Như ngồi xuống bên cạnh mẹ, điềm tĩnh hơn bao giờ hết:
- Mẹ! Ba con đánh mẹ, phải không? Con xin lỗi, xin lỗi mà… Mẹ nói con nghe đi!
- Mẹ không sao. Chỉ là mẹ hơi buồn mới khóc thôi. Mẹ sơ ý té cầu thang, sợ ba con về thấy… Mẹ… mẹ…
Mẹ nói dối làm gì, Như biết cả. Sáng nay đi học, thấy mặt ba hầm hầm, Như đã lo rồi. Không ngờ… Chắc mẹ đã hỏi vì sao tối qua ba về trễ, ba bực. Ba đã bảo mẹ không được hỏi ba đi đâu hết. Nhà này chỉ có ba được hỏi thôi, còn tất cả, chỉ việc vâng lời! Như ngồi bệt xuống, bao nhiêu sức lực cố gắng từ đầu đến giờ tiêu tan cả. Như muốn òa khóc thật to cùng mẹ. Như đau lòng quá! Mẹ Như xanh xao như vậy, tiều tụy như vậy cũng vì yêu ba, lo lắng cho ba, giờ còn bị ba đánh! Còn ba, ba ngày xưa đã từng rất dịu dàng, chưa từng một lần nặng lời với mẹ, tại sao ba lại…? Như không biết phải làm gì bây giờ. Còn biết làm gì khi niềm tin mạnh mẽ nhất của Như là ba mà bây giờ… Như không hiểu nổi ba nữa. Như biết dựa vào đâu để bước đi tiếp đây?
Hai mẹ con cứ ngồi dựa tường như vậy cho đến khi tiếng chuông đồng hồ gõ 12 tiếng. Mẹ giật mình, quay sang Như:
- Con chưa ăn cơm? Trời ơi, con đi thay đồ đi, mẹ dọn cơm ra cho.
Rồi bà lau dòng nước mắt đang nhòe trên mặt, đứng vụt dậy, bước nhanh ra cửa. Như nắm tay mẹ giật lại:
- Mẹ, mẹ nói đi! Sao ba đánh mẹ?
- Không phải ba đánh mẹ. Mẹ đã nói là vì…
- Mẹ còn nói dối con làm gì? Té và bị đánh khác nhau chứ! Mẹ ơi, con lớn rồi, mẹ hãy chia sẻ với con đi mẹ!
Nước mắt của mẹ lại muốn tuôn rơi. Bà không thể nào cưỡng lại được ánh mắt sắc bén - giống hệt cha - của con gái. Nó lớn thật rồi. Bà nhỏ nhẹ:
- Ba con không cố ý đánh mẹ đâu, con biết tính ba mà phải không? Tại mẹ hỏi nhiều quá, ba con trong lúc nóng tính nên… Ba con cũng đã xin lỗi mẹ rồi, con đừng buồn ba! Mẹ không sao đâu. Thôi, mẹ đói rồi - Bà vuốt lại mái tóc - Con không đói sao? Thay đồ rồi xuống ăn cơm nghe con.
Dứt lời, bà vỗ nhẹ vào gò má của Như để Như an tâm là bà không sao cả. Dù thế nào chăng nữa thì bà vẫn rất yêu chồng. Cuộc sống gia đình đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ. Sóng gió rồi cũng sẽ qua, bà tin là gia đình sẽ lại hạnh phúc như xưa. Nhưng còn Như… Như mệt mỏi trở về phòng mình để thay quần áo. Một cảm giác trống trải và sợ hãi ùa đến. Như cảm thấy chơi vơi nhưng Như biết mình không thể khóc, không thể để mẹ lo lắng nữa. Phải biết chịu đựng.
