- Tôi ấy a, cái ngày tôi đi đuổi ngựa cho nhà Vương...
Ngồi đây, trong cái phòng vừa nhà hàng vừa buồng ở lộn xộn, bề bộn quanh những lá màn, cánh gà mà tưởng đương lang bạt sông suối đâu đâu Simacai bên Lào Cai sang Xỉn Mần rồi rong ruổi lên Mèo Vạc sang Bảo Lạc, Cao Bằng. Những đoàn ngựa thồ hàng trăm con lên núi, ông Ca là một người trong đám thủ túc nhà vua Mèo họ Vương trong đám dắt ngựa, đuổi ngựa ấy. Chuyến hàng ròng rã đói khát cả tháng, chẳng bù với mỗi khi người ngựa được trở về dinh cơ nhà Vương ở Sà Phin, Đồng Văn lại thả sức lu bù chè chén. Cả mấy chục phu ngựa, cơm rượu và khay bàn đèn thuốc phiện rải ra khắp trên sân đá tảng từ trước cửa dinh vào trong nhà.
Được dịp về Đồng Văn, thế nào Ca cũng xuống thị xã. Ca đi làm mướn cho người, nhưng Ca cũng có dây thuốc phiện riêng của Ca. Ca ăn ngủ nhà mụ Tèo me Tây đồn Yên Minh ngày trước, Tây cút rồi mụ ở lại mở quán cơm giữa cánh đồng tranh trên dốc Pác Xum về làng Đán. Mụ Tèo cũng là một mối thuốc của Ca. Quán mụ Tèo chơ vơ cỏ tranh phủ ngập mái nhà, trông sang những ổ cướp nương náu trên dặng núi Bát Đại Sơn lô xô trước mặt. Bọn thồ ngựa dừng chân. Từ khi có đường ô-tô lên Phó Bảng, thêm các ông tài đường ngược, đêm đêm trong vách tường trình, quán mụ Tèo rộn rịp đỏ đèn suốt sáng. Chẳng bao lâu, Ca cũng tậu được ngựa và thuê người đuổi ngựa. Lão Ca đã thành ông chủ nhỏ, có khi theo hàng sang tận Phong Thổ, Mường Lay bên Lai Châu.
Quanh tách cà phê giữa những con phố lui hui cụt lủn mà tưởng đương theo những đoàn ngựa thồ qua đầu núi nào. Quên đi, quên đi ngoài trời đêm thành phố đương sấm rền trận mưa đầu mùa hạ, rồi sáng mai chúng tôi lại đạp xe xuống ấp họp tổ. Cái say chơi rừng núi biên giới phía bắc đối với Nguyễn Tuân, có phải đã được nhóm bếp ở những đêm cà phê rom nhà lão Ca, trong cái phòng lủng củng, lỉnh kỉnh rất Tàu. Một dây xích đông trên đầu, mấy cốt chăn bông xếp đống. Dưới gầm ghế, cái hoả lò, củi, chai dầu, làn mây và túi gạo, xoong, chảo, chậu, bô men trắng xoá loang lổ có thể là bô nước đái, bô cứt. Nhưng con mắt chúng tôi đăm đắm vào bóng tối mênh mông xa đâu.
ở các ngõ ngách ẩm ướt trông lên nhấp nhô những đầu tường chuôi vồ thời xưa này phải kể thêm quán bánh cuốn ông Hồng Lâm cũng chỗ ngã tư cùng phố với cà phê Ca. Hàng bánh cuốn này không ai biết, bánh cuốn bây giờ được tiếng ngon bán đêm ở phố Huế xế chợ Hôm cũng gần ngã sáu dốc Hàng Kèn. Khách ngồi chầu hẫu mấy lượt ghế dài đợi bà hàng không biết sốt ruột cứ nhẩn nha tráng từng lá bánh. Tôi cũng chẳng thú cảnh chầu chực đợi lượt nếm chiếc bánh cuốn nhân thịt gốc Lạng Sơn. Thế mà quán bánh Hồng Lâm thì lại hay ghê. ấy cũng là một nỗi.
Một tối, trên vỉa hè tấp nập người, tôi ngất ngưởng như con bói cá đậu trên cái ghế xếp gánh cháo gà giải phóng quân. Các rạp đã trống giáo đầu rồi mà hàng quán vẫn dập dìu vì cán bộ tập kết đi dạo bờ hồ dạo phố là chính. Mấy ngả phố chật hẹp không có điện, đèm đóm lập loè từng khóm. Một ông Tàu gày còm đội cái mũ xanh một mẩu, má xệ đỏ phừng màu say xuống tận cổ, cứ đứng sững. Tôi tưởng ông ấy nhìn ông hàng cháo gà đồng hương. Rồi ông ấy bước lên hè trước mặt tôi giọng rượu lè nhè:
- à, à... Có phải cậu Sen không?
Nghe tiếng hỏi cái tên cúng cơm của tôi, dù chưa nhận ra ai, cũng biết đấy là bà con quê ngoại quê nội. Nhưng tôi không nhớ được ông này là người trên Nghĩa Đô hay trong Cát Động. Tôi đương ớ ra thì ông ấy lại nói lơ lớ:
- Tôi là Lâm. Lâm hàng phở dốc chợ Bưởi. Thuê nhà ông ba Chui ấy mà. Cậu nhớ không?
Thế thì nhớ rồi. Ngược đời, nhà hàng lại đi nhớ khách. Tôi nhớ tên chú ấy chứ không nhận ra người. Mười mấy năm rồi còn gì. Chú khách Lâm ở dưới phố lên mở hàng phở. Nhà hàng kê cái bàn, hai bên chõng tràng kỷ. Tua giấy điều nhấp nhánh trang kim phất phơ trước cửa cạnh những củ hành tây trắng bong và chùm ớt đỏ. Dấu hiệu hàng quán lúc ấy không có bảng kẻ hai chữ Cơm Phở như bây giờ. Phở nước hai xu, đĩa phở xào ròn xào mềm năm xu. Không bạn này có tiền thì bạn khác, ai cũng dễ dãi với nhau được. Tôi nhớ hàng chú Lâm không phải vì phở, mà vì một chuyện oái oăm. Ông trẻ Tám hay đi chơi ả đào. Bà ấy ghen. Nhưng ông Tám đã nghĩ được mẹo. Tấm áo the dài, quần là và chiếc khăn ông Tám gửi trên hàng phở chú Lâm. Chiều chiều, cơm nước xong, tôi sang rủ ông Tám đi dạo mát.
Tôi tuy tuổi chẳng kém ông Tám bao nhiêu nhưng trong họ thì vào hàng con cháu, mặt mũi lại hiền lành, bà Tám tin được. Chúng tôi thủng thỉnh như tình cờ lên đầu chợ. Ông Tám vào hàng chú Lâm, chít khăn, thay bộ quần áo mồi rồi bước nhanh lên ngã ba Thành gọi cái xe sắt. Đi chơi bời ăn mảnh ở các nhà hát quanh Cầu Giấy, ở Mả ông Năm trong phủ, khoảng nửa đêm lại cuốc bộ về. Tôi thường đóng vai lá chắn che đỡ cho các bậc bề trên như thế nên hay được ăn theo các ông Tám, ông hộ Nghĩa, ông bảy Nền đi hát chầu chay cỏ rả vùng phủ Hoài, sang Thượng Cát, hay lên bến Chèm - cũng chưa được ra đến các nhà hát Ngã Tư Sở. Những chuyện lêu bêu nhung nhăng ấy thì nhớ chứ quên hẳn mặt lão Lâm này.
Tôi khen:
- Chú nhớ dai quá.
Lão Lâm khoái trí cười giơ hàm dưới răng vàng choé.
- ồ, ở trong này tôi làm công an mật nên quen nhận mặt người ta. Tôi vẫn gặp ông giáo Thịnh dạy trường Yên Thái ngày trước mà. Hôm nào đến chơi. Chỗ kia kìa, nhà bánh cuốn.
Thế thì biết rồi, hàng bánh cuốn ấy gần cao lâu Tứ Kỳ. Chúng tôi đến quán ông Lâm. Nguyễn Tuân chẳng thiết cái bánh nhân thịt này - không chịu ăn tạp, vẫn nhớ thuở bánh cuốn Thanh Trì nước mắm Nghệ cà cuống, không pha dấm, không vắt chanh.
Thế mà Nguyễn Tuân vào quán bánh cuốn ông Lâm. Cũng phải duyên cớ thế nào, như cái ông 81 cà phê bít tất dốc hàng Kèn với quan công sứ Grapphơi và núi nghỉ mát Bạch Mã Bà Nà. Như lão cà phê Ca đem rừng núi Hà Giang về thành phố. Nhưng Nguyễn Tuân bảo tôi:
- Vào đấy cho thằng này về Kẻ Bưởi một tý. Hôm nào rủ chúng tớ lên Nghĩa Đô bắt chuột đánh chén nữa nhé.
à ra ông ấy chiều tôi. Nói thế chứ ông chẳng dám xơi thịt chuột. Chả là đã có một năm, mùa tháng mười, ông Nguyễn với Kim Lân lên cánh đồng làng tôi đi bắt chuột với ông Ba Hĩ. Gác ngoài, bà Lâm ngồi tráng bánh. Thấy đi vào nhà trong, những cô cậu mặc xanh công nhân, chắc tan ca nhà máy về. Con cái không để mắt đến cái cửa hàng câu dầm của ông bà già. Bà Lâm gầy khô, đeo kính, mặc áo di lê hoa lốm đốm tím, nửa mái đầu bạc. Ông Lâm bảo:
- Bà nhà tôi cũng người làng Bưởi cậu ạ.
Bà Lâm cười nhợt nhạt, ngước mắt kính, hỏi tôi:
- Ông có biết chú Sồi có bàn thịt lợn ngoài cầu chợ nhà ở xóm Ao Đình không?
- Ngày bé, tôi vẫn xách liễn lên mua nước suýt sáng sớm nhà chú Sồi.
- Bố tôi đấy.
Tôi ngạc nhiên vì cái giọng nói hệt tiếng Yên Thái của bà Lâm. Ôi, tôi được sinh ra ở đất Bưởi, tôi ở trong làng đến ngoài hai mươi tuổi mới ra thành phố rồi đi lang bạt, giọng tôi bị pha mất tiếng quê. Thế mà cái bà Tàu này lại hẳn hoi đặc giọng vùng tôi. Nhà khách Sồi đã mấy đời ở xóm Ao Đình, thế thì con cái y như người làng rồi.
Nguyễn Tuân lặng lẽ hút tẩu thuốc. Nguyên Hồng đã xà đến. Bà xếp cho một chục, nhưng hẵng năm cái một, để được nóng sốt. Ông Lâm xách chai rượu thuốc ra. Cải này chữa bách bệnh, giở giời chỉ vài ngụm, khỏi thấp khớp, khỏi cả đau răng - Ông bảo thế.
Tấm bằng của sở Công An thành phố khen tặng ông Lý Hồng Lâm đã có thành tích trong thời gian kháng chiến ở Hà Nội? Ông Lâm ngắm nghía những người khách đương chăm chú xem cái bằng đóng khung treo trên chỗ thoáng nhất mặt tường. Nguyễn Tuân bao giờ cũng là người tài nhìn ra trước những điều mà chưa ai kịp nhận là đáng hỏi. Ông bắt tay ông Hồng Lâm và ông này cười khoái trá thú vị cái người hiểu mình, biết mình.
Ông Lâm nói:
- Bấy giờ ở Hà Nội tôi bán phở, như khi ở trên Bưởi ấy. Đông khách thì dễ đi lại. Các anh công an mật ở nhà tôi cả năm, không bị lộ. Tôi là người Tàu mà, thằng Tây không biết đâu.
Giữa chén rượu, câu chuyện trở về những ngày thành phố còn thằng Tây. Ông Hồng Lâm hào hứng kể tên từng người cán bộ nội thành, nay vẫn thỉnh thoảng đến chơi, có người đi ô-tô com-măng-ca đỗ xịch trước cửa. Nguyên Hồng đã chén gọn cả chục chiếc bánh. Chúng tôi uống suông.
Bà Lâm tinh ý:
- Chắc hai ông không thích. Tôi làm bánh mà tôi cũng không ăn nữa. Bây giờ người ta ăn bổ bã lắm. Hôm nào các ông lại chơi, lúc rỗi hàng khuya khuya đã. Tôi làm cái bánh cuốn thật như Lạng Sơn ngày xưa các ông nếm thử.
- Có giống lốc bểư không?
- Gọi là lốc bểu hay bánh cuốn Lạng Sơn, cũng tay mình làm ra thôi.
Nguyễn Tuân gật gù. Lốc bểu, lốc bểu. ừ hôm nào trở lại. Thế là cái quán ông Hồng Lâm trở nên hay hay mà Nguyễn Tuân đã tìm dần ra, không phải theo tôi về Nghĩa Đô nữa. Vẫn cái tài gợi cho phải đáng chú ý, chúng tôi a dua theo. Dần dần cảm thấy đầm ấm trong nhà, nhớ những đêm Cao Bằng ở Quảng Uyên, ở Thuỷ Khẩu và ở Hạ Đống bên kia biên giới năm 1950 trong chiến dịch. Những quán phở vịt, phở chua, rượu men lá. Những ống tay áo chàm rộng, một chiếc răng vàng kín đáo chẳng biết các chị các em dân công ấy người Nùng hay người Hán. Khách ngủ lại, ăm cơm như bữa cỗ vẫn kèm bát cháo hoa, lại dầm chân nước nóng, như nhà trọ của thím Hằng nhân tình cầu thủ Goòng tản cư ở Ba Giăng trên Đại Từ.
Không phải bà Lâm hẹn đãi bôi. Chúng tôi đến, một tối ở dưới ấp về. Lại mưa, mưa tầm tã ướt lướt thướt, ánh đèn đường nhòe nhoẹt trời mưa, hay là ta cứ nghĩ ra là mưa thế.
Nhà có khách riêng, ông Lâm đóng cửa hàng. Lò than kê giữa nhà, ngay trước bàn. Mặt lò đặt chiếc thạp nhôm to. Hơi nước và mùi bánh chín bốc lên thoang thoảng. Giọng nói đặc kẻ Bưởi mà tôi không thể nén được bồi hồi, mỗi khi nghe. Chợt để ý cái người con gái chú Sồi bán thịt lợn ngoài cầu chợ hồi tôi còn xách quang liễn đi mua nước suýt bây giờ đã lên bà, nghĩ xa mà buồn.
Giời mưa thế này, tưởng các ông ngại. May quá. Vui thôi mà.
Chiếc vung thạp được gác hẳn lên tường bếp. Làn hơi trắng thơm khắp phòng. Những chiếc bánh hấp nhân thịt mộc nhĩ được lấy từng đôi đặt lên đĩa tây. Chén nước mắm chắt nhỏ mấy giọt cà cuống. Ông bà Hồng Lâm ngồi cùng chúng tôi. Bà vừa ăn, vừa tiếp bánh và mỗi người nhấm nháp một cách khác nhau. Nguyên Hồng vẫn uống rượu và đánh lẻm năm đôi, như lệ mọi khi, một chục chiếc đầy đặn. Bà chủ nhà nhấc ra cặp bánh, ông ấy rót rượu. Nguyên Hồng nâng chén, đầm đìa nước mắt.
- Bây giờ tôi mới lại được chén cái bánh hấp như lốc bểu từ ngày bé ở phố Khách dưới Hải Phòng.
Nguyên Hồng cứ đứng thế, ôm vai ông Hồng Lâm, miệng lập bập hầy hầy hảo lớ, hảo lớ, cái nỉ hảo tố lớ không nói lên lời nữa. Hàng nước mắt đã chan chứa hai gò má, rồi lại ngồi xuống nhồm nhoàm ăn, nước mắt vẫn lã chã. Chúng tôi đã quen với những cảm hứng giữa đường giữa chợ của Nguyên Hồng. Ông Hồng Lâm cười hề hề:
- Uống rượu mà ra nước mắt thế là phát tài, sắp có bổng, các ông ạ.
Nguyễn Tuân đã ngậm tẩu thuốc. Nguyễn chỉ ăn một cặp bánh.
- Ông nếm thế thôi? Ông chê, phải không?
- Ngon lắm, bà Lâm à. Người biết làm thức ngon như bà bây giờ hiếm, không có nữa đâu. Chốc nữa, tôi xin ông bà mươi chiếc đem về, tôi quen ăn đêm như vạc, bà ạ.
- Ông cứ tự nhiên.
Bà Hồng Lâm lấy mảnh lá chuối tươi bọc năm đôi bánh đặt sẵn bên góc bàn. Cho tới lúc ra về Nguyễn Tuân chỉ uống rượu với ông Lâm và ngắm nghía chúng tôi ăn. Có hôm, Nguyễn Tuân nhắc đến cái tối lốc bểu nhà ông Hồng Lâm lại bình rằng quả là ăn bánh cuốn phải chấm nguyên si nước mắm chắt Nghệ mới lên chất, chứ đoảng nhất là đem pha dấm - dấm và muối phương Tây thô, như ông lão 81 đã nhận xét, chỉ biết mặn khác nhạt, trơ ra như con số, người mình không thế. Ông lại chê lây sang chúng tôi chỉ biết hốc.
Nguyên Hồng cãi: ăn được nhiều mới thấy ngon - Cái chủ nghĩa cơm năm bát cật lực của ông, tôi chịu. Nhưng ông biết khen bánh cuốn Lạng Sơn của thím Hồng Lâm, thế là được, - Nguyễn Tuân nói. Quang cảnh hàng quán khu này cũng là một góc thời sự thành phố. Nhiều năm về" sau, hồi người Hoa bỏ đi, mấy người quen thuộc và nghèo nghèo này vẫn cặm cụi thế. Nhưng rồi cứ thấp thoáng như ma trận. Tôi vào cà phê Ca, lão cháo gà giải phóng quân trông thấy. Lâu mới gặp. Lão bảo lão đã dọn hàng vào số nhà gần đây. Tôi cười:
- Phát tài, có cửa hiệu rồi?
Lão cười hiền lành:
- Nhà người ta đi mình đến ở thôi.
Có những hôm tự dưng ngỡ như hôm nào vẫn đến chuyện tầm phơ với vợ chồng nhà Hồng Lâm, câu chuyện cũ đểnh đoảng. Thoắt đấy thôi mà đã ra sương khói. Hàng nhà Hồng Lâm đóng cửa. Ghé vào, thấy mảnh giấy dán niêm phong. Nhà người Hoa bỏ đi. Qua cà phê lão Ca thấy một cái giường kê thòi ra tận ngoài thềm. Người khác đã ở. Cái người cả tuổi trẻ đuổi ngựa qua các núi Hà Giang ấy đi, cái bà giống người con gái xưa ở đầu đường Cổ Ngư có cùng đi không? Vợ chồng ông Hồng Lâm, người con gái chú Sồi không biết tiếng Tàu, nói giọng kẻ Bưởi. Mà cũng đi, mà già lão cả rồi, mà đi đâu. Lão cháo giải phóng quân tôi cũng không gặp lại nữa.
Năm trước, tôi qua Tây Beclin. Có hai vợ chồng trẻ gốc Trung Quốc, không biết tiếng Tàu, không biết quê ở đâu, chỉ biết cha mẹ sinh ra ở thị xã Bắc Ninh. Nghe tin có người Việt Nam mới sang thì đến chơi cho đỡ nhớ nơi sinh. Hôm tết mùng năm, nhà cũng thổi xôi, thắp hương rồi đóng cửa, vợ chồng ngồi khóc. Quán ăn Phượng Hoàng, cô chủ hàng Trần Lệ Tương kể chuyện nỗi nhà tha hương. Nghĩ người Do thái, người Digan cũng chỉ đến thế, nhưng chưa phiêu bạt vòng quanh trái đất như thế. Lệ Tương chỉ nghe nói quê ở Thượng Hải. Đấy là đến đời Lệ Tương nghe kể lại. Rồi sang Xiêm, ở Băng Cốc, vào Phù Kiệt. Lệ Tương được sinh ở vùng du lịch và nghỉ mát Phù Kiệt. Khi lớn, theo cha mẹ sang Mỹ, bồng bềnh mấy nơi rồi đọng lại ở Canađa. Lệ Tương lấy chồng, hai vợ chồng trôi về Beclin, nhiều năm rồi. Rồi còn đi đâu nữa? Trần Lệ Tương mỉm cười, có phải hình bóng con gái cái bà già chú Sồi ngày trước đây? Âu cũng là nông nỗi chia ly thì cũng chỉ mình nghĩ ra thôi. Nỗi đi nỗi ở của những người không có quê thì đâu cũng vậy. Người Hoa ở đảo Cát Bà đã ra đi như thế này. Cả vạn chài, phố chài hàng mấy trăm chiếc thuyền đậu trong vụng. Suốt đêm chè chén, đốt pháo. Gà gáy thì ra khơi. Cái lần tôi qua miền nam ấn-độ, thấy nói gần cảng Madrat có nhiều vạn chài người Trung Quốc, cả thuyền bè đồ nghề, mới đến định cư. Phải những nhà chài ở đảo Cát Hải, Cát Bà dạt sang lập nghiệp ở đấy. Có thể.
Hôm sau, mới rõ nguồn cơn những giọt nước mắt Nguyên Hồng rơi xuống đĩa bánh cuốn hấp ở nhà Hồng Lâm. Không biết những điều tôi đoán có hẳn như thế, nhưng mấy hôm ấy tổ 18 bước vào thu hoạch cá nhân. Tự đánh giá công tác sáng tác thời gian qua. Những cái đúng và những cái sai và phương hướng sửa chữa. Thói quen những cuộc họp tập thể này gọi là chỉnh huấn, cái đúng, cái tốt thì nói lớt phớt, rồi người ta dội lên đầu nhau những chữ nhưng, chữ tuy nhiên, chữ mặc dầu đã...
