***
Báo động. Nhưng máy bay địch không vào Hà Nội. Như găng, cũng lại như bình thường. ở Pa ri, đương xuất hiện hai khả năng mà. Các ngóc ngách phố vẫn đông. Hôm nào ban bảo vệ khối phố cũng chia nhau đi vận động người sơ tán. Giục đi, nhưng cả người giục cũng nghĩ chỉ khi bom xuống người ta mới chịu đi. Đã nhiều lần như thế, mà cũng chỉ dạt đi ít lâu, nhạt bom lại về.
Bom rền bên kia sông ở ngay Gia Lâm. Rung chuyển nặng nề đến tận gần sáng. Hai tháng im ắng, bây giờ lại rộ những trận bom đêm. Gió bấc đã về buổi sáng mây mù xao xác vần vụ. Mùa đông lại bắt đầu rồi.
Trong phố lan tràn tin đêm qua những đợt bom B.52 thả dàn từ Giang Biên lên quanh cầu Đuống. Báo động suốt đêm, thế mà sáng ra người xúm xít mua báo ở ngã sáu quanh những gốc cây sữa. Những đợt bom nửa đêm kéo đến sáng. Còi báo động trong bóng tối u ám vừa dứt lại tiếp. B.52 xay thóc ỳ ỳ trên mênh mông, ào ạt từng làn như gió dải đồng. Mép lửa viền chân trời theo ánh chớp giật. Bom đánh xuống khắp vùng Đuôi Cá phía nam trên ngã ba đường đi Văn Điển. Nhưng vừa sáng bảnh mắt chiếc tàu điện lụ khụ kéo hai toa, cứ đúng giờ ra khỏi xưởng chứa Thuỷ Khuê lại rỉnh ràng chạy ngang thành phố. Tàu không dừng lại chỗ tránh giữa phố Quán Thánh gần nhà máy điện, ở đấy dãy nhà cao tầng xung quanh cháy đen đã đổ sập cả. Suốt ngày, tàu điện rong ruổi chợ Mơ chợ Bưởi, xuống Kim Liên, vào Hà Đông. Trên các toa tàu lơ thơ người, vẫn nỉ non tiếng hát xẩm của một ông lão loà.
Quán rượu ngã tư chợ Hôm vẫn thế. Hồi này hàng nước nào cũng có nước trắng. Cái bà nạ dòng chủ quán chao chát đôi mắt. Ba ấm giỏ bày song song, nhưng chỉ một giỏ nước chè bán cho khách đầu ghế. Làm phép thế thôi." Trong nhà, bốn góc tường, người lố nhố không ai nhìn ai, có người ực một chén rồi đi ngay. Lắm hôm, chỉ có Dương Bích Liên và tôi ngồi suông. Chúng tôi gặp nhau tình cờ lúc xẩm tối, không rủ mà cùng lặng lẽ bước về phía cái vòi máy nước lấp ló trước quán rượu.
Ba người đầm ở sứ quán Pháp bước ra, giữa tiếng bom vang động. Toà nhà chính của sứ quán giữa trưa tháng trước bị bom đánh đổ, chết cả ông đại sứ. Như còn bốc bụi trong ánh điện. Tiếng bom chùm của B.52 không rít khủng khiếp như những quả bom tạ hôm trước tương xuống khu nhà này nên người ta thản nhiên chăng. Họ ở sân quần vợt về khách sạn hay sứ quán Anh, sứ quán Thuỵ Điển gần đấy. Vẫn báo động dai dẳng, chốc chốc, lại chớp bom sáng loé nhằng nhịt. Nửa đêm về sáng, B.52 bom khu An Dương ven sông rồi quét một vệt lên nóc nhà Bác Cổ, bãi Lương Yên, bệnh viện Bạch Mai. Lại ném bệnh viện Bạch Mai.
