy có nghĩa vụ phải cho phép chàng ta đi xưng tội ở nhà thờ tự chọn. Thế là chàng ta được phép đến nhà thờ Thánh Onofrio. Nhưng vừa đến nhà thờ, Giovanni liền vọt lên mình con tuấn mã Thổ Nhĩ Kỳ đã được viên chỉ huy quân đội của chàng ở Pesaro mang đến. Vì sợ chết khiếp nên chàng ra roi liên tiếp vụt vào mình ngựa, phi không ngừng nghỉ suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ cho đến khi về tới Pesaro. Tại đó, ngay cổng thành, con ngựa kiệt sức vì cuộc hành trình ngàn dặm không ngừng nghỉ, sùi bọt trắng xóa cả mồm, ngã quỵ xuống chân chàng và gục chết liền khi đó.
Giovanni Sforza, vốn mê thú vật hơn mê người, thấy cõi lòng tan nát. Chàng chỉ thị cho viên quản chuồng ngựa lo mai táng con ngựa với nghi lễ trọng thể, và trong nhiều ngày sau đó, chàng ngồi lặng yên trong phòng, bỏ cả ăn uống, chẳng thèm nói năng với ai lời nào. Dân chúng Pesaro không biết là chàng đau buồn vì mất vợ hay đau buồn vì mất ngựa hơn.
* * *
Lucrezia giận cha vì đã không trực tiếp nói với nàng về những kế hoạch của ông, khiến nàng không có cơ hội bộc lộ nỗi lòng mình. Khi biết rằng Giáo hoàng đã phái một luật sư của giáo triều đến Pesaro để yêu cầu Giovanni hủy hôn với lí do bị liệt dương, lí do duy nhất mà ủy ban sẽ chấp nhận, Lucrezia liền quyết định mình phải làm gì. Mặc dầu nàng chẳng yêu thương gì công tước, còn xét về lí, nếu bị buộc phải thừa nhận một khuyết tật vốn vừa đáng xấu hổ lại vừa không có thật, chàng ta sẽ đánh trả bằng cách tố cáo mối quan hệ mờ ám giữa nàng và anh trai. Và đặc biệt là vào thời điểm này, nàng không hề muốn chuyện đó xảy ra.
Bởi chính nàng, vì yêu Cesare, nên sau đêm đầu tiên đó, nàng từ chối ngủ chung giường với chồng và rất ít khi làm nghĩa vụ người vợ. Mặc dầu thừa nhận mình bất lực thì không đến nỗi chết người như nhận li thuốc độc hay nhát dao găm, nhưng đó vẫn là một cú trí mạng đối với bất kì một anh đàn ông nào, huống nữa là một kẻ vốn rất ngạo mạn như chàng công tước. Hẳn là chàng ta sẽ tìm cách rửa hận, điều đó sẽ gây nguy hiểm cho Giáo hoàng cũng như toàn thể nhà Borgia.
Sáng hôm sau nàng thức dậy lúc trời mới rạng đông, và tập họp nhiều người hầu tháp tùng nàng đến tu viện San Sisto - bởi nàng biết rằng tu viện là nơi ẩn trú duy nhất cho một phụ nữ muốn thoát khỏi uy quyền của chồng hay của cha. Lựa chọn của nàng vừa đơn giản lại vừa thể hiện đức hạnh. Nhưng Julia và Adriana cố thuyết phục nàng đừng rời đi.
“Đức Thánh Cha sẽ không an tâm khi con ra đi,” Adriana bảo nàng, “và ngài sẽ phản đối kế hoạch bỏ đi của con cho xem.”
Lucrezia quả quyết. “Cha sẽ không ngăn cản con, bởi vì cha sẽ không biết cho đến khi con đã lên đường từ lâu.”