Ăn cơm xong, Như vào phòng học bài. Buổi trưa vắng lặng, Như nghe rõ tiếng lật sách trong phòng của mẹ. Mẹ có thói quen đọc sách khi nghỉ ngơi, nhưng hôm nay tiếng lật sách của mẹ có vẻ ngập ngừng. Như không biết mẹ có thật sự đọc được trang sách nào không? Như học bài cũng chật vật, đầu óc cứ nghĩ miên man. Như thương ba, thương mẹ. Cả gia đình đã dựa vào nhau sống qua những tháng ngày gian khó nơi đất khách quê người. Thế mà khi cuộc sống không còn khó khăn nữa thì lại xảy ra nhiều chuyện hục hặc. Chẳng biết rồi sẽ ra sao, nhưng ước mơ hạnh phúc thì ai lại không có! Như đóng tập lại. Như bỗng muốn đi gội đầu. Bước qua phòng mẹ, ghé mắt vào thấy mẹ đã ngủ, Như rón rén bước xuống phòng tắm lớn ở dưới nhà. Mùi dầu gội quen thuộc và dòng nước mát rượi xoa dịu những căng thẳng trong đầu Như…
Buổi chiều, Như xin phép mẹ đến Câu lạc bộ thanh niên của trường. Như không muốn mẹ ở nhà một mình - với ba - trong lúc này. Nhưng, Như đã được phân công đi dự buổi lễ vui đầu xuân cho lớp. Như không ngờ được chuyện xảy ra.
Mẹ nhìn Như chải lại mái tóc, nói:
- Về sớm nghe con!
- Dạ, bảy giờ là xong rồi mẹ - Như quay lại nhìn mẹ - Mẹ… ở nhà được chứ? Nếu không ổn, con có thể không đi, vì cũng có hai bạn nữa đi cho lớp con rồi.
Mẹ cười, khẽ nghiêng đầu theo dáng điệu trách yêu con:
- Con nói gì vậy, mẹ không trông nhà được sao? - Rồi bà trầm giọng - Con đừng nghĩ ngợi nhiều quá, chúng ta là một gia đình mà.
- Dạ…
Như đáp lí nhí và đi với mẹ ra cổng, khéo léo lách chiếc xe đạp ra ngoài, mỉm cười chào mẹ. Nhấn pê-đan cho xe xuống lòng đường, Như thở hắt ra như để cho bao suy nghĩ nặng nề theo gió bụi đường cuốn đi.
Chưa đến giờ tan ca, đường phố với những dòng xe ồn ào thường nhật. Như đạp xe nhanh hơn cho kịp đến trường lúc năm giờ, sợ lại kẹt xe thì khốn. Như cũng rất sợ nghe tiếng chuông nhà thờ buổi chiều, nó gợi cho Như những ý nghĩ u ám về cuộc đời. Từ lúc biết đến đám tang buồn bã của lão Gôriô trong “Tấn trò đời” của Banzac, Như thường “dị ứng” với tiếng chuông. Gần năm giờ, chuông sắp điểm rồi...
Như dắt xe vào nhà để xe của trường trong tiếng chuông nhà thờ ngân vang. Chán nản, Như chạy vụt vào hội trường, chen lấn để tìm một chỗ ngồi. Sau vài phút Như yên vị cũng là lúc mọi tiếng ồn lắng xuống, trò chơi bắt đầu. Như nhìn quanh hội trường: một nhóm học sinh lớp 10 đang tò mò nhìn lên sân khấu xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Khu dành cho lớp 11 và 12 thì có vẻ thoải mái hơn vì đã quen với sinh hoạt câu lạc bộ từ năm trước. Như trông thấy cánh tay vẫy của hai bạn cùng lớp ngồi ở phía trên, cô mỉm cười chào lại rồi nhìn lên sân khấu. Băng rôn “Chào các bạn!” và hàng chữ “Đố vui: Chơi mà học” nổi rõ trên tấm màn sân khấu, cùng với những chùm bong bóng đủ màu sắc, chiếc vòng quay chọn quà… làm không khí trở nên thật sôi động. Đây cũng là lần đầu tiên Như dự buổi sinh hoạt câu lạc bộ của ngôi trường mới. Như cảm thấy khá thú vị. Chỉ có điều, trong lòng Như vẫn không ngớt buồn phiền. Như chợt nhìn đồng hồ. Giờ này, chắc ba đã về, mẹ sẽ pha một ly nước chanh hay sinh tố gì đó, rồi mẹ đi dọn cơm. Ba có ăn không, hay lại hầm hầm với mẹ? Mẹ có khóc rồi làm ba bực không? Mẹ Như là một phụ nữ hiền dịu và hơi yếu đuối. Như rất lo cho mẹ…
