Cay đắng mùi đời

IV

Ðêm rằm tháng giêng, bóng trăng tỏ chói trời Nam vằng vặc, dòng nước xanh tràn sông Trước minh mông. Từ vàm Kỳ Hôn xuồng tới mỏm Tam Lạch, trời trời nước nước ê hề trăng giọi, gió đùa, mặt nước lao xao mà lại rạng ngời coi như thể vàng trôi bạc chảy Cách một khoảngxa xa mới có một chiếc thuyền buồm trương, chèo xếp, thả giữa dòng để cho nước xuôi gió thuận đưa đi. Hai bên sông cây cỏ im lìm, một giây lâu mới nghe tiếng trống trở canh văng vẳng.

Chiếc ghe của thầy Ðàng ra khỏi vàm Kỳ Hôn rồi thì bạn lái đều ngủ hết, duy còn có một chú tài công ngồi phía sau, tay nắm lèo, tay cấp bánh lái, nhắm dòng nước mà thả linh đinh; đêm khuya khoảng vắng, gió mát trăng trong, anh ta hứng cảnh động tình nên cất tiếng mà nói thơ Lục Vân Tiên nghe inh ỏi. Thầy Ðàng nằm trong mui lặng lẽ đương suy đi xét lại những thế tục nhơn tình, bỗng nghe tiếng tài công nói thơ, thầy ngứa nghề, liền lồm cồm ngồi dậy lấy cây đờn cò mà đờn theo đặng giải cơn buồn chút đỉnh. Chú lái với hai đứa nhỏ đương ngủ nghe tiếng đờn cũng giựt mình thức dậy, rồi ngồi nghe chơi vui vẻ vô cùng. Chú lái muốn để cho bạn nghỉ ngơi cho yên, nên không kêu, chú mới bổn thân đốt đèn nhúm lửa rồi nấu nước trà cho thầy uống.

Tài công nói thơ một hồi rồi nghỉ. Thầy Ðàng uống nước rồi mới biểu thằng Ðược lấy đờn kìm mà hòa với thầy, còn con Liên thì ca theo. Chú lái tuy là người lam lụ làm ăn, xưa nay ở nhà làm ruộng thì mảng sợ mạ tim lúa háp, ngồi nghe đi buôn thì mảng lo bán đắt mua may, chớ chưa biết thú vị phong lưu là thể nào, nhưng mà chú ngồi nghe đờn ca một hồi rồi tâm thần bễ nghễ[1], mày mặt ngáo ngơ, nếu lúc ấy ai cắc cớ hỏi chú vậy chớ đờn ca như vậy mà hay dở thế nào, thì chắc chú nói nghe thì là hay, mà sao trong lòng ngần ngại bâng khuâng, dường như thương ai, nhớ ai, khó mà nói rõ ra cho được.

Con Liên ca mệt thì lấy đờn mà đờn, nhường lại cho thằng Ðược ca, hai đứa thay đổi với nhau ca đủ bài bản hết. Chú lái lấy làm đắc ý, mà chú tài công cũng rất vui lòng. Thầy Ðàng hồi hôm nằm lặng lẽ nghĩ đến việc đời thì buồn thầm, mà chừng thầy đờn cho hai đứa nhỏ ca một hồi rồi thì thầy quên hết những chuyện xưa, sắc mặt hân hoan, tấm lòng nhàn lạc.

Ghe xuống tới Bến Tre thầy Ðàng tạ ơn chú lái rồi ôm đờn dắt hai đứa nhỏ lên bờ, tìm nhà ông Phán Cầm là bạn học thuở nhỏ mà thăm. Ông Phán Cầm thấy thầy thì mừng rỡ vô cùng. Thầy dòm nhà ông Phán thấy chưng dọn hực hỡ, tôi tớ rần rộ, vợ con lòe loẹt, thầy nghĩ đến cách lập nghiệp của người giúp việc quan thì thầy có ý cười thầm. Nhưng mà anh em hồi nhỏ học một trường, yêu mến nhau, mà đã lâu rồi không có dịp gặp nhau, nên thầy không nỡ chiết báng nhau, thầy mới hỏi thăm gia đạo coi ông Phán làm ăn lợi hại thế nào cho biết. Ông Phán nghe hỏi đến việc nhà thì đắc ý bèn nói thiệt rằng từ khi ông đổi lại Bến Tre đến nay kể đã hơn mười năm rồi, lúc ban đầu, thiệt ông chẳng được khá cho lắm, song mấy năm sau đây dân sự quen biết ông nhiều, rồi thì tiền bạc vô như nước, ngày nào cũng kiếm chác năm mười đồng, mà nếu gặp mấy vụ lớn thì ông lại có tới năm ba chục. Ông Phán tỏ việc mình rồi mới hỏi thăm lại thầy Ðàng. Thầy thấy ông Phán lấy tình thiệt mà đãi mình, lại có ý muốn tỏ lòng nhàm chán thế tục của mình cho ông Phán biết nên cũng không giấu giếm, bèn thuật hết các việc của mình cho ông Phán nghe.