Biết rõ Giáo hoàng sẽ buồn rầu ra sao, Julia bèn lên tiếng nài nỉ. “Em gái yêu, hãy cho Đức Thánh Cha một cơ hội để khuyên can. Hãy để cho ngài có dịp giải thích lập luận của mình. Em biết ngài tội nghiệp như thế nào những khi em vắng mặt ở Vatican mà…”
Nhưng Lucrezia quay lưng lại với nàng, vẻ bực bội. “Em sẽ không thay đổi kế hoạch của mình. Và này Julia, nếu chị mong muốn Đức Thánh Cha, cũng là cha của em, không phải buồn rầu, chị cứ làm ông vui sướng theo cách của mình. Em không cần phải làm ông vui lòng nữa, bởi lẽ khi đưa ra quyết định, ông không thèm đếm xỉa gì đến vị thế của em, cũng như vị thế của Cha Trên Trời.”
Adriana cố nài lần nữa. “Lucrezia, con vẫn thường nói rằng con không hạnh phúc - vậy mà giờ đây khi cha, vì yêu thương con, tìm cách hủy hôn với người chồng mà chính con cũng thường miệt thị, coi chẳng ra gì, thì con lại quay lưng đi và khước từ cả cha mình. Có hợp lí không con?”
Đôi mắt Lucrezia đẫm lệ nhưng nàng không thể nghi ngờ bản thân, bởi nếu vậy nàng sẽ đánh mất tất cả những gì mình yêu thương. Không nói lời nào, nàng ôm cả hai người Adriana và Julia, căn dặn họ. “Đừng hở tiếng nào cho Đức Thánh Cha trong nửa ngày hôm nay nhé. Nếu cha hỏi đến, hãy nói với cha rằng em vào nhà nguyện để quỳ gối nguyện cầu và không muốn ai làm phiền.”
Sau đó nàng quay sang một trong những cô người hầu trung thành nhất và trao cho cô ấy bức thư nàng mới viết trong đêm rồi. “Hãy mang bức thư này đến ngài hồng y anh ta. Phải chắc chắn trao tận tay anh ấy chứ không ai khác.”
* * *
Trong mọi vấn đề liên quan đến Giáo hội và quốc gia, Giáo hoàng Alexander là một con người rất biết điều, xử sự theo lí trí. Nhưng trong những vấn đề thuộc về trái tim và việc đối xử với con cái, ông lại để tình cảm lấn át lí trí. Và do vậy khi nghe tin con gái ra khỏi nhà với ý định ẩn thân giữa những bức tường của tu viện San Sisto, ông vừa buồn khổ vừa giận dữ.
Trở thành Giáo hoàng để làm gì nếu như ngay cả con gái mình mà cũng không quản được? Làm thế nào mà đứa con cưng của ông, từng quỳ trước Đức Thánh Cha với lòng tôn kính nhất và hôn chân ông, thế mà giờ đây lại cãi lời ông, không cần cân nhắc thiệt hơn?
Ông cho gọi Cesare đến và cả Duarte Brandao. Rồi ông cho người tìm Michelotto. Khi họ đã tụ tập nơi phòng ông, ông hỏi, “Ta đã làm gì mà đứa con ta hết lòng yêu thương kia lại bỏ ta mà đi như thế này?”
Cesare cúi đầu không nói gì.
Duarte, đôi mắt đen lộ vẻ trắc ẩn, nói, “Thưa ngài, có thể đó là do ơn kêu gọi để phụng sự Cha Trên Trời.”
“Duarte, làm ơn,” Giáo hoàng nói. “Đừng đùa mỉa ta chứ, làm như ta là ông già lú lẫn không bằng. Có điều gì đó mà ta không biết, một điều gì đó ta chưa hiểu thấu được.”
Duarte gật đầu. “Tôi nào có ý đùa mỉa ngài, thưa Đức Thánh Cha, bởi tôi đâu dám phạm thượng, mà chỉ nhằm khuyên giải ngài không nên tự trách mình vì những hành động của người con này. Bởi vì nói thật ra, cô ấy đâu còn là trẻ con nữa. Hoặc là cô ấy đang chạy đến một nơi đầy hứa hẹn, hoặc đang tránh khỏi mối đe dọa lớn.”
“Và chuyện đó có thể là gì?” Alexander hỏi trong lúc quay về phía Cesare.
