hững ngày hè oi ả tới, mang theo tiếng ve sầu, làm nóng ruột những cô học trò đương mong được nghỉ. Và làm cho các thí sinh nhỏ tuổi trong tỉnh hóa ra đứng đắn. Trên bờ sông Châu, một vài cành phượng vì đã nặng những bông hoa sắc lửa. Tơ bông gạo bay trong không trung và rụng trắng cả cỏ xanh. Chẳng bao lâu đã đến ngày đóng cửa trường. Nhờ dịp ấy Thịnh, Xương, Thuần, Ái, bốn cô thiếu nữ con bà Thông đã làm quen được với Hòa cháu trai ông cụ án. Hàng năm trong tỉnh vẫn có cuộc phát phần thưởng long trọng chung cho cả hai trường nam nữ. Về dịp đó bao giờ người ta cũng nghĩ đến cụ án, bởi năm nào cụ cũng gửi sách vở giấy bút tặng học trò nghèo mà thi đỗ hay chăm học, năm nay phần thưởng của cụ án lại to hơn, bởi vì cụ có cháu học ở trường. Trong đời cụ án có dễ chỉ lần này là cụ được vui lòng. Nhưng ông già kín đáo vẫn làm ra gắt gỏng. Mãi hôm đến chứng kiến cuộc phát thưởng, người ta mới thấy cụ nở một nụ cười. Nụ cười của con người ta đã nở thì nó cũng như một bông hoa nở. Nó làm thơm cả chung quanh và dễ chịu cho cả chung quanh. Cụ án ngồi nhìn cháu ôm chồng sách kiêu hãnh như chính mình trẻ lại và đương là một cậu học trò trẻ tuổi đi lĩnh thưởng để nghỉ hè.
Giữa lúc đó thì người ta gọi đến tên Xương. Tất cả mọi người đều nhìn lại phía người con gái thứ hai của bà Thông. Xương được thưởng về gần đủ môn, và cũng đỗ như Hòa. Xương bước lên lĩnh thưởng, dáng điệu rất tự nhiên. Nàng không cảm động, không thẹn thùng đỏ mặt như phần nhiều các cô gái khác. Nhưng thực tình, Xương cũng hơi kiêu hãnh, bởi vì Thịnh cũng đỗ và Ái cũng được thưởng rất nhiều sách vở. Ba chị em mỗi người một vẻ, làm cho mọi người bàn tán và chỉ trỏ. Cụ án cũng để ý đến Xương như tất cả mọi người. Hòa thấy ông nhìn về phía ba chị em Xương thì vội ghé vào tai ông nói thầm vài tiếng.
Cụ án mở to mắt ra dáng ngạc nhiên. Cụ không ngờ những người con gái đáng yêu kia lại chính là những người con gái bà Thông, ở nhà trước cửa. Thế rồi đột nhiên cụ nhớ lại cái đời sống cô độc và ích kỷ của mình bấy lâu nay. Cái sống của con sâu nằm trong tổ kia, không dự gì đến cuộc đời ở bên ngoài. Cái sống của những người không sống, của những người chỉ thiết tha đến cái đau thương hay cái hạnh phúc riêng của mình thôi. Cuộc phát thưởng đã xong. Hai ông cháu ra về cùng hể hả. Đó là lần đầu, Hòa thấy không sợ ông. Người con trai thấy mình thở được dễ dàng, cử động được dễ dàng hơn mọi bữa. Nỗi vui sướng của tuổi thanh xuân đầy há vọng mới ca hát lên trong lòng chàng. Hòa lấy làm lạ rằng cuộc đời tưng bừng đẹp đẽ như vậy, mà đã bao năm hai ông cháu không được hưởng. Cả cụ án cũng vừa đi vừa nghĩ thầm như thế. Những học trò ăn mặc sạch sẽ tản mác mỗi bọn đi về một ngả. Cái thành phố nhỏ như trở nên mới mẻ, và chứa đựng một linh hồn vui trẻ của học trò. Hòa đi bên cạnh ông đã nghĩ đến những mộng cao xa mà mình ấp ủ từ lâu. Chàng sẽ đi Hà Nội. Chàng sẽ được học ở những trường học to lớn và có danh tiếng. Chàng biết rồi chàng sẽ còn đi xa lắm. Chàng sẽ bước vào nhiều lớp cửa đời khó khăn, nhưng trong lòng chàng sẽ không bao giờ nản. Hòa ôm chặt bó sách thưởng vào ngực, ngước mắt nhìn những con chim sẻ nhảy nhót trên cây.