Ông Phán nghe thầy Ðàng nói hết đầu đuôi rồi, trong bụng hơi chê thầm rằng thầy không biết thừa thế, nhưng vì anh em thương nhau, nay mình được khá còn anh em mình nghèo, nếu không giúp nhau thì sợ miệng thiên hạ họ cười mình bất nghĩa, bởi vậy cho nên ông Phán mới cầm thầy ở lại đó, trước là anh em sum hiệp với nhau cho vui, sau nữa ông kiếm người học đờn cho thầy dạy, khỏi đi đâu cực khổ.

Cô Phán là người đàn bà hay chiều theo ý chồng, mà cô lại có tánh ham nghe đờn nghe ca, có ban hát cải lương nào lại hát tại Bến Tre, hễ hát mấy đêm thì cô xem đủ mấy đêm, dầu ca hay ca dở, dầu tuồng trưng lớp luân thường thuần mỹ, hay là diễn hồi phong tục suy đồi, cô cũng chẳng cầu miễn là nghe tiếng đàn giọng ca thì cô vui, chẳng kể chi lớp lang tuồng tập. Cô nghe ông Phán nói thầy Ðàng đờn cây nào cũng tươi, còn hai đứa bài nào ca cũng giỏi, thì cô có ý mừng thầm; chừng nghe nói thầy Ðàng chịu ở mà dạy đờn thì cô lấy làm đắc ý lắm. Cô sợ thầy Ðàng ngại ngùng không ở lâu, nên ông Phán đi hầu thì cô ở nhà bải buôi tiếp đãi thầy rất ân cần.

Chiều thứ bảy ông Phán dọn tiệc mời mấy thầy trong tỉnh đến ăn uống chơi, rồi thầy Ðàng với hai đứa nhỏ đờn ca, thì khách ngồi nghe chẳng ai mà không khen ngợi. Bữa sau có năm sáu thầy đến xin học đờn, lần lần rồi con nhà giàu rải rác cũng đến xin học, Thầy Ðàng ban đêm thì dạy đờn, còn ban ngày hễ ông Phán đi hầu rồi thì ở nhà thầy dạy con Liên với thằng Ðược học chữ, lại dạy cách cư xử với người đời, nhứt là thầy khuyên hai trẻ ở đời phải giữ gìn danh dự cho vẹn toàn.

Thầy Ðàng ở tại nhà ông Phán Cầm trót ba năm, vợ chồng ông Phán cũng vui vẻ luôn luôn như ngày mới đến. Thằng Ðược tuy ăn no mặc ấm, lại mấy thầy thấy nó bặt thiệp thường hay cho nó tiền mà xài chơi, nhưng mà có đêm nó nằm nhớ đến Ba Thời thì nó chứa chan giọt lụy. Ông Phán có một đứa con trai còn học ngoài Hà Nội, nên trong nhà chẳng có trẻ nhỏ đặng bậu bạn cho vui, túng thế nó phải chơi với con Liên; tuy con gái chơi không được vui, song gần gũi nhau nhiều ngày rồi lần lần khắng khít cùng nhau nên yêu nến nhau cũng như anh em ruột.

Bữa nọ ông Phán xin phép nghỉ mười ngày đặng về Biên Hòa mà thăm cố hương. Cô Phán ở nhà với thầy Ðàng, câu chuyện vãn, cách đứng ngói, coi có ý lả lơi. Thầy lấy làm bất bình, bèn giả chước đi Mỏ Cày thăm bà con, thầy để hai đứa nhỏ ở lại, còn thầy xách va-li xuống tàu đi mất. Ông Phán đi Biên Hòa về hai ba ngày rỗi thầy mới trở về. Thầy ở đó được nửa tháng nữa rồi thầy còn nói với ông Phán để cho thầy qua Trà Vinh chơi ít bữa. Ông Phán tưởng thầy đi ít bữa rồi trở lại, nên không cầm cọng làm gì. Thầy Ðàng đi từ giã mấy người học đờn thì họ tiễn hành mỗi người đôi ba chục đồng bạc, trong túi thầy cộng cũng được hơn một trăm rưỡi đồng bạc.