Tôi bị mơ hồ mất cảnh giác mọi mặt. Các cơ quan Hội Nhà Văn và nhiều công tác bị lũng đoạn. Báo Nhân Văn, nhà xuất bản Minh Đức không còn, nhưng tư tưởng Nhân Văn - Giai Phẩm vẫn tồn tại, vẫn làm lệch lạc chúng tôi.
Ngổn ngang tâm sự và tâm trạng chua chát, mỉa mai, lại hài hước. Có người quen thân, có người chỉ sơ sơ, bây giờ moi móc những việc, những lời đã nói, bất kể nói lúc nghiêm trang hay khi vui chén bông đùa, được dẫn chứng bằng cớ ra, phân tích cho nhau rõ ranh giới địch ta. Chỉ Nguyễn Tuân mới nhớ lâu và để bụng những câu góp ý ấy. Có những người rồi Nguyễn Tuân không bao giờ dàn mặt nữa. Đến lượt, ai cũng phải suốt buổi ngồi chịu trận nghe cả tổ mắng xa xả, vi vút. Kim Lân kể dạo ở trên chợ Chu, trong một cuộc kiểm điểm, Ngô Tất Tố bị một anh xưa nay bác Ngô vẫn không coi ra gì, bây giờ phải nghe anh ấy sát phạt lên lớp cho. Ngô Tất Tố quệt nước mũi vào gốc cây, sụt sùi nói với Kim Lân:
- Làm người khó lắm, bác ạ.
Khổ một nỗi, có người nghe phê bình, cứ tiếp thu thun thút, còn minh hoạ thêm lỗi mình cho to ra thêm nữa. Thế mà cũng không được tin, lại bị tố cáo là hời hợt, trốn đấu tranh. Có người bỗng thật thấy mình sai, nhận ngay cũng lại bị cho là nông cạn, con vẹt, thiếu đào sâu suy nghĩ. Đến lượt Nguyên Hồng trình bày, lại đặt chồng báo Văn ra trước mặt, giở từng số, vừa nói vừa ứa nước mắt. Chịu chẳng ai phân tích ra thế là kể công hay nhận tội. Tôi dự các cuộc chỉnh huấn đã nhiều, có người lo quá, cả tháng không chợp mắt, như ở báo Cứu Quốc, một cậu còn trẻ, đã vào rừng thắt cổ.
Phương châm trị bệnh cứu người là ngồi nghe không được nói lại, đợi đến lúc phát biểu thì tiếp thu. Dao kéo chỉnh huấn của tôi cũng đã hăng hái mổ xẻ nhiều người lắm. Mùa đông 1951, ở rừng Chiêm Hoá, hai tháng dự lớp đầu tiên chỉnh huấn gọi là theo phương pháp Hoa Nam. Lớp ấy nòng cốt các ngành các giới và địa phương học xong về toả ra rộng khắp. Trần Dần và Tử Phác phụ trách chỉnh huấn trong văn nghệ quân đội. Đặng Đình Hưng và Lê Đạt là cán bộ trên ban tuyên nghiên huấn Trung ương về mở các lớp cho giới văn nghệ. Đoàn cán bộ giáo vụ đi học chỉnh huấn ở Hoa Nam về mặc áo bông xanh Sỹ Lâm. Lớp tôi bế mạc, một số cán bộ vượt Trường Sơn vào làm chỉnh huấn và cải cách ruộng đất trong khu Năm. Đoàn còn được lệnh vào sâu hơn, nhưng mới tới miền Đông Nam Bộ thì hiệp định Giơnevơ 1954 được ký kết.
Nửa đêm trở dậy, giữa rừng đất hàng trăm bó đuốc lên, lấp loáng băng khẩu hiệu vải đen chữ trắng... Bộc lộ khuyết điểm... Thước đo lòng trung thành... Trời rét cắt ruột. Rừng đêm tối như mực. Con người bẩn thỉu lỗi lầm đầy rẫy... Chưa... Chưa đủ thành khẩn, làm lại... lại làm lại. Mỗi lần làm lại, viết lại càng ngày càng áy náy lo. Cái chờ đợi được tổ thông qua cứ xa vời vợi. Chỉ có bộc lộ tội hủ hoá ngủ bậy thì cơ chừng nói ra dễ nhất, không có cũng đấm ngực bảo có, nhất là nam giới. Chết rồi còn bị khai trừ, vì tội trốn đấu tranh. Hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm tham gia một đợt giảm tô ở Thái Nguyên. Công tác dưới xã xiết chặt phăm phắp từng buổi, từng ngày, cả đội như một đơn vị ra trận. Hai ngày bắt rễ, một ngày xâu chuỗi rồi họp rễ chuỗi, rồi trưởng thôn mới ở xóm ra mắt... Đội viên giảm tô Nguyễn Tư Nghiêm loay hoay cả tuần không bắt được rễ, không xâu chuỗi được một cố nông nào. Nguyễn Tư Nghiêm hoảng quá phát dại, đi không nhớ đường về xóm. Suốt ngày vơ vẩn ngoài đồng, bắt cào cào, châu chấu ăn. Hoạ sĩ Tạ Thúc Bình được cơ quan cho xuống đoàn xin Nguyễn Tư Nghiêm về. Chưa bao giờ tôi hỏi lại xem ngày ấy Nguyễn Tư Nghiêm điên thật hay sợ phải ngồi chuồng trâu kiểm thảo đã sáng tác ra trò Vân dại ấy.
Chỉnh huấn xong ở Chiêm Hoá, về tổ chức chỉnh huấn trí thức và văn nghệ sĩ. Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, Nguyễn Minh Tấn làm cán bộ giáo vụ chủ chốt của lớp. Anh em chúng tôi ai đợt trước chưa dự đợt ấy thì làm nốt. Tôi chỉnh huấn rồi lại dự nữa không làm giáo vụ nhưng được làm tổ trưởng. Tổ tôi có nhiều nhân vật lạ khác nhau: Phan Khôi, Tú Mỡ, Văn Cao, Nguyễn Công Hoan, nhà triết học Trần Đức Thảo, bác sĩ Đặng Vũ Hỉ... Người khó góp ý kiến, khó đánh đổ không phải bác Phan Khôi ương bướng như tôi tưởng mà lại là bác Tú Mỡ hiền lành, củ mỉ, ít nói.
Có hai việc khó cho tổ trưởng tôi về bác Tú. Bác Tú Mỡ nói:
- Nguyễn Tường Tam phản bội, nó là kẻ thù của nhân dân. Nguyễn Tường Tam lập đảng Đại Việt hại dân hại nước. Nguyễn Tường Tam theo Tàu Tưởng về chống phá cách mạng rồi trốn đi. Tôi kịch liệt lên án nó. Nhưng tôi không quên được Nguyễn Tường Tam đã có ơn với tôi.
Bác Tú tiếp tục:
- Nói thẳng ra là không có Nguyễn Tường Tam thì không có Tú Mỡ. Khi làm báo Phong Hoá, Nguyễn Tường Tam đã khuyến khích Tú Mỡ đi vào thơ trào phúng, chuyên thơ trào phúng, có Nguyễn Tường Tam mới thành Tú Mỡ.
Bác Tú Mỡ không chịu phân biệt chính trị và văn nghệ hai vế, bảo Nguyễn Tường Tam có tội thì được, nhưng Nguyễn Tường Tam đã giúp đỡ Tú Mỡ, làm sao nghĩ khác được, bác Tú Mỡ chưa biết phải nên thế nào. Đến cả Trần Đức Thảo mới ở Pháp về Việt Bắc cũng lắc đầu :
- Không được, không được, không thể gượng nhẹ với Nguyễn Tường Tam được.
Trần Đức Thảo hồn nhiên hăng hái cả trong cách sinh hoạt của anh lúc ấy. Thảo đã đem cho hết đồ Tây. Thảo mặc quần áo nâu, đi chân đất. Tối ngủ không màn, mặc dầu chúng tôi đương ở rừng đầu sông Lô, đêm đến, muỗi ra nhiều như vãi chấu. Về muộn mà, tớ phải tập gian khổ cho kịp với các cậu. Trần Đức Thảo nói đứng đắn thế. Chẳng bao lâu, Trần Đức Thảo run cầm cập sốt rét xanh tái.
Sau cùng, Tú Mỡ đấu dịu :
- Các anh phân tích thế tôi đã nghe hiểu, tôi đã nhận ra được cái mặt thằng bán nước ấy rồi. Chỉ lo trước một điều, quả đất tròn biết đâu việc đời thường éo le. Chẳng may lịch sử có cuộc xoay vần thế nào, một ngày kia ta bắt sống được thằng chết chém ấy mà tình cờ lại có Tú Mỡ ở đấy. Thì xin chính phủ đừng cử Tú Mỡ ra chém Nguyễn Tường Tam.
Nghiêm nghị, Tú Mỡ nói, không nhìn ai :
- Tôi đề nghị các anh thế.
Việc thứ hai rắc rối hơn. Bác Tú Mỡ, chiến sĩ thi đua ngành văn hoá văn nghệ đi dự đại hội anh hùng chiến sĩ toàn quốc ở Tuyên Quang rồi về nhà tản cư bên Bắc Giang, trên đường Tú Mỡ tạt xuống vùng ven sông Đuống. Đội chèo tỉnh Bắc Ninh đương dựng một vở của Tú Mỡ. Chẳng may, sớm hôm ấy địch bên kia sông tràn sang càn quét, cướp cái ăn. Tú Mỡ bị bắt. Tú Mỡ khai là công chức đi tìm vợ con tản cư trên Thái Nguyên!". Tú Mỡ nói được tiếng Tây, bốt Phù Lưu giữ Tú Mỡ lại cho làm thông ngôn, chưa gửi về giam Nhà Tiền bên Hà Nội như mọi người khí bị bắt trong các trận càn. Chuyện này tôi đã viết ở tập ký Chuyện cũ Hà Nội.
Thằng quan ba sếp bốt Phù Lưu bị chết trận. Hôm đưa xác quan ba lên ô-tô về Hà Nội, Tú Mỡ đã đọc tiếng Tây một bài văn tế. Ôi thôi, thế là tổ chúng tôi quần bác Tú đến điều. Cũng không ai khen bác một câu, bởi vì bác Tú Mỡ có thật thà nói ra, chúng tôi mới biết chuyện kỳ cục ấy, chứ Tú Mỡ giấu đi thì nào ai biết được. Lúc đến lượt phát biểu tiếp thu được giúp đỡ, Tú Mỡ cũng không nói câu nào.
Hôm tan lớp, chúng tôi trở lại cơ quan. Trên đường đi, Tú Mỡ mới thủ thỉ tâm sự :
- Nghe các cậu phân tích mình cũng nhận ra cái sai. Nhưng mà... nhưng mà... tớ tính nếu không có bài văn tế, không được thằng quan đồn mới đến thay tin cẩn hơn, đời nào nó thả cho tớ đi Thái Nguyên tìm vợ con. Có được xổ lồng thì Tú Mỡ mới về với các cậu được chứ. Thế thì thử bắc cân lên xem thằng Khổng Minh Tú Mỡ so với thằng phản động Tú Mỡ, thằng nào nặng cân hơn.
Đến lúc ấy không còn vai tổ trưởng, tôi cười trừ. ở lâu với Tú Mỡ, thấy anh cứ vừa ngơ ngác vừa thâm thuý và không biết đùa. Tú Mỡ làm thơ trào phúng toàn đọc bản tin thông tấn xã lấy gợi ý. Về Hà Nội, chi bộ dự định kết nạp Tú Mỡ vào Đảng. Tú Mỡ cũng có nguyện vọng ấy ở trên nhận báo cáo và có ý kiến xuống đồng chí Tú Mỡ chiến sĩ thi đua toàn quốc xứng đáng đảng viên, nhưng nên để đồng chí Tú Mỡ ngoài đảng. Như thế có lợi cho cuộc đấu tranh thống nhất hai miền.
Tôi có trách nhiệm nói lại với anh Tú Mỡ như thế. Tôi đã nói, rồi lại đề nghị Tú Mỡ cùng tôi lên gặp trên. Ra về, anh Tú Mỡ bắt tay tôi, vẻ hể hả. Ôi thôi, bao nhiêu não nùng trần ai. Ngót hai năm trước, tôi đã đi làm anh đội mấy đợt cải cách ruộng đất. Đợt 3 dưới kẻ bể Hải Yến Tĩnh Gia rồi lên Hậu Hiền tổng kết. Xong về xã Đồng Tiến Nông Cống, đợt 4 được thăng đội phó phụ trách toà án. Chẳng phải vì tôi tài ba đánh địch thế nào, mà vì hồi ấy nghe tin chính quyền trong Nam kiện với ủy ban Quốc tế rằng ta vi phạm nhân quyền, bắt giam người không có án. Đoàn uỷ cải cách có sáng kiến tìm ra tôi là nhà văn nhà báo, gọi lên, phong chức cho tôi có cương vị múa bút sửa soạn chữ nghĩa, giấy tờ đối phó, nếu ủy ban Quốc tế kiểm tra đến. Tôi đã làm sẵn nhiều bản án. Mãi không thấy gì. Nhưng dù sao, đội tôi cũng là một đội đánh địch khá, đã hai lần được tuyên dương toàn đoàn. Cho nên, đợt 5 được điều ra Cẩm Bình Hải Dương vùng hai trăm ngày sau tiếp quản mới giải phóng, làm một lèo thẳng cải cách ruộng đất không qua phát động giảm tô. Những vùng trắng cơ sở, chắc chắn lúc nhúc mật thám và quốc dân đảng. Tôi làm phó, đội trưởng Huỳnh Cự, nghe nói là đại đội trưởng bên quân đội đã tham gia ba đợt rồi. Huỳnh Cự sát phạt dữ dội mọi mặt. Mới vài ngày xuống xã, Huỳnh Cự đã tổ chức mít tinh hoan nghênh đoàn uỷ duyệt cho bắn một địa chủ để nâng khí thế nông dân lên. Huỳnh Cự lấy một cô rễ cố nông. Huỳnh Cự bảo tớ chưa có vợ. Vóc cao lớn, vạm vỡ, dáng đã đứng tuổi, hai con mắt ngầu đỏ, đi đâu cũng đeo ba lô và vắt cái khăn mặt trắng quanh cổ. Tôi nghi ngờ thế nào ấy, chẳng lẽ lão này lại chưa có vợ. Nhưng không dám hé răng. Huỳnh Cự nhốt tôi vào chuồng trâu lúc nào chẳng được. Tôi đã viết bài và làm nhiều ca dao đăng báo của đoàn về tội cường hào ác bá mà tôi nghe ở những cuộc họp kể khổ.
Bao nhiêu năm sau. Một đêm tôi mở đài Sài Gòn. Tôi hay nghe mục Tao Đàn, cái giọng nữ ẽo ọt của cố nhân Đinh Hùng. Hôm ấy, có tin đại tá Huỳnh Cự đi dự hội nghị quốc tế chống cộng ở Đài Loan. Lạ, nhưng tôi tin ngay là Huỳnh Cự ấy. Đến lúc Huỳnh Cự phát biểu với các nhà báo ở sân bay Tân Sơn Nhất, thưa đòm bào... thưa đòm bào... cái tiếng Quảng Ngãi nặng trịch, nghe dễ sợ vẫn như ngày làm cải cách ở Cẩm Bình.
Thì ra, Huỳnh Cự làm cải cách cuối đợt 5 xong rồi vào chiến trường, rồi ra hàng địch.
Đầu tôi nặng trĩu mưa gió chỉnh huấn. Lúc lặng im vẫn lo vẩn vơ. Không biết nên thế nào, cũng không khuây khoả nhẹ nhàng được. Việc không đáng nghĩ mà đâm ra nghĩ. Xưa kia đi làm, cái nghề bán giày kiếm đồng tiền mửa mật ra, rồi viết văn, cũng là đi làm. Tôi theo đuổi lý tưởng từ những ngày bóng tối. Không có cách mạng, tôi làm sao nên người như bây giờ. Làm sao tôi lại có thể nghiêng ngả, có thể bị lũng đoạn được nhỉ? ở rừng ra, đi cải cách rồi về bắt tay vào những công tác rất quen mà cũng rất mới mẻ này, mới được hơn một năm. Tôi hữu khuynh, tôi bị anh em bốc lên phổng mũi Triệu Tử Long, tôi bị bịt mắt, tôi bị xỏ mũi mà không hiểu, chậm hiểu, không tự biết. Phải thế không? Tôi không tin tôi đến nỗi đù đờ thế. Có lẽ tôi cũng như Nguyên Hồng, chỉ thấy công phu đã làm báo, đã mất công lo việc thế thì không thể sai. Ngày trước và cả khi ấy, Như Phong vẫn bảo tôi là thằng ngoại ô láu cá, văn chương đẽo gọt. Cái ấy thì có thể. Tôi sinh ra ở nơi thành phố với làng mạc lẫn lộn, thế lực chánh lý không khạc ra lửa như trời đất làng Đại Hoàng của Nam Cao, mà ở quê tôi, túi bạc đâm toạc tờ giấy, có tiền là có cả, bấy lâu tôi lăn lóc trong khoé đời ấy có thể vì thế mà tôi sai chăng.
Trước bước kiểm thảo, chúng tôi được nghiên cứu và phổ biến lại vấn đề Nhân Văn đã xảy ra năm trước. Sự việc ấy phức tạp cả trong nhiều tầng lớp xã hội ở thành phố, không phải chỉ có mấy cái truyện ngắn, bài thơ trên báo là tất cả. Trong những người dính líu không phải ai cũng đều biết tác động nhuốm màu chính trị lan truyền trong hoạt động đảng xã hội Pháp cũ (Sfio) và những người đang lo lắng lên tư sản hay những người liên quan, con cái và địa chủ các nơi lẻn về ẩn náu. Lại có ông tuỳ viên văn hóa Đuy răng con, tay chơi đồ cổ có hạng, nói tiếng Việt như ta, lại có thư luân lưu tổng giám mục Đuy lây địa phận Hà Nội dạy dỗ giáo dân sống với quỷ ác, biết nhẫn nhục, ép mình, thư luân lưu lan đến những vùng công giáo cơ sở du kích cũ ở Hà Nam - vẫn địa phận Hà Nội của bên đạo. Các nơi ấy, chín năm kháng chiến không có lễ cho người chết cho trẻ sơ sinh, cho các đám cưới, bây giờ cha cố về làm lễ dòng đã mấy tháng qua các làng chưa hết. Cái họ đạo xôi đỗ làng du kích Đại Hoàng của Nam Cao cũng trải những việc đạo việc đòi nhiêu khê thế. Những người nước ngoài vi phạm an ninh của đất nước đã bị trục xuất. Người có quan hệ với họ, Thuỵ An và Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo trên đường xuống Hải Phòng bị bắt ở ga Phú Thái. ở hội trường, được phổ biến thế.
Tiếng vỗ tay rào rào. Tôi ngồi im. Tôi ngậm ngùi nhớ hơn mười năm trước, tổ văn hoá cứu quốc chúng tôi bị giải xuống Nam Định. Mật thám đã xong cung, còn nằm nhà giam đợi ra toà. Dỗi dãi, cả ngày chuyện tào lao, Nguyễn Hữu Đang có một nhận xét chua chát về đàn bà:
- Những thằng ăn nói lém lỉnh như tao, đàn bà không thích. Chúng nó ưa những đứa lờ ngờ một chút, dễ sai bảo. Tao có kinh nghiệm thế rồi.
Nguyễn Hữu Đang ngâm thơ giọng thủ thỉ rất buồn: Nào những ai bảy thước thân nam tử. Bốn bề chí tang bồng... Ngàn mây bay bổng...
Tan lớp ở Thái Hà ít lâu, Phùng Cung bị bắt, Phùng Cung công tác chạy hiệu ở văn phòng cơ quan hội Văn Nghệ từ trên Tuyên Quang. ở rừng, những việc tủn mủn không tên, giấy tờ công văn, giữ sách thư viện, làm sách mới, đi chặt củi, vác gạo, khiêng người ốm ra trạm xá, thui chó liên hoan... Nghĩ đến Phùng Cung, tôi nhớ những việc linh tinh hàng ngày ở cơ quan kháng chiến. Hồi ấy nhiều người ở đâu vào làm cơ quan, tuy khổ song chắc chân hơn long đong đò giang chạy chợ.
Nhưng mà cũng là ở đâu yên thân thì người ta tụ lại không dinh tê về thành, mặc dầu thật ở nơi đèo heo hút gió lại khác. Báo Cứu Quốc Việt Bắc chúng tôi ở Bắc Cạn có anh bỏ cơ quan ra lấy vợ người Tày trong làng rồi đi cắt tóc, đi sơn tràng. Bây giờ anh Ban ra ngoài làng vẫn còn sống, ở vùng chè Tân Cương trên Thái Nguyên. Tết, tôi thường nhận thư. Phùng Cung từ cơ quan nào dạt đến, không nhớ - có lẽ ở ty thông tin Tuyên Quang. Chơi vui, cũng không để ý, kể cả việc hệ trọng khi tôi nhờ Phùng Cung đạp xe đèo đưa chị Nam Cao xuống Hoàng Đan tìm mộ anh ấy. Đọc truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh Phùng Cung đăng trên báo Nhân Văn tôi cũng gật gù.
- Thằng này viết được. Nhưng còn hộc máu ra mới nên cơm nên cháo đấy, con ạ.
Phùng Cung cũng điếu đóm và tập tành như tôi ngày xưa, đâu dễ mà có sừng có mỏ ngay. Phùng Cung bị bắt khi nhân văn, nhân võ đã được dọn dẹp yên ắng, đã tàn. Nghe nói Phùng Cung hay chén chú chén anh với đám Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, được mấy anh này phong chức tay truyện ngắn nhất Đông Dương. Chắc là la đà chiếu rượu với nhau, ăn nói càng ngổ ngáo ganh nhau, càng bạt mạng. Lại viết tập Dạ ký đã nghe đồn là tài lắm, dữ lắm.