Các sở bia Trần Hưng Đạo, Tôn Đản, Chuồng Cọp đông hẳn hơn mọi khi. Đuôi dài đứng sắp hàng quanh bãi, thò ra tận giữa đường. Người nốc từng cốc vại, người còn đương sắp hàng chưa được giọt nào, những khuôn mặt sốt ruột cũng đỏ phừng. Quanh cốc bia toàn những chuyện thảm. ở bãi Lương Yên, một cô bác sĩ, ngày cưới 24, đêm qua chết. Người nhà liệm cho cô chiếc áo dài kếp hoa đào. Mùa cưới đã đến. Trên đường, chặp tối thấy phấp phới những dấu hiệu đám cưới: chiếc xe đạp phóng nhanh, sau xe buộc chiếc trống to của ban nhạc. Một người ngồi đèo, tay ôm cái chậu thau men hoa đồ mừng bọc giấy hồng. Một nhà hé cửa, những hình các thứ hoa thập cẩm rực rỡ mặt bàn. Trên tường chữ L, chữ N bồng lên nhau. Bom liên miên suốt đêm quanh phía ngoại thành. Có tin bí mật phổ biến đêm nay Mỹ đánh vào các phố trung tâm. Khi báo động B52, đài truyền thanh sẽ phát khác thường ngày. Khi đài nói liền hai câu giông nhau: Giặc Mỹ có âm mưu đánh phá ác liệt vào Thủ đô... ấy là ám hiệu cho các đội bảo vệ biết B52 đương vào thành
Từ chiều, mấy lần báo động đã nghe cái câu ghê rợn ấy trên đài. Người vào từng nhà xem còn ai thì xua ra hầm. Các phố lại im ắng. Đột nhiên, gần nửa đêm cho tới sáng, từng đợt B52 ào ào ù ù cối xay cối giã trên trời không lúc nào ngớt. Những quả bom đầu tiên rơi xuống bờ hồ Thiền Cuông. Một khúc đường nhựa cong vồng lên. Hàng cây sanh cây si trước công viên Thống Nhất đương mơn mởn buông rễ chùm, biến mất. Một chiếc ô-tô vận tải đậu ven hè, nhà xe và mấy người khách ngủ nhờ để mai đi sớm, xe và người nổi lều bều mặt hồ. Những đợt bom nối nhau trút xuống Kim Liên, loang sang cả vùng Khâm Thiên phố xá, ngõ ngách chằng chịt, xuống tận ô Chợ Dừa. Bom rơi ngay trước mặt, gần quá không nghe rền nữa. Tiếng gió hú, tiếng nổ chát chát vào hai mang tai.
Một cái đuôi tên lửa rơi ình xuống mái hiên quán cà phê phố Hàm Long, sau sứ quán Pháp. Người ở đâu các phố tuôn ra nháo nhác: bom bịt cả bốn cửa ô rồi. Một người phong phanh cái may ô, gặp ai cũng bíu lấy kêu ối giời ôi, thủng đầu rồi... tôi thủng đầu... Tôi vít cái đầu tóc rễ tre xuống. Không sao, không sao, thủng đầu thì không chạy lên được tận đây đâu. Anh ta lại bổ xấp, bổ ngửa chạy và kêu: có phải... ối giời ôi, tôi thủng đầu...
Một con trâu đằng cửa ô lồng vào phố chạy nhong nhong như ngựa. Đội cứu hoả các phố xuống Khâm Thiên cứu khối bạn. Chỉ còn lại vài người, nhưng cũng đủ bộ cái xe nước, cái bơm mới sơn đỏ choé, với thang, cáng cứu thương... Tôi cầm một chiếc câu liêm. Qua chắn xe hoả, bụi bom bụi đường ngập mắt cá chân. Trời dần dần sáng, trông rõ các ngõ ngách lấp đổ từng quãng, mùi dầu xả xông lên, hắc như ở nhà xác. Những ngọn điện chằng dây vừa mắc ra ngoài tường, sáng đỏ lòm. Tiếng nước vỡ ống chảy rào rào. Bên những dãy nhà đổ thành đống, còn một mảnh tường đứng. Bốn gian cầu chợ Khâm Thiên tan tành, ngổn ngang, trơ ra cái hầm công cộng nổi lù lù như cái mả. Mà cái mả thật. Cả nhà con ông Thảo đội dân phòng phố tôi phải hơi bom tạt vào trong cái hầm nổi này. Bảy người đứng đầu hầm, chết ngạt cả.
Một ông chếnh choáng rượu ngồi trong đống gạch chửi lên cái loa phóng thanh còn sót lại đương nói xa xả trên nóc nhà đầu tường đằng xa. - Tắt bố mày đi! Không trông hàng phố chết hết rồi à? Ông say rượu chửi như gào thi với tiếng loa. Một người đứng lên trên đầu tường thò cổ ra - Loa của thành phố tận ngoài kia mà... Ông say lại réo: Tiên sư cái thành phố nhà mày, trông mả nhớn mả bé kia kìa...
Trong các ngõ, người lổm ngổm đào, moi dũi ra từng vốc đất. Xe cần trục đứng xếp dãy ngoài phố không có lối vào được. Khói hương nghi ngút lẫn mùi xả trên từng dãy xác người nằm đắp chiếc chiếu một bên vỉa hè. Vừa rạng sáng, ở phố ngoài người ở đâu ra đã sắp hàng đong gạo đông hơn mọi khi. Cửa hàng mua dầu còn xúm xít hơn nữa. Nhiều nhà lục tục dọn đến ở ngay các hầm công cộng. Trong nhà thờ Hàm Long, nhà thờ hàng Trống và bên tường các sứ quán ở phố trên người ta che ni lông ăn ở luôn đấy. Chỉ có sứ quán Pháp, sứ quán Angiêri mới bị bom, không ai dám lai vãng. Dây phơi quần áo căng ra. Tiếng trẻ ho, tiếng nhóc con khóc. Khói thổi cơm vẩn vơ trên bờ tường. Những con bò kéo xe, khoác khố tải đứng cạnh gốc cây. ở Uy Nỗ, ở Mễ Trì bị bom đêm, các chủ xe đã đuổi bò rùng rùng vào thành phố, qua vùng Khâm Thiên trơ trụi hẳn một bên.
