ức thư của cụ án đã làm cho hai nhà bỗng chốc trở nên thân mật. Và cả đến Thuần là người sợ cụ án nhất nhà, bây giờ cũng đã dám thỉnh thoảng mang quà sang biếu cụ. Khi thì bà Thông bảo Thuần nấu mấy bát chè, khi thì bà bắt các con làm vài thứ bánh mang sang cụ án. Mỗi lần nhận được quà là cụ án lại sai người nhà mang biếu lại bà Thông một gói chè hay một vài thứ hoa quả gì mà các người đi Hà Nội về thường mua cho cụ. Nhưng chỉ có Hòa là thấy mình sung sướng nhất. Đương là đứa trẻ mồ côi sống lặng lẽ trong một ngôi nhà rộng quá, bây giờ có bạn, Hòa mới nhận ra rằng người đời nếu không đoàn tụ, nếu không chia được cái vui cái khổ cùng nhau, thì những ngày tháng trở nên dài rỗng, nặng nề, vô vị. Gian phòng học âm u của Hòa bây giờ mở cửa suốt ngày, và suốt ngày vang lên những tiếng cười nói của mấy cô thiếu nữ. Ông giáo Phúc là một người có họ xa với cụ án, hết sức luyện tập cho mọi người trong mấy tháng nghỉ hè.
Bởi vậy cả Hòa và Xương, Ái, Thịnh đều tấn tới lạ lùng. Sự đó cũng nhờ Phúc là một ông giáo vui vẻ đương còn trẻ tuổi. Thầy trò cũng tương đắc như anh em một nhà nên cái không khí ở nhà cụ án thực là dễ chịu khác xưa. Những hôm nghỉ học, cả đoàn đã đem nhau đi chơi các vùng nhà quê gần tỉnh. Hay họ đi ra bờ sông Châu nhìn những mảng bèo nhật bản, những chiếc thuyền trôi lơ lửng theo dòng nước. Hôm nào ở nhà thì cả bọn lại ra ao sen câu cá, hái roi hay chạy nhảy trong vườn.
Cái vườn của cụ án không thiếu thức hoa quả gì, tha hồ cho mấy cô con gái bà Thông đùa nghịch leo trèo thỏa thích. Thuần tuy vẫn ở nhà với bà Thông và u Ái, không theo học nữa, nhưng thỉnh thoảng cũng dự vào cuộc chơi đùa của chị em ở trong vườn nhà cụ án. Cụ án cũng biết rằng tính Thuần rút rát, nên cụ thường tránh đi chỗ khác mỗi lần thấy bóng Thuần ở nhà mình. Cụ biết rằng một cái nhà trật tự quá, một cái nhà mà người ông hay người cha nghiêm khắc quá, thì không bao giờ được nghe những tiếng cười của lũ trẻ. Thực là một sự lạ lùng! Những tiếng cười của những cô gái ở nhà trước cửa đã làm đổi tính được một người già khó tính như cụ án, và làm cho đôi má của Hòa hóa hồng hào. Cụ án mỗi lần nhìn cháu lại thấy mắt người con trai lóng lánh thêm lên. Dáng điệu của Hòa thành rắn rỏi, không phải là dáng điệu ẻo lả của một người ốm nữa. Cụ án thấy cháu mình thành thực sung sướng giữa thầy học và bạn hữu. Lòng cụ hơi thắt lại vì cảm động. Nhiều lần cụ tự hỏi có phải xưa kia mình đã bất công và độc ác đối với đứa cháu của mình chăng? Nhưng, một người già hơn sáu mươi tuổi rồi thì làm sao hiểu được tính tình một đứa con trai mười tám tuổi đầu? Vả lại, cảnh cụ cũng thật là bi đát. Hòa không hiểu rõ hết được sự thể ra sao, nhưng chàng đã đoán được từ bé rằng cái tình của ông - người đàn ông độc nhất ở đời mà mình có bổn phận phải yêu - đối với mình có một vẻ gì gượng gạo. Mỗi lần chàng nhìn vào mắt ông thì chàng nhận ra ngay điều đó. Còn cụ án mỗi lần nhìn vào mặt cháu lại nhớ đến nét mặt đứa con trai và nét mặt người đào hát, nhất là nét mặt đáng ghét của người đào hát.
Cụ thấy rằng Hòa tuy giống bố ở dáng người cao, vai rộng, cái cằm khỏe mạnh, cái trán cao, nhưng vành môi và miệng thì có vẻ mềm mại quá. Rõ ràng đó là cái miệng của người mẹ mà cụ yên trí là lẳng lơ mất nết. Đã vậy dáng điệu của Hòa lại không có vẻ đàn ông cứng cáp như cụ muốn. Cả dòng họ cụ, người đàn ông nào cũng hiên ngang khảng khái. Cụ không chịu được rằng giọt máu của cụ lại là giọt máu yếu đuối của một dòng giống hạ tiện pha vào. Thế là, trong bao nhiêu năm, ông cháu thành ra cách biệt, tuy cùng sống với nhau dưới một mái nhà. Người con trai tự nhiên thấy sợ ông, hễ lúc nào có mặt ông thì chàng câm lặng. Hòa trốn vào buồng học của mình có khi suốt một ngày. Sự sợ sệt đó càng làm cho cụ án bực mình. Cụ không hiểu nên làm thế nào để cho Hòa quen với cụ và dần dà yêu cụ được. Vì dẫu sao đó cũng là cháu cụ. Cụ biết rằng cụ vụng về, vì thế cụ lại càng tức tối. Cụ thấy Hòa ngày một buồn rầu, kém ăn, và không bao giờ có một tiếng nói to, một nụ cười. Ngờ đâu bỗng chốc mấy cô gái nhỏ ở nhà trước cửa đi vào nhà cụ, và họ làm thay đổi hết, như là phép nhiệm mầu. Tất cả gánh dĩ vãng nặng nề trên vai cụ án rơi đổ tức thì. Cụ săn sóc đều tất cả mọi người chung quanh. Cụ đã tìm thấy hạnh phúc được sống ở đời. Cụ mừng thầm rằng cháu cụ khỏe mạnh ra, và ham học, ham chơi hơn trước.