Tôi không thể tưởng tượng ra được một Phùng Cung thế nào mà bị bắt. Tôi vẫn mơ màng về chúng tôi, cây số ba, cây số bảy trên Tuyên, phở Dơi, cà phê Pháo, anh chàng mặt xanh xám vỏ dưa hấu về vệt vết nặn trứng cá, cứ ngồi bên bàn đọc sách, có lúc gãi ghẻ hay lúi húi làm gì, con mắt đo đỏ mà tinh, như chú mèo vờ lù rù rình chuột. Về Hà Nội, đôi ba lần chúng tôi láng cháng cà phê Phúc Châu phố trên. Hình như Phùng Cung quê ở trung du và nỗi nhà địa nhà phú thế nào ấy cũng không bao giờ tôi hỏi.
Lại hơn mười năm sau. Chặp tối, một người bước vào cửa. Dáng ủ rũ, mặt tái ngoét, không phải Phùng Cung mà là cái bóng Phùng Cung trên tờ giấy tẩy chì mờ mờ.
- Phùng Cung phải không?
- Tôi đây.
- Còn sống về được a?
- Cũng không hiểu tại sao, anh ạ.
Từ ấy, thỉnh thoảng có gặp lại. Trước kia tôi đã không biết, bây giờ chẳng muốn đụng đến vết đau. Lại bình thường. Có hôm Phùng Cung nói chuyện ở tù, cứ như chuyện ai, ở đâu. Hồi ấy, thuốc viên rửa, loại độc bảng A rất hiếm, dù đấy là dược phẩm của ta. Phùng Cung hỏi và kể luôn:
- Anh có biết sao thuốc hiếm không? Trong viên rửa có thuốc phiện. Người ta mua, gửi cho thằng người nhà ở tù hãm nghiện, cai nghiện. Có đứa uống viên rửa, cả tháng không ỉa được, gãi tuột da, phát điên.
Hôm ấy, chúng tôi đi ăn phở, Phùng Cung trả tiền rồi rủ lên cà phê bà Sính ở Cột Cờ. Tết, Phùng Cung đem biếu chai rượu thuốc. Tôi mừng, cái thằng chớm lao ngày ấy - bệnh lao đã nặng lên trong tù tuy ngày nay không phải là bệnh chết mấy nữa, nhưng vẫn là ho lao. Phùng Cung hỏi tôi:
- Anh có biết tôi phải giam bao nhiêu năm?
- Không biết.
- Vâng, mười một năm tù biệt giam.
Đã tù lại biệt giam, lại bệnh lao, thế mà không chết rũ tù. Thế nào, người tù biệt giam mười một năm vẫn hiện được về. Lại lâu lắm không gặp. Ngỡ như Phùng Cung đã làm sao. Nhưng, một hôm, có người sở Công an đến nhờ tôi ký chứng nhận quãng công tác ở cơ quan sau cùng Phùng Cung làm việc, trước khi phải bắt. Các anh phụ trách Hội Nhà Văn bây giờ đều là người các khóa mới không chịu trách nhiệm quãng thời gian ấy. Tôi lại phải làm cái việc qua đã lâu rồi.
Tôi hỏi người công an trẻ tuổi cầm giấy.
- Chứng nhận để làm gì?
- Có liên tục công tác thì mới đủ năm cầm sổ hưu. Thủ tục thế ạ.
- Liên tục cả ở cơ quan nhà tù?
Anh công an cười hồn nhiên, chào cám ơn bác. Gần đây, nghe Phùng Cung đã chuyển lên ở một xóm trên Quần Ngựa. Nghe nói con cái nên người đã khấm khá, làm được nhà mới. Lại thấy bảo đương viết, viết hồi ký - hay tiếp tục Dạ ký sau hơn ba mươi năm, hả đời? Bảo có hôm nào lên chơi, vẫn chưa đi được.
Tôi ngồi cạnh Nguyên Hồng. Kiểm điểm Nguyên Hồng một buổi chưa xong. Vẫn một chồng báo Văn, vẫn như mọi hôm. Cả tổ với nhiều người tổ khác đến viện trợ cũng không ai hỏi thêm Nguyên Hồng một câu nào nữa. Bây giờ mà đụng đến, lại phân tích, lại bổ sung, lại tôi xin góp với đồng chí thì chắc chắn lại như hôm qua, hôm kia, trông trước kìa kìa Nguyên Hồng xoè bàn tay lên chồng báo, vuốt vuốt, mếu máo nói, nước mắt như trút... tôi thức đêm thức hôm... tôi bỏ hết sáng tác, ngày đêm tôi chỉ nghĩ đến tờ báo... bài này đề tài công nhân... bài về kháng chiến... bài này về thống nhất... bài về sửa sai cải cách ruộng đất... tôi không... tôi không... Chẳng mấy lúc Nguyên Hồng lại khóc hu hu.
Thế là không ai nói chen vào được nữa.
Báo Văn nghỉ. Tuần báo Văn Học ra thay. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn sát nhập vào nhà xuất bản Văn Hoá, bộ phận văn học của nhà xuất bản Hội Nhà Văn do phó giám đốc Đồ Phồn phụ trách. Chúng tôi thì được chia vào các tổ đi thực tế lâu dài theo phong trào lúc ấy. Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Văn Cao, Lưu Quang Thuận, Nguyễn Văn Tý lên nông trường Điện Biên. Nguyên Hồng về nhà máy xi măng Hải phòng. Có ảnh đội mũ thợ, đẩy xe goòng đăng báo Nhân Dân. Tôi đi với tổ trưởng Hoàng Trung Thông, xuống Thái Bình cùng văn Hoàng Cầm, Chu Ngọc, Trần Lê Văn, Phùng Quán. Chúng tôi về lao động và xây dựng hợp tác xã một thôn ở Thái Thụy, huyện Thái Ninh. Mỗi xã mới tổ chức hợp tác xã ở một làng làm thí điểm. Đi lâu, chuyển hẳn mọi chế độ sinh hoạt cơ quan và đảng về địa phương.
Buổi chiều ấy, Nguyên Hồng rủ tôi đến chơi nhà. Không phải chiều thứ bảy, khác lệ mọi khi.
Tôi hỏi:
- Lại nem Sà Goòng?
- ừ, mới kiếm được cái rau hay lắm.
Đúng, lại chả giò với nhân nhau thai băm với mộc nhĩ. Vẫn trên căn gác mọi khi. Các cháu, đứa bổ củi, đứa xuống nhà rửa rau, đứa ngồi học cạnh cửa sổ. Người trong phòng bề bộn hơn đồ đạc. Chị ấy gầy leo khoeo đã chớm bệnh hen, đương lúi húi rán chảo nem trên hoả lò than cám. Chị đi làm về, sao hàng sách đóng cửa sớm thế - tôi hỏi. Chị cười nhẹ nhàng, không trả lời câu hỏi mà sau tôi mới hiểu. Cụ bà bên góc tương đương đùm mụn áo sứt chỉ của cháu nào.
Chúng tôi im lặng một lúc. Lớp học dưới ấp xong đã lâu mà cái rã rời cộng với bao nhiêu buồn bã vẩn vơ khác lại chợt đẩy mỗi người chìm vào một xó. Không phải ngẫu nhiên mà vừa rồi mới có cuộc họp về vấn đề tên văn gian tờrốtkít Vũ Trọng Phụng, do Hoàng Văn Hoan triệu tập chỉ có tổ nòng cốt, cốt cán những người tin cậy. Hai chúng tôi không được dự. Cuộc họp ban chấp hành Hội cũng đã quyết định về chúng tôi. Có hai người hăng nhất, Hoài Thanh và Lưu Trọng Lư đề nghị đưa hai chúng tôi ra khỏi Ban chấp hành, ra khỏi Hội Nhà Văn. Nguyên Hồng suýt lại bị kiểm điểm vì không đi đưa đám Mạnh Phú Tư. Tôi thì được Đồ Phồn chứng nhận Anh này có đi đưa, có khiêng quan tài ra xe nhà đòn!. Nguyên Hồng bị nhầm là có thái độ chống đối với những người tích cực. Nhưng đến khi Nguyên Hồng nói rằng mấy hôm ấy nằm khàn ở nhà, không đến cơ quan, không đọc báo cũng không ai đến bảo cho biết. Thế mọi người mới thôi.
Đột nhiên, Nguyên Hồng nghiêm nghị nói:
- Tao không chịu.
Tôi ừ hữ. Nguyên Hồng nói tiếp, nho nhỏ:
- Tao kiện lên anh Cả.
- Kiện à?
- ừ, tao kiện. Tao tin tưởng đồng chí Sao Đỏ. Không dễ thịt nhau như thế. Tao không có điều gì không đúng với Đảng.
ừ, chúng ta sai làm sao được. Những tự tin ngây dại. Có điều, ở Nguyên Hồng được biểu hiện ra khác mà thôi. Nguyên Hồng kia mà. Có lần, tôi được Trần Quang Huy kể rằng khi sắp chiến tranh thế giới lần thứ hai, bộ phận hoạt động công khai của Đảng chuẩn bị rút vào hoạt động bí mật.
Trần Quang Huy được phân công đưa Nguyên Hồng đi công tác thoát ly. Nguyên Hồng đã ra ngoại ô Hải Phòng ở bí mật được vài hôm, nhưng mà cậu ta nhớ nhà hay sao ấy, hôm nào cũng khóc!". Thế là lại phải cho về. ít lâu sau, mật thám Pháp bắt, rồi Nguyên Hồng bị đày lên trại tập trung Bắc Mê trên Hà Giang. Phải, chúng tôi từ những lặn lội ấy ra cơ mà.
Nguyễn Lương Bằng đương phụ trách ban thanh tra Chính phủ. Nguyên Hồng đã cắp cả ôm báo Văn lên ban thanh tra. Nguyên Hồng quý Nguyễn Lương Bằng, có lẽ từ những chuyện vượt ngục dũng cảm. Nguyên Hồng gọi một cách trân trọng đồng chí Sao Đỏ. Huống chi Sao Đỏ lại đương làm Bao Công.
Nguyên Hồng nói đi nói lại:
- Rồi mày xem? Rồi mày xem!
Tôi không nói. Cũng không dám một câu cười cợt cái cả tin hồn nhiên của Nguyên Hồng. Nguyên Hồng lẩm bầm, làu bàu nói một mình. Lát sau, bảo tôi:
- Mà tao đã tính rồi.
Nét mặt Nguyên Hồng rầu hẳn lại. Nguyên Hồng thường vui buồn đột nhiên, khó hiểu. Vừa nói đến Sao Đỏ, Nguyên Hồng phấn chấn lạ thường, bây giờ lại khác hẳn.
Tôi đưa tờ báo Nhân Dân ngày 12 tháng ba năm 1958 in bài của tôi đề là Nhìn lại một số sai lầm trong bài báo và trong công tác. Nguyên Hồng cầm xem, chỗ qua loa, chỗ chăm chú.
Sau đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai, cũng như tật thảy anh chị em văn nghệ sĩ, tôi rất phấn khởi trước sự thành lập của những hội riêng của các ngành.
Tôi thường nghĩ rằng. Đường lối thì đã có ở thư của Trung ương Đảng gửi đại hội, đúng quá, rõ quá rồi. Chúng ta chỉ còn lo liệu sao cho nhau ra sức sáng tác mà thôi, một mặt khác, đối với những tư tưởng chính trị nguy hiểm và những quan điểm nghệ thuật sai lầm bộc lộ trên báo Nhân Văn và các tập Giai Phẩm của Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Trương Tửu tôi ngỡ rằng trước phong trào quần chúng đấu tranh phản đối như vừa qua, họ phải sáng ra, như vậy là đã giải quyết xong những lệch lạc ấy.
Các quan điểm nhẹ nhàng đến độ vô lý nguy hiểm như trên, đã đưa tới cái nhìn, cùng với những lý luận sai lầm trong chủ trương công tác của tôi. Hội nhà Văn Việt Nam và cụ thể trong một số việc làm, một số bài viết của tôi.
Ngày nay, sau những cuộc thảo luận, phê bình vừa rồi, tôi mới nhận rõ trong năm quan tình hình không phải mọi sự êm đẹp chỉ có việc sáng tác mà trong văn học vẫn có đấu tranh tư tưởng gay go. Tư tưởng xấu của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đã tiếp tục len vào cơ quan của Hội nhà Văn, trên báo Văn, gây nhiều tác hại. Quan niệm mơ hồ của tôi, khách quan đã tạo điều kiện cho khuyn h hướng tư tưởng nhóm ấy lợ dụng diễn đàn báo Văn và một số cơ quan khác của Hội Nhà Văn như nhà xuất bản, câu lạc bộ, đã gieo rắc quan điểm chính trị và nghệ thuật nguy hại. Sự yên tâm vô lý của tôi trước hình hình đó là do tôi đã hầu như không để ý rằng miền Nam còn nằm trong lưới đế quốc Mỹ. Bộ máy chiến tranh tâm lý của Mỹ Diệm ngày đêm tìm mọi cách gieo rắc tư tưởng thù địch để phá hoại sự nghiệp xây dựng miền Bắc của chúng ta. Trong văn học hiện nay không thể quên mỗi tư tương đều hoặc có lợi cho ta hoặc có lợi cho địch. Tôi đã hầu như bằng chân như vại để cho những tư tưởng xấu của báo Nhân Văn cũ còn có cơ hội nhoi ra trên sách báo của Hội Nhà Văn, làm cho Mỹ Diệm có cơ hội lợi dụng để gây hoang mang cho đồng bào miền Nam và xuyên tạc sự thật ở miền Bắc.
Một phía khác, tôi cũng chưa nhận rõ miền Bắc đã đương trên quá trình cách mạng xã hội chỉ nghĩa. Cách mạng xã hoi chủ nghĩa mở ra trên miền Bắc Việt Nam sau cuộc chiến tranh tàn phá khốc liệt trong khi tiên hành cách mạng ruộng đất và cải tạo tư sản. Với đặc điểm xã hội Việt Nam, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta vẫn không thể ra ngoài những qui luật phổ biên mà trước nhất là cuộc đâu tranh giai cấp mới đương diễn ra về mọi mặt. Tất nhiên, trước công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa thì những lực lượng tư bản chủ nghĩa khùng lên, phản ứng, ra sức chống chọi và một lúc nào đó kéo theo được mọi số hoang mang ở những tầng lớp gần cạnh.
Điều đó rất rõ hiện nay trên mọi mặt đấu tranh tư tưởng, chính trị, kinh tế, văn hoá ở thành thị và nông thôn. Do đây, càng thấy rõ những tư tưởng nguy hại của một số người, từ báo Nhân Văn, không phải ngẫu nhiên tồn tại và có cơ phát triển đối kháng, chống lại Đảng, chống lại chủ nghĩa xã hội trong khi giai đoạn cách mạng đương chuyển nhanh, chuyển mạnh.
Những điều trên, trong thời gian vừa qua, tôi hoàn toàn không biết soi lên và cắt nghĩa được trong lĩnh vực văn học.
Cho nên, ở bài tổ chức phát triển lực lượng sáng tác trước nhất và bài góp ý kiến về vấn đề con người mới đăng trên báo Văn tôi đã đưa ra một số luận điểm sai lầm. Đại ý nói rằng:
1. Trong phong trào văn học hiện nay hãy khoan khoan lý lẽ, bởi vì lý lẽ đã cạn rồi, nói tô đen hay bôi hồng gì cũng là vô ích. Mà chỉ có tổ chức, phát triển sáng tác là cần thiết và đáng chú trọng hơn hết, trước nhất? Chủ trương trên đây có phản ảnh hưởng vào hội nghị lần thứ 3 ban chấp hành Hội Nhà Văn và trở nên phương châm công tác của một thời kỳ giữa hai kỳ họp của ban chấp hành. Sai lầm của tôi đã gây nhiều tác hại. Lẽ cố nhiên, nhiệm vụ của Hội Nhà Văn là phải tìm mọi cách phát triển sáng tác nhưng vấn đề là phát triển sáng tác theo phương hướng tư tưởng nào?Không thể phát triển loại sáng tác mang những tư tưởng xấu, chống đối lại chủ nghĩa xã hội, không thể bỏ công sức ra tổ chức, tạo điều kiện cho những sáng tác như vậy ra đời. Mà trái lại phải đấu tranh chống những sáng tác đó. Nhưng trong thời gian qua, báo Văn, nhà xuất bản Hội Nhà Văn lại đem in lên, đăng lên những sáng tác có hại. Như vậy, không thể gọi là phát triển sáng tác. Thế mà tôi đã bảo vệ cho những sai lầm đó. Tôi còn cho là lý lẽ đã cạn rồi, thực ra là cho công tác lý luận, phê bình không có ích, lúc này cứ việc sáng tác mà không cần đấu tranh tư tưởng. Vì thế, chẳng những là không trị được những tư tưởng xấu lại cũng không tìm hiểu, phân tích, biểu dương được những luồng sáng tác tốt.
2. Khi thảo luận về con người mới tôi nêu vấn đề một con người m ới Việt Nam là có thật, nhưng vô cùng phức tạp, vì nó sinh ra từ một xã hội phong kiến và thuộc địa nông nghiệp lạc hậu, lại trải qua gần mười năm kháng chiến gian khổ và hai miền chia cắt như ngày nay, cho nên, hiện giờ, nêu biểu hiện con người mới thì dù lấy quy cách nào ra so sánh cũng là công thức cứng nhắc, bất cứ ai cũng không thể định được mẫu cho ai theo. Mà chỉ nên cùng nhận định thống nhất đại khái như trên rồi đi sâu tìm hiểu và biểu hiện, càng muôn màu muôn vẻ càng hay.
Nói cho cùng, về việc biểu hiện con người mới Việt Nam, tới bây giờ tôi vẫn thấy là rất phức tạp là nhiều khó khăn. Nhưng nhận định xoá nhoà như trên đã làm cho tôi lẫn lộn cơ sở của vấn đề con người mới ở đâu mà ra, con người mới là ai, con người mới phải thế nào. Cố nhiên, nhà văn không thế lấy công thức cứng nhắc để thay thế sự nghiên cứu tìm hiểu những con người mới đương sống trong đời. Nhưng khi Đảng ta nêu lên: con người mới là con người lao động chân tay và trí óc phấn đấu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, trước nhất là công nông binh, thì đó là sự thật là nguyên tắc căn bản chứ không thể gọi là công thức. Trái lại, giữa lúc chúng ta đương đầu tranh với lối sống đầu cơ, bóc lột của một số người tư sản, mà chỉ nêu cao con người chung chung, vùi đi mọi ranh giới, như vậy, chỉ là bao che cho những kiểu người bóc lột lỗi thời. Trước đây, chính báo Nhân Văn và các tập san Giai Phẩm cũng núp sau chiêu bài con người mà bôi nhọ chế độ ta và đưa ra những tư tưởng tình cảm cá nhân chủ nghĩa, chọi lại với cuộc sống mới đang được xây dựng. Do quan niệm thiếu căn bản như trên, tôi đã rất coi thường sự mờ nhạt hình ảnh công nông binh trên báo Văn và trong phương hướng xuất bản của nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Tôi không trọng việc khuyến khích những tác phẩm đề cập những vấn đề nóng hổi của cách mạng và xem nhẹ nội dung, quá thiên về hình thức, kỹ thuật. Mặt khác, nhận định của tôi bị một số người có xu hướng tư tưởng lạc hậu cố ý núp vào, tô điểm vẽ vời thêm theo lối của h ọ để che dấu chủ trương tách rời đường lối văn nghệ của Đảng. Những chiêu bài con người, nhân phẩm chung chung ấy thực ra chỉ để trốn tránh đi vào công nông binh, hoặc ngụy biện là biểu hiện thực tê nào cũng được. Cho nên, cũng dễ dàng thấy như vừa qua, bên một số sáng tác giá trị, còn những sáng tác ốm đau, vàng vọt dìm đầu vào những khía cạnh tủn mủn, cá biệt, sặc chủ quan, xa rời những nhiệm vụ của thời đại, xa rời đời sống quần chúng. Những sáng tác đó tự cho là tìm tòi nhưng thực chất cũng chỉ lại rơi vào bệnh sơ lược vụn vặt mà thôi. Sự thật tỏ rõ: ai đã thâm thực tế quần chúng, những sáng tác nào đã chuẩn bị trên sức lực của kết quả thâm nhập cuộc sống đều tốt. Những ai sợ thực tế như con dơi sợ bóng sáng, trốn nấp sau cái lá chắn thực tế do mình mà ra đều cùng quẫn không viết được, tự mình thấy trống rỗng một cách xấu hổ và họ đã thất bại thảm hại.
Với quan niệm trên, tôi đã đặt vấn đề sáng tác đơn thuần trên hình thức của công việc sáng tác mà không đặt vấn đề nội dung sáng tác thế nào (thật ra, đầu óc bám đặc tư tưởng lạc hậu mà cứ sáng tác thì cũng chỉ nghĩ ra được những cái tồi cái xấu mà thôi). Tôi không chú ý trạng thái đó đã không mảy may đặt vấn đề tổ chức học tập nghiên cứu chính trị, nghiệp vụ và trầm trọng nhất, đã không tổ chức đi vào thực tế lao động phấn đấu của quần chúng, chẳng những đã không giúp mà còn buông lỏng coi thường khả năng của người viết hoà mình vào quần chúng. Đó chính là một thiếu sót trầm trọng.
Hiện nay cách mạng đã chuyển giai đoạn, nhưng bởi nhận thức và tư tưởng không chuyển kịp, có chỗ lẫn lộn, tôi đã không lường hết được tầm quan trọng của đấu tranh giai cấp. Vì thế mà đánh giá thấp những hoạt động của tư tưởng chính trị và nghệ thuật kiểu báo Nhân Văn vẫn sống sót, lại nhặt nhạnh dần thêm những rơi rứt lạc hậu của từng người hoặc một phần nào trong tự tưởng mỗi người, vào lúc giai đoạn cách mạng đương chuyển, nó dẫy giụa chống lại bước tiến mới của cách mạng và đã tác hại không nhỏ.