Khâm Thiên cổ kính, xa xưa. Mùa thu canh tuất 1010, ngót một nghìn năm trước, nhà Lý định đô ở Thăng Long, đắp đê La Thành. Từ thời ấy ô Chợ Dừa cuối phố nghiêm ngặt đồn gác của một cổng chính thành Thăng Long - Hải Thượng Lãn ông đã kể trong Ký sự lên kinh.
Phường Đông Tác - ngõ chợ bây giờ, phường Thịnh Quang ở cuối phố, ô Chợ Dừa với khu Thịnh Hào, phường Xã Đàn ở phía nam, phường Bích Câu phía bắc - những phường đông vui nhất kề bên cửa ô. Khu Trung Phụng gần chợ có cầu Muống, rau muống Kẻ Chợ ngon nổi tiếng. Cung Tả Phụng Thánh, dinh cơ của các thời chúa Trịnh bên cầu.. Con đường nhựa phố Khâm Thiên bây giờ vẫn là đường cái quan xưa từ đầu ô vào Văn Miếu qua Thịnh Hào, Văn Chương, cửa Đại Hưng đến Hàng Cỏ lại lộn về Khâm Thiên giám. Khâm Thiên ngày nay 26 ngõ phố, cũ mới chằng chịt. Ngõ Liên Hoa vào chùa Liên Hoa. Ngõ Thổ Quan có đền thờ ba chị em họ Đào, tướng của Hai Bà Trưng. Các ngõ đều ra đời theo lịch sử và thời gian. Ngõ Cống Trắng, một cái cống thoát nước úng vùng Văn Tân, Linh Quang, Văn Chương ra hồ Ba Mẫu ô Đồng Lầm. Ngõ Sơn Nam, tên nhà triệu phú Bạch Sơn Nam, có dãy nhà cho thuê suốt ngõ. Trần Huyền Trân ngày trước đã ở đấy. Cũng như các ngõ Vạn Lợi, ngõ Tân Châu, ngõ Nam Thái, đều là những tên chủ ngõ.
Khâm Thiên, Hăm Bốn Gian, Vạn Thái, ấp Thái Hà, Vĩnh Hồ, Ngã Tư Sở, những phố ở xa nhau nhưng có nhiều nhà hát ả đào. Tiểu thuyết Sau ánh sáng của Trần Huyền Trân miêu tả lầy lội chui rúc, cái ngõ, động mưa thì ngập nước, lập lờ những mảnh đời tăm tối sau ánh sáng của các tiệm nhảy Rex, Takana, nhà đốc Sao... Cao lâu Trung Sơn tàng tàng của chú khách đầu ô chẳng món gì đáng nhớ, nhưng mà nhớ, vì khách chơi đặt chầu mặn và các món nhắm khuya ở đấy.
Ngang dọc hai cây số các ngõ Khâm Thiên xưa và nay bề bộn lịch sử đã tan tành trong đêm bom khủng khiếp. Chợt nhận ra tàu hoả rời ga hàng Cỏ về phía nam, trước tiên ra ô Đồng Lầm qua giữa hồ Ba Mẫu và hồ Bẩy Mẫu. Trong những ngày thành phố bị tàn phá này dường như lịch sử được chú ý nhiều hơn.
Mùa đông năm nay, thời tiết Hà Nội bị B52 giằng xé, cái gió cái mưa thay đổi từng hôm. Đương hanh hao lại chợt nồm rồi lại rét, lại mưa dây mưa rợ. Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 60 km... 40 km... 20 km... thế là còi ủ, máy bay địch đã vào... có khi lâu cả tiếng đồng hồ, lúc lặng như tờ, lúc bom súng dội lên. Đồng bào chú ý! Máy bay địch đã bay xa. Khi ngớt tiếng nổ, chỉ thoáng hai tiếng chú ý, người ta đã đoán hết được. Nhẹ nhàng, thong thả và hai tiếng đã bay xa mới thanh thản sao. Trên hồ Bẩy Mẫu đã biến mất cái bến thuyền và ngôi nhà hàng nổi mới hôm qua bán giải khát và bánh tôm. Các cô mậu dịch ở bãi bia Chuồng Cọp đã bỏ quán đi cứu sập cửa hàng và bến thuyền này, hôm nào đến lượt bãi bia?.
Sân bệnh viện Bạch Mai điện sáng choang. Những chiếc cần trục hùng hục ngoạm đất. Tiếng hát lẫn tiếng tường đổ rào rào. Ngoài đường trước cửa, ánh đèn dầu le lói, loáng thoáng bánh xe người qua lại. Khay thuốc lá. Cái bơm xe đạp. Bàn phở gà che mái lá. Phố ngổn ngang, nhưng cái chắn xe lửa vẫn còn nguyên. Chị gác barie rút lá cờ đỏ, cắm cúi đẩy cái chắn. Chân chắn đã rít chặt đất, phải đem cuốc chim ra moi. Trong lòng phố vẫn thoảng ra lẫn lộn mùi xả, mùi hương đám ma.