Thầy Ðàng sợ vợ chồng ông Phán nghi thầy đi luôn không trở lại, rồi cầm thầy thì khó cho thầy thoát thân, bởi vậy thầy đem theo có vài cái áo quần với mấy cây đờn, thầy để lại chút ít hành lý cho ông Phán và mấy thầy học đờn tin thầy sẽ trở lại.

Khi tàu chạy khỏi bến rồi, thầy Ðàng ngồi ngó quang cảnh hai bên mé sông thầy nghĩ thế thái nhơn tình thì thầy lắc đầu chán nản. Thầy kêu thằng Ðược lại ngồi một bên thầy rồi thầy nói: "Nầy con, xưa nay thiên hạ họ thường khinh bỉ mấy thầy dạy đờn, họ cho thầy đờn là bợm bãi. Thầy không hiểu vì cớ nào mà thầy đờn lại chịu tiếng nhơ như vậy. Nay thầy mới hiểu, nếu thầy đờn mà không biết giữ danh giá ắt chẳng khỏi mang nhơ đó con".

Thằng Ðược nghe nói không hiểu ý thầy bèn hỏi rằng: "Thưa thầy, tại sao mà thầy nói vậy?".

Thầy Ðàng vấn thuốc hút rồi nói tiếp rằng: "Phàm đàn bà con gái phần nhiều đều ưa nghe đờn. Mà tiếng đờn của Việt Nam thì là giéo giắc rỉ rả, nghe ca bắt thương, bắt nhớ, bất cảm, bắt động tình, bởi vậy cho nên ngón đờn tươi chừng nào thì càng làm cho đàn bà con gái dễ mê chừng nấy. Nếu làm thầy đờn mà không chánh tâm, không trọng nghĩa, thì thiếu chi dịp làm cho bọn quần thoa mất tiết mất trinh. Mà xưa nay bọn thầy đờn có bao nhiêu người được chánh tâm, biết trọng nghĩa? Bởi vậy cho nên mang tiếng bợm bãi cũng phải chớ nào không. Thầy coi con còn nhỏ mà ngón đờn đã tươi rồi, chắc chừng con khôn lớn cây cò với cây kìm của con chẳng ai ăn được. Vậy con phải nhớ lời thầy dặn, nếu ngày sau con có nghề nghiệp nào khác thì con đừng có dạy đờn; ví bằng con không có nghề, con phải ra làm thầy đờn thì con phải ráng mà chánh tâm trọng nghĩa cho lắm mới được".

Thằng Ðược ngó con Liên mà cười chúm chím rồi day lại hỏi thầy Ðàng:

- Mình đi Trà Vinh đây rồi chừng nào trở về nhà ông Phán vậy thầy?

- Ði luôn chớ không về nữa.

- Sao vậy thầy?

- Nếu trở về đó sợ có ngày tao phải mang nhục.

- Nếu vậy sách với áo quần thầy còn để lại đó, thầy bỏ hết sao?

- Ðể kiếm chỗ ở yên rồi tao sẽ viết thơ mượn ông Phán gởi qua.

Ðến hai giờ chiều tàu súp lê nghe ình ỏi. Trên cầu tàu mà Trà Vinh thiên hạ lao xao, kẻ chực rước bà con, người hỏi thăm bậu bạn. Phía trong, xe kéo đậu sấp hàng ngay bót, bọn xa phu chạy lăng xăng mời khách lên xe. Chú bếp[2] đứng giữa cầu tay cầm roi mây, miệng hỏi giấy thuế thân, vinh mặt châu mày coi oai nghi lẫm liệt.

Thầy Ðàng xách va-li bước lên cầu ngoắc một tên xa phu lại mà trao cho nó biểu xách đen để lên xe, rồi thầy vói xuống tàu mà lấy mấy túi đờn và vịn cho hai đứa nhỏ leo lên. Thầy bịt khăn đen mặc áo dài lượt bượt, mà lại gặp dịp lộn xộn nên rủi sút rớt hết một chiếc giày hàm ếch xuống dưới kinh. Lúc thầy đương lụi đụi đó chú bếp đứng giữa cầu lại kêu: "Ê! Ông già kia, trình giấy thuế thân ra coi nào". Thầy nghe nhưng mà mắc lộn xộn với chiếc giày nên không trả lời. Chừng hai đứa nhỏ lên xong rồi thầy rút chiếc giày còn lại đó trao cho con Liên cầm, rồi dắt nhau đi lại xe. Lúc đi ngang qua chú bếp thì thấy chú đương xét giấy thuế thân một người khách trú thầy mới đi luôn. Chú bếp dòm thấy bèn kêu trở lại mà hỏi rằng: "Sao không trình giấy thuế thân? Trốn đi đâu đó?". Thầy nghe giọng vô lễ thì giận lắm, nhưng vì thầy biết luật phép, thầy sợ trái phép nước nên không dám đôi co. Thầy mở bóp lấy giấy thuế thân đưa cho chú bếp xem, chú bếp trọn mắt ngó thầy lườm lườm, còn thầy thì liếc ngó ngang, bộ khinh bỉ lắm. Chú bếp mở ra coi rồi trả giấy lại cho thầy, mà khoát tay biểu đi, bộ tịch thiện là xấc xược.