Những khuyết điểm trên đây dẫn tới sai lầm lớn nhất là đã làm tầm thường và hạ thấp tác dụng lãnh đạo tư tưởng của Đảng. Mặc dầu, trong lúc này tôi chưa kiểm điểm công tác của Hội Nhà Văn mà mới bước đầu nhìn lại một số bài báo và công tác của tôi, cũng đã thấy ra được cái nguyên nhân và tác hại cuối cùng của vấn đề là như vậy.
Đành rằng trong một vài sự đánh giá cụ thể về một truyện ngắn này, một bài thơ nọ, có thể nhận thức riêng của tôi còn chưa rõ ràng, nhưng chính yếu là những điều căn bản thu hoạch trên kia đã chỉ ra những sai lầm của tôi, nhất định sẽ càng làm nảy nở sự suy nghĩ đúng của tôi, giúp tôi cùng toàn thể anh chị em đấu tranh kiên quyết chống lại những tư tưởng nguy hiểm còn đương tác hại trong văn học.
Nguyên Hồng buông tờ báo xuống. Rồi Nguyên Hồng xua xua tay, nói như hét vào mặt tôi:
- Tiên sư mày, thằng Câu Tiễn ông thì không, Nguyên Hồng thì không!
Nguyên Hồng quỳ xuống trước tôi, rồi cứ phủ phục thế, khóc thút thít. Chị ấy bỏ chảo nem, chạy đến.
- Thầy nó làm sao? Lại làm sao thế?
Tôi đỡ Nguyên Hồng lên. Bà cụ có lẽ nặng tai, vẫn ngồi rờ rẫm vá víu chỗ áo rách. Dưới sân, trẻ con đùa cười nắc nẻ, lại cành cạch tiếng giã cua. Như không có gì mới xảy ra. Chúng tôi ngồi trở lại, yên lặng như từ nãy vẫn thế.
Nguyên Hồng nói khẽ:
- Tao tính cả rồi. Trông đây này.
Gian phòng vẫn bề bộn màn mùng như mọi khi. Nhưng để ý thì thấy có khác. Mọi thứ đã được gói, buộc lại như dạo trước tôi đã quen mắt thấy sáng sớm các thứ trong các nhà sắp sẵn để quẳng ra bờ rào tránh máy bay. Tôi gật gù, nhưng thật cũng chưa hiểu ra như thế nào.
- Tao về Nhã Nam.
- Về Nhã Nam?
- ừ, Nhã Nam. Đủ, đủ lắm rồi. Ông đéo chơi với chúng mày nữa. Ông về Nhã Nam.
Tôi hiểu cái cười lạnh lẽo và lặng lẽ lúc nãy của chị ấy.
Rồi một hôm nghe Kim Lân nói Nguyên Hồng đã dọn về Nhã Nam. Không biết vợ chồng con cái gồng" gánh như hôm ở Nhã Nam tưng bừng trở về Hà Nội hay là thuê xe ba gác đẩy. Lại lên ngược, lại lên ngược, tôi chỉ thương chị ấy phải bỏ việc. Không hiểu tại sao, bỗng nhớ lại mùa đông 1950 Nguyên Hồng ở chiến dịch Biên giới từ Cao Bằng về Nhã Nam. Bộ đội tặng nhà văn chiến lợi phẩm: đồ hộp, mấy cái chăn dạ, đôi giày lính... Lại cấp một tù binh đi theo quẩy đổ đạc. Dọc đường, Nguyên Hồng mua một con chó mực. Người lính tù, vai đòn gánh, tay dắt chó, ròng rã ngày đi đêm nghỉ, về đến nhà, Nguyên Hồng mòi anh lính làm một chầu tuý luý. Anh ta ngủ lại một đêm, hôm sau, Nguyên Hồng dặn một câu ngớ ngấn:
- Về nhà nhá, đừng lên trại giam nữa mà khổ.
Bây giờ Nguyên Hồng lại lên Nhã Nam.
Thế ra hôm ấy Nguyên Hồng mời tôi bữa chả chia tay. Tôi vẫn lơ lửng không tin Nguyên Hồng lại lên Nhã Nam. Nhưng mà sự việc đã thật như thế. Nguyên Hồng vốn quyết đoán. Thầy nó mà đã định, thì trong nhà ai nấy chỉ việc làm theo.
Cả tính toán chi tiêu mắm muối, Nguyên Hồng đi chợ lo liệu lấy, nếu không chị ấy cũng bảo các con: Đã hỏi thày mày chưa.
Trở lại Nhã Nam, trong khi ở đây nhà đã yên nơi ăn chốn ở và trường lớp các cháu đi học, chị ấy đã có việc làm. Nhưng nhất định không ở nữa. Thế là bỏ hết, lại lên Nhã Nam, ấp cầu Đen, ấp đồi Cháy, lại ở cái đồi như những năm tản cư. Gia đình người chị Trần Văn Cẩn, nhà Tạ Thúc Bình, nhà Kim Lân - khi ấy, bác Ngô Tất Tố đã mất và tất cả các nhà về xuôi đã lâu. Trên quả đồi lưa thưa tre pheo còn lại lơ thơ mấy nhà người làng, cái trường học cấp 1, mái lợp nứa, tường trình ụp xụp, quạnh quẽ. Lại vẫn ở cái nhà như từ hồi chạy Tây mới tản cư. Nhà đường đất, bờ rào cắm hàng xương rồng ông, có vũng nước giếng đất trong khe dưới chân đồi. Xa xa, trước mặt, bắt đầu nhấp nhô những cánh rừng thấp trên Yên Thế Thượng. Đi vào đấy, giữa màu chàm âm u, không biết mấy ngày đường qua Cầu Gồ, Na Lương sang đến Tràng Xá, Võ Nhai bắc Thái Nguyên. Những xóm hẻo lánh người Ngái, người Nùng còn sót lại của tàn quân Lương Tam Kỳ và thời Đề Thám mà mấy năm vừa rồi, chỉ khi nào Tây dưới cầu Đuống rập rình đánh lên Bắc Giang, cơ quan báo Cứu Quốc chúng tôi mới phải chui rúc ẩn vào tận suối Lửa gần cửa âm phủ ấy. Nhưng cũng chỉ ít lâu, rừng rậm âm u ngột ngạt quá, lại nhảo ra.
Nguyên Hồng về Nhã Nam. Chưa bao giờ nghe Nguyên Hồng trách móc đổng giả chửi ai. Nguyên Hồng không có thói hai ba người tụ bạ bới móc người thứ tư vắng mặt. Thỉnh thoảng về Hà Nội, làm sơ khảo, chung khảo các cuộc thi sáng tác, các giải thưởng văn học và làm chủ tịch hội Văn Nghệ dưới Hải Phòng... Được giao việc thì làm đến nơi đến chốn, nhận tiền công trả đàng hoàng, các thứ của văn phòng lĩnh rạch ròi từng cái ngòi bút, một ram giấy. Hội Nhà Văn Đức tặng Hội Nhà Văn Việt Nam 200 cái xe đạp Diamant mới cứng. Nguyên Hồng được điện khẩn mời xuống công tác. ấy là việc dắt chiếc xe đạp đứng vườn hoa Cửa Nam trò chuyện với người qua đường. Vô tuyến truyền hình của Việt, của Đức quay giới thiệu nhà văn với tặng phẩm hữu nghị quốc tế.
Nguyên Hồng hồi ấy mới để râu, rõ ra phong thái học giả phương Đông. Tuyên truyền thế thôi, cả hội chẳng được sờ vào vành bánh chiếc xe nào.
Hai trăm cái xe lăn cả vào kho bộ Thương nghiệp. Nguyễn Tuân hỏi mắng Nguyên Hồng:
- Đóng trò xong rồi, dắt mẹ nó cái xe ấy đi, đứa nào làm gì được!
Nguyên Hồng cười vuốt râu, đánh trống lảng:
- Tớ lên phim còn nhiều phút hơn cái thằng phiên me vô danh trong Cánh đồng ma đấy.
Nguyên Hồng không làm thế, nhưng lấy công tác phí, đòi trả thù lao công tác đóng phim cẩn thận.
Năm sau, các cơ quan vận động giảm chính, giảm biên chế. Nguyên Hồng ở tuổi 52, đương sức lực, hăm hở. Nguyên Hồng đã hưởng ứng phép nước, xin được giảm biên chế, về hưu ngay. Nguyên Hồng nói:
- Cũng tiện. Khỏi phải ngửa tay nhận lương tháng, chẳng phải vờ vẫn bịa đặt báo cáo công tác chẳng phiền ai.
Rượu vào, Nguyên Hồng cười hê hê:
- Ông đố đứa nào dám ra khỏi biên chế bắt chước được ông đấy?
Quả thật, xưa nay cũng chỉ có một Nguyên Hồng xin về hưu non mà thôi. Nguyên Hồng là thế. Chẳng ghét ai thân ai, tưởng như vờn vỡ gần gũi rất vui, nhưng vẫn là xa lánh một mình.
Hồi ấy, được tiền bản quyền bộ tiểu thuyết Cửa biển, Nguyên Hồng chữa nhà. Chúng tôi lên đánh chén khánh thành dinh cơ mới. Vẫn ba gian nhà ở chỗ cũ, nền đất, sân đất, được bó hàng gạch thềm. Dui mè xoan lẫn tre ngâm có chắc chắn hơn. Mái tranh được thay ngói và bức tường hậu đã xây gạch thay tường đất trình khác hẳn. Ngói tây không lót, chắc là mùa hè nóng phải biết. Tường mới mà đã thấm nước mưa hoen ẩm lem nhem. Bàn viết vẫn kê dưới nhà ngang - chỉ là cái chõng tre và chiếc chiếu. Nguyên Hồng trải chiếu ngồi khoanh chân xếp bằng, tập giấy, lọ mực, cái bút sắt đặt trên mặt chõng. Từ thuở trẻ, khi ở dưới bãi Nghĩa Dũng tôi vẫn thấy Nguyên Hồng ngồi nguyên thế như bao giờ. Nguyên Hồng cắt nghĩa rất AQ về sự thoải mái của mình:
- Lúc thư dãn, kềnh xuống mặt chiếu trải đất, mát bằng mấy xích đu rốc-keng-xe. Cái bàn viết không hay bằng cái chõng viết, tha hồ xê dịch, chán cảnh rừng Yên Thế lại bê chõng về đằng này ngắm giàn mướp hương.
Trên mặt tường nham nhở, Nguyên Hồng treo hai bức sơn dầu của Dương Bích Liên. Dương Bích Liên đã cho Nguyên Hồng một tranh sơn dầu hai đứa trẻ gái gầy guộc xanh lét cả tóc. Tranh ấy treo cạnh bức sơn dầu Hào. Bức Hào của Dương Bích Liên dự triển lãm năm ấy chỉ được treo ở chỗ tranh bị loại. Tôi đã mua bức tranh bị loại về biếu Nguyên Hồng. Đưa được bức Hào lên Nhã Nam là một công quả, không biết Nguyên Hồng đã vác bằng cách thế nào. Bức tranh to kín một gian mặt tường. Nhưng ít lâu sau, tranh bị mốc. Nguyên Hồng lại khiêng tranh về Hà Nội, nhờ Dương Bích Liên tân trang lại. Rồi thế nào không đem về nữa, và bây giờ không biết bức tranh Hào lưu lạc ở đâu
Cỗ thịt ngan của nhà, lại nồi bồ câu hầm dưới bếp cũng cây nhà lá vườn. Chúng tôi ngồi trên tấm phản bên cửa sổ trông ra sân. Râu Nguyên Hồng lởm chởm cứng quều, chưa dài hẳn. Bộ râu của Nguyên Hồng nhiều giá trị thực dụng chứ không phải như râu những lão ở ẩn. Lưỡi dao cạo hiếm, chợ cũng không có. Đôi khi, cơ quan phân phối một hai lưỡi. Nguyên Hồng không còn sinh hoạt công đoàn vẫn được chia, nhưng cất công xuống tận Hà Nội lĩnh một lưỡi dao cạo, ngại quá. Thế rồi bộ râu tự do trổ ra. Rồi lại gặp cái tiện lợi khác. Cán bộ thuế hồi ấy khám rượu quốc lủi khá ngặt trên tàu hoả. Nguyên Hồng đi đâu thường đem rượu nhà theo. Bỏ thêm vào hũ mấy cái vỏ quít khô. Nhà thuế khám, Nguyên Hồng hạ chiếc bị trên vai áo nâu bạc xuống, một tay khoảnh lại đấm lưng, một tay lôi hũ rượu. Đau lưng, đau lưng, phải có cái tang thuốc ngâm gia truyền này mới được. Anh thông cảm!". Đến hồi có thêm bộ râu dài hẳn hoi thì hũ rượu ngâm thuốc bắc vỏ quít cứ để trần ra trên ghế hàng tàu, cũng chẳng ông nhà thuế nào ỡi ơi đến lão nhà quê ấy. Không mấy ai để ý trên bộ râu nguy trang, hai con mắt còn nhanh như chớp.
Nguyên Hồng vểnh râu, hào hứng:
- Các ông xem cơ ngơi tôi thế nào? Đã hơn dinh Đề Thám chưa? Hai cái tranh của thằng Liên treo thế, đắc địa nhất chứ. Bây giờ mà thằng Dương Bích Liên trông thấy thì nó phải sướng tỉnh người.
Chị Hồng ở dưới bếp, nói chen:
- Thày nó nhà tôi nghe người ta nịnh, lấy hết cả tiền. Chứ đám thợ ngoã bên ấy chỉ khéo nói, nhà với cửa chẳng ra sao đâu. Mưa to, mái hắt, tường thấm nước, mà nắng thì nóng ơi là nóng. Cái mái nứa, mái rạ ngày trước mát...
Nguyên Hồng bị cụt hứng, trừng mắt. Tức quá, môi bặp bặp không nói thành tiếng. Nếu không có chúng tôi đương ngồi quanh mâm, thì không biết có phải câu cắt nghĩa này không. Nguyên Hồng cất giọng hách, lấn át:
- Xà, mẹ mày biết đâu! Cầu kỳ lắm mới đón được hiệp thợ của người ta. Chỉ nói một câu này là các ông đã phải kinh người rồi. Toàn tay thợ con cháu các cụ đã cất dinh ông Đề, đã xây dựng doanh trại ông Đề Thám ở Cầu Gồ đấy. Có thế tôi mới chịu khó chuốc về.
Chị Hồng im. Nguyên Hồng mà nói đến hơi hướng oai danh ông Đề thì đến chúng tôi cũng chỉ biết lặng im. Có một lúc, tôi sang đầu nhà trông ra góc sân chỗ cây mít. ở đấy có nếp nhà tranh cao ráo phủ kín rạ và lá cọ mới mọc. Tôi hỏi:
- Ông bà định xây nhà nữa à?
Chị Hồng đáp:
- Không, đấy là của bộ đội.
- Cái gì của bộ đội?
- Đạn của bộ đội.
Trong gian nhà chất cao ngất toàn hòm đạn. Thế này, chỉ một băng liên thanh, một quả bom vu vơ nào máy bay Mỹ choang xuống thì cả xóm đồi ra tro, kể chi một nhà ông Nguyên Hồng. Sao không bảo bộ đội làm kho chứa đạn xuống chỗ chân tre vắng vẻ, khuất nẻo bên kia. Tôi chưa kịp hỏi, chị Hồng lại nhẹ nhõm, như không:
- Thày cháu cho bộ đội gửi đấy ạ.
Thày cháu đã bảo cho gửi thì thôi rồi. Thày cháu đã bảo mà.
Không bao giờ nghe Nguyên Hồng nói có khi lại đưa vợ con về Hà Nội nữa. ở đây cũng vui thú và quen biết. Cả đời nay đây mai đó, lên Hà Nội, xuống Hải Phòng, Nam Định, từ khi đem vợ con về dưa muối ở đất này chốc cũng đã mấy chục năm qua. Cái khắc khoải chỉ vẩn vơ ở những người khách một đôi lần lên đổi thăm chủ nhân thấy heo hút quá mà thôi. Chứ ông chủ thì ung dung thảnh thơi - đến người ta phải khó hiểu. Bè bạn còn băn khoăn, thương cảm nữa, nếu nghe chị Hồng than thở:
- Thày nó nay xuôi mai ngược chứ tôi ốm đau thế này, suốt mùa rét ngồi cuốn sâu kèn hút lá cà độc dược chữa bệnh - tuổi đã nhiều, bệnh hen càng nặng, tôi đến chết cũng không bao giờ ra khỏi cái đồi này mất.
Người con gái thành Nam ấy vẫn còn thuộc nhiều thơ Lưu Trọng Lư, thơ Nguyễn Bính. Vợ chồng lấy nhau khi Nguyên Hồng bị đi phát vãng, vừa được thả trên Bắc Mê về. Cái đận Mỹ bỏ bom Nhật, hai người ở dưới bãi Nghĩa Dũng chạy bom đem lên Nghĩa Đô gửi tôi chiếc hòm khoá chuông, trong có bộ áo dài lụa vân hoa cau, quần kếp trắng và đôi guốc Phi Mã cao gót.
Có lẽ Nguyên Hồng nhớ Hà Nội có mỗi một cái thú tẩm quất"! ở xế cửa ga Hàng Cỏ. Chỗ ngã ba đường trông sang ngõ Tức Mạc, đêm đến, trên vỉa hè và dưới lòng đường, những cái chiếu trải, mấy người đàn ông mắt loà, như cóc ngồi rao khàn khàn mèo gào: tẩm quất, tẩm quất. Chặp tối, rượu vào rồi, Nguyên Hồng hay ra đấy tẩm quất. Đã quen, Nguyên Hồng cởi áo, quần dài gối lên đầu. Mình trần, độc trụi cái quần đùi, nằm úp xuống chiếu. Trong ánh điện đường đỏ quệch, người loà sờ sẫm bẻ khục răng rắc đốt chân, đốt tay, đốt lưng, vành tai, sống mũi kêu lên như bẻ bánh đa. Ngoạn mục nhất đến cái mục người tẩm quất khẽ bảo Nguyên Hồng ông lật người lên nào!. Nguyên Hồng sướng lử lả rên hừ hừ ngồi dậy. Người tẩm quát nắm hai cánh tay ông khách lôi quặt lại, thúc đầu gối vào lưng. Đầu tiên còn nhè nhẹ, rồi chỉ nghe tiếng hự hự. Không biết tiếng người ư ứ hay tiếng gối thúc. Nguyên Hồng ưỡn oằn người theo từng cú đầu gối như cái đầu chày của người tẩm quất. Hự hự, ghê cả tai. Nguyên Hồng rãn xương sống, nằm thẳng cẳng, rên ú ớ, dễ chịu quá, sướng quá. Đến lúc mơ màng nghe tiếng ông lão loà lại rao tẩm quất, tẩm quất như mèo kêu trên đầu lại cũng như nghĩa là xong rồi, xong rồi ra ý đuổi khéo ông khách. Nguyên Hồng lồm cồm ngồi dậy, trả tiền rồi cứ vắt áo quần lên cánh tay, lừ rừ đi. Nguyên Hồng bảo tẩm quất khỏi đau xương, tốt bằng mấy thuốc ngủ. Đẫy giấc lắm, mà không phải tống cái chất độc hoá học vào bụng. Có thể như thế. Chưa bao giờ Nguyên Hồng đi bệnh viện. Nguyên Hồng không lĩnh sổ khám bệnh. Tôi còn chứng kiến một đêm Nguyên Hồng tẩm quất kịch liệt ở chợ Kỳ Lừa. Chuyến ấy, Nguyễn Tuân và Nguyên Hồng đi chơi nhờ xe của thanh tra Vạn Lịch. Ra Móng Cái rồi theo đường Đình Lập, Bình Liêu lên Lạng Sơn. Chúng tôi nghỉ trọ ở cái quán cạnh chợ Kỳ Lừa. Xẩm tối, Nguyên Hồng đứng bên cửa sổ tha thẩn nhìn ra những mái cầu chợ ụp xụp, rêu đen. Bỗng kêu rối rít:
- Bỏ mẹ rồi, bỏ mẹ! Chỗ khỉ ho cò gáy cũng có thằng tẩm quất! Đợi tớ xuống làm một quắn xúc miệng đã rồi hãy cơm nước nhé.
Nguyên Hồng xông ngay vào cửa chợ. Người các làng bản xa về đêm đợi mai phiên đã đông dần, tiếng vó ngựa đập cộp cộp trước quán phở chua đã lên đèn. Trong cầu, trai gái hát đúm vừa cất giọng. Tiếng đàn tính rơi rơi như nước giọt gianh. Mặc kệ, Nguyên Hồng xà ngay vào một bác loà mắt đương ngồi bó gối mặt tây ngây ngoài thềm. Nếu không đã thạo, có thể nhầm là lão ăn mày. Không có chiếu, khách tẩm quất nằm xuống đất. Nhưng Nguyên Hồng đã cầm xuống sẵn hai tờ báo, trải ra. Lắc cổ, bẻ vai, tấn đầu gối lên lưng, khắp người xương cốt kêu lách tách, chẳng khác ở ga Hàng Cỏ. Hay vẫn là những lão loà ấy đã thuộc tàu các ngả, đúng phiên chợ Kỳ Lừa, lại mò lên đây làm ăn.
Tôi bảo thế với Nguyên Hồng. Nhưng Nguyên Hồng xua tay:
- Không phải, tớ ngấm đòn tẩm quất nhiều rồi, tớ biết. Thằng lão sư tẩm quất thổ mừ này tuyệt diệu. Đây gần biên giới, nó lồng cả võ Tàu vào. Mai phải làm quắn nữa.
Chao ôi, có người khoái tỷ được cái tẩm quất tra tấn, cũng là cái thú Hà Nội. Nguyên Hồng ấy chứ còn ai, khi nào tôi cũng cứ ngờ ngợ có thật không. Nhưng tôi lại tin cái khí phách của con người một mình một tính ấy.