Một hàng nước và ngô luộc lập loè đèn bên vỉa hè chỗ xếp một dẫy xác chết đắp chiếu hôm qua. Người ngồi quanh thúng ngô luộc khói nghi ngút, kể chuyện nhà kia ở ngõ Lệnh Cư, có bảy người chết cả, chỉ còn một người thì đang ở chiến trường B. Người ta im lặng nghe đài đọc tin của sở công an về trị an mấy ngày bị bom liên miên. Tên lưu manh Như Bảo lấy trộm chiếc xe Favorit lúc bom B52 đêm hôm kia. Toà án kết án 6 năm tù và 3 năm không được ở Hà Nội.
Lại thì thào chuyện ở Pari ông Thọ với lão Kít đã ký tắt đình chiến. Không ai tin, vì còi báo động và tiếng bom vẫn ình oàng xuống. Lời đồn đại như một ước vọng. Lại thêm những rỉ tai sốt dẻo. Ngày kia 13 - đúng 13, lão Kít đến Hà Nội... Người ta mách nhau cả bộ dạng thằng Kít: lão ấy tóc mai to, kính trắng gọng vàng, và lại kể vanh vách: Kít sẽ thăm Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai. Ôi! Thằng bỏ mẹ! Nó đi xem chỗ nó vừa giết người. Kít sẽ dạo chơi công viên Thống Nhất. Kít xem văn công... Thế là thế nào!
Chẳng biết ra thế nào? Nhưng có điều đích xác là các quán bia mấy hôm nay đóng cửa. Người ta kháo nhau rằng công an sợ các bợm bia bốc bên kéo ra chặn xe ném cốc vào mặt lão Kít. Không thể, ai cũng còn đương ngỡ ngàng cái thằng kẻ cướp bỗng hoá ra con mèo hiền lành, sao lại đã sang Hà Nội còn hôi hổi hơi bom của nó thế này! Đám trẻ đùa bên tường hầm trú ẩn. Chúng nó gọi nhau: Kít? Kít! Rồi cười the thé. Một đứa thò đầu vào dây phơi quần áo như cái mành mành buông. Nhà nó đã ra ẩn ở đấy.
- Bà ơi! Thằng Kitsingiơ sang hỏi thăm bà đấy
- Con đẻ mẹ mày, kít với chẳng két!
Thế rồi mọi việc không mong không đợi đường như cứ đến. Có người quả quyết đã trông thấy lão Kít kính trắng gọng vàng ngồi xe qua Khâm Thiên. Rồi tù binh đôi bên được thả ở Lộc Ninh, ở Hà Nội. Sân bay Gia Lâm chín giờ sáng còn sương mù. Một chiếc máy bay quân sự Mỹ hạ cánh cuối đường băng, nhả cái thang dưới bụng. Nhân viên uỷ ban quốc tế xuống trước. Mấy sĩ quan ta và Sài Gòn đi sau. Một người thấp bé, áo quần rằn ri, mũ nồi đỏ, cái cần máy ảnh giơ cao. Phóng viên chiến tranh Phan Nhật Nam, tác giả phóng sự Giữa mùa hè đỏ lửa tôi vừa đọc. Trở về Sài Gòn, Phan Nhật Nam viết báo than phiền Hà Nội buồn lắm, nhưng ăn gà luộc ở khách sạn thì quả là thấy thịt gà ngon đậm như ông Vũ Bằng đã viết trong Miếng ngon Hà Nội. Anh ta xin phép gói mấy miếng bỏ vào cái áo tám túi.Lại ngao ngán nỗi không thấy văn nhân nghệ sĩ nhà báo nào được ra sân bay cho hắn thấy.
Rõ hồ đồ, Nguyễn Tuân và tôi từ sáng sớm đã đứng uống bia Trúc Bạch trong quầy nhìn ra đám tù binh Mỹ áo xanh lá cơi, cổ đeo tràng hạt gộc tre, cả bọn xếp hàng chui vào bụng máy bay. Và xem chúng mày ngọ nguậy lên xuống, giơ máy ảnh.
Ngay chiều hôm ấy, tôi có việc sang Libăng. Rời Hà Nội, vẫn ga trời Gia Lâm. Nhưng đề phòng bất trắc, bay trong chiều thật muộn. Chiếc IL 18 đỗ một mình trên đường băng. Hành khách lèo tèo vài người. Một bà người Hung đương uống cả một cốc to rượu bồ đào. Cô chiêu đãi viên hồng vệ binh Trung Quốc áo xanh công nhân, bật đèn trong khi kéo kín các rèm cửa sổ. Máy bay chưa khởi động đến cánh quạt thứ tư, bà người Hung đã ngủ vùi trên ghế phòng đợi. Bà uống để tránh biết máy bay Mỹ, nếu nó đến. Nhưng quá liều. Người ta phải dìu bà lên máy bay.
Hà Nội sau lưng âm u trong chuỗi đèn vàng vọt. Máy bay bay thấp, ánh đèn lập loè như đom đóm bám ngoài cánh. Chưa cởi dây an toàn, đã đương xuống Nam Ninh thảnh thơi rồi.