Thầy đương giận trong lòng, mà chừng đi lại gần tới xe, thầy lại nghe tiếng la hét om sòm. Thầy day lại thì thấy chú bếp lại cầm roi mà đánh bổ lên đầu một người trai chừng hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi, mặc quần vải đen cũ, áo vải trắng cụt, coi bộ thì biết là một nông phu quê mùa dốt nát ở trong làng. Thầy thấy vậy lấy làm bất bình, dằn lòng không được bèn bỏ mấy túi đờn chạy lại giựt roi mà nạt rằng: "Mầy ngang quá! Mầy có phép nào mà được đánh người ta. Như người ta có tội thì bắt giải người ta đến tòa bố hoặc tòa án cho quan phân xử, chớ sao mầy được gióc[3] roi trên đầu người ta vậy?".

Chú bếp đã ghét sẵn thầy Ðàng rồi, chừng thấy thầy là người vô can mà nhảy ra binh vực như vậy thì càng giận hơn nữa, nên bỏ tên dân quê mùa ấy, day lai thộp ngực nắm áo thầy mà kéo đi. Thầy vùng vẫy không chịu đi, lại la om sòm biểu chú bếp phải buông ra. Chú bếp không thèm nghe, cứ việc kéo xểnh thầy đi. Thằng Ðược thấy việc chẳng lành thì bối rối trong lòng còn con Liên thi cặp mắt ướt rượt. Những người có mặt tại đó đều đứng nhìn trân trân, không ai nói tiếng chi hết.

Thầy Ðàng vùng vẫy không được, túng thế phải đi theo chú bếp, thầy vừa đi vừa day mặt lại kêu thằng Ðược mà nói rằng: "Ðược, con để hết đồ lên xe kéo rồi dắt em theo đây". Thằng Ðược lấy túi đờn để lên xe với cái va-li rồi biểu xe kéo đi.

Chú bếp buông áo mà nắm tay thầy Ðàng dắt đi trước, kế đó thì thằng Ðược nắm tay con Liên mà đi theo, sau nữa thì cái xe kéo chở đồ. Ði đến cửa bót, chú bếp dắt thẳng thầy vào bót, còn con Liên thằng Ðược với cái xe kéo thì ở ngoài đường. Hai đứa nhỏ ngồi dựa lề đường mà ngó chừng vô bót, không biết việc lành dữ thế nào, nên trong lòng lấy làm lo sợ, cứ nhìn nhau hoài chớ không dám hó hé. Cách một hồi bỗng nghe tiếng ông Cò la hét om sòm, rồi cũng nghe tiếng thầy Ðàng trả lời, song nói tiếng Tây nên hai đứa nhỏ không hiểu. Tên xa phu ngồi vấn thuốc mà hút, lại lầm bầm nói rằng: "Ông Cò này ổng oai lắm, lôi thôi đây đố khói bị ổng". Hai đứa nhỏ đương ngồi trong, bỗng có một tên lính trong bót đi ra thấy xe kéo với hai đứa nhỏ thì hỏi rằng: "Làm giống gì mà ở đây?". Hai đứa nhỏ đứng dậy. Tên xa phu trả lời rằng: "Hai đứa em nó đi với ông già bị chú bếp bắt hồi nãy nên ngồi đây mà chờ ổng". Tên lính nói rằng: "Vậy hay sao?" Ông Cò đã dạy giam ông già đó đặng sáng mai giải lên tòa, chờ giống gì được mà chờ. Ði đi cho mau, ở đây ông Cò ổng ra ổng thấy ổng rầy đa".

Hai đứa nhỏ nghe nói thì chết điếng trong lòng, nên bắt rưng rưng nước mắt. Tên xa phu bèn nói rằng: "Hai đứa bây tính sao bây giờ? Bây có tiền hay không? Thôi, trả tiền xe cho tao đi, chớ bây neo xe tao hoài hay sao". Thằng Ðược lấy làm bối rối không biết liệu thế nào. Lúc ở Bến Tre mấy thầy học đờn cho nó tiền, nó ăn không hết, lúc ấy trong lưng nó còn được tám cắc bạc, nên nó trả tiền xe thì được rồi, mà trả tiền rồi biết đi đâu, đồ đạc đem chỗ nào mà để. Nó đương lo tính trong lòng, tên xa phu lại hỏi răng: "Ở đây bây có bà con quen biết với ai hay không? Như có thì để tao chở giùm đồ lại đó rồi trả tiền luôn thể". Thằng Ðược ngó con Liên rỏi đáp rằng: "Hại quá ở đây tôi không có quen với ai hết".