Mà thực vậy, mỗi lần ông giáo Phúc chấm bài ông cũng ngạc nhiên thấy Hòa rất chịu khó, rất cố gắng trong sự học. Hình như trong lòng người con trai đương tuổi lớn lên đang có một nguồn há vọng dồi dào, bồng bột. Nó như một ngọn suối nhỏ đã gặp được một dòng sông chảy mạnh để cùng tìm ra bể rộng. Và mỗi buổi chiều đi bên cạnh Xương trên bờ sông, Hòa cũng thường bảo với cô bạn thân mến của mình rằng:
- Hòa muốn chiếm hết cả các bằng ở trên đời này, Xương ạ. Hòa muốn học mãi để giúp ích cho đời. Bởi vì nhiều người khổ quá! Hòa muốn tất cả mọi người sẽ bằng lòng Hòa. Hòa sẽ học và sẽ yêu... tất cả mọi người.
Trong lúc Hòa nói thế thì Xương nhìn người bạn trai của mình bằng đôi mắt kính phục. Mà Xương cũng tin rằng Hòa sẽ làm được như mình đã định. Ánh sáng trong đôi mắt Hòa có một cái gì vừa cương quyết vừa dịu dàng. Xương nói:
- Hòa có ông Hòa giàu như thế thì học đến đâu mà chẳng được. Sau này Hòa sẽ đi ngoại quốc học thêm, bao giờ về thì mọi người sẽ được bằng lòng và sung sướng, vì thấy Hòa sung sướng.
Hòa vội trả lời:
- Không phải thế đâu, Xương ạ. Nếu ông Hòa giàu mà Hòa không được gặp chị em Xương thì chưa chắc Hòa có thích học như bây giờ không kia đấy! Hình như đã lâu, Hòa vẫn coi gia đình chị em Xương như gia đình của mình rồi. Cả trước kia cũng vậy, những hôm đứng ở gác nhìn sang nhà Xương, được chứng kiến cái cảnh hòa thuận êm ái của nhà Xương, Hòa cũng thấy vui lòng và đỡ trơ trọi. Hòa biết rằng thế nào một ngày kia, Hòa cũng được dự một phần vui ở giữa cái gia đình ấy. Hòa sẽ có một địa vị trong lòng những người mà Hòa yêu mến. Và rồi mọi người cũng sẽ yêu Hòa như vậy.
Chàng ngừng một lát nhìn Xương rồi nói tiếp:
- Ngày nay đã là sự thực, Hòa thấy vang trong lòng một nỗi vui mới mẻ, dịu dàng mỗi khi trông thấy Thịnh, hay Thuần, hoặc Ái chạy quanh Hòa. Cũng như trước kia, Hòa đứng trên gác nhìn sang nhà Xương mà được nghe tiếng bà Thông ở trong nhà gọi đến tên mấy chị em Xương đương chơi đùa ở trong vườn. Những cái tên Xương, Thịnh, Ái, Thuần, Hòa đã nhớ rõ như chính tên mình. Nó đã vang lên vui vẻ trong lòng Hòa từ ngày Hòa đến ở với ông. Rồi Hòa kể đến cái thuở bé của mình ở miền rừng. Những ngày đó đã xa xôi quá, Hòa chỉ còn nhớ lờ mờ như chuyện đã xảy ra trong mộng. Hình như cha mẹ Hòa yêu nhau lắm. Hai người thường dắt Hòa mỗi buổi mai đi hóng mát ở trên bờ một con sông chảy giữa hai hàng núi. Nước có khi nông trông thấy cả đáy rêu xanh và cuội trắng. Hai người thường nhặt những hòn cuội cho Hòa chơi.
Thế rồi hai người cùng đi mất, Hòa sống với một gia đình xa lạ. Hòa không được yêu chiều như trước nữa. Cho đến một ngày kia ông Hòa cho người đón Hòa về. Những chuyện đó đã làm cho chị em Xương cảm động, và vì thế họ càng thương người bạn trai của họ. Tình bạn hữu giữa mấy thiếu niên càng ngày càng thêm khăng khít. Và trong bức thư nào gửi đi Hà Giang cho ông Thông, bốn cô con gái cũng nói đến tên Hòa và cụ án. Ông Thông thấy mình ở xa nhà, mà được cụ án để tâm giúp đỡ cho gia đình mình như vậy cũng rất lấy làm cảm kích. Ông Thông càng vui lòng hơn khi thấy vợ con nhắc đến chuyện ông thân mình ngày xưa là học trò ông đẻ ra cụ án. Ông Thông là người biết ăn ở lắm. Chuyện ân nghĩa trước kia, ông vẫn để tâm, chứ không phải là ông không biết. Ngặt vì ông thường thấy cụ án tỏ ra ghẻ lạnh và cao kỳ với tất cả mọi người hàng xóm, nên ông không muốn đi lại, sợ có kẻ không hiểu mình lại cho là ông cầu cạnh, làm quen với kẻ giàu sang quyền quý. Ông nghèo nhưng bao giờ cũng rất giữ gìn. Bây giờ, thấy vợ con ca tụng cụ Án bằng những lời chân thành sốt sắng, ông cũng thấy hả lòng. Ông lại càng dặn vợ con ăn ở với cụ Án cho phải phép để đáp lại chỗ tốt của một ông già chỉ đáng thương mà không đáng trách.