***
Báo động. Nhưng máy bay địch không vào Hà Nội. Như găng, cũng lại như bình thường. ở Pa ri, đương xuất hiện hai khả năng mà. Các ngóc ngách phố vẫn đông. Hôm nào ban bảo vệ khối phố cũng chia nhau đi vận động người sơ tán. Giục đi, nhưng cả người giục cũng nghĩ chỉ khi bom xuống người ta mới chịu đi. Đã nhiều lần như thế, mà cũng chỉ dạt đi ít lâu, nhạt bom lại về.
Bom rền bên kia sông ở ngay Gia Lâm. Rung chuyển nặng nề đến tận gần sáng. Hai tháng im ắng, bây giờ lại rộ những trận bom đêm. Gió bấc đã về buổi sáng mây mù xao xác vần vụ. Mùa đông lại bắt đầu rồi.
Trong phố lan tràn tin đêm qua những đợt bom B.52 thả dàn từ Giang Biên lên quanh cầu Đuống. Báo động suốt đêm, thế mà sáng ra người xúm xít mua báo ở ngã sáu quanh những gốc cây sữa. Những đợt bom nửa đêm kéo đến sáng. Còi báo động trong bóng tối u ám vừa dứt lại tiếp. B.52 xay thóc ỳ ỳ trên mênh mông, ào ạt từng làn như gió dải đồng. Mép lửa viền chân trời theo ánh chớp giật. Bom đánh xuống khắp vùng Đuôi Cá phía nam trên ngã ba đường đi Văn Điển. Nhưng vừa sáng bảnh mắt chiếc tàu điện lụ khụ kéo hai toa, cứ đúng giờ ra khỏi xưởng chứa Thuỷ Khuê lại rỉnh ràng chạy ngang thành phố. Tàu không dừng lại chỗ tránh giữa phố Quán Thánh gần nhà máy điện, ở đấy dãy nhà cao tầng xung quanh cháy đen đã đổ sập cả. Suốt ngày, tàu điện rong ruổi chợ Mơ chợ Bưởi, xuống Kim Liên, vào Hà Đông. Trên các toa tàu lơ thơ người, vẫn nỉ non tiếng hát xẩm của một ông lão loà.
Quán rượu ngã tư chợ Hôm vẫn thế. Hồi này hàng nước nào cũng có nước trắng. Cái bà nạ dòng chủ quán chao chát đôi mắt. Ba ấm giỏ bày song song, nhưng chỉ một giỏ nước chè bán cho khách đầu ghế. Làm phép thế thôi." Trong nhà, bốn góc tường, người lố nhố không ai nhìn ai, có người ực một chén rồi đi ngay. Lắm hôm, chỉ có Dương Bích Liên và tôi ngồi suông. Chúng tôi gặp nhau tình cờ lúc xẩm tối, không rủ mà cùng lặng lẽ bước về phía cái vòi máy nước lấp ló trước quán rượu.
Ba người đầm ở sứ quán Pháp bước ra, giữa tiếng bom vang động. Toà nhà chính của sứ quán giữa trưa tháng trước bị bom đánh đổ, chết cả ông đại sứ. Như còn bốc bụi trong ánh điện. Tiếng bom chùm của B.52 không rít khủng khiếp như những quả bom tạ hôm trước tương xuống khu nhà này nên người ta thản nhiên chăng. Họ ở sân quần vợt về khách sạn hay sứ quán Anh, sứ quán Thuỵ Điển gần đấy. Vẫn báo động dai dẳng, chốc chốc, lại chớp bom sáng loé nhằng nhịt. Nửa đêm về sáng, B.52 bom khu An Dương ven sông rồi quét một vệt lên nóc nhà Bác Cổ, bãi Lương Yên, bệnh viện Bạch Mai. Lại ném bệnh viện Bạch Mai.