- Tôi ấy a, cái ngày tôi đi đuổi ngựa cho nhà Vương...
Ngồi đây, trong cái phòng vừa nhà hàng vừa buồng ở lộn xộn, bề bộn quanh những lá màn, cánh gà mà tưởng đương lang bạt sông suối đâu đâu Simacai bên Lào Cai sang Xỉn Mần rồi rong ruổi lên Mèo Vạc sang Bảo Lạc, Cao Bằng. Những đoàn ngựa thồ hàng trăm con lên núi, ông Ca là một người trong đám thủ túc nhà vua Mèo họ Vương trong đám dắt ngựa, đuổi ngựa ấy. Chuyến hàng ròng rã đói khát cả tháng, chẳng bù với mỗi khi người ngựa được trở về dinh cơ nhà Vương ở Sà Phin, Đồng Văn lại thả sức lu bù chè chén. Cả mấy chục phu ngựa, cơm rượu và khay bàn đèn thuốc phiện rải ra khắp trên sân đá tảng từ trước cửa dinh vào trong nhà.
Được dịp về Đồng Văn, thế nào Ca cũng xuống thị xã. Ca đi làm mướn cho người, nhưng Ca cũng có dây thuốc phiện riêng của Ca. Ca ăn ngủ nhà mụ Tèo me Tây đồn Yên Minh ngày trước, Tây cút rồi mụ ở lại mở quán cơm giữa cánh đồng tranh trên dốc Pác Xum về làng Đán. Mụ Tèo cũng là một mối thuốc của Ca. Quán mụ Tèo chơ vơ cỏ tranh phủ ngập mái nhà, trông sang những ổ cướp nương náu trên dặng núi Bát Đại Sơn lô xô trước mặt. Bọn thồ ngựa dừng chân. Từ khi có đường ô-tô lên Phó Bảng, thêm các ông tài đường ngược, đêm đêm trong vách tường trình, quán mụ Tèo rộn rịp đỏ đèn suốt sáng. Chẳng bao lâu, Ca cũng tậu được ngựa và thuê người đuổi ngựa. Lão Ca đã thành ông chủ nhỏ, có khi theo hàng sang tận Phong Thổ, Mường Lay bên Lai Châu.
Quanh tách cà phê giữa những con phố lui hui cụt lủn mà tưởng đương theo những đoàn ngựa thồ qua đầu núi nào. Quên đi, quên đi ngoài trời đêm thành phố đương sấm rền trận mưa đầu mùa hạ, rồi sáng mai chúng tôi lại đạp xe xuống ấp họp tổ. Cái say chơi rừng núi biên giới phía bắc đối với Nguyễn Tuân, có phải đã được nhóm bếp ở những đêm cà phê rom nhà lão Ca, trong cái phòng lủng củng, lỉnh kỉnh rất Tàu. Một dây xích đông trên đầu, mấy cốt chăn bông xếp đống. Dưới gầm ghế, cái hoả lò, củi, chai dầu, làn mây và túi gạo, xoong, chảo, chậu, bô men trắng xoá loang lổ có thể là bô nước đái, bô cứt. Nhưng con mắt chúng tôi đăm đắm vào bóng tối mênh mông xa đâu.
ở các ngõ ngách ẩm ướt trông lên nhấp nhô những đầu tường chuôi vồ thời xưa này phải kể thêm quán bánh cuốn ông Hồng Lâm cũng chỗ ngã tư cùng phố với cà phê Ca. Hàng bánh cuốn này không ai biết, bánh cuốn bây giờ được tiếng ngon bán đêm ở phố Huế xế chợ Hôm cũng gần ngã sáu dốc Hàng Kèn. Khách ngồi chầu hẫu mấy lượt ghế dài đợi bà hàng không biết sốt ruột cứ nhẩn nha tráng từng lá bánh. Tôi cũng chẳng thú cảnh chầu chực đợi lượt nếm chiếc bánh cuốn nhân thịt gốc Lạng Sơn. Thế mà quán bánh Hồng Lâm thì lại hay ghê. ấy cũng là một nỗi.
Một tối, trên vỉa hè tấp nập người, tôi ngất ngưởng như con bói cá đậu trên cái ghế xếp gánh cháo gà giải phóng quân. Các rạp đã trống giáo đầu rồi mà hàng quán vẫn dập dìu vì cán bộ tập kết đi dạo bờ hồ dạo phố là chính. Mấy ngả phố chật hẹp không có điện, đèm đóm lập loè từng khóm. Một ông Tàu gày còm đội cái mũ xanh một mẩu, má xệ đỏ phừng màu say xuống tận cổ, cứ đứng sững. Tôi tưởng ông ấy nhìn ông hàng cháo gà đồng hương. Rồi ông ấy bước lên hè trước mặt tôi giọng rượu lè nhè:
- à, à... Có phải cậu Sen không?
Nghe tiếng hỏi cái tên cúng cơm của tôi, dù chưa nhận ra ai, cũng biết đấy là bà con quê ngoại quê nội. Nhưng tôi không nhớ được ông này là người trên Nghĩa Đô hay trong Cát Động. Tôi đương ớ ra thì ông ấy lại nói lơ lớ:
- Tôi là Lâm. Lâm hàng phở dốc chợ Bưởi. Thuê nhà ông ba Chui ấy mà. Cậu nhớ không?
Thế thì nhớ rồi. Ngược đời, nhà hàng lại đi nhớ khách. Tôi nhớ tên chú ấy chứ không nhận ra người. Mười mấy năm rồi còn gì. Chú khách Lâm ở dưới phố lên mở hàng phở. Nhà hàng kê cái bàn, hai bên chõng tràng kỷ. Tua giấy điều nhấp nhánh trang kim phất phơ trước cửa cạnh những củ hành tây trắng bong và chùm ớt đỏ. Dấu hiệu hàng quán lúc ấy không có bảng kẻ hai chữ Cơm Phở như bây giờ. Phở nước hai xu, đĩa phở xào ròn xào mềm năm xu. Không bạn này có tiền thì bạn khác, ai cũng dễ dãi với nhau được. Tôi nhớ hàng chú Lâm không phải vì phở, mà vì một chuyện oái oăm. Ông trẻ Tám hay đi chơi ả đào. Bà ấy ghen. Nhưng ông Tám đã nghĩ được mẹo. Tấm áo the dài, quần là và chiếc khăn ông Tám gửi trên hàng phở chú Lâm. Chiều chiều, cơm nước xong, tôi sang rủ ông Tám đi dạo mát.
Tôi tuy tuổi chẳng kém ông Tám bao nhiêu nhưng trong họ thì vào hàng con cháu, mặt mũi lại hiền lành, bà Tám tin được. Chúng tôi thủng thỉnh như tình cờ lên đầu chợ. Ông Tám vào hàng chú Lâm, chít khăn, thay bộ quần áo mồi rồi bước nhanh lên ngã ba Thành gọi cái xe sắt. Đi chơi bời ăn mảnh ở các nhà hát quanh Cầu Giấy, ở Mả ông Năm trong phủ, khoảng nửa đêm lại cuốc bộ về. Tôi thường đóng vai lá chắn che đỡ cho các bậc bề trên như thế nên hay được ăn theo các ông Tám, ông hộ Nghĩa, ông bảy Nền đi hát chầu chay cỏ rả vùng phủ Hoài, sang Thượng Cát, hay lên bến Chèm - cũng chưa được ra đến các nhà hát Ngã Tư Sở. Những chuyện lêu bêu nhung nhăng ấy thì nhớ chứ quên hẳn mặt lão Lâm này.
Tôi khen:
- Chú nhớ dai quá.
Lão Lâm khoái trí cười giơ hàm dưới răng vàng choé.
- ồ, ở trong này tôi làm công an mật nên quen nhận mặt người ta. Tôi vẫn gặp ông giáo Thịnh dạy trường Yên Thái ngày trước mà. Hôm nào đến chơi. Chỗ kia kìa, nhà bánh cuốn.
Thế thì biết rồi, hàng bánh cuốn ấy gần cao lâu Tứ Kỳ. Chúng tôi đến quán ông Lâm. Nguyễn Tuân chẳng thiết cái bánh nhân thịt này - không chịu ăn tạp, vẫn nhớ thuở bánh cuốn Thanh Trì nước mắm Nghệ cà cuống, không pha dấm, không vắt chanh.
Thế mà Nguyễn Tuân vào quán bánh cuốn ông Lâm. Cũng phải duyên cớ thế nào, như cái ông 81 cà phê bít tất dốc hàng Kèn với quan công sứ Grapphơi và núi nghỉ mát Bạch Mã Bà Nà. Như lão cà phê Ca đem rừng núi Hà Giang về thành phố. Nhưng Nguyễn Tuân bảo tôi:
- Vào đấy cho thằng này về Kẻ Bưởi một tý. Hôm nào rủ chúng tớ lên Nghĩa Đô bắt chuột đánh chén nữa nhé.
à ra ông ấy chiều tôi. Nói thế chứ ông chẳng dám xơi thịt chuột. Chả là đã có một năm, mùa tháng mười, ông Nguyễn với Kim Lân lên cánh đồng làng tôi đi bắt chuột với ông Ba Hĩ. Gác ngoài, bà Lâm ngồi tráng bánh. Thấy đi vào nhà trong, những cô cậu mặc xanh công nhân, chắc tan ca nhà máy về. Con cái không để mắt đến cái cửa hàng câu dầm của ông bà già. Bà Lâm gầy khô, đeo kính, mặc áo di lê hoa lốm đốm tím, nửa mái đầu bạc. Ông Lâm bảo:
- Bà nhà tôi cũng người làng Bưởi cậu ạ.
Bà Lâm cười nhợt nhạt, ngước mắt kính, hỏi tôi:
- Ông có biết chú Sồi có bàn thịt lợn ngoài cầu chợ nhà ở xóm Ao Đình không?
- Ngày bé, tôi vẫn xách liễn lên mua nước suýt sáng sớm nhà chú Sồi.
- Bố tôi đấy.
Tôi ngạc nhiên vì cái giọng nói hệt tiếng Yên Thái của bà Lâm. Ôi, tôi được sinh ra ở đất Bưởi, tôi ở trong làng đến ngoài hai mươi tuổi mới ra thành phố rồi đi lang bạt, giọng tôi bị pha mất tiếng quê. Thế mà cái bà Tàu này lại hẳn hoi đặc giọng vùng tôi. Nhà khách Sồi đã mấy đời ở xóm Ao Đình, thế thì con cái y như người làng rồi.
Nguyễn Tuân lặng lẽ hút tẩu thuốc. Nguyên Hồng đã xà đến. Bà xếp cho một chục, nhưng hẵng năm cái một, để được nóng sốt. Ông Lâm xách chai rượu thuốc ra. Cải này chữa bách bệnh, giở giời chỉ vài ngụm, khỏi thấp khớp, khỏi cả đau răng - Ông bảo thế.
Tấm bằng của sở Công An thành phố khen tặng ông Lý Hồng Lâm đã có thành tích trong thời gian kháng chiến ở Hà Nội? Ông Lâm ngắm nghía những người khách đương chăm chú xem cái bằng đóng khung treo trên chỗ thoáng nhất mặt tường. Nguyễn Tuân bao giờ cũng là người tài nhìn ra trước những điều mà chưa ai kịp nhận là đáng hỏi. Ông bắt tay ông Hồng Lâm và ông này cười khoái trá thú vị cái người hiểu mình, biết mình.
Ông Lâm nói:
- Bấy giờ ở Hà Nội tôi bán phở, như khi ở trên Bưởi ấy. Đông khách thì dễ đi lại. Các anh công an mật ở nhà tôi cả năm, không bị lộ. Tôi là người Tàu mà, thằng Tây không biết đâu.
Giữa chén rượu, câu chuyện trở về những ngày thành phố còn thằng Tây. Ông Hồng Lâm hào hứng kể tên từng người cán bộ nội thành, nay vẫn thỉnh thoảng đến chơi, có người đi ô-tô com-măng-ca đỗ xịch trước cửa. Nguyên Hồng đã chén gọn cả chục chiếc bánh. Chúng tôi uống suông.
Bà Lâm tinh ý:
- Chắc hai ông không thích. Tôi làm bánh mà tôi cũng không ăn nữa. Bây giờ người ta ăn bổ bã lắm. Hôm nào các ông lại chơi, lúc rỗi hàng khuya khuya đã. Tôi làm cái bánh cuốn thật như Lạng Sơn ngày xưa các ông nếm thử.
- Có giống lốc bểư không?
- Gọi là lốc bểu hay bánh cuốn Lạng Sơn, cũng tay mình làm ra thôi.
Nguyễn Tuân gật gù. Lốc bểu, lốc bểu. ừ hôm nào trở lại. Thế là cái quán ông Hồng Lâm trở nên hay hay mà Nguyễn Tuân đã tìm dần ra, không phải theo tôi về Nghĩa Đô nữa. Vẫn cái tài gợi cho phải đáng chú ý, chúng tôi a dua theo. Dần dần cảm thấy đầm ấm trong nhà, nhớ những đêm Cao Bằng ở Quảng Uyên, ở Thuỷ Khẩu và ở Hạ Đống bên kia biên giới năm 1950 trong chiến dịch. Những quán phở vịt, phở chua, rượu men lá. Những ống tay áo chàm rộng, một chiếc răng vàng kín đáo chẳng biết các chị các em dân công ấy người Nùng hay người Hán. Khách ngủ lại, ăm cơm như bữa cỗ vẫn kèm bát cháo hoa, lại dầm chân nước nóng, như nhà trọ của thím Hằng nhân tình cầu thủ Goòng tản cư ở Ba Giăng trên Đại Từ.
Không phải bà Lâm hẹn đãi bôi. Chúng tôi đến, một tối ở dưới ấp về. Lại mưa, mưa tầm tã ướt lướt thướt, ánh đèn đường nhòe nhoẹt trời mưa, hay là ta cứ nghĩ ra là mưa thế.
Nhà có khách riêng, ông Lâm đóng cửa hàng. Lò than kê giữa nhà, ngay trước bàn. Mặt lò đặt chiếc thạp nhôm to. Hơi nước và mùi bánh chín bốc lên thoang thoảng. Giọng nói đặc kẻ Bưởi mà tôi không thể nén được bồi hồi, mỗi khi nghe. Chợt để ý cái người con gái chú Sồi bán thịt lợn ngoài cầu chợ hồi tôi còn xách quang liễn đi mua nước suýt bây giờ đã lên bà, nghĩ xa mà buồn.
Giời mưa thế này, tưởng các ông ngại. May quá. Vui thôi mà.
Chiếc vung thạp được gác hẳn lên tường bếp. Làn hơi trắng thơm khắp phòng. Những chiếc bánh hấp nhân thịt mộc nhĩ được lấy từng đôi đặt lên đĩa tây. Chén nước mắm chắt nhỏ mấy giọt cà cuống. Ông bà Hồng Lâm ngồi cùng chúng tôi. Bà vừa ăn, vừa tiếp bánh và mỗi người nhấm nháp một cách khác nhau. Nguyên Hồng vẫn uống rượu và đánh lẻm năm đôi, như lệ mọi khi, một chục chiếc đầy đặn. Bà chủ nhà nhấc ra cặp bánh, ông ấy rót rượu. Nguyên Hồng nâng chén, đầm đìa nước mắt.
- Bây giờ tôi mới lại được chén cái bánh hấp như lốc bểu từ ngày bé ở phố Khách dưới Hải Phòng.
Nguyên Hồng cứ đứng thế, ôm vai ông Hồng Lâm, miệng lập bập hầy hầy hảo lớ, hảo lớ, cái nỉ hảo tố lớ không nói lên lời nữa. Hàng nước mắt đã chan chứa hai gò má, rồi lại ngồi xuống nhồm nhoàm ăn, nước mắt vẫn lã chã. Chúng tôi đã quen với những cảm hứng giữa đường giữa chợ của Nguyên Hồng. Ông Hồng Lâm cười hề hề:
- Uống rượu mà ra nước mắt thế là phát tài, sắp có bổng, các ông ạ.
Nguyễn Tuân đã ngậm tẩu thuốc. Nguyễn chỉ ăn một cặp bánh.
- Ông nếm thế thôi? Ông chê, phải không?
- Ngon lắm, bà Lâm à. Người biết làm thức ngon như bà bây giờ hiếm, không có nữa đâu. Chốc nữa, tôi xin ông bà mươi chiếc đem về, tôi quen ăn đêm như vạc, bà ạ.
- Ông cứ tự nhiên.
Bà Hồng Lâm lấy mảnh lá chuối tươi bọc năm đôi bánh đặt sẵn bên góc bàn. Cho tới lúc ra về Nguyễn Tuân chỉ uống rượu với ông Lâm và ngắm nghía chúng tôi ăn. Có hôm, Nguyễn Tuân nhắc đến cái tối lốc bểu nhà ông Hồng Lâm lại bình rằng quả là ăn bánh cuốn phải chấm nguyên si nước mắm chắt Nghệ mới lên chất, chứ đoảng nhất là đem pha dấm - dấm và muối phương Tây thô, như ông lão 81 đã nhận xét, chỉ biết mặn khác nhạt, trơ ra như con số, người mình không thế. Ông lại chê lây sang chúng tôi chỉ biết hốc.
Nguyên Hồng cãi: ăn được nhiều mới thấy ngon - Cái chủ nghĩa cơm năm bát cật lực của ông, tôi chịu. Nhưng ông biết khen bánh cuốn Lạng Sơn của thím Hồng Lâm, thế là được, - Nguyễn Tuân nói. Quang cảnh hàng quán khu này cũng là một góc thời sự thành phố. Nhiều năm về" sau, hồi người Hoa bỏ đi, mấy người quen thuộc và nghèo nghèo này vẫn cặm cụi thế. Nhưng rồi cứ thấp thoáng như ma trận. Tôi vào cà phê Ca, lão cháo gà giải phóng quân trông thấy. Lâu mới gặp. Lão bảo lão đã dọn hàng vào số nhà gần đây. Tôi cười:
- Phát tài, có cửa hiệu rồi?
Lão cười hiền lành:
- Nhà người ta đi mình đến ở thôi.
Có những hôm tự dưng ngỡ như hôm nào vẫn đến chuyện tầm phơ với vợ chồng nhà Hồng Lâm, câu chuyện cũ đểnh đoảng. Thoắt đấy thôi mà đã ra sương khói. Hàng nhà Hồng Lâm đóng cửa. Ghé vào, thấy mảnh giấy dán niêm phong. Nhà người Hoa bỏ đi. Qua cà phê lão Ca thấy một cái giường kê thòi ra tận ngoài thềm. Người khác đã ở. Cái người cả tuổi trẻ đuổi ngựa qua các núi Hà Giang ấy đi, cái bà giống người con gái xưa ở đầu đường Cổ Ngư có cùng đi không? Vợ chồng ông Hồng Lâm, người con gái chú Sồi không biết tiếng Tàu, nói giọng kẻ Bưởi. Mà cũng đi, mà già lão cả rồi, mà đi đâu. Lão cháo giải phóng quân tôi cũng không gặp lại nữa.
Năm trước, tôi qua Tây Beclin. Có hai vợ chồng trẻ gốc Trung Quốc, không biết tiếng Tàu, không biết quê ở đâu, chỉ biết cha mẹ sinh ra ở thị xã Bắc Ninh. Nghe tin có người Việt Nam mới sang thì đến chơi cho đỡ nhớ nơi sinh. Hôm tết mùng năm, nhà cũng thổi xôi, thắp hương rồi đóng cửa, vợ chồng ngồi khóc. Quán ăn Phượng Hoàng, cô chủ hàng Trần Lệ Tương kể chuyện nỗi nhà tha hương. Nghĩ người Do thái, người Digan cũng chỉ đến thế, nhưng chưa phiêu bạt vòng quanh trái đất như thế. Lệ Tương chỉ nghe nói quê ở Thượng Hải. Đấy là đến đời Lệ Tương nghe kể lại. Rồi sang Xiêm, ở Băng Cốc, vào Phù Kiệt. Lệ Tương được sinh ở vùng du lịch và nghỉ mát Phù Kiệt. Khi lớn, theo cha mẹ sang Mỹ, bồng bềnh mấy nơi rồi đọng lại ở Canađa. Lệ Tương lấy chồng, hai vợ chồng trôi về Beclin, nhiều năm rồi. Rồi còn đi đâu nữa? Trần Lệ Tương mỉm cười, có phải hình bóng con gái cái bà già chú Sồi ngày trước đây? Âu cũng là nông nỗi chia ly thì cũng chỉ mình nghĩ ra thôi. Nỗi đi nỗi ở của những người không có quê thì đâu cũng vậy. Người Hoa ở đảo Cát Bà đã ra đi như thế này. Cả vạn chài, phố chài hàng mấy trăm chiếc thuyền đậu trong vụng. Suốt đêm chè chén, đốt pháo. Gà gáy thì ra khơi. Cái lần tôi qua miền nam ấn-độ, thấy nói gần cảng Madrat có nhiều vạn chài người Trung Quốc, cả thuyền bè đồ nghề, mới đến định cư. Phải những nhà chài ở đảo Cát Hải, Cát Bà dạt sang lập nghiệp ở đấy. Có thể.
Hôm sau, mới rõ nguồn cơn những giọt nước mắt Nguyên Hồng rơi xuống đĩa bánh cuốn hấp ở nhà Hồng Lâm. Không biết những điều tôi đoán có hẳn như thế, nhưng mấy hôm ấy tổ 18 bước vào thu hoạch cá nhân. Tự đánh giá công tác sáng tác thời gian qua. Những cái đúng và những cái sai và phương hướng sửa chữa. Thói quen những cuộc họp tập thể này gọi là chỉnh huấn, cái đúng, cái tốt thì nói lớt phớt, rồi người ta dội lên đầu nhau những chữ nhưng, chữ tuy nhiên, chữ mặc dầu đã...