Chàng thấy tự phút này, đã có một sự gì đổi khác trong mình rồi. Hòa không còn là đứa trẻ sợ sệt và rầu rĩ ở trong phòng học của mình như một cành cây héo nữa. Về gần chỗ ngã ba đường rẽ đến phố nhà thì Hòa và cụ án trông thấy Xương đương đánh rơi sách thưởng xuống đường và đương ngồi xệp ở hè đường mà buộc lại. Chiếc áo trắng của nàng nhàu nát và hoen bẩn. Guốc của Xương cũng đã đứt quai. Nhưng không sao, Xương xách nó lủng lẳng trên tay như không có chuyện gì đáng ngại cả. Cụ án và Hòa thấy Thịnh đương nhăn nhó vì thấy Xương ngồi cả xuống đường làm cho khách đi đường để ý. Khi cụ án đến gần ba chị em thì Thịnh lại càng thấy bực mình hơn. Nhưng Xương vừa thoáng trông thấy Hòa đã vội vàng đứng dậy. Nàng phủi bụi ở quần áo, luống cuống, làm cho Hòa phải che miệng suýt cười. Cụ án vui vẻ nói:
- Các cô còn ở đây ư? Tôi có nhời mừng cụ Phán, về bảo thế nhá! Các cô học giỏi và ngoan lắm! Tôi khen đó.
Ba chị em Xương đều sửng sốt. Họ không biết đáp lại thế nào cả, nên đều nói cùng một lúc:
-Vâng ạ.
Cụ án chỉ Xương nói tiếp:
- Cô này đầu lòng phải không? Trông giống ông nội lắm. Các cô không rõ! Ông nội các cô ngày xưa là học trò ông đẻ ra tôi.
Cụ ngừng một lát để cười khà khà rồi lại nói:
- Ông cụ Huyện đẻ ra tôi ngày xưa dạy chữ nho. Mà ông nội các cô học chữ nho cũng giỏi như các cô bây giờ học chữ Tây. Con nhà nòi có khác.
Cụ nói xong thì đi lại gần Xương và vuốt tóc nàng. Xương vội nói:
- Thưa cụ, con là thứ hai ạ. Chị Thịnh con đây mới là đầu lòng. Chị con không bằng lòng cho con ngồi xuống đất, bởi vì ngồi như thế không có vẻ là người “đài các” ạ.
Ông cụ án và Hòa không hiểu ra sao cả, cùng cười. Nhưng Thịnh và Ái thì lo sợ quá. Xưa nay, ai cũng bảo cụ án là nghiêm khắc, là dữ tợn. Thế mà Xương dám nói đùa với cụ. Hai thiếu nữ vội vàng nắm tay Xương ra hiệu cho Xương đừng nói nữa. Cụ án gần đi còn quay lại bảo:
- Chắc ông phán được tin các cô học giỏi thế thì phải vui lòng lắm.
Rồi cụ âu yếm nhìn đứa cháu mà lâu nay cụ vẫn thương thầm cho cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ... Hòa vừa đi vừa quay lại nhìn ba người con gái ở nhà trước cửa. Chàng định nói nhiều điều quá khi mới nhìn thấy họ. Nhưng không hiểu sao, chàng chỉ cười, không nói được điều gì. Có lẽ vì có ông ở đấy nên chàng không nói được. Nhất là đối với Xương thì Hòa lại càng muốn nói nhiều điều hơn nữa. Xương, người con gái vẫn thường đứng ở cửa sổ mà nhìn lên cửa sổ của chàng với một đôi mắt hiền từ đầy thiện cảm. Không hiểu sao, Hòa cho rằng trong bốn người con của bà Thông, chỉ có Xương là người hiểu được cảnh ngộ mình hơn cả. Hòa vẫn đinh ninh rằng những nỗi buồn rầu, đau khổ của mình nếu một ngày kia có phải nói ra với một người nào, thì người đó phải là Xương. Vậy mà hôm nay, gặp được dịp may mắn nhất để nói với Xương và hỏi han chị em Xương một vài câu gì đó, thì Hòa quên khuấy ngay đi. Và rồi Hòa đi thẳng với ông. Cả ngày hôm đó, chàng buồn như đã đánh mất một thứ gì quý giá trên đời, mà không có dịp tìm ra được nữa.