Tiếng vỗ tay rầm rĩ cùng những tiếng reo hò nồng nhiệt kéo Như trở lại hội trường với cuộc vui đang diễn ra. Như trông thấy một gương mặt rất quen trên sân khấu nhưng chưa kịp nhớ ra là đã gặp ở đâu, đang trả lời rất hay những câu hỏi toán học lắt léo. Cùng người bạn kế bên mình, cả hai chàng đã làm mọi người rất thích thú. Sau khi nhận quà, cả hai còn được rất nhiều bạn chạy lên tặng hoa. Trong số đó, Như trông thấy Thuyên và chợt “à” lên. Thì ra đó là cậu bạn mà Như đã thấy trong đêm văn nghệ khai giảng - một người bạn của Thuyên! Như mỉm cười rồi rút sâu xuống ghế trong một tư thế mỏi mệt. Lớp của Thuyên đã đăng ký trước tiết mục này, một tuần nữa sẽ đến lớp Như…
Thuyên cùng Trúc Anh,Thiện chạy về chỗ ngồi. Cả ba háo hức giở ra xem là những món quà gì. Thiện ồ lên:
- A, của tui có một cây viết xóa với một hộp màu 24 cây nè. Của mày có gì, Trúc Anh?
Thuyên nhanh tay chộp lấy chiếc hộp trong tay Trúc Anh. Một quyển từ điển Anh - Việt nhỏ hiện ra. Thuyên cười:
- Sướng nha!
Trúc Anh vỗ đánh bộp vào tay… Thuyên:
- Sướng không, nhóc?
- Sướng gì? Dở òm hà!
Rồi Thuyên véo vào vai Trúc Anh một cái rõ đau, cho chừa cái tật vỗ vào tay người ta. Thiện nhìn hai người bạn kế bên, lắc đầu:
- Giỡn đã quá hé! Người ta dòm kìa…
Trúc Anh và Thuyên giật mình, ngồi thụp xuống ghế. Trên sân khấu, một bạn nữ đang hát bài Như mây xuống phố. Thuyên rất thích bài này nên im lặng lắng nghe. Tuy giọng hát chưa thật chuẩn nhưng cảm xúc của bài hát đã thật sự được truyền đi. Bạn ấy đã hát bằng những rung động thật sự của mình, không bắt chước ai, Thuyên cảm nhận được điều đó. Trúc Anh chợt thì thầm:
- Sao Thuyên chẳng chịu đăng ký hát thử?
- Thôi, kỳ chết! - Thuyên đỏ mặt lắc đầu.
Tham gia văn nghệ cho lớp thì được. Đăng ký hát một mình, Thuyên nhát lắm. Thuyên hỏi lảng sang chuyện khác:
- Lần sau tới lớp nào “độc tấu” vậy Trúc Anh?
- 12A3.
- 12A3?
Thuyên hỏi lại và chợt nhíu mày. Thuyên nghĩ đến Như. Thật ra, không phải Thuyên ghét Như mà chỉ là cảm thấy thiếu tự tin. Lần đầu tiên trong ngôi trường cấp III yêu mến này, Thuyên bị người khác đánh bại…
- Gần hết giờ rồi, Thuyên đi ăn gì không? - Trúc Anh hỏi.
- Ăn hủ tiếu gõ há! Chịu không?
- Ừ, đi há Thiện?
Thiện quay sang, lắc đầu quầy quậy:
- Không được, tui phải về sớm rồi. Hai bạn đi đi!
- Sao vậy? - Thuyên nhỏ nhẻ.
- Bảy rưỡi “tui” phải đón nhỏ em học Anh văn ở trung tâm.
Nghe Thiện trả lời xong, Thuyên và Trúc Anh nháy mắt với nhau, đồng thanh nói: “Anh trai tốt!”.