Ánh mắt của Cesare gặp gỡ ánh mắt cha chàng. Và trong thời khắc đó ngọn lửa trong đôi mắt cha chàng thiêu đốt ngọn lửa trong mắt chàng. Bao nhiêu năm nay hai cha con không bao giờ nói với nhau về mối tình quan trọng nhất đối với Cesare vì chàng e rằng tình yêu ấy không chừng còn quan trọng hơn đối với cha chàng. Và trong bất kì trận chiến tình yêu và quyền lực nào với Alexander, Cesare đều nắm chắc phần thua. Vì Giáo hoàng đòi hỏi lòng trung thành đối với ông phải quan trọng hơn mọi thứ khác trên đời. Tiết lộ sự thật về mối quan hệ giữa chàng và em gái có thể thổi bùng ngọn lửa địa ngục.
Cesare không hề nói chuyện đó với ai; ngay cả khi say xỉn và ngủ với gái giang hồ, chàng cũng cố giữ mồm giữ miệng. Còn đám đầy tớ trong cung chắc chắn sẽ không bao giờ dám nói chuyện đó vì sợ bị chém bay đầu. Nhưng là một Đức Thánh Cha được trời cao dẫn lối, ông có thể nhìn thấu vào linh hồn của con mình hay không? Cesare tự hỏi.
Bỗng dưng nét mặt nảy lửa của Giáo hoàng dịu lại và ông mỉm cười. “Này anh bạn Don Michelotto. Hãy chọn cho ta một sứ giả để đến tu viện ngay trong ngày. Ta tin chắc là con gái ta rồi sẽ nguôi ngoai. Phải bảo đảm đó là một chàng trai tốt tính, hòa nhã và thông minh. Chàng ta phải ăn mặc chỉnh tề, thật hấp dẫn vào để Lucrezia yêu quý đồng ý nhận thư và cuối cùng chịu quay về.”
Don Michelotto y lệnh. Anh chọn chàng trai trẻ Perotto làm sứ giả, người mà anh biết được Giáo hoàng ưu ái. Là nhạc công và nhà thơ, chàng trai phục vụ cho Giáo hoàng với vai trò sứ giả để đền đáp công ơn nuôi nấng và cứu giúp. Được ăn học tử tế hơn nhiều người khác trong triều, chàng ta từ Tây Ban Nha đến Rome sống một thời gian sau khi nghe nói về sự hoa lệ của kinh thành này. Chàng ta thật thà và hết lòng vì Giáo hội nên Alexander rất mực tin tưởng chàng trai trẻ.
Khi đặt vào tay Perotto thông điệp thứ nhất cho Lucrezia, Alexander tin chắc rằng chỉ khi bị giết trên đường đi, Perotto mới không mang được thông điệp đó đến cho Lucrezia mà thôi. Ông tin vào chàng trai này đến mức đó.
* * *
Lần đầu Lucrezia gặp Perotto trong khu vườn của tu viện, nàng cố từ chối thông điệp từ Giáo hoàng mà chàng ta mang đến. “Tôi không muốn dây dưa vào bất kì vụ bất hòa nào với Đức Thánh Cha,” nàng bảo Perotto. “Và cách tốt nhất để làm như thế là không bao giờ bắt đầu.”
Perotto với mái tóc vàng, dài chải ngược ra sau, đôi mắt sáng long lanh, chỉ gật đầu vui vẻ. “Tôi hiểu, thưa nữ công tước. Tôi chỉ cầu xin thiện chí của công nương vì tôi tin rằng thông điệp này bàn đến một vấn đề quan trọng.”
Lucrezia nhìn chàng, lắc đầu, và quay bước. Nàng ngồi lên chiếc ghế đá phía bên kia khu vườn và xem xét nên làm gì.
Nhưng thay vì quay gót đi, hay để lại lá thư, Perotto lại biến đi một lát và sau đó quay lại với cây đàn guitar. Chàng xin Lucrezia cho phép ngồi trên thảm cỏ và chơi nhạc.