Tôi bị mơ hồ mất cảnh giác mọi mặt. Các cơ quan Hội Nhà Văn và nhiều công tác bị lũng đoạn. Báo Nhân Văn, nhà xuất bản Minh Đức không còn, nhưng tư tưởng Nhân Văn - Giai Phẩm vẫn tồn tại, vẫn làm lệch lạc chúng tôi.
Ngổn ngang tâm sự và tâm trạng chua chát, mỉa mai, lại hài hước. Có người quen thân, có người chỉ sơ sơ, bây giờ moi móc những việc, những lời đã nói, bất kể nói lúc nghiêm trang hay khi vui chén bông đùa, được dẫn chứng bằng cớ ra, phân tích cho nhau rõ ranh giới địch ta. Chỉ Nguyễn Tuân mới nhớ lâu và để bụng những câu góp ý ấy. Có những người rồi Nguyễn Tuân không bao giờ dàn mặt nữa. Đến lượt, ai cũng phải suốt buổi ngồi chịu trận nghe cả tổ mắng xa xả, vi vút. Kim Lân kể dạo ở trên chợ Chu, trong một cuộc kiểm điểm, Ngô Tất Tố bị một anh xưa nay bác Ngô vẫn không coi ra gì, bây giờ phải nghe anh ấy sát phạt lên lớp cho. Ngô Tất Tố quệt nước mũi vào gốc cây, sụt sùi nói với Kim Lân:
- Làm người khó lắm, bác ạ.
Khổ một nỗi, có người nghe phê bình, cứ tiếp thu thun thút, còn minh hoạ thêm lỗi mình cho to ra thêm nữa. Thế mà cũng không được tin, lại bị tố cáo là hời hợt, trốn đấu tranh. Có người bỗng thật thấy mình sai, nhận ngay cũng lại bị cho là nông cạn, con vẹt, thiếu đào sâu suy nghĩ. Đến lượt Nguyên Hồng trình bày, lại đặt chồng báo Văn ra trước mặt, giở từng số, vừa nói vừa ứa nước mắt. Chịu chẳng ai phân tích ra thế là kể công hay nhận tội. Tôi dự các cuộc chỉnh huấn đã nhiều, có người lo quá, cả tháng không chợp mắt, như ở báo Cứu Quốc, một cậu còn trẻ, đã vào rừng thắt cổ.
Phương châm trị bệnh cứu người là ngồi nghe không được nói lại, đợi đến lúc phát biểu thì tiếp thu. Dao kéo chỉnh huấn của tôi cũng đã hăng hái mổ xẻ nhiều người lắm. Mùa đông 1951, ở rừng Chiêm Hoá, hai tháng dự lớp đầu tiên chỉnh huấn gọi là theo phương pháp Hoa Nam. Lớp ấy nòng cốt các ngành các giới và địa phương học xong về toả ra rộng khắp. Trần Dần và Tử Phác phụ trách chỉnh huấn trong văn nghệ quân đội. Đặng Đình Hưng và Lê Đạt là cán bộ trên ban tuyên nghiên huấn Trung ương về mở các lớp cho giới văn nghệ. Đoàn cán bộ giáo vụ đi học chỉnh huấn ở Hoa Nam về mặc áo bông xanh Sỹ Lâm. Lớp tôi bế mạc, một số cán bộ vượt Trường Sơn vào làm chỉnh huấn và cải cách ruộng đất trong khu Năm. Đoàn còn được lệnh vào sâu hơn, nhưng mới tới miền Đông Nam Bộ thì hiệp định Giơnevơ 1954 được ký kết.
Nửa đêm trở dậy, giữa rừng đất hàng trăm bó đuốc lên, lấp loáng băng khẩu hiệu vải đen chữ trắng... Bộc lộ khuyết điểm... Thước đo lòng trung thành... Trời rét cắt ruột. Rừng đêm tối như mực. Con người bẩn thỉu lỗi lầm đầy rẫy... Chưa... Chưa đủ thành khẩn, làm lại... lại làm lại. Mỗi lần làm lại, viết lại càng ngày càng áy náy lo. Cái chờ đợi được tổ thông qua cứ xa vời vợi. Chỉ có bộc lộ tội hủ hoá ngủ bậy thì cơ chừng nói ra dễ nhất, không có cũng đấm ngực bảo có, nhất là nam giới. Chết rồi còn bị khai trừ, vì tội trốn đấu tranh. Hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm tham gia một đợt giảm tô ở Thái Nguyên. Công tác dưới xã xiết chặt phăm phắp từng buổi, từng ngày, cả đội như một đơn vị ra trận. Hai ngày bắt rễ, một ngày xâu chuỗi rồi họp rễ chuỗi, rồi trưởng thôn mới ở xóm ra mắt... Đội viên giảm tô Nguyễn Tư Nghiêm loay hoay cả tuần không bắt được rễ, không xâu chuỗi được một cố nông nào. Nguyễn Tư Nghiêm hoảng quá phát dại, đi không nhớ đường về xóm. Suốt ngày vơ vẩn ngoài đồng, bắt cào cào, châu chấu ăn. Hoạ sĩ Tạ Thúc Bình được cơ quan cho xuống đoàn xin Nguyễn Tư Nghiêm về. Chưa bao giờ tôi hỏi lại xem ngày ấy Nguyễn Tư Nghiêm điên thật hay sợ phải ngồi chuồng trâu kiểm thảo đã sáng tác ra trò Vân dại ấy.
Chỉnh huấn xong ở Chiêm Hoá, về tổ chức chỉnh huấn trí thức và văn nghệ sĩ. Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, Nguyễn Minh Tấn làm cán bộ giáo vụ chủ chốt của lớp. Anh em chúng tôi ai đợt trước chưa dự đợt ấy thì làm nốt. Tôi chỉnh huấn rồi lại dự nữa không làm giáo vụ nhưng được làm tổ trưởng. Tổ tôi có nhiều nhân vật lạ khác nhau: Phan Khôi, Tú Mỡ, Văn Cao, Nguyễn Công Hoan, nhà triết học Trần Đức Thảo, bác sĩ Đặng Vũ Hỉ... Người khó góp ý kiến, khó đánh đổ không phải bác Phan Khôi ương bướng như tôi tưởng mà lại là bác Tú Mỡ hiền lành, củ mỉ, ít nói.
Có hai việc khó cho tổ trưởng tôi về bác Tú. Bác Tú Mỡ nói:
- Nguyễn Tường Tam phản bội, nó là kẻ thù của nhân dân. Nguyễn Tường Tam lập đảng Đại Việt hại dân hại nước. Nguyễn Tường Tam theo Tàu Tưởng về chống phá cách mạng rồi trốn đi. Tôi kịch liệt lên án nó. Nhưng tôi không quên được Nguyễn Tường Tam đã có ơn với tôi.
Bác Tú tiếp tục:
- Nói thẳng ra là không có Nguyễn Tường Tam thì không có Tú Mỡ. Khi làm báo Phong Hoá, Nguyễn Tường Tam đã khuyến khích Tú Mỡ đi vào thơ trào phúng, chuyên thơ trào phúng, có Nguyễn Tường Tam mới thành Tú Mỡ.
Bác Tú Mỡ không chịu phân biệt chính trị và văn nghệ hai vế, bảo Nguyễn Tường Tam có tội thì được, nhưng Nguyễn Tường Tam đã giúp đỡ Tú Mỡ, làm sao nghĩ khác được, bác Tú Mỡ chưa biết phải nên thế nào. Đến cả Trần Đức Thảo mới ở Pháp về Việt Bắc cũng lắc đầu :
- Không được, không được, không thể gượng nhẹ với Nguyễn Tường Tam được.
Trần Đức Thảo hồn nhiên hăng hái cả trong cách sinh hoạt của anh lúc ấy. Thảo đã đem cho hết đồ Tây. Thảo mặc quần áo nâu, đi chân đất. Tối ngủ không màn, mặc dầu chúng tôi đương ở rừng đầu sông Lô, đêm đến, muỗi ra nhiều như vãi chấu. Về muộn mà, tớ phải tập gian khổ cho kịp với các cậu. Trần Đức Thảo nói đứng đắn thế. Chẳng bao lâu, Trần Đức Thảo run cầm cập sốt rét xanh tái.
Sau cùng, Tú Mỡ đấu dịu :
- Các anh phân tích thế tôi đã nghe hiểu, tôi đã nhận ra được cái mặt thằng bán nước ấy rồi. Chỉ lo trước một điều, quả đất tròn biết đâu việc đời thường éo le. Chẳng may lịch sử có cuộc xoay vần thế nào, một ngày kia ta bắt sống được thằng chết chém ấy mà tình cờ lại có Tú Mỡ ở đấy. Thì xin chính phủ đừng cử Tú Mỡ ra chém Nguyễn Tường Tam.
Nghiêm nghị, Tú Mỡ nói, không nhìn ai :
- Tôi đề nghị các anh thế.
Việc thứ hai rắc rối hơn. Bác Tú Mỡ, chiến sĩ thi đua ngành văn hoá văn nghệ đi dự đại hội anh hùng chiến sĩ toàn quốc ở Tuyên Quang rồi về nhà tản cư bên Bắc Giang, trên đường Tú Mỡ tạt xuống vùng ven sông Đuống. Đội chèo tỉnh Bắc Ninh đương dựng một vở của Tú Mỡ. Chẳng may, sớm hôm ấy địch bên kia sông tràn sang càn quét, cướp cái ăn. Tú Mỡ bị bắt. Tú Mỡ khai là công chức đi tìm vợ con tản cư trên Thái Nguyên!". Tú Mỡ nói được tiếng Tây, bốt Phù Lưu giữ Tú Mỡ lại cho làm thông ngôn, chưa gửi về giam Nhà Tiền bên Hà Nội như mọi người khí bị bắt trong các trận càn. Chuyện này tôi đã viết ở tập ký Chuyện cũ Hà Nội.
Thằng quan ba sếp bốt Phù Lưu bị chết trận. Hôm đưa xác quan ba lên ô-tô về Hà Nội, Tú Mỡ đã đọc tiếng Tây một bài văn tế. Ôi thôi, thế là tổ chúng tôi quần bác Tú đến điều. Cũng không ai khen bác một câu, bởi vì bác Tú Mỡ có thật thà nói ra, chúng tôi mới biết chuyện kỳ cục ấy, chứ Tú Mỡ giấu đi thì nào ai biết được. Lúc đến lượt phát biểu tiếp thu được giúp đỡ, Tú Mỡ cũng không nói câu nào.
Hôm tan lớp, chúng tôi trở lại cơ quan. Trên đường đi, Tú Mỡ mới thủ thỉ tâm sự :
- Nghe các cậu phân tích mình cũng nhận ra cái sai. Nhưng mà... nhưng mà... tớ tính nếu không có bài văn tế, không được thằng quan đồn mới đến thay tin cẩn hơn, đời nào nó thả cho tớ đi Thái Nguyên tìm vợ con. Có được xổ lồng thì Tú Mỡ mới về với các cậu được chứ. Thế thì thử bắc cân lên xem thằng Khổng Minh Tú Mỡ so với thằng phản động Tú Mỡ, thằng nào nặng cân hơn.
Đến lúc ấy không còn vai tổ trưởng, tôi cười trừ. ở lâu với Tú Mỡ, thấy anh cứ vừa ngơ ngác vừa thâm thuý và không biết đùa. Tú Mỡ làm thơ trào phúng toàn đọc bản tin thông tấn xã lấy gợi ý. Về Hà Nội, chi bộ dự định kết nạp Tú Mỡ vào Đảng. Tú Mỡ cũng có nguyện vọng ấy ở trên nhận báo cáo và có ý kiến xuống đồng chí Tú Mỡ chiến sĩ thi đua toàn quốc xứng đáng đảng viên, nhưng nên để đồng chí Tú Mỡ ngoài đảng. Như thế có lợi cho cuộc đấu tranh thống nhất hai miền.
Tôi có trách nhiệm nói lại với anh Tú Mỡ như thế. Tôi đã nói, rồi lại đề nghị Tú Mỡ cùng tôi lên gặp trên. Ra về, anh Tú Mỡ bắt tay tôi, vẻ hể hả. Ôi thôi, bao nhiêu não nùng trần ai. Ngót hai năm trước, tôi đã đi làm anh đội mấy đợt cải cách ruộng đất. Đợt 3 dưới kẻ bể Hải Yến Tĩnh Gia rồi lên Hậu Hiền tổng kết. Xong về xã Đồng Tiến Nông Cống, đợt 4 được thăng đội phó phụ trách toà án. Chẳng phải vì tôi tài ba đánh địch thế nào, mà vì hồi ấy nghe tin chính quyền trong Nam kiện với ủy ban Quốc tế rằng ta vi phạm nhân quyền, bắt giam người không có án. Đoàn uỷ cải cách có sáng kiến tìm ra tôi là nhà văn nhà báo, gọi lên, phong chức cho tôi có cương vị múa bút sửa soạn chữ nghĩa, giấy tờ đối phó, nếu ủy ban Quốc tế kiểm tra đến. Tôi đã làm sẵn nhiều bản án. Mãi không thấy gì. Nhưng dù sao, đội tôi cũng là một đội đánh địch khá, đã hai lần được tuyên dương toàn đoàn. Cho nên, đợt 5 được điều ra Cẩm Bình Hải Dương vùng hai trăm ngày sau tiếp quản mới giải phóng, làm một lèo thẳng cải cách ruộng đất không qua phát động giảm tô. Những vùng trắng cơ sở, chắc chắn lúc nhúc mật thám và quốc dân đảng. Tôi làm phó, đội trưởng Huỳnh Cự, nghe nói là đại đội trưởng bên quân đội đã tham gia ba đợt rồi. Huỳnh Cự sát phạt dữ dội mọi mặt. Mới vài ngày xuống xã, Huỳnh Cự đã tổ chức mít tinh hoan nghênh đoàn uỷ duyệt cho bắn một địa chủ để nâng khí thế nông dân lên. Huỳnh Cự lấy một cô rễ cố nông. Huỳnh Cự bảo tớ chưa có vợ. Vóc cao lớn, vạm vỡ, dáng đã đứng tuổi, hai con mắt ngầu đỏ, đi đâu cũng đeo ba lô và vắt cái khăn mặt trắng quanh cổ. Tôi nghi ngờ thế nào ấy, chẳng lẽ lão này lại chưa có vợ. Nhưng không dám hé răng. Huỳnh Cự nhốt tôi vào chuồng trâu lúc nào chẳng được. Tôi đã viết bài và làm nhiều ca dao đăng báo của đoàn về tội cường hào ác bá mà tôi nghe ở những cuộc họp kể khổ.
Bao nhiêu năm sau. Một đêm tôi mở đài Sài Gòn. Tôi hay nghe mục Tao Đàn, cái giọng nữ ẽo ọt của cố nhân Đinh Hùng. Hôm ấy, có tin đại tá Huỳnh Cự đi dự hội nghị quốc tế chống cộng ở Đài Loan. Lạ, nhưng tôi tin ngay là Huỳnh Cự ấy. Đến lúc Huỳnh Cự phát biểu với các nhà báo ở sân bay Tân Sơn Nhất, thưa đòm bào... thưa đòm bào... cái tiếng Quảng Ngãi nặng trịch, nghe dễ sợ vẫn như ngày làm cải cách ở Cẩm Bình.
Thì ra, Huỳnh Cự làm cải cách cuối đợt 5 xong rồi vào chiến trường, rồi ra hàng địch.
Đầu tôi nặng trĩu mưa gió chỉnh huấn. Lúc lặng im vẫn lo vẩn vơ. Không biết nên thế nào, cũng không khuây khoả nhẹ nhàng được. Việc không đáng nghĩ mà đâm ra nghĩ. Xưa kia đi làm, cái nghề bán giày kiếm đồng tiền mửa mật ra, rồi viết văn, cũng là đi làm. Tôi theo đuổi lý tưởng từ những ngày bóng tối. Không có cách mạng, tôi làm sao nên người như bây giờ. Làm sao tôi lại có thể nghiêng ngả, có thể bị lũng đoạn được nhỉ? ở rừng ra, đi cải cách rồi về bắt tay vào những công tác rất quen mà cũng rất mới mẻ này, mới được hơn một năm. Tôi hữu khuynh, tôi bị anh em bốc lên phổng mũi Triệu Tử Long, tôi bị bịt mắt, tôi bị xỏ mũi mà không hiểu, chậm hiểu, không tự biết. Phải thế không? Tôi không tin tôi đến nỗi đù đờ thế. Có lẽ tôi cũng như Nguyên Hồng, chỉ thấy công phu đã làm báo, đã mất công lo việc thế thì không thể sai. Ngày trước và cả khi ấy, Như Phong vẫn bảo tôi là thằng ngoại ô láu cá, văn chương đẽo gọt. Cái ấy thì có thể. Tôi sinh ra ở nơi thành phố với làng mạc lẫn lộn, thế lực chánh lý không khạc ra lửa như trời đất làng Đại Hoàng của Nam Cao, mà ở quê tôi, túi bạc đâm toạc tờ giấy, có tiền là có cả, bấy lâu tôi lăn lóc trong khoé đời ấy có thể vì thế mà tôi sai chăng.
Trước bước kiểm thảo, chúng tôi được nghiên cứu và phổ biến lại vấn đề Nhân Văn đã xảy ra năm trước. Sự việc ấy phức tạp cả trong nhiều tầng lớp xã hội ở thành phố, không phải chỉ có mấy cái truyện ngắn, bài thơ trên báo là tất cả. Trong những người dính líu không phải ai cũng đều biết tác động nhuốm màu chính trị lan truyền trong hoạt động đảng xã hội Pháp cũ (Sfio) và những người đang lo lắng lên tư sản hay những người liên quan, con cái và địa chủ các nơi lẻn về ẩn náu. Lại có ông tuỳ viên văn hóa Đuy răng con, tay chơi đồ cổ có hạng, nói tiếng Việt như ta, lại có thư luân lưu tổng giám mục Đuy lây địa phận Hà Nội dạy dỗ giáo dân sống với quỷ ác, biết nhẫn nhục, ép mình, thư luân lưu lan đến những vùng công giáo cơ sở du kích cũ ở Hà Nam - vẫn địa phận Hà Nội của bên đạo. Các nơi ấy, chín năm kháng chiến không có lễ cho người chết cho trẻ sơ sinh, cho các đám cưới, bây giờ cha cố về làm lễ dòng đã mấy tháng qua các làng chưa hết. Cái họ đạo xôi đỗ làng du kích Đại Hoàng của Nam Cao cũng trải những việc đạo việc đòi nhiêu khê thế. Những người nước ngoài vi phạm an ninh của đất nước đã bị trục xuất. Người có quan hệ với họ, Thuỵ An và Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo trên đường xuống Hải Phòng bị bắt ở ga Phú Thái. ở hội trường, được phổ biến thế.
Tiếng vỗ tay rào rào. Tôi ngồi im. Tôi ngậm ngùi nhớ hơn mười năm trước, tổ văn hoá cứu quốc chúng tôi bị giải xuống Nam Định. Mật thám đã xong cung, còn nằm nhà giam đợi ra toà. Dỗi dãi, cả ngày chuyện tào lao, Nguyễn Hữu Đang có một nhận xét chua chát về đàn bà:
- Những thằng ăn nói lém lỉnh như tao, đàn bà không thích. Chúng nó ưa những đứa lờ ngờ một chút, dễ sai bảo. Tao có kinh nghiệm thế rồi.
Nguyễn Hữu Đang ngâm thơ giọng thủ thỉ rất buồn: Nào những ai bảy thước thân nam tử. Bốn bề chí tang bồng... Ngàn mây bay bổng...
Tan lớp ở Thái Hà ít lâu, Phùng Cung bị bắt, Phùng Cung công tác chạy hiệu ở văn phòng cơ quan hội Văn Nghệ từ trên Tuyên Quang. ở rừng, những việc tủn mủn không tên, giấy tờ công văn, giữ sách thư viện, làm sách mới, đi chặt củi, vác gạo, khiêng người ốm ra trạm xá, thui chó liên hoan... Nghĩ đến Phùng Cung, tôi nhớ những việc linh tinh hàng ngày ở cơ quan kháng chiến. Hồi ấy nhiều người ở đâu vào làm cơ quan, tuy khổ song chắc chân hơn long đong đò giang chạy chợ.
Nhưng mà cũng là ở đâu yên thân thì người ta tụ lại không dinh tê về thành, mặc dầu thật ở nơi đèo heo hút gió lại khác. Báo Cứu Quốc Việt Bắc chúng tôi ở Bắc Cạn có anh bỏ cơ quan ra lấy vợ người Tày trong làng rồi đi cắt tóc, đi sơn tràng. Bây giờ anh Ban ra ngoài làng vẫn còn sống, ở vùng chè Tân Cương trên Thái Nguyên. Tết, tôi thường nhận thư. Phùng Cung từ cơ quan nào dạt đến, không nhớ - có lẽ ở ty thông tin Tuyên Quang. Chơi vui, cũng không để ý, kể cả việc hệ trọng khi tôi nhờ Phùng Cung đạp xe đèo đưa chị Nam Cao xuống Hoàng Đan tìm mộ anh ấy. Đọc truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh Phùng Cung đăng trên báo Nhân Văn tôi cũng gật gù.
- Thằng này viết được. Nhưng còn hộc máu ra mới nên cơm nên cháo đấy, con ạ.
Phùng Cung cũng điếu đóm và tập tành như tôi ngày xưa, đâu dễ mà có sừng có mỏ ngay. Phùng Cung bị bắt khi nhân văn, nhân võ đã được dọn dẹp yên ắng, đã tàn. Nghe nói Phùng Cung hay chén chú chén anh với đám Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, được mấy anh này phong chức tay truyện ngắn nhất Đông Dương. Chắc là la đà chiếu rượu với nhau, ăn nói càng ngổ ngáo ganh nhau, càng bạt mạng. Lại viết tập Dạ ký đã nghe đồn là tài lắm, dữ lắm.