Tên xa phu chau mày mà hỏi:

- Nếu không có quen, bây giờ ông già bị bắt rồi bây làm sao?

- Ðể tôi kiếm nhà ở đậu đặng chờ thầy tôi chớ biết làm sao bây giờ.

- Hứ! Nếu không có quen vậy chớ lại đây làm gì? Thôi, bây trả tiền xe phứt cho tao đi cho xong.

Thằng Ðược thò tay vào túi lấy ra một cắc bạc mà đưa cho tên xa phu, tên xa phu vùng vằng nói rằng: "Úy! Ðược đọt đâu nà, dưới cầu tàu keo lên tới đây rồi chờ nãy giờ gần một giờ đồng hồ, trả một cắc bạc sao được". Thằng Ðược thấy vậy bèn lấy ra thêm một cắc bạc nữa rồi đưa mà nói rằng: "Tội nghiệp, xin chú thương giùm. Hai đứa tôi có tiền bạc gì đâu. May tôi có vài ba cắc bạc để ăn cơm đỡ. Xin chú chịu phiền lấy hai cắc bạc đây".

Tên xa phu lấy hai cắc bạc rồi mới xách va-li với ba túi đờn mà đưa cho hai đứa nhỏ. Nó vừa kéo xe đi thăng Ðược kêu mà hỏi rằng: "Nầy chú không biết đường lại chợ đi ngõ nào đâu chú hả?". Tên xa phu bảo đi thằng đường trước mặt đó lên đến ngã tư thì quẹo qua tay trái rồi đi riết xuống thì sẽ đụng chợ.

Thằng Ðược tay mặt xách cái va-li tay trái xách cá túi đờn kìm còn con Liên tay thì ôm đờn tranh, tay thì xách đờn cò, hai đứa dắt nhau đi theo đường tên xa phu mới chỉ đó. Hai đưa đi một khúc thì để xuống mà nghỉ tay. Con Liên mới hỏi thằng Ðược rằng:

- Thầy bị giam như vậy mà không biết có hại cho hay không?

- Không sao đâu Thầy biết tiếng Tây giỏi, đến tòa thầy nói chắc tòa tha liền chớ gì; không biết chừng thầy làm chú bếp đó bị phạt nữa chớ. Ngang quá mà! Mới làm bếp mà muốn đánh ai thì đánh.

- Tôi sợ quá anh à.

- Sợ giồng gì?

- Hồi tôi thấy chú bếp nắm áo thầy, tôi sợ run đó anh.

- Qua không sợ chút nào hết. Qua muốn nhảy vô binh thầy song qua sợ thầy rầy nên qua không dám.

- Bây giờ mình xuống chợ làm gì? Nếu mình đi đây thầy ra thầy biết mình ở đâu mà thầy kiếm. Tôi tưởng ở lối trước bót đó mà chờ thầy thì tốt hơn.

- Không được đâu. Người ta nói rằng Cò đã giam thầy đặng sáng mai giải đến tòa, thầy ra sao được mà chờ. Bây giờ mình xuống kiếm quán mua cơn ăn, rồi kiếm chỗ gởi đồ chớ xách tồn tền như vầy bất tiện lắm. Chừng gởi đồ xong rồi mình sẽ lên đó mà chờ thầy.

- Tiền đâu mình ăn cơm?

- Qua còn được sáu cắc bạc đây.

- Vậy sao? Nè, mà thầy ở trong bót chiều nay cơm đâu thầy ăn?

- Qua có tính rồi. Ðể xuống chợ qua mua bánh mì rồi đem cho thầy ăn.

Hai đứa bàn tính với nhau rồi mới xách đồ đi nữa, xuống tới chợ thì nghe đồng hồ trong tiệm rượu gõ bốn giờ. Hai đứa tìm vào một cái quán nhỏ, mua một xá xiêu sáu xu, bốn xu cơm mà ăn. Ăn uống xong rồi mới xách đồ đi kiếm mua một ổ bánh mì ba xu với một cặp lạp xưởng, mượn nướng cho chín, rồi xin giấy nhựt trình gói chung vô một gói. Hai đứa xách đồ đi qua đi lại trước chợ ba bốn lần; dòm coi thiên hạ đều lạ hết, không ai đoái hoài đến mình, nên tính xin gởi đồ ở đậu, mà không biết ai rộng lòng mà dám hỏi.