Các sở bia Trần Hưng Đạo, Tôn Đản, Chuồng Cọp đông hẳn hơn mọi khi. Đuôi dài đứng sắp hàng quanh bãi, thò ra tận giữa đường. Người nốc từng cốc vại, người còn đương sắp hàng chưa được giọt nào, những khuôn mặt sốt ruột cũng đỏ phừng. Quanh cốc bia toàn những chuyện thảm. ở bãi Lương Yên, một cô bác sĩ, ngày cưới 24, đêm qua chết. Người nhà liệm cho cô chiếc áo dài kếp hoa đào. Mùa cưới đã đến. Trên đường, chặp tối thấy phấp phới những dấu hiệu đám cưới: chiếc xe đạp phóng nhanh, sau xe buộc chiếc trống to của ban nhạc. Một người ngồi đèo, tay ôm cái chậu thau men hoa đồ mừng bọc giấy hồng. Một nhà hé cửa, những hình các thứ hoa thập cẩm rực rỡ mặt bàn. Trên tường chữ L, chữ N bồng lên nhau. Bom liên miên suốt đêm quanh phía ngoại thành. Có tin bí mật phổ biến đêm nay Mỹ đánh vào các phố trung tâm. Khi báo động B52, đài truyền thanh sẽ phát khác thường ngày. Khi đài nói liền hai câu giông nhau: Giặc Mỹ có âm mưu đánh phá ác liệt vào Thủ đô... ấy là ám hiệu cho các đội bảo vệ biết B52 đương vào thành
Từ chiều, mấy lần báo động đã nghe cái câu ghê rợn ấy trên đài. Người vào từng nhà xem còn ai thì xua ra hầm. Các phố lại im ắng. Đột nhiên, gần nửa đêm cho tới sáng, từng đợt B52 ào ào ù ù cối xay cối giã trên trời không lúc nào ngớt. Những quả bom đầu tiên rơi xuống bờ hồ Thiền Cuông. Một khúc đường nhựa cong vồng lên. Hàng cây sanh cây si trước công viên Thống Nhất đương mơn mởn buông rễ chùm, biến mất. Một chiếc ô-tô vận tải đậu ven hè, nhà xe và mấy người khách ngủ nhờ để mai đi sớm, xe và người nổi lều bều mặt hồ. Những đợt bom nối nhau trút xuống Kim Liên, loang sang cả vùng Khâm Thiên phố xá, ngõ ngách chằng chịt, xuống tận ô Chợ Dừa. Bom rơi ngay trước mặt, gần quá không nghe rền nữa. Tiếng gió hú, tiếng nổ chát chát vào hai mang tai.
Một cái đuôi tên lửa rơi ình xuống mái hiên quán cà phê phố Hàm Long, sau sứ quán Pháp. Người ở đâu các phố tuôn ra nháo nhác: bom bịt cả bốn cửa ô rồi. Một người phong phanh cái may ô, gặp ai cũng bíu lấy kêu ối giời ôi, thủng đầu rồi... tôi thủng đầu... Tôi vít cái đầu tóc rễ tre xuống. Không sao, không sao, thủng đầu thì không chạy lên được tận đây đâu. Anh ta lại bổ xấp, bổ ngửa chạy và kêu: có phải... ối giời ôi, tôi thủng đầu...
Một con trâu đằng cửa ô lồng vào phố chạy nhong nhong như ngựa. Đội cứu hoả các phố xuống Khâm Thiên cứu khối bạn. Chỉ còn lại vài người, nhưng cũng đủ bộ cái xe nước, cái bơm mới sơn đỏ choé, với thang, cáng cứu thương... Tôi cầm một chiếc câu liêm. Qua chắn xe hoả, bụi bom bụi đường ngập mắt cá chân. Trời dần dần sáng, trông rõ các ngõ ngách lấp đổ từng quãng, mùi dầu xả xông lên, hắc như ở nhà xác. Những ngọn điện chằng dây vừa mắc ra ngoài tường, sáng đỏ lòm. Tiếng nước vỡ ống chảy rào rào. Bên những dãy nhà đổ thành đống, còn một mảnh tường đứng. Bốn gian cầu chợ Khâm Thiên tan tành, ngổn ngang, trơ ra cái hầm công cộng nổi lù lù như cái mả. Mà cái mả thật. Cả nhà con ông Thảo đội dân phòng phố tôi phải hơi bom tạt vào trong cái hầm nổi này. Bảy người đứng đầu hầm, chết ngạt cả.
Một ông chếnh choáng rượu ngồi trong đống gạch chửi lên cái loa phóng thanh còn sót lại đương nói xa xả trên nóc nhà đầu tường đằng xa. - Tắt bố mày đi! Không trông hàng phố chết hết rồi à? Ông say rượu chửi như gào thi với tiếng loa. Một người đứng lên trên đầu tường thò cổ ra - Loa của thành phố tận ngoài kia mà... Ông say lại réo: Tiên sư cái thành phố nhà mày, trông mả nhớn mả bé kia kìa...
Trong các ngõ, người lổm ngổm đào, moi dũi ra từng vốc đất. Xe cần trục đứng xếp dãy ngoài phố không có lối vào được. Khói hương nghi ngút lẫn mùi xả trên từng dãy xác người nằm đắp chiếc chiếu một bên vỉa hè. Vừa rạng sáng, ở phố ngoài người ở đâu ra đã sắp hàng đong gạo đông hơn mọi khi. Cửa hàng mua dầu còn xúm xít hơn nữa. Nhiều nhà lục tục dọn đến ở ngay các hầm công cộng. Trong nhà thờ Hàm Long, nhà thờ hàng Trống và bên tường các sứ quán ở phố trên người ta che ni lông ăn ở luôn đấy. Chỉ có sứ quán Pháp, sứ quán Angiêri mới bị bom, không ai dám lai vãng. Dây phơi quần áo căng ra. Tiếng trẻ ho, tiếng nhóc con khóc. Khói thổi cơm vẩn vơ trên bờ tường. Những con bò kéo xe, khoác khố tải đứng cạnh gốc cây. ở Uy Nỗ, ở Mễ Trì bị bom đêm, các chủ xe đã đuổi bò rùng rùng vào thành phố, qua vùng Khâm Thiên trơ trụi hẳn một bên.