Nàng nhíu mày; thế nhưng chàng có khuôn mặt thật dễ thương và đáng mến, còn cuộc sống trong tu viện khiến nàng thấy tẻ nhạt, nhàm chán, nên cuối cùng nàng chấp thuận. “Chơi đi, nếu anh thích,” nàng bảo chàng.
Lucrezia ngạc nhiên thấy rằng khi Perotto hát, giọng của chàng cũng thật là mượt mà, thấm vào lòng người như lời ca. Đã lâu rồi kể từ khi nàng giao du với nam giới và được vui cười thế này.
Khi chàng dứt tiếng ca, tâm hồn nàng thấy phấn chấn, và nàng chịu nhận lá thư. Perotto tươi cười trao cho nàng.
Bức thư rất trịnh trọng, trong đó cha nàng bảo rằng những cuộc thương lượng cho việc hủy hôn thú vẫn đang tiến hành và đã đạt được vài tiến bộ. Rằng Giovanni đang xem xét những lợi lộc và bù trừ được đề xuất cho chàng ta. Alexander bảo nàng rằng nếu nàng có bất kì quan tâm nào, nàng cứ viết ra, bởi vì sứ giả sẽ quay về vào ngày hôm sau với tin tức mới.
Nàng vào căn hộ ở tu viện, ngồi vào bàn giấy và viết một thư trả lời ngắn, cũng mang tính nghi thức, cho Giáo hoàng. Trong đó nàng bảo là nàng hi vọng ông mạnh khỏe, và cảm ơn ông vì nàng mà gắng sức thế này. Nhưng nàng chỉ kí tên cuối bức thư “Lucrezia Borgia,” không kèm lời âu yếm nào, và do vậy khi nhận và đọc thư, ông biết rằng con gái vẫn còn giận mình.
* * *
Ngày tiếp theo, Alexander thức giấc, quyết định gác lại chuyện li hôn của Lucrezia. Công việc của giáo triều đang tiến triển tương đối thuận lợi, và một khi đã hoàn tất buổi cầu nguyện sáng ông sẽ rảnh tay dành phần còn lại trong ngày để thu xếp chuyện gia đình.
Cesare cũng thức giấc với tâm trạng vui vẻ, khi đến gặp cha, chàng nói, “Đây có thể là thời điểm để xem xét tổ chức một lễ hội khác, bởi dân chúng trong kinh thành đang nhốn nháo, và họ cần hội hè để không gây ra những chuyện lộn xộn.”
“Đúng thế,” Alexander nhất trí. “Chính ta cũng có thể được hưởng lợi từ hội hè lễ lạt cho tâm hồn vui nhộn lên một tí chứ, lâu nay công việc của nhà thờ đã khiến ta trở nên nghiêm chỉnh quá mức rồi.”
Chính vào lúc đó, Plandini, đổng lí văn phòng của Giáo hoàng, thông báo Ludovico Sforza và cháu ông ta là Giovanni xin hội kiến.
Mọi người ngồi quanh chiếc bàn cẩm thạch nhỏ và được phục vụ phô-mai, trái cây và rượu vang. Sau vài lời pha trò, Alexander quay sang Sforza, với giọng ôn hòa. “Ludovico này, ta không muốn vòng vo thêm nữa. Hôm nay ta mời anh đến đây là để bàn dứt điểm kế hoạch li hôn.”
Ludovico, tay cầm cốc rượu vang bỗng khựng lại, tỏ vẻ ngạc nhiên. Nhưng ông ta chỉ cần vài khoảnh khắc ngắn ngủi để trấn tĩnh lại. “Thưa Đức Thánh Cha, đâu cần phải li hôn, nếu như ngài muốn nói đến Giovanni và ái nữ của ngài, Lucrezia.”
Giovanni gật đầu nhưng không nói gì.
Lúc đó Alexander đứng lên rời khỏi bàn và bắt đầu đi vòng quanh phòng. “Một cuộc li hôn là tuyệt đối cần thiết đấy, Ludovico à. Giovanni đã tự ý bỏ đi khỏi thành đô hàng tháng liền, chỉ ở tại Pesaro. Lucrezia bị bỏ lại môt mình ở Rome.”