Ði nghểu nghến đến năm giờ, thình lình may gặp một người đàn bà chừng bốn mươi lăm tuổi ăn mặc tầm thường, đầu đội khăn vằn, chân không có giày guốc chi hết. Người ấy ngó con Liên một hồi rồi hỏi rằng: "Hai đứa bây ở đâu mà nãy giờ tao thấy xách đồ đi nghểu nghển hoài vậy?". Thằng Ðược nghe hỏi thì trong lòng chẳng xiết nỗi mừng, nên lật đật thưa rằng: "Thưa thím, hai anh em tôi bên Bến Tre đi với thầy tôi, vừa đến đây hồi xế rủi gặp một chú bếp muốn kiếm chuyện hại thầy tôi, nên bắt đem về bót rồi ông Cò giam thầy tôi. Từ hồi xế đến bây giờ hai anh em tôi bơ vơ không biết chỗ nào mà nương ngụ".

Người đàn bà ấy nghe nói như vậy liền đáp rằng: "Té ra bây đi với ông già gây với chú bếp ngoài cầu tàu đó sao? Tao có nghe mấy anh xe kéo nói chuyện với nhau hồi nãy. Mà bây ở bên Bến Tre qua đây làm gì có bà con với ai không?".

Thằng Ðược để va-li xuống đất rồi thưa rằng:

- Thưa, không biết thầy tôi có quen với ai không, chớ hai anh em tôi thiệt không có quen với ai bên nầy hết.

- Ủa? Nếu bây không quen, bây giờ thầy bây bị giam, bây làm sao?

- Thưa tôi muốn kiếm nhà gởi đồ và xin ngủ nhờ ít bữa, chờ thầy tôi ra rồi sẽ hay chớ biết làm sao.

Vả người đàn bà ấy góa chồng có một đứa con gái trạc chừng bằng con Liên mà cũng trắng trẻo ngộ nghĩnh như vậy, năm ngoái rủi đứa con gái đau rồi chết đí, nên từ ấy đến nay rầu buồn thương nhớ hoài. Nay gặp con Liên bỗng nhớ đến con, nên đứng nhìn nó một hổi rồi nói rằng: "Nếu hai đứa bây không có quen với ai, thôi thì vô nhà tao mà ở".

Thằng Ðược với con Liên bèn xách đồ đi theo người đàn bà ấy. Ra khỏi chợ, quẹo qua tay mặt đi một đỗi xa xa, tới một dãy phố ngói cũ người đàn bà ấy ghé vô một căn phố, lấy chìa khóa trong túi ra mở cửa, rồi biểu hai đứa nhỏ vô. Thằng Ðược dòm coi trong nhà thì thấy ván giường xịch xạc lem luốc chẳng có vật chi quý mà trong nhà lại có trữ xoài thơm, lớp sắp trên Ván, lớp đổ dưới đất. Người đàn bà ấy thấy thằng Ðược ngó trước xem sau thì cười mà nói rằng: "Tao ở có nuột mình, không có ai hết. Tao bán đồ hàng bông ngoài chợ, hễ đi bán thì tao khóa cửa, gởi cho lối xóm họ coi chừng nhà giùm. Thôi bây ngồi đó chơi để tao đi nấu cơm ăn".

Thằng.Ðược nói rằng nó với con Liên đã ăn cơm rồi; nó mới gởi đồ và để con Liên ở nhà, rồi nó cầm gói bánh mì lạp xưởng đem xuống bót đặng cho thầy nó ăn. Nó đi tới cửa bót, muốn vô mà không dám, nên ngồi trước đường cứ chong mất mà ngó vô hoài. Ðến chạng vạng tối có một người đàn bà ở trong bót dắt con đi ra, nó liệu chắc là vợ con lính trong bót nên chạy lại năn nỉ mượn đem bánh giùm vô cho thầy nó ăn. Người đàn bà ấy thấy thằng nhỏ ăn nói dễ thương nên xiêu lòng, mới lấy gói bánh đem vô trong bót.

Thằng Ðược trở về trong bụng mưng thầm, chắc đêm nay thầy khỏi đói. Nó mừng rồi lại nghĩ rằng không biết người ấy lãnh gói bánh rồi mà có đem đưa tới tay thầy hay không, hay là đem vô rồi đưa cho thằng con ăn thì mình mất tiền mà không ích chi cho thầy hết. Nghĩ như vậy rồi nó vùng tức cưa vì nó nói thầm rằng: "Ở đời mình chưa chắc người ta làm quấy mà mình nghi cho người ta như vậy thì là mình quấy trước".