Khâm Thiên cổ kính, xa xưa. Mùa thu canh tuất 1010, ngót một nghìn năm trước, nhà Lý định đô ở Thăng Long, đắp đê La Thành. Từ thời ấy ô Chợ Dừa cuối phố nghiêm ngặt đồn gác của một cổng chính thành Thăng Long - Hải Thượng Lãn ông đã kể trong Ký sự lên kinh.
Phường Đông Tác - ngõ chợ bây giờ, phường Thịnh Quang ở cuối phố, ô Chợ Dừa với khu Thịnh Hào, phường Xã Đàn ở phía nam, phường Bích Câu phía bắc - những phường đông vui nhất kề bên cửa ô. Khu Trung Phụng gần chợ có cầu Muống, rau muống Kẻ Chợ ngon nổi tiếng. Cung Tả Phụng Thánh, dinh cơ của các thời chúa Trịnh bên cầu.. Con đường nhựa phố Khâm Thiên bây giờ vẫn là đường cái quan xưa từ đầu ô vào Văn Miếu qua Thịnh Hào, Văn Chương, cửa Đại Hưng đến Hàng Cỏ lại lộn về Khâm Thiên giám. Khâm Thiên ngày nay 26 ngõ phố, cũ mới chằng chịt. Ngõ Liên Hoa vào chùa Liên Hoa. Ngõ Thổ Quan có đền thờ ba chị em họ Đào, tướng của Hai Bà Trưng. Các ngõ đều ra đời theo lịch sử và thời gian. Ngõ Cống Trắng, một cái cống thoát nước úng vùng Văn Tân, Linh Quang, Văn Chương ra hồ Ba Mẫu ô Đồng Lầm. Ngõ Sơn Nam, tên nhà triệu phú Bạch Sơn Nam, có dãy nhà cho thuê suốt ngõ. Trần Huyền Trân ngày trước đã ở đấy. Cũng như các ngõ Vạn Lợi, ngõ Tân Châu, ngõ Nam Thái, đều là những tên chủ ngõ.
Khâm Thiên, Hăm Bốn Gian, Vạn Thái, ấp Thái Hà, Vĩnh Hồ, Ngã Tư Sở, những phố ở xa nhau nhưng có nhiều nhà hát ả đào. Tiểu thuyết Sau ánh sáng của Trần Huyền Trân miêu tả lầy lội chui rúc, cái ngõ, động mưa thì ngập nước, lập lờ những mảnh đời tăm tối sau ánh sáng của các tiệm nhảy Rex, Takana, nhà đốc Sao... Cao lâu Trung Sơn tàng tàng của chú khách đầu ô chẳng món gì đáng nhớ, nhưng mà nhớ, vì khách chơi đặt chầu mặn và các món nhắm khuya ở đấy.
Ngang dọc hai cây số các ngõ Khâm Thiên xưa và nay bề bộn lịch sử đã tan tành trong đêm bom khủng khiếp. Chợt nhận ra tàu hoả rời ga hàng Cỏ về phía nam, trước tiên ra ô Đồng Lầm qua giữa hồ Ba Mẫu và hồ Bẩy Mẫu. Trong những ngày thành phố bị tàn phá này dường như lịch sử được chú ý nhiều hơn.
Mùa đông năm nay, thời tiết Hà Nội bị B52 giằng xé, cái gió cái mưa thay đổi từng hôm. Đương hanh hao lại chợt nồm rồi lại rét, lại mưa dây mưa rợ. Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 60 km... 40 km... 20 km... thế là còi ủ, máy bay địch đã vào... có khi lâu cả tiếng đồng hồ, lúc lặng như tờ, lúc bom súng dội lên. Đồng bào chú ý! Máy bay địch đã bay xa. Khi ngớt tiếng nổ, chỉ thoáng hai tiếng chú ý, người ta đã đoán hết được. Nhẹ nhàng, thong thả và hai tiếng đã bay xa mới thanh thản sao. Trên hồ Bẩy Mẫu đã biến mất cái bến thuyền và ngôi nhà hàng nổi mới hôm qua bán giải khát và bánh tôm. Các cô mậu dịch ở bãi bia Chuồng Cọp đã bỏ quán đi cứu sập cửa hàng và bến thuyền này, hôm nào đến lượt bãi bia?.
Sân bệnh viện Bạch Mai điện sáng choang. Những chiếc cần trục hùng hục ngoạm đất. Tiếng hát lẫn tiếng tường đổ rào rào. Ngoài đường trước cửa, ánh đèn dầu le lói, loáng thoáng bánh xe người qua lại. Khay thuốc lá. Cái bơm xe đạp. Bàn phở gà che mái lá. Phố ngổn ngang, nhưng cái chắn xe lửa vẫn còn nguyên. Chị gác barie rút lá cờ đỏ, cắm cúi đẩy cái chắn. Chân chắn đã rít chặt đất, phải đem cuốc chim ra moi. Trong lòng phố vẫn thoảng ra lẫn lộn mùi xả, mùi hương đám ma.