Ludovico đứng lên và tiến vào khu ngồi nghỉ, Giovanni theo sau. “Cháu tôi phải rời thành Rome vì sợ những đe dọa từ anh con cả của ngài, thưa Đức Thánh Cha,” Ludovico giải thích với vẻ đầy hối tiếc.
Cesare nãy giờ vẫn không rời khỏi bàn; chàng ta ngồi đó uống hết cốc rượu vang. Alexander quay sang phía chàng ta. “Phải vậy không, con trai? Đe dọa?”
Cesare trả lời, hoàn toàn điềm tĩnh. “Con không bao giờ đe dọa ai. Nếu có ai chọc giận con thì con sẽ thách kẻ đó quyết đấu.” Rồi chàng ta lắc đầu. “Ta không nhớ là đã thách thức chú mày, Giovanni à. Có không?” Chàng ta nhìn thằng em rể với cặp mắt tối và lạnh.
Cả hai anh chàng này ghét nhau ra mặt. “Mi phải thừa nhận rằng, mi chẳng phải là một thằng anh vợ đàng hoàng,” Giovanni ngạo mạn đáp trả.
Ludovico, trở nên bối rối, thưa với Giáo hoàng bằng một giọng mật ngọt. “Thưa Đức Thánh Cha, Giovanni đã quay về Rome. Hai người trẻ đó có thể sống hạnh phúc với nhau ở Pesaro như đôi vợ chồng. Nhưng Lucrezia lại từ chối. Nó chỉ muốn ở Rome.”
Giờ đây tất cả ngồi trong thư phòng của Giáo hoàng.
Alexander trở nên mất kiên nhẫn. “Này anh bạn Ludovico. Chúng ta có thể tranh luận cả ngày dài. Nhưng cả hai ta đều còn nhiều chuyện cần kíp hơn phải làm. Ở đây chỉ có thể đi đến kết luận duy nhất: Giovanni và Lucrezia phải li hôn. Chúng tôi rất thông cảm với những ưu tư của anh cũng như những cảm nhận của cháu anh. Nhưng vì lợi ích của Giáo hội, chuyện này phải thế.”
“Lợi ích của Giáo hội?” Ludovico lúng túng nói.
Giờ đây cả ông ta lẫn Alexander đều đứng lên và đi qua đi lại khắp phòng. “Thưa Đức Thánh Cha,” Ludovico thì thầm. “Tôi tin rằng Giovanni sẽ đồng ý li dị, nếu dựa trên cơ sở rằng cuộc hôn nhân chưa bao giờ có hiệu lực.” Ông ta đằng hắng trước khi tiếp lời, “Vì Lucrezia trước đó đã được hứa hôn với anh chàng Tây Ban Nha rồi.”
Alexander quay người và đặt bàn tay lên vai Ludovico. “Ludovico, Ludovico,” ông nói. “Ồ, cái chuyện rối trí này lại có thể giải quyết dễ dàng thế sao. Nhưng giới cầm quyền và hội đồng Giáo hội đâu đồng ý…”
Giọng của Ludovico càng hạ thấp hơn. “Lúc nào ngài cũng có thể ban hành một chỉ dụ mà.”
Alexander gật đầu. “Anh nói đúng đấy,” ông làm bộ như nhất trí. “Ta có thể, đúng vậy. Nếu nó là con gái người khác.” Rồi Giáo hoàng quay lại đối mặt Ludovico, và nói bằng giọng uy quyền. “Lí do duy nhất có thể chấp nhận là bệnh bất lực. Công nhận rằng hôn nhân chưa bao giờ thực sự thành tựu. Điều này thì cả bàn dân thiên hạ, cả hội đồng đều sẽ hiểu. Và chúng ta có tờ tuyên bố viết tay hẳn hoi của Lucrezia.”