Nó trở về đến nhà thì chủ nhà đương ăn cơm. Nó thuật chuyện gởi bánh cho con Liên nghe rồi con nọ cứ theo hỏi nó vậy chớ thầy bị giam mà có hại chi hay không. Nó nói không hại, mà con nọ cũng cứ theo hỏi hoài. Chủ nhà ăn cơm rồi mới đóng cửa tắt đèn mà ngủ. Ðêm ấy hai đứa nó thao thức hoài ngủ không được bao nhiêu. Trời hừng sáng chủ nhà thức dậy rồi mở cửa sửa soạn gánh xoài với thơm ra chợ mà bán. Hai đứa nhỏ cũng thức dậy rửa mặt rồi dắt nhau đi lại trước cửa bót ngồi mà chờ, coi chừng ông Cò có giải thầy Ðàng qua tòa thì đi theo mà hỏi thăm.

Hai đứa nhỏ ngồi chờ đến chín giờ thấy ông Cò trong bót đi ra, kế đó thì thầy Ðàng, rồi sau rốt thì chú bếp hôm qua đó, mà chú lại ôm một cuốn sổ, chớ không có cầm roi mây nữa. Con Liên thấy thầy thì nước mắt tuôn dầm dề. Thầy Ðàng thấy hai đứa nhỏ liên hỏi rằng: "Tử hôm qua đến nay bây ở đâu?". Thằng Ðược thưa rằng: "Thưa, con kiếm nhà họ con gởi đồ và ở đậu. Không sao đâu, thầy đừng lo".

Ông Cò nghe nói chuyện bèn day lại rầy om sòm, thầy Ðàng cũng thả lời với ổng, song hai người nói tiếng Tây nên hai đứa nhỏ không biết nói chuyện gì. Thằng Ðược nắm tay con Liên dắt đi theo, coi ông Cò đem thầy đi đâu cho biết và có ý muốn hỏi coi hồi hôm thầy có tiếp được gói bánh mì hay không, nào dè hễ đi lại gần thì chú bếp rầy la, biểu phải đi dang ra hoài nên hỏi chuyện chi cũng không được.

Qua tới tòa, quan Biện lý chưa ra khách, ông Cò để thầy Ðàng với chú bếp ở ngoài, còn ổng vào trong bàn quan Lục sự mà nói chuyện. Thằng Ðược thấy vậy mới dắt con Liên men men đi lại gần. Thầy Ðàng có sắc buồn. Thầy kêu thằng Ðược mà nói rằng: "Ông Cò ổng buộc tội tao đánh lính, mà không hại gì, đến tòa ai phải quấy sẽ biết. Tao buồn có một điều là tao bị bắt buộc đây tao bỏ bây bơ vơ tội nghiệp mà thôi. Ðã vậy mà hôm qua lộn xộn tao làm rớt cái bóp, bây giờ trong lưng không còn một đồng tiền.

Con Liên nghe nói càng khóc hơn nữa. Thằng Ðược tuy trong lòng buồn bực khó chịu lắm, nhưng mà ngoài mặt tỉnh táo như thường. Nó nói cứng cỏi rằng: "Xin thầy đứng có lo cho hai con; con kiếm ăn được không sao đâu mà sợ, miễn thầy ra được thì thôi. Hồi hôm thầy có được ổ bánh mì với cặp lạp xưởng hay không". Nói vừa tới đó ông Cò bước ra. Thầy Ðàng gật đầu rồi đi theo ông Cò vào phòng quan Biện lý.

Hai đứa nhỏ ở ngoài nghe trong phòng quan Biện lý nói om sòm một hồi, rồi có một tên lính hầu dắt thầy Ðàng ra. Thầy Ðàng vừa đi tới chỗ hai đứa nhỏ đứng thì nói rằng: "Quan Biện lý dạy đem tao vô khám mà giam, đặng mai mốt giải tao qua tòa cho quan Chánh Tòa xử. Thôi bây xin ở đậu mà chờ tao. Ðừng có khóc, vài bữa đây tao ra, không hại gì đâu mà sợ".

Hai đứa nhỏ nghe nói đứng chết điếng trong lòng, cứ khóc rồi ngó theo, chớ không nói chi được hết. Cách một hồi lâu nới dắt nhau về nhà ở đậu đó. Vô đến cửa thì cửa khóa. Chúng nó dắt nhau ra chợ, mua một cắc bạc cơm với cá mà ăn, rồi trở về ngồi ngoài cửa than thở với nhau, tính tới tính lui, không biết làm sao mua cơm đem cho thầy ăn được.