Cả ba lại phì cười, Thiện đã quen bị trêu chọc theo kiểu này rồi. Nào là: hiền dễ sợ; con trai ngoan; cù lần lửa… Lúc đầu thấy ngường ngượng, nhưng riết rồi không thèm để ý nữa. Thiện là con trai lớn trong nhà, cha lại thường đi công tác xa nên Thiện phải quán xuyến rất nhiều việc, luôn chăm chỉ, cần cù và ít khi tham gia được hoạt động của trường. Còn nếu được tham gia thì Thiện lại… chăm chỉ, cần cù mà làm tròn nhiệm vụ. Thiện là vậy, hiền lành và chăm chỉ!
Thuyên lại nghĩ, không biết chương trình của lớp 12A3 sẽ như thế nào? Như có đại diện cho lớp không? Ôi, sao lại cứ nghĩ đến nhỏ bạn láu táu ấy chứ, mỗi tuần học chung hai buổi đã thấy nặng đầu rồi, giờ lại còn… Thuyên sửa lại chiếc áo sơ mi cho ngay ngắn để chuẩn bị đứng lên vì Bí thư đoàn trường đang nói lời kết thúc buổi sinh hoạt đầu năm.
Như đợi cho dòng người đông đúc kéo nhau ra khỏi hội trường rồi mới chậm rãi đứng lên. Như không muốn chen lấn, sợ tâm trạng nặng nề lại gây chuyện không vui. Hai tiếng đồng hồ sinh hoạt tập thể không xoa dịu được lòng Như, chỉ càng làm Như mệt thêm vì chịu đựng… Chợt có ai đó lao nhanh, đâm sầm vào Như. Như ngã phịch xuống nền xi măng lạnh, lưng đập nhẹ vào tường. Hành lang tối om vì đèn sân khấu đã tắt! Người đã đụng phải Như rối rít lời xin lỗi. Bỗng nhiên, Như òa khóc… Như không biết tại sao mình lại khóc, không phải vì đau, không phải để trách ai đụng mình… Người Như căng lên như một túi nước, chỉ cần một va chạm nhẹ là vỡ ra! Trong phút chốc, người kia cảm thấy lo sợ thật sự vì tưởng cú va chạm mạnh quá, gây thương tích cho Như. Thêm một ai đó chợt chạy đến.
- Gì vậy Trúc Anh? Kiếm được chìa khóa chưa? Ủa…
Như lặng lẽ lau nước mắt, đứng dậy và nói với hai người bạn đang ngơ ngác:
- Xin lỗi… Tôi… không sao đâu. Không có đau… Bạn đừng lo!
Nói xong, Như bước ra phía có ánh đèn trước sân. Trúc Anh chạy ra, hỏi:
- Bạn… hổng sao thiệt hả?
Ánh sáng đèn làm cả hai nhận ra nhau. Trúc Anh biết Như qua Thuyên, còn Như lại đã tình cờ gặp Trúc Anh vài lần. Nhưng là “biết”, chứ không quen. Như lẳng lặng nhìn cậu bạn kia - cậu bạn diễn trên sân khấu với Trúc Anh lúc nãy. Thiện cũng nhìn Như, ngạc nhiên không thốt được lời nào. Như nhìn qua hai người một lần nữa rồi lắc đầu:
- Không sao!
Như bước đến nhà xe. Như phải về gấp. Còn lại Trúc Anh và Thiện đứng ngơ ngác một hồi, Thiện hỏi:
- Chuyện gì vậy mày? Mày nói rớt chìa khóa xe, vô tìm lại. Thuyên kêu tao chạy vô kiếm tiếp mày, ai dè… mày làm con người ta khóc, kỳ “dzậy”?
Trúc Anh vừa bước đến chỗ ngồi lúc nãy để tìm chìa khóa, vừa nói:
- Tao có biết đâu! Hồi nãy chạy nhanh quá, đụng người ta. Ai dè… khóc quá trời. Tao đớ miệng, chẳng hỏi được tiếng nào.
- Chắc mày đụng người ta đau quá! - Thiện trách.
- A, có rồi! Trúc Anh chợt reo lên.
- Cái gì?