Một hàng nước và ngô luộc lập loè đèn bên vỉa hè chỗ xếp một dẫy xác chết đắp chiếu hôm qua. Người ngồi quanh thúng ngô luộc khói nghi ngút, kể chuyện nhà kia ở ngõ Lệnh Cư, có bảy người chết cả, chỉ còn một người thì đang ở chiến trường B. Người ta im lặng nghe đài đọc tin của sở công an về trị an mấy ngày bị bom liên miên. Tên lưu manh Như Bảo lấy trộm chiếc xe Favorit lúc bom B52 đêm hôm kia. Toà án kết án 6 năm tù và 3 năm không được ở Hà Nội.
Lại thì thào chuyện ở Pari ông Thọ với lão Kít đã ký tắt đình chiến. Không ai tin, vì còi báo động và tiếng bom vẫn ình oàng xuống. Lời đồn đại như một ước vọng. Lại thêm những rỉ tai sốt dẻo. Ngày kia 13 - đúng 13, lão Kít đến Hà Nội... Người ta mách nhau cả bộ dạng thằng Kít: lão ấy tóc mai to, kính trắng gọng vàng, và lại kể vanh vách: Kít sẽ thăm Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai. Ôi! Thằng bỏ mẹ! Nó đi xem chỗ nó vừa giết người. Kít sẽ dạo chơi công viên Thống Nhất. Kít xem văn công... Thế là thế nào!
Chẳng biết ra thế nào? Nhưng có điều đích xác là các quán bia mấy hôm nay đóng cửa. Người ta kháo nhau rằng công an sợ các bợm bia bốc bên kéo ra chặn xe ném cốc vào mặt lão Kít. Không thể, ai cũng còn đương ngỡ ngàng cái thằng kẻ cướp bỗng hoá ra con mèo hiền lành, sao lại đã sang Hà Nội còn hôi hổi hơi bom của nó thế này! Đám trẻ đùa bên tường hầm trú ẩn. Chúng nó gọi nhau: Kít? Kít! Rồi cười the thé. Một đứa thò đầu vào dây phơi quần áo như cái mành mành buông. Nhà nó đã ra ẩn ở đấy.
- Bà ơi! Thằng Kitsingiơ sang hỏi thăm bà đấy
- Con đẻ mẹ mày, kít với chẳng két!
Thế rồi mọi việc không mong không đợi đường như cứ đến. Có người quả quyết đã trông thấy lão Kít kính trắng gọng vàng ngồi xe qua Khâm Thiên. Rồi tù binh đôi bên được thả ở Lộc Ninh, ở Hà Nội. Sân bay Gia Lâm chín giờ sáng còn sương mù. Một chiếc máy bay quân sự Mỹ hạ cánh cuối đường băng, nhả cái thang dưới bụng. Nhân viên uỷ ban quốc tế xuống trước. Mấy sĩ quan ta và Sài Gòn đi sau. Một người thấp bé, áo quần rằn ri, mũ nồi đỏ, cái cần máy ảnh giơ cao. Phóng viên chiến tranh Phan Nhật Nam, tác giả phóng sự Giữa mùa hè đỏ lửa tôi vừa đọc. Trở về Sài Gòn, Phan Nhật Nam viết báo than phiền Hà Nội buồn lắm, nhưng ăn gà luộc ở khách sạn thì quả là thấy thịt gà ngon đậm như ông Vũ Bằng đã viết trong Miếng ngon Hà Nội. Anh ta xin phép gói mấy miếng bỏ vào cái áo tám túi.Lại ngao ngán nỗi không thấy văn nhân nghệ sĩ nhà báo nào được ra sân bay cho hắn thấy.
Rõ hồ đồ, Nguyễn Tuân và tôi từ sáng sớm đã đứng uống bia Trúc Bạch trong quầy nhìn ra đám tù binh Mỹ áo xanh lá cơi, cổ đeo tràng hạt gộc tre, cả bọn xếp hàng chui vào bụng máy bay. Và xem chúng mày ngọ nguậy lên xuống, giơ máy ảnh.
Ngay chiều hôm ấy, tôi có việc sang Libăng. Rời Hà Nội, vẫn ga trời Gia Lâm. Nhưng đề phòng bất trắc, bay trong chiều thật muộn. Chiếc IL 18 đỗ một mình trên đường băng. Hành khách lèo tèo vài người. Một bà người Hung đương uống cả một cốc to rượu bồ đào. Cô chiêu đãi viên hồng vệ binh Trung Quốc áo xanh công nhân, bật đèn trong khi kéo kín các rèm cửa sổ. Máy bay chưa khởi động đến cánh quạt thứ tư, bà người Hung đã ngủ vùi trên ghế phòng đợi. Bà uống để tránh biết máy bay Mỹ, nếu nó đến. Nhưng quá liều. Người ta phải dìu bà lên máy bay.
Hà Nội sau lưng âm u trong chuỗi đèn vàng vọt. Máy bay bay thấp, ánh đèn lập loè như đom đóm bám ngoài cánh. Chưa cởi dây an toàn, đã đương xuống Nam Ninh thảnh thơi rồi.