Tôi không thể tưởng tượng ra được một Phùng Cung thế nào mà bị bắt. Tôi vẫn mơ màng về chúng tôi, cây số ba, cây số bảy trên Tuyên, phở Dơi, cà phê Pháo, anh chàng mặt xanh xám vỏ dưa hấu về vệt vết nặn trứng cá, cứ ngồi bên bàn đọc sách, có lúc gãi ghẻ hay lúi húi làm gì, con mắt đo đỏ mà tinh, như chú mèo vờ lù rù rình chuột. Về Hà Nội, đôi ba lần chúng tôi láng cháng cà phê Phúc Châu phố trên. Hình như Phùng Cung quê ở trung du và nỗi nhà địa nhà phú thế nào ấy cũng không bao giờ tôi hỏi.
Lại hơn mười năm sau. Chặp tối, một người bước vào cửa. Dáng ủ rũ, mặt tái ngoét, không phải Phùng Cung mà là cái bóng Phùng Cung trên tờ giấy tẩy chì mờ mờ.
- Phùng Cung phải không?
- Tôi đây.
- Còn sống về được a?
- Cũng không hiểu tại sao, anh ạ.
Từ ấy, thỉnh thoảng có gặp lại. Trước kia tôi đã không biết, bây giờ chẳng muốn đụng đến vết đau. Lại bình thường. Có hôm Phùng Cung nói chuyện ở tù, cứ như chuyện ai, ở đâu. Hồi ấy, thuốc viên rửa, loại độc bảng A rất hiếm, dù đấy là dược phẩm của ta. Phùng Cung hỏi và kể luôn:
- Anh có biết sao thuốc hiếm không? Trong viên rửa có thuốc phiện. Người ta mua, gửi cho thằng người nhà ở tù hãm nghiện, cai nghiện. Có đứa uống viên rửa, cả tháng không ỉa được, gãi tuột da, phát điên.
Hôm ấy, chúng tôi đi ăn phở, Phùng Cung trả tiền rồi rủ lên cà phê bà Sính ở Cột Cờ. Tết, Phùng Cung đem biếu chai rượu thuốc. Tôi mừng, cái thằng chớm lao ngày ấy - bệnh lao đã nặng lên trong tù tuy ngày nay không phải là bệnh chết mấy nữa, nhưng vẫn là ho lao. Phùng Cung hỏi tôi:
- Anh có biết tôi phải giam bao nhiêu năm?
- Không biết.
- Vâng, mười một năm tù biệt giam.
Đã tù lại biệt giam, lại bệnh lao, thế mà không chết rũ tù. Thế nào, người tù biệt giam mười một năm vẫn hiện được về. Lại lâu lắm không gặp. Ngỡ như Phùng Cung đã làm sao. Nhưng, một hôm, có người sở Công an đến nhờ tôi ký chứng nhận quãng công tác ở cơ quan sau cùng Phùng Cung làm việc, trước khi phải bắt. Các anh phụ trách Hội Nhà Văn bây giờ đều là người các khóa mới không chịu trách nhiệm quãng thời gian ấy. Tôi lại phải làm cái việc qua đã lâu rồi.
Tôi hỏi người công an trẻ tuổi cầm giấy.
- Chứng nhận để làm gì?
- Có liên tục công tác thì mới đủ năm cầm sổ hưu. Thủ tục thế ạ.
- Liên tục cả ở cơ quan nhà tù?
Anh công an cười hồn nhiên, chào cám ơn bác. Gần đây, nghe Phùng Cung đã chuyển lên ở một xóm trên Quần Ngựa. Nghe nói con cái nên người đã khấm khá, làm được nhà mới. Lại thấy bảo đương viết, viết hồi ký - hay tiếp tục Dạ ký sau hơn ba mươi năm, hả đời? Bảo có hôm nào lên chơi, vẫn chưa đi được.
Tôi ngồi cạnh Nguyên Hồng. Kiểm điểm Nguyên Hồng một buổi chưa xong. Vẫn một chồng báo Văn, vẫn như mọi hôm. Cả tổ với nhiều người tổ khác đến viện trợ cũng không ai hỏi thêm Nguyên Hồng một câu nào nữa. Bây giờ mà đụng đến, lại phân tích, lại bổ sung, lại tôi xin góp với đồng chí thì chắc chắn lại như hôm qua, hôm kia, trông trước kìa kìa Nguyên Hồng xoè bàn tay lên chồng báo, vuốt vuốt, mếu máo nói, nước mắt như trút... tôi thức đêm thức hôm... tôi bỏ hết sáng tác, ngày đêm tôi chỉ nghĩ đến tờ báo... bài này đề tài công nhân... bài về kháng chiến... bài này về thống nhất... bài về sửa sai cải cách ruộng đất... tôi không... tôi không... Chẳng mấy lúc Nguyên Hồng lại khóc hu hu.
Thế là không ai nói chen vào được nữa.
Báo Văn nghỉ. Tuần báo Văn Học ra thay. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn sát nhập vào nhà xuất bản Văn Hoá, bộ phận văn học của nhà xuất bản Hội Nhà Văn do phó giám đốc Đồ Phồn phụ trách. Chúng tôi thì được chia vào các tổ đi thực tế lâu dài theo phong trào lúc ấy. Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Văn Cao, Lưu Quang Thuận, Nguyễn Văn Tý lên nông trường Điện Biên. Nguyên Hồng về nhà máy xi măng Hải phòng. Có ảnh đội mũ thợ, đẩy xe goòng đăng báo Nhân Dân. Tôi đi với tổ trưởng Hoàng Trung Thông, xuống Thái Bình cùng văn Hoàng Cầm, Chu Ngọc, Trần Lê Văn, Phùng Quán. Chúng tôi về lao động và xây dựng hợp tác xã một thôn ở Thái Thụy, huyện Thái Ninh. Mỗi xã mới tổ chức hợp tác xã ở một làng làm thí điểm. Đi lâu, chuyển hẳn mọi chế độ sinh hoạt cơ quan và đảng về địa phương.
Buổi chiều ấy, Nguyên Hồng rủ tôi đến chơi nhà. Không phải chiều thứ bảy, khác lệ mọi khi.
Tôi hỏi:
- Lại nem Sà Goòng?
- ừ, mới kiếm được cái rau hay lắm.
Đúng, lại chả giò với nhân nhau thai băm với mộc nhĩ. Vẫn trên căn gác mọi khi. Các cháu, đứa bổ củi, đứa xuống nhà rửa rau, đứa ngồi học cạnh cửa sổ. Người trong phòng bề bộn hơn đồ đạc. Chị ấy gầy leo khoeo đã chớm bệnh hen, đương lúi húi rán chảo nem trên hoả lò than cám. Chị đi làm về, sao hàng sách đóng cửa sớm thế - tôi hỏi. Chị cười nhẹ nhàng, không trả lời câu hỏi mà sau tôi mới hiểu. Cụ bà bên góc tương đương đùm mụn áo sứt chỉ của cháu nào.
Chúng tôi im lặng một lúc. Lớp học dưới ấp xong đã lâu mà cái rã rời cộng với bao nhiêu buồn bã vẩn vơ khác lại chợt đẩy mỗi người chìm vào một xó. Không phải ngẫu nhiên mà vừa rồi mới có cuộc họp về vấn đề tên văn gian tờrốtkít Vũ Trọng Phụng, do Hoàng Văn Hoan triệu tập chỉ có tổ nòng cốt, cốt cán những người tin cậy. Hai chúng tôi không được dự. Cuộc họp ban chấp hành Hội cũng đã quyết định về chúng tôi. Có hai người hăng nhất, Hoài Thanh và Lưu Trọng Lư đề nghị đưa hai chúng tôi ra khỏi Ban chấp hành, ra khỏi Hội Nhà Văn. Nguyên Hồng suýt lại bị kiểm điểm vì không đi đưa đám Mạnh Phú Tư. Tôi thì được Đồ Phồn chứng nhận Anh này có đi đưa, có khiêng quan tài ra xe nhà đòn!. Nguyên Hồng bị nhầm là có thái độ chống đối với những người tích cực. Nhưng đến khi Nguyên Hồng nói rằng mấy hôm ấy nằm khàn ở nhà, không đến cơ quan, không đọc báo cũng không ai đến bảo cho biết. Thế mọi người mới thôi.
Đột nhiên, Nguyên Hồng nghiêm nghị nói:
- Tao không chịu.
Tôi ừ hữ. Nguyên Hồng nói tiếp, nho nhỏ:
- Tao kiện lên anh Cả.
- Kiện à?
- ừ, tao kiện. Tao tin tưởng đồng chí Sao Đỏ. Không dễ thịt nhau như thế. Tao không có điều gì không đúng với Đảng.
ừ, chúng ta sai làm sao được. Những tự tin ngây dại. Có điều, ở Nguyên Hồng được biểu hiện ra khác mà thôi. Nguyên Hồng kia mà. Có lần, tôi được Trần Quang Huy kể rằng khi sắp chiến tranh thế giới lần thứ hai, bộ phận hoạt động công khai của Đảng chuẩn bị rút vào hoạt động bí mật.
Trần Quang Huy được phân công đưa Nguyên Hồng đi công tác thoát ly. Nguyên Hồng đã ra ngoại ô Hải Phòng ở bí mật được vài hôm, nhưng mà cậu ta nhớ nhà hay sao ấy, hôm nào cũng khóc!". Thế là lại phải cho về. ít lâu sau, mật thám Pháp bắt, rồi Nguyên Hồng bị đày lên trại tập trung Bắc Mê trên Hà Giang. Phải, chúng tôi từ những lặn lội ấy ra cơ mà.
Nguyễn Lương Bằng đương phụ trách ban thanh tra Chính phủ. Nguyên Hồng đã cắp cả ôm báo Văn lên ban thanh tra. Nguyên Hồng quý Nguyễn Lương Bằng, có lẽ từ những chuyện vượt ngục dũng cảm. Nguyên Hồng gọi một cách trân trọng đồng chí Sao Đỏ. Huống chi Sao Đỏ lại đương làm Bao Công.
Nguyên Hồng nói đi nói lại:
- Rồi mày xem? Rồi mày xem!
Tôi không nói. Cũng không dám một câu cười cợt cái cả tin hồn nhiên của Nguyên Hồng. Nguyên Hồng lẩm bầm, làu bàu nói một mình. Lát sau, bảo tôi:
- Mà tao đã tính rồi.
Nét mặt Nguyên Hồng rầu hẳn lại. Nguyên Hồng thường vui buồn đột nhiên, khó hiểu. Vừa nói đến Sao Đỏ, Nguyên Hồng phấn chấn lạ thường, bây giờ lại khác hẳn.
Tôi đưa tờ báo Nhân Dân ngày 12 tháng ba năm 1958 in bài của tôi đề là Nhìn lại một số sai lầm trong bài báo và trong công tác. Nguyên Hồng cầm xem, chỗ qua loa, chỗ chăm chú.
Sau đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai, cũng như tật thảy anh chị em văn nghệ sĩ, tôi rất phấn khởi trước sự thành lập của những hội riêng của các ngành.
Tôi thường nghĩ rằng. Đường lối thì đã có ở thư của Trung ương Đảng gửi đại hội, đúng quá, rõ quá rồi. Chúng ta chỉ còn lo liệu sao cho nhau ra sức sáng tác mà thôi, một mặt khác, đối với những tư tưởng chính trị nguy hiểm và những quan điểm nghệ thuật sai lầm bộc lộ trên báo Nhân Văn và các tập Giai Phẩm của Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Trương Tửu tôi ngỡ rằng trước phong trào quần chúng đấu tranh phản đối như vừa qua, họ phải sáng ra, như vậy là đã giải quyết xong những lệch lạc ấy.
Các quan điểm nhẹ nhàng đến độ vô lý nguy hiểm như trên, đã đưa tới cái nhìn, cùng với những lý luận sai lầm trong chủ trương công tác của tôi. Hội nhà Văn Việt Nam và cụ thể trong một số việc làm, một số bài viết của tôi.
Ngày nay, sau những cuộc thảo luận, phê bình vừa rồi, tôi mới nhận rõ trong năm quan tình hình không phải mọi sự êm đẹp chỉ có việc sáng tác mà trong văn học vẫn có đấu tranh tư tưởng gay go. Tư tưởng xấu của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đã tiếp tục len vào cơ quan của Hội nhà Văn, trên báo Văn, gây nhiều tác hại. Quan niệm mơ hồ của tôi, khách quan đã tạo điều kiện cho khuyn h hướng tư tưởng nhóm ấy lợ dụng diễn đàn báo Văn và một số cơ quan khác của Hội Nhà Văn như nhà xuất bản, câu lạc bộ, đã gieo rắc quan điểm chính trị và nghệ thuật nguy hại. Sự yên tâm vô lý của tôi trước hình hình đó là do tôi đã hầu như không để ý rằng miền Nam còn nằm trong lưới đế quốc Mỹ. Bộ máy chiến tranh tâm lý của Mỹ Diệm ngày đêm tìm mọi cách gieo rắc tư tưởng thù địch để phá hoại sự nghiệp xây dựng miền Bắc của chúng ta. Trong văn học hiện nay không thể quên mỗi tư tương đều hoặc có lợi cho ta hoặc có lợi cho địch. Tôi đã hầu như bằng chân như vại để cho những tư tưởng xấu của báo Nhân Văn cũ còn có cơ hội nhoi ra trên sách báo của Hội Nhà Văn, làm cho Mỹ Diệm có cơ hội lợi dụng để gây hoang mang cho đồng bào miền Nam và xuyên tạc sự thật ở miền Bắc.
Một phía khác, tôi cũng chưa nhận rõ miền Bắc đã đương trên quá trình cách mạng xã hội chỉ nghĩa. Cách mạng xã hoi chủ nghĩa mở ra trên miền Bắc Việt Nam sau cuộc chiến tranh tàn phá khốc liệt trong khi tiên hành cách mạng ruộng đất và cải tạo tư sản. Với đặc điểm xã hội Việt Nam, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta vẫn không thể ra ngoài những qui luật phổ biên mà trước nhất là cuộc đâu tranh giai cấp mới đương diễn ra về mọi mặt. Tất nhiên, trước công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa thì những lực lượng tư bản chủ nghĩa khùng lên, phản ứng, ra sức chống chọi và một lúc nào đó kéo theo được mọi số hoang mang ở những tầng lớp gần cạnh.
Điều đó rất rõ hiện nay trên mọi mặt đấu tranh tư tưởng, chính trị, kinh tế, văn hoá ở thành thị và nông thôn. Do đây, càng thấy rõ những tư tưởng nguy hại của một số người, từ báo Nhân Văn, không phải ngẫu nhiên tồn tại và có cơ phát triển đối kháng, chống lại Đảng, chống lại chủ nghĩa xã hội trong khi giai đoạn cách mạng đương chuyển nhanh, chuyển mạnh.
Những điều trên, trong thời gian vừa qua, tôi hoàn toàn không biết soi lên và cắt nghĩa được trong lĩnh vực văn học.
Cho nên, ở bài tổ chức phát triển lực lượng sáng tác trước nhất và bài góp ý kiến về vấn đề con người mới đăng trên báo Văn tôi đã đưa ra một số luận điểm sai lầm. Đại ý nói rằng:
1. Trong phong trào văn học hiện nay hãy khoan khoan lý lẽ, bởi vì lý lẽ đã cạn rồi, nói tô đen hay bôi hồng gì cũng là vô ích. Mà chỉ có tổ chức, phát triển sáng tác là cần thiết và đáng chú trọng hơn hết, trước nhất? Chủ trương trên đây có phản ảnh hưởng vào hội nghị lần thứ 3 ban chấp hành Hội Nhà Văn và trở nên phương châm công tác của một thời kỳ giữa hai kỳ họp của ban chấp hành. Sai lầm của tôi đã gây nhiều tác hại. Lẽ cố nhiên, nhiệm vụ của Hội Nhà Văn là phải tìm mọi cách phát triển sáng tác nhưng vấn đề là phát triển sáng tác theo phương hướng tư tưởng nào?Không thể phát triển loại sáng tác mang những tư tưởng xấu, chống đối lại chủ nghĩa xã hội, không thể bỏ công sức ra tổ chức, tạo điều kiện cho những sáng tác như vậy ra đời. Mà trái lại phải đấu tranh chống những sáng tác đó. Nhưng trong thời gian qua, báo Văn, nhà xuất bản Hội Nhà Văn lại đem in lên, đăng lên những sáng tác có hại. Như vậy, không thể gọi là phát triển sáng tác. Thế mà tôi đã bảo vệ cho những sai lầm đó. Tôi còn cho là lý lẽ đã cạn rồi, thực ra là cho công tác lý luận, phê bình không có ích, lúc này cứ việc sáng tác mà không cần đấu tranh tư tưởng. Vì thế, chẳng những là không trị được những tư tưởng xấu lại cũng không tìm hiểu, phân tích, biểu dương được những luồng sáng tác tốt.
2. Khi thảo luận về con người mới tôi nêu vấn đề một con người m ới Việt Nam là có thật, nhưng vô cùng phức tạp, vì nó sinh ra từ một xã hội phong kiến và thuộc địa nông nghiệp lạc hậu, lại trải qua gần mười năm kháng chiến gian khổ và hai miền chia cắt như ngày nay, cho nên, hiện giờ, nêu biểu hiện con người mới thì dù lấy quy cách nào ra so sánh cũng là công thức cứng nhắc, bất cứ ai cũng không thể định được mẫu cho ai theo. Mà chỉ nên cùng nhận định thống nhất đại khái như trên rồi đi sâu tìm hiểu và biểu hiện, càng muôn màu muôn vẻ càng hay.
Nói cho cùng, về việc biểu hiện con người mới Việt Nam, tới bây giờ tôi vẫn thấy là rất phức tạp là nhiều khó khăn. Nhưng nhận định xoá nhoà như trên đã làm cho tôi lẫn lộn cơ sở của vấn đề con người mới ở đâu mà ra, con người mới là ai, con người mới phải thế nào. Cố nhiên, nhà văn không thế lấy công thức cứng nhắc để thay thế sự nghiên cứu tìm hiểu những con người mới đương sống trong đời. Nhưng khi Đảng ta nêu lên: con người mới là con người lao động chân tay và trí óc phấn đấu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, trước nhất là công nông binh, thì đó là sự thật là nguyên tắc căn bản chứ không thể gọi là công thức. Trái lại, giữa lúc chúng ta đương đầu tranh với lối sống đầu cơ, bóc lột của một số người tư sản, mà chỉ nêu cao con người chung chung, vùi đi mọi ranh giới, như vậy, chỉ là bao che cho những kiểu người bóc lột lỗi thời. Trước đây, chính báo Nhân Văn và các tập san Giai Phẩm cũng núp sau chiêu bài con người mà bôi nhọ chế độ ta và đưa ra những tư tưởng tình cảm cá nhân chủ nghĩa, chọi lại với cuộc sống mới đang được xây dựng. Do quan niệm thiếu căn bản như trên, tôi đã rất coi thường sự mờ nhạt hình ảnh công nông binh trên báo Văn và trong phương hướng xuất bản của nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Tôi không trọng việc khuyến khích những tác phẩm đề cập những vấn đề nóng hổi của cách mạng và xem nhẹ nội dung, quá thiên về hình thức, kỹ thuật. Mặt khác, nhận định của tôi bị một số người có xu hướng tư tưởng lạc hậu cố ý núp vào, tô điểm vẽ vời thêm theo lối của h ọ để che dấu chủ trương tách rời đường lối văn nghệ của Đảng. Những chiêu bài con người, nhân phẩm chung chung ấy thực ra chỉ để trốn tránh đi vào công nông binh, hoặc ngụy biện là biểu hiện thực tê nào cũng được. Cho nên, cũng dễ dàng thấy như vừa qua, bên một số sáng tác giá trị, còn những sáng tác ốm đau, vàng vọt dìm đầu vào những khía cạnh tủn mủn, cá biệt, sặc chủ quan, xa rời những nhiệm vụ của thời đại, xa rời đời sống quần chúng. Những sáng tác đó tự cho là tìm tòi nhưng thực chất cũng chỉ lại rơi vào bệnh sơ lược vụn vặt mà thôi. Sự thật tỏ rõ: ai đã thâm thực tế quần chúng, những sáng tác nào đã chuẩn bị trên sức lực của kết quả thâm nhập cuộc sống đều tốt. Những ai sợ thực tế như con dơi sợ bóng sáng, trốn nấp sau cái lá chắn thực tế do mình mà ra đều cùng quẫn không viết được, tự mình thấy trống rỗng một cách xấu hổ và họ đã thất bại thảm hại.
Với quan niệm trên, tôi đã đặt vấn đề sáng tác đơn thuần trên hình thức của công việc sáng tác mà không đặt vấn đề nội dung sáng tác thế nào (thật ra, đầu óc bám đặc tư tưởng lạc hậu mà cứ sáng tác thì cũng chỉ nghĩ ra được những cái tồi cái xấu mà thôi). Tôi không chú ý trạng thái đó đã không mảy may đặt vấn đề tổ chức học tập nghiên cứu chính trị, nghiệp vụ và trầm trọng nhất, đã không tổ chức đi vào thực tế lao động phấn đấu của quần chúng, chẳng những đã không giúp mà còn buông lỏng coi thường khả năng của người viết hoà mình vào quần chúng. Đó chính là một thiếu sót trầm trọng.
Hiện nay cách mạng đã chuyển giai đoạn, nhưng bởi nhận thức và tư tưởng không chuyển kịp, có chỗ lẫn lộn, tôi đã không lường hết được tầm quan trọng của đấu tranh giai cấp. Vì thế mà đánh giá thấp những hoạt động của tư tưởng chính trị và nghệ thuật kiểu báo Nhân Văn vẫn sống sót, lại nhặt nhạnh dần thêm những rơi rứt lạc hậu của từng người hoặc một phần nào trong tự tưởng mỗi người, vào lúc giai đoạn cách mạng đương chuyển, nó dẫy giụa chống lại bước tiến mới của cách mạng và đã tác hại không nhỏ.