- Chìa khóa đó, còn hỏi. À, mày nói vụ đó hả? Mày không nghe người ta nói là không sao rồi à?
- Vậy sao khóc?
Trúc Anh nhìn Thiện với ánh mắt như lại sắp trêu chọc:
- Hỏi nhiều quá! Mày không đi nhanh để đón em mày à? Đi đi…
- Ừ há!
Thiện chạy nhanh ra nhà xe. Suýt nữa là quên đón em. Tự nhiên lại tò mò đủ thứ… - Thiện tự trách. Cậu dắt xe ra thật nhanh và nhìn Trúc Anh đang loay hoay mở chìa khóa xe, tặc lưỡi:
- Nhanh nhe, tao đi trước! Thuyên chờ mày ngoài cổng nãy giờ.
Nói rồi Thiện phóng xe đi. Trúc Anh đạp xe ra cổng, Thuyên đang ngồi trên yên sau xe đạp với vẻ chán nản vì mãi chờ đợi. Trúc Anh cười huề:
- Sorry[3] nghe. Trúc Anh sẽ đãi Thuyên hai tô một lượt vì chờ lâu hén!
Thuyên liếc xéo Trúc Anh một cái, leo lên yên xe phía trước, đạp xe đi. Thích im lặng vào buổi tối, đón những luồng gió mát mẻ, Trúc Anh vừa đạp xe vừa phân vân nghĩ đến chuyện lúc nãy. Tại sao cô bạn ấy lại khóc?
- Thuyên nè, lúc nãy Trúc Anh thấy bạn của Thuyên khóc đó! - Trúc Anh nói với Thuyên.
- Bạn nào?
- Người bạn mà hôm trước Thuyên nói mới chuyển đến mà kiểm tra bằng điểm Thuyên đó.
- Như à? Trúc Anh thấy Như khóc? Sao vậy?
Trúc Anh gãi gãi sống mũi theo thói quen khi khó nói:
- Không biết nữa. Trúc Anh lỡ đụng bạn ấy, nhẹ thôi hà. Rồi bạn ấy khóc, cuối cùng đứng lên, lầm lũi đi. Chẳng biết có phải vì đau…
Thuyên im lặng suy nghĩ. Theo Thuyên biết, Như không phải là một cô bé yếu ớt đến độ người ta đụng phải một cái là khóc như trẻ con. Vậy thì tại sao? Thật khó hiểu!
Đã hơn bảy giờ mà ba vẫn chưa về. Mẹ Như đang ngồi lặng lẽ bên mâm cơm. Như bước vào, cố nở một nụ cười thật tươi, nói:
- Mẹ ơi, con với mẹ ăn cơm đi! Con đói quá chừng.
Hai mẹ con ngồi ăn trong im lặng, Như liên tục gắp thức ăn cho mẹ vì thấy mẹ cứ và cơm không mãi. Rồi Như say sưa kể cho mẹ nghe về buổi sinh hoạt câu lạc bộ, mặc dù Như đã không hề để tâm đến nó. Như muốn làm mẹ vui, nhưng mẹ chỉ mỉm cười gượng gạo…
Mười giờ. Như giục mẹ:
- Mẹ vào ngủ đi, con thức học bài, sẵn chờ ba luôn. Mẹ thức chi cho mệt.
- Sao học bài khuya quá vậy con?
- Sắp thi giữa học kỳ I mà mẹ!
Như vừa nói vừa đẩy mẹ vào phòng. Mẹ ngoái lại hỏi thêm:
- Bao giờ thi hả con?
- Dạ, thứ hai.
- Hôm nay là thứ sáu rồi… Nhưng đừng học khuya quá, mất sức nghe con!
- Dạ.
Như khép cửa phòng của ba mẹ, ngồi vào bàn học, làm tiếp bài tập buổi trưa con dang dở trong tiếng tích tắc của đồng hồ. Như chờ ba…
Nửa đêm, ba về, đầy mùi bia và thuốc lá. Ông nựng mặt Như:
- Con gái ngoan… Chờ ba hả? Ba đi họp mặt bạn bè… Hà hà, cả một lũ khoe khoang…