* * * * *
Trái lại, ở nhà bà Thông thì thực là một ngày đại hội. Bà Thông thấy các con mình ngoan thế, đã đi chợ từ sáng sớm. Bà nấu chè, xếp đầy hoa quả vào giỏ mây của các con. Thuần cũng dậy sớm và đã cắm đầy hoa vào các lọ độc bình. Cả nhà ăn tiệc mừng hai cô thi đỗ và một cô được lên lớp nhất. Riêng Thuần biết rằng mình chẳng bao giờ lên lớp hay thi đỗ gì được cả. Nhưng, tin mừng đến cũng làm cho cô gái ít tuổi nhất nhà thấy nao nao trong dạ. Nàng không thấy nảy ra sự ghen tị gì hay tức tối gì đối với chị em mình. Nàng chỉ thấy càng yêu thêm mọi người ở trong nhà. Và lại càng lo sợ rằng hạnh phúc đã đến nhà mình nhiều quá, nhiều quá sức mình mang nổi. Nhưng khi Thuần nghe Ái và Thịnh thuật lại việc gặp cụ án và Hòa ở dọc đường, thì nàng mới cho đó là việc lạ lùng hết sức. Thuần bao giờ cũng vẫn là người sợ cụ án nhất nhà. Từ thuở bé, nàng đã nghe mọi người chung quanh thì thầm những sự dị kỳ về cụ án. Cụ án là một người dữ tợn. Cụ án là một người ác đức. Cụ án đã làm cho vợ chồng người con trai cụ phải đem nhau đi, và chết ở xứ xa. Cụ án không ưa gì đứa cháu trai của cụ. Thuần vẫn yên trí là một người như cụ án thì không ai dám tới gần. Vậy mà Xương đã dám trêu cụ án. Thuần nhìn chị bằng đôi mắt kính phục khác mọi ngày. Và nàng lại khám phá ra rằng người chị thứ hai của mình hễ gần ai, thì người ấy tức thì yêu thích. Xương đáng lẽ là đàn ông mới phải.
Nàng sống một cách dễ dàng. Không có sự gì là quan trọng đối với người con gái ấy. Thuần nghĩ thầm như vậy, và nàng cho rằng nếu trong gia đình của bốn chị em, giá Xương là con trai, thì mọi người không còn phải lo ngại gì hết nữa. Ông Thông có thể đi Hà Giang hay đi xứ nào rất xa xôi trong suốt một đời người cũng được. Giữa lúc cả nhà đương ăn cơm vui vẻ, thì một đứa ở bên nhà cụ án cầm một mảnh giấy đưa sang. Cả nhà không hiểu ra sao, đều buông đũa ngồi im lặng. Xương chạy ra cửa, cầm lấy tờ giấy ở tay đứa ở nhà cụ án, và nàng đọc to lên cho mọi người nghe:
“Bà Phán,
Ông cụ đẻ ra ông Phán xưa kia là học trò ông cụ đẻ ra tôi. Đáng lẽ tôi cũng năng đi lại với những người quen thân mới phải. Nhưng đã bao lâu tôi buồn rầu vì chuyện nhà, nên không muốn đi đâu cả.
Ngày mai là ngày giỗ cậu thằng Hòa. Giá ông Phán ở nhà, thì thế nào cũng mời ông sang uống với tôi một chén rượu. Nhưng ông đi vắng thì bà cho phép các cô sang chơi một lát. Tôi đã sửa tiệc mừng cháu Hòa thi đỗ. Và tôi cũng muốn thưởng thêm các cô con gái đáng yêu và học giỏi của bà. Nghỉ hè này, tôi vẫn nhờ ông giáo Phúc dạy thêm cho cháu Hòa. Bà nên cho các con sang tôi học thêm cho mát mẻ.
Lòng tôi thành thực, bà thuận cho như thế thì vui vẻ lắm. Nhà tôi rộng rãi và rất neo người. Các cô sang học sẽ tha hồ chạy nhảy trong vườn.
Nay kính”.