Những khuyết điểm trên đây dẫn tới sai lầm lớn nhất là đã làm tầm thường và hạ thấp tác dụng lãnh đạo tư tưởng của Đảng. Mặc dầu, trong lúc này tôi chưa kiểm điểm công tác của Hội Nhà Văn mà mới bước đầu nhìn lại một số bài báo và công tác của tôi, cũng đã thấy ra được cái nguyên nhân và tác hại cuối cùng của vấn đề là như vậy.
Đành rằng trong một vài sự đánh giá cụ thể về một truyện ngắn này, một bài thơ nọ, có thể nhận thức riêng của tôi còn chưa rõ ràng, nhưng chính yếu là những điều căn bản thu hoạch trên kia đã chỉ ra những sai lầm của tôi, nhất định sẽ càng làm nảy nở sự suy nghĩ đúng của tôi, giúp tôi cùng toàn thể anh chị em đấu tranh kiên quyết chống lại những tư tưởng nguy hiểm còn đương tác hại trong văn học.
Nguyên Hồng buông tờ báo xuống. Rồi Nguyên Hồng xua xua tay, nói như hét vào mặt tôi:
- Tiên sư mày, thằng Câu Tiễn ông thì không, Nguyên Hồng thì không!
Nguyên Hồng quỳ xuống trước tôi, rồi cứ phủ phục thế, khóc thút thít. Chị ấy bỏ chảo nem, chạy đến.
- Thầy nó làm sao? Lại làm sao thế?
Tôi đỡ Nguyên Hồng lên. Bà cụ có lẽ nặng tai, vẫn ngồi rờ rẫm vá víu chỗ áo rách. Dưới sân, trẻ con đùa cười nắc nẻ, lại cành cạch tiếng giã cua. Như không có gì mới xảy ra. Chúng tôi ngồi trở lại, yên lặng như từ nãy vẫn thế.
Nguyên Hồng nói khẽ:
- Tao tính cả rồi. Trông đây này.
Gian phòng vẫn bề bộn màn mùng như mọi khi. Nhưng để ý thì thấy có khác. Mọi thứ đã được gói, buộc lại như dạo trước tôi đã quen mắt thấy sáng sớm các thứ trong các nhà sắp sẵn để quẳng ra bờ rào tránh máy bay. Tôi gật gù, nhưng thật cũng chưa hiểu ra như thế nào.
- Tao về Nhã Nam.
- Về Nhã Nam?
- ừ, Nhã Nam. Đủ, đủ lắm rồi. Ông đéo chơi với chúng mày nữa. Ông về Nhã Nam.
Tôi hiểu cái cười lạnh lẽo và lặng lẽ lúc nãy của chị ấy.
Rồi một hôm nghe Kim Lân nói Nguyên Hồng đã dọn về Nhã Nam. Không biết vợ chồng con cái gồng" gánh như hôm ở Nhã Nam tưng bừng trở về Hà Nội hay là thuê xe ba gác đẩy. Lại lên ngược, lại lên ngược, tôi chỉ thương chị ấy phải bỏ việc. Không hiểu tại sao, bỗng nhớ lại mùa đông 1950 Nguyên Hồng ở chiến dịch Biên giới từ Cao Bằng về Nhã Nam. Bộ đội tặng nhà văn chiến lợi phẩm: đồ hộp, mấy cái chăn dạ, đôi giày lính... Lại cấp một tù binh đi theo quẩy đổ đạc. Dọc đường, Nguyên Hồng mua một con chó mực. Người lính tù, vai đòn gánh, tay dắt chó, ròng rã ngày đi đêm nghỉ, về đến nhà, Nguyên Hồng mòi anh lính làm một chầu tuý luý. Anh ta ngủ lại một đêm, hôm sau, Nguyên Hồng dặn một câu ngớ ngấn:
- Về nhà nhá, đừng lên trại giam nữa mà khổ.
Bây giờ Nguyên Hồng lại lên Nhã Nam.
Thế ra hôm ấy Nguyên Hồng mời tôi bữa chả chia tay. Tôi vẫn lơ lửng không tin Nguyên Hồng lại lên Nhã Nam. Nhưng mà sự việc đã thật như thế. Nguyên Hồng vốn quyết đoán. Thầy nó mà đã định, thì trong nhà ai nấy chỉ việc làm theo.
Cả tính toán chi tiêu mắm muối, Nguyên Hồng đi chợ lo liệu lấy, nếu không chị ấy cũng bảo các con: Đã hỏi thày mày chưa.
Trở lại Nhã Nam, trong khi ở đây nhà đã yên nơi ăn chốn ở và trường lớp các cháu đi học, chị ấy đã có việc làm. Nhưng nhất định không ở nữa. Thế là bỏ hết, lại lên Nhã Nam, ấp cầu Đen, ấp đồi Cháy, lại ở cái đồi như những năm tản cư. Gia đình người chị Trần Văn Cẩn, nhà Tạ Thúc Bình, nhà Kim Lân - khi ấy, bác Ngô Tất Tố đã mất và tất cả các nhà về xuôi đã lâu. Trên quả đồi lưa thưa tre pheo còn lại lơ thơ mấy nhà người làng, cái trường học cấp 1, mái lợp nứa, tường trình ụp xụp, quạnh quẽ. Lại vẫn ở cái nhà như từ hồi chạy Tây mới tản cư. Nhà đường đất, bờ rào cắm hàng xương rồng ông, có vũng nước giếng đất trong khe dưới chân đồi. Xa xa, trước mặt, bắt đầu nhấp nhô những cánh rừng thấp trên Yên Thế Thượng. Đi vào đấy, giữa màu chàm âm u, không biết mấy ngày đường qua Cầu Gồ, Na Lương sang đến Tràng Xá, Võ Nhai bắc Thái Nguyên. Những xóm hẻo lánh người Ngái, người Nùng còn sót lại của tàn quân Lương Tam Kỳ và thời Đề Thám mà mấy năm vừa rồi, chỉ khi nào Tây dưới cầu Đuống rập rình đánh lên Bắc Giang, cơ quan báo Cứu Quốc chúng tôi mới phải chui rúc ẩn vào tận suối Lửa gần cửa âm phủ ấy. Nhưng cũng chỉ ít lâu, rừng rậm âm u ngột ngạt quá, lại nhảo ra.
Nguyên Hồng về Nhã Nam. Chưa bao giờ nghe Nguyên Hồng trách móc đổng giả chửi ai. Nguyên Hồng không có thói hai ba người tụ bạ bới móc người thứ tư vắng mặt. Thỉnh thoảng về Hà Nội, làm sơ khảo, chung khảo các cuộc thi sáng tác, các giải thưởng văn học và làm chủ tịch hội Văn Nghệ dưới Hải Phòng... Được giao việc thì làm đến nơi đến chốn, nhận tiền công trả đàng hoàng, các thứ của văn phòng lĩnh rạch ròi từng cái ngòi bút, một ram giấy. Hội Nhà Văn Đức tặng Hội Nhà Văn Việt Nam 200 cái xe đạp Diamant mới cứng. Nguyên Hồng được điện khẩn mời xuống công tác. ấy là việc dắt chiếc xe đạp đứng vườn hoa Cửa Nam trò chuyện với người qua đường. Vô tuyến truyền hình của Việt, của Đức quay giới thiệu nhà văn với tặng phẩm hữu nghị quốc tế.
Nguyên Hồng hồi ấy mới để râu, rõ ra phong thái học giả phương Đông. Tuyên truyền thế thôi, cả hội chẳng được sờ vào vành bánh chiếc xe nào.
Hai trăm cái xe lăn cả vào kho bộ Thương nghiệp. Nguyễn Tuân hỏi mắng Nguyên Hồng:
- Đóng trò xong rồi, dắt mẹ nó cái xe ấy đi, đứa nào làm gì được!
Nguyên Hồng cười vuốt râu, đánh trống lảng:
- Tớ lên phim còn nhiều phút hơn cái thằng phiên me vô danh trong Cánh đồng ma đấy.
Nguyên Hồng không làm thế, nhưng lấy công tác phí, đòi trả thù lao công tác đóng phim cẩn thận.
Năm sau, các cơ quan vận động giảm chính, giảm biên chế. Nguyên Hồng ở tuổi 52, đương sức lực, hăm hở. Nguyên Hồng đã hưởng ứng phép nước, xin được giảm biên chế, về hưu ngay. Nguyên Hồng nói:
- Cũng tiện. Khỏi phải ngửa tay nhận lương tháng, chẳng phải vờ vẫn bịa đặt báo cáo công tác chẳng phiền ai.
Rượu vào, Nguyên Hồng cười hê hê:
- Ông đố đứa nào dám ra khỏi biên chế bắt chước được ông đấy?
Quả thật, xưa nay cũng chỉ có một Nguyên Hồng xin về hưu non mà thôi. Nguyên Hồng là thế. Chẳng ghét ai thân ai, tưởng như vờn vỡ gần gũi rất vui, nhưng vẫn là xa lánh một mình.
Hồi ấy, được tiền bản quyền bộ tiểu thuyết Cửa biển, Nguyên Hồng chữa nhà. Chúng tôi lên đánh chén khánh thành dinh cơ mới. Vẫn ba gian nhà ở chỗ cũ, nền đất, sân đất, được bó hàng gạch thềm. Dui mè xoan lẫn tre ngâm có chắc chắn hơn. Mái tranh được thay ngói và bức tường hậu đã xây gạch thay tường đất trình khác hẳn. Ngói tây không lót, chắc là mùa hè nóng phải biết. Tường mới mà đã thấm nước mưa hoen ẩm lem nhem. Bàn viết vẫn kê dưới nhà ngang - chỉ là cái chõng tre và chiếc chiếu. Nguyên Hồng trải chiếu ngồi khoanh chân xếp bằng, tập giấy, lọ mực, cái bút sắt đặt trên mặt chõng. Từ thuở trẻ, khi ở dưới bãi Nghĩa Dũng tôi vẫn thấy Nguyên Hồng ngồi nguyên thế như bao giờ. Nguyên Hồng cắt nghĩa rất AQ về sự thoải mái của mình:
- Lúc thư dãn, kềnh xuống mặt chiếu trải đất, mát bằng mấy xích đu rốc-keng-xe. Cái bàn viết không hay bằng cái chõng viết, tha hồ xê dịch, chán cảnh rừng Yên Thế lại bê chõng về đằng này ngắm giàn mướp hương.
Trên mặt tường nham nhở, Nguyên Hồng treo hai bức sơn dầu của Dương Bích Liên. Dương Bích Liên đã cho Nguyên Hồng một tranh sơn dầu hai đứa trẻ gái gầy guộc xanh lét cả tóc. Tranh ấy treo cạnh bức sơn dầu Hào. Bức Hào của Dương Bích Liên dự triển lãm năm ấy chỉ được treo ở chỗ tranh bị loại. Tôi đã mua bức tranh bị loại về biếu Nguyên Hồng. Đưa được bức Hào lên Nhã Nam là một công quả, không biết Nguyên Hồng đã vác bằng cách thế nào. Bức tranh to kín một gian mặt tường. Nhưng ít lâu sau, tranh bị mốc. Nguyên Hồng lại khiêng tranh về Hà Nội, nhờ Dương Bích Liên tân trang lại. Rồi thế nào không đem về nữa, và bây giờ không biết bức tranh Hào lưu lạc ở đâu
Cỗ thịt ngan của nhà, lại nồi bồ câu hầm dưới bếp cũng cây nhà lá vườn. Chúng tôi ngồi trên tấm phản bên cửa sổ trông ra sân. Râu Nguyên Hồng lởm chởm cứng quều, chưa dài hẳn. Bộ râu của Nguyên Hồng nhiều giá trị thực dụng chứ không phải như râu những lão ở ẩn. Lưỡi dao cạo hiếm, chợ cũng không có. Đôi khi, cơ quan phân phối một hai lưỡi. Nguyên Hồng không còn sinh hoạt công đoàn vẫn được chia, nhưng cất công xuống tận Hà Nội lĩnh một lưỡi dao cạo, ngại quá. Thế rồi bộ râu tự do trổ ra. Rồi lại gặp cái tiện lợi khác. Cán bộ thuế hồi ấy khám rượu quốc lủi khá ngặt trên tàu hoả. Nguyên Hồng đi đâu thường đem rượu nhà theo. Bỏ thêm vào hũ mấy cái vỏ quít khô. Nhà thuế khám, Nguyên Hồng hạ chiếc bị trên vai áo nâu bạc xuống, một tay khoảnh lại đấm lưng, một tay lôi hũ rượu. Đau lưng, đau lưng, phải có cái tang thuốc ngâm gia truyền này mới được. Anh thông cảm!". Đến hồi có thêm bộ râu dài hẳn hoi thì hũ rượu ngâm thuốc bắc vỏ quít cứ để trần ra trên ghế hàng tàu, cũng chẳng ông nhà thuế nào ỡi ơi đến lão nhà quê ấy. Không mấy ai để ý trên bộ râu nguy trang, hai con mắt còn nhanh như chớp.
Nguyên Hồng vểnh râu, hào hứng:
- Các ông xem cơ ngơi tôi thế nào? Đã hơn dinh Đề Thám chưa? Hai cái tranh của thằng Liên treo thế, đắc địa nhất chứ. Bây giờ mà thằng Dương Bích Liên trông thấy thì nó phải sướng tỉnh người.
Chị Hồng ở dưới bếp, nói chen:
- Thày nó nhà tôi nghe người ta nịnh, lấy hết cả tiền. Chứ đám thợ ngoã bên ấy chỉ khéo nói, nhà với cửa chẳng ra sao đâu. Mưa to, mái hắt, tường thấm nước, mà nắng thì nóng ơi là nóng. Cái mái nứa, mái rạ ngày trước mát...
Nguyên Hồng bị cụt hứng, trừng mắt. Tức quá, môi bặp bặp không nói thành tiếng. Nếu không có chúng tôi đương ngồi quanh mâm, thì không biết có phải câu cắt nghĩa này không. Nguyên Hồng cất giọng hách, lấn át:
- Xà, mẹ mày biết đâu! Cầu kỳ lắm mới đón được hiệp thợ của người ta. Chỉ nói một câu này là các ông đã phải kinh người rồi. Toàn tay thợ con cháu các cụ đã cất dinh ông Đề, đã xây dựng doanh trại ông Đề Thám ở Cầu Gồ đấy. Có thế tôi mới chịu khó chuốc về.
Chị Hồng im. Nguyên Hồng mà nói đến hơi hướng oai danh ông Đề thì đến chúng tôi cũng chỉ biết lặng im. Có một lúc, tôi sang đầu nhà trông ra góc sân chỗ cây mít. ở đấy có nếp nhà tranh cao ráo phủ kín rạ và lá cọ mới mọc. Tôi hỏi:
- Ông bà định xây nhà nữa à?
Chị Hồng đáp:
- Không, đấy là của bộ đội.
- Cái gì của bộ đội?
- Đạn của bộ đội.
Trong gian nhà chất cao ngất toàn hòm đạn. Thế này, chỉ một băng liên thanh, một quả bom vu vơ nào máy bay Mỹ choang xuống thì cả xóm đồi ra tro, kể chi một nhà ông Nguyên Hồng. Sao không bảo bộ đội làm kho chứa đạn xuống chỗ chân tre vắng vẻ, khuất nẻo bên kia. Tôi chưa kịp hỏi, chị Hồng lại nhẹ nhõm, như không:
- Thày cháu cho bộ đội gửi đấy ạ.
Thày cháu đã bảo cho gửi thì thôi rồi. Thày cháu đã bảo mà.
Không bao giờ nghe Nguyên Hồng nói có khi lại đưa vợ con về Hà Nội nữa. ở đây cũng vui thú và quen biết. Cả đời nay đây mai đó, lên Hà Nội, xuống Hải Phòng, Nam Định, từ khi đem vợ con về dưa muối ở đất này chốc cũng đã mấy chục năm qua. Cái khắc khoải chỉ vẩn vơ ở những người khách một đôi lần lên đổi thăm chủ nhân thấy heo hút quá mà thôi. Chứ ông chủ thì ung dung thảnh thơi - đến người ta phải khó hiểu. Bè bạn còn băn khoăn, thương cảm nữa, nếu nghe chị Hồng than thở:
- Thày nó nay xuôi mai ngược chứ tôi ốm đau thế này, suốt mùa rét ngồi cuốn sâu kèn hút lá cà độc dược chữa bệnh - tuổi đã nhiều, bệnh hen càng nặng, tôi đến chết cũng không bao giờ ra khỏi cái đồi này mất.
Người con gái thành Nam ấy vẫn còn thuộc nhiều thơ Lưu Trọng Lư, thơ Nguyễn Bính. Vợ chồng lấy nhau khi Nguyên Hồng bị đi phát vãng, vừa được thả trên Bắc Mê về. Cái đận Mỹ bỏ bom Nhật, hai người ở dưới bãi Nghĩa Dũng chạy bom đem lên Nghĩa Đô gửi tôi chiếc hòm khoá chuông, trong có bộ áo dài lụa vân hoa cau, quần kếp trắng và đôi guốc Phi Mã cao gót.
Có lẽ Nguyên Hồng nhớ Hà Nội có mỗi một cái thú tẩm quất"! ở xế cửa ga Hàng Cỏ. Chỗ ngã ba đường trông sang ngõ Tức Mạc, đêm đến, trên vỉa hè và dưới lòng đường, những cái chiếu trải, mấy người đàn ông mắt loà, như cóc ngồi rao khàn khàn mèo gào: tẩm quất, tẩm quất. Chặp tối, rượu vào rồi, Nguyên Hồng hay ra đấy tẩm quất. Đã quen, Nguyên Hồng cởi áo, quần dài gối lên đầu. Mình trần, độc trụi cái quần đùi, nằm úp xuống chiếu. Trong ánh điện đường đỏ quệch, người loà sờ sẫm bẻ khục răng rắc đốt chân, đốt tay, đốt lưng, vành tai, sống mũi kêu lên như bẻ bánh đa. Ngoạn mục nhất đến cái mục người tẩm quất khẽ bảo Nguyên Hồng ông lật người lên nào!. Nguyên Hồng sướng lử lả rên hừ hừ ngồi dậy. Người tẩm quát nắm hai cánh tay ông khách lôi quặt lại, thúc đầu gối vào lưng. Đầu tiên còn nhè nhẹ, rồi chỉ nghe tiếng hự hự. Không biết tiếng người ư ứ hay tiếng gối thúc. Nguyên Hồng ưỡn oằn người theo từng cú đầu gối như cái đầu chày của người tẩm quất. Hự hự, ghê cả tai. Nguyên Hồng rãn xương sống, nằm thẳng cẳng, rên ú ớ, dễ chịu quá, sướng quá. Đến lúc mơ màng nghe tiếng ông lão loà lại rao tẩm quất, tẩm quất như mèo kêu trên đầu lại cũng như nghĩa là xong rồi, xong rồi ra ý đuổi khéo ông khách. Nguyên Hồng lồm cồm ngồi dậy, trả tiền rồi cứ vắt áo quần lên cánh tay, lừ rừ đi. Nguyên Hồng bảo tẩm quất khỏi đau xương, tốt bằng mấy thuốc ngủ. Đẫy giấc lắm, mà không phải tống cái chất độc hoá học vào bụng. Có thể như thế. Chưa bao giờ Nguyên Hồng đi bệnh viện. Nguyên Hồng không lĩnh sổ khám bệnh. Tôi còn chứng kiến một đêm Nguyên Hồng tẩm quất kịch liệt ở chợ Kỳ Lừa. Chuyến ấy, Nguyễn Tuân và Nguyên Hồng đi chơi nhờ xe của thanh tra Vạn Lịch. Ra Móng Cái rồi theo đường Đình Lập, Bình Liêu lên Lạng Sơn. Chúng tôi nghỉ trọ ở cái quán cạnh chợ Kỳ Lừa. Xẩm tối, Nguyên Hồng đứng bên cửa sổ tha thẩn nhìn ra những mái cầu chợ ụp xụp, rêu đen. Bỗng kêu rối rít:
- Bỏ mẹ rồi, bỏ mẹ! Chỗ khỉ ho cò gáy cũng có thằng tẩm quất! Đợi tớ xuống làm một quắn xúc miệng đã rồi hãy cơm nước nhé.
Nguyên Hồng xông ngay vào cửa chợ. Người các làng bản xa về đêm đợi mai phiên đã đông dần, tiếng vó ngựa đập cộp cộp trước quán phở chua đã lên đèn. Trong cầu, trai gái hát đúm vừa cất giọng. Tiếng đàn tính rơi rơi như nước giọt gianh. Mặc kệ, Nguyên Hồng xà ngay vào một bác loà mắt đương ngồi bó gối mặt tây ngây ngoài thềm. Nếu không đã thạo, có thể nhầm là lão ăn mày. Không có chiếu, khách tẩm quất nằm xuống đất. Nhưng Nguyên Hồng đã cầm xuống sẵn hai tờ báo, trải ra. Lắc cổ, bẻ vai, tấn đầu gối lên lưng, khắp người xương cốt kêu lách tách, chẳng khác ở ga Hàng Cỏ. Hay vẫn là những lão loà ấy đã thuộc tàu các ngả, đúng phiên chợ Kỳ Lừa, lại mò lên đây làm ăn.
Tôi bảo thế với Nguyên Hồng. Nhưng Nguyên Hồng xua tay:
- Không phải, tớ ngấm đòn tẩm quất nhiều rồi, tớ biết. Thằng lão sư tẩm quất thổ mừ này tuyệt diệu. Đây gần biên giới, nó lồng cả võ Tàu vào. Mai phải làm quắn nữa.
Chao ôi, có người khoái tỷ được cái tẩm quất tra tấn, cũng là cái thú Hà Nội. Nguyên Hồng ấy chứ còn ai, khi nào tôi cũng cứ ngờ ngợ có thật không. Nhưng tôi lại tin cái khí phách của con người một mình một tính ấy.