Ðến trưa tan chợ, chủ nhà gánh gánh không đi về. Vô tới cửa thấy hai đứa nhỏ ngồi khóc thì chỉ hỏi thăm, chừng nghe rõ đầu đuôi rồi chỉ mới nói rằng: "Hễ tòa giam trong khám thì có cơm của nhà nước bây khỏi lo". Hai đứa nghe nói như vậy thì bớt lo nhưng hễ nghĩ tới phận thầy mắc vòng lao lý thì giọt lụy tuôn rơi, dầu thấy việc chi vui cũng không cười, dầu ăn vật chi ngon cũng không muốn. Chị chủ nhà nấu cơn rồi dọn ra biểu hai đứa nhỏ ăn, thì chúng nó từ chối hoài không chịu ăn cứ nói ơn đùm đậu ơn đã nặng nề rồi, nếu còn làm tốn hao cho chử nhà nữa thiệt là chúng nó không dám.

Ðến 2 giờ chiều thằng Ðược biểu con Liên ở nhà để nó lên tòa dọ nghe tin tức của thầy coi thể nào. Nó đứng xẩn bẩn[4] trước tòa cho đến tan hầu mà không nghe chi hết. Nó lần trở trở về, tính dắt con Liên ra chợ ăn cơm, vì trong túi còn được ba cắc bạc, chẳng dè về nhà thì chị chủ nhà ép quá nên con Liên đã ăn cơm rồi; mà chỉ lại có để dành cơm cho nó nữa, thấy nó về chị ép riết, túng thế nó phải ăn.

Ðêm ấy thằng Ðược nằm suy nghĩ tới phận riêng thì buồn nát ruột. Khi ở nhà Ba Thời tuy bị tên Hữu hành hạ, song dầu thể nào có mẹ chở che; khi mới đi theo thầy Ðàng tưởng là thân này phải pha bụi vùi bùn, nào có dè đâu người đã đem lòng thương yêu mà lại ra công dạy dỗ nữa. Tuy đã biết Ba Thời không phải là mẹ ruột nhưng mà mẹ là ai đâu không thấy, duy thấy có một mình Ba Thời là người nuôi mình cho nên vai nên vóc; cha là đâu không biết, duy có biết thầy Ðàng là người dạy mình lẽ chánh lẽ tà; anh em không biết có hay không duy bậu bạn với con Liên đã gần bốn năm nay nên yêu thương như em ruột. Cái vòng thân ái của mình chỉ gồm có ba người mà thôi. Có khi thấy trẻ nhỏ trang lứa với mình đi chơi với cha mẹ chúng nó, thi trong lòng cũng hơi bứt rứt, thầm mong cho sum hiếp với cha mẹ đặng vui hưởng thú gia đình. Mà mẹ cha là ai đâu? Hỏi như vậy rồi mỉm cười không để ý đến nữa.

Nghĩ việc xưa rồi mới nghĩ đến việc nay: Hiện bây giờ đây trong ba người mình yêu thương, mà ba người ấy cũng yêu thương mình, một người thì ở xa, một người thì mắc cạn, duy còn một con Liên mà thôi. Mình không thế nào mà cậy nhờ người không có ở xa, cũng không thế nào mà giúp đỡ ngươi mắc cạn được, vậy thì mình phải lo mà bảo bọc cho con Liên. Trong túi bây giờ còn có ba cắc bạc, ví như nay mai đây thầy thoát nạn được thì không hại gì, chớ nếu thầy phải bị giam cầm đến mười bữa, hoặc nửa tháng, thì thân mình đây biết có cơm mà ăn hay không, còn con Liên nữa biết làm sao mà bảo bọc cho nó được.

Thằng Ðược nghĩ đến đó thì lo sợ hết sức. Nó tính đi tính lại đến gần nửa đêm mà không biết làm thế nào cho có cơm đủ hai đứa ăn đặng chờ thầy. Ngoài đường vắng vẻ trong nhà im lìm, một lát nghe trống nhà làng trở canh, rồi sau bếp chuột cạy nồi lộp cộp. Thằng Ðược ngồi dậy thấy con Liên cựa mình, nó mới nắm tay kêu thức dậy rồi nói nhỏ rằng: "Nầy em, qua tính sáng mai hai anh em mình xách đờn đến nhà mấy thầy rồi qua đờn em ca đặng cho họ nghe, hoặc may họ có cho tiền mua cơm mà ăn, chớ qua còn có ba cắc bạc, ăn chừng một vài ngày nữa hết rồi làm sao". Con Liên gật đầu rồi đáp rằng: "Anh tính thế nào cũng được".

Thằng Ðược thấy em chịu thì trong bụng mừng thầm, nên nằm xuống ngủ liền không còn lo sự hết tiền đói bụng nữa.