Giovanni nhảy dựng lên, mặt đỏ gay. “Cô ta nói dối. Tôi không bất lực và tôi sẽ không bao giờ chịu chấp nhận một điều dối trá nhục nhã như thế!”
Nhưng Ludovico đã quay sang đứa cháu và bằng giọng nghiêm khắc ra lệnh cho chàng ta bình tĩnh lại. “Ngồi xuống, Giovanni. Chúng ta phải tìm cách thỏa hiệp với Đức Thánh Cha.” Il Moro biết rằng mình cần đến Giáo hoàng, vì ông ta e rằng Milan có thể bị người Pháp nuốt chửng bất cứ lúc nào, và vì vậy, một ngày nào đó có thể ông phải cần đến những đạo quân của Giáo hoàng và hậu thuẫn từ Tây Ban Nha.
Bấy giờ Cesare buông ra những lời nặng trịch như đá. “Tôi tin mình có giải pháp cho chuyện này. Crezia nói một đằng, Giovanni lại nói ra một nẻo. Và tôi đề xuất một bài kiểm tra. Chúng ta có thể tập họp các thành viên của cả hai gia đình vào một phòng tiếp tân rộng lớn. Trong phòng đó chúng ta cho kê một chiếc giường đầy đủ tiện nghi. Trên chiếc giường đó sẽ có một kiều nữ thật hấp dẫn, khỏe mạnh và đầy nhiệt tình phục vụ. Lúc đó Giovanni sẽ lên giường bên cạnh cô ta và chứng tỏ bản lĩnh đàn ông của mình bằng mọi cách.”
Nghe mấy lời đó, chàng Giovanni mất tinh thần, phát hoảng. “Trước mặt bao nhiêu người của cả hai gia đình? Không, tôi sẽ không làm thế. Tôi sẽ không đồng ý làm chuyện kì cục quái đản như vậy đâu!”
Bấy giờ Giáo hoàng tiến lại gần Ludovico. “Thế là rõ nhé, vấn đề đã sáng tỏ. Giovanni đã từ chối cơ hội chứng tỏ bản lĩnh đàn ông của mình, và như vậy chúng ta phải kết luận, như bất kì phiên tòa nào cũng sẽ làm như thế, rằng lời khai của Lucrezia là đúng. Tất nhiên chúng tôi sẽ đối xử với Giovanni độ lượng và rộng rãi, vì cậu ta đã làm hết khả năng trong tư cách người chồng và chúng ta có mặt ở đây không phải để trách móc gì ai cả.”
Giovanni muốn hét lên một vài câu cho hả nhưng bị ông chú chặn lại, kéo qua một bên. “Cả gia tộc ta sẽ từ cháu nếu cháu không nhất trí chuyện này. Cháu sẽ mất cả tước vị và đất phong của mình. Vào lúc này, mặc dầu cháu không còn là một người chồng, nhưng vẫn còn là một công tước. Và đấy đâu phải là chuyện nhỏ.”
* * *
Cuối ngày hôm đó, Cesare ngồi trước bàn giấy trong phòng riêng và đọc lại bức thư mà em gái gửi cho chàng vào ngày hôm trước. Khuôn mặt tuấn tú ánh lên nét sầu muộn mà chàng đang canh cánh bên lòng, bởi phải chia lìa với Lucrezia khiến chàng đau đớn tận tâm can và nhớ mong da diết. Nhưng chàng còn lo ngại điều hơn thế nữa. Tay chàng run nhẹ khi đọc đi đọc lại bức thư.
Một dòng chữ dường như đứng riêng ra trên trang thư: “Lúc này đây, em không được tự do bàn luận vấn đề có tầm quan trọng bậc nhất đối với chúng ta.”
Chính tính trang trọng của bức thư, quyết không cho chàng bất kì thông tin nào, đã lôi kéo sự chú ý của chàng. Tất cả những gì nàng không nói mới là những gì cần biết nhất. Và chàng biết em gái mình khá rõ để hiểu rằng nàng có một bí mật mà một khi nói ra, có thể đặt hai vào thế nguy hiểm chết người.