Chỉ vài phút trước mình vẫn cầm nó mà!
Đã bao lần bạn tự hỏi câu hỏi này?
Chúng ta đi qua cửa, vứt chùm chìa khóa một chỗ nào đó và nhanh chóng nhét vài thứ vào trong túi. Chúng ta định bước ra khỏi cửa và… chúng ta quên mất mình đã làm gì với chùm chìa khóa. Mình đã quên sao? Không. Thật sự là chúng ta không bao giờ chịu nhớ cả. Như đã nói, tất cả là vì chúng ta không chịu chú ý. Một cách đãng trí, chúng ta đặt chìa khóa xuống trong khi đang nghĩ đến chuyện khác. Chúng ta đang vừa tự hỏi xem phải mang theo thứ gì vừa triền miên suy nghĩ về điều đang băn khoăn.
Chúng ta đã để chìa khóa trên ghế xô-pha hay bất kì một vị trí ngẫu nhiên nào đó. Tại thời điểm này, không có sự liên hệ giữa trí nhớ và hành động để chìa khóa.
Điều này cũng hay xảy ra với những đồ vật nhỏ bé như chiếc bút chúng ta đang cầm, chiếc lược, kính cận,…
Cách duy nhất giúp ta nhớ được mình đã để chìa khóa hay kính cận ở đâu rất đơn giản, chúng ta chỉ việc chú ý đến hành động đã làm. Chúng ta phải nhận thức được tình huống sự việc. Khi ta đặt chùm chìa khóa trên nóc ti vi, tất cả những gì chúng ta cần làm là dành trọn một giây chú ý đến hành động này. “Chúng ta để chìa khóa ở đây!” Sau khi hình thành được nhận thức này, chúng ta phải tạo ra sự liên kết liên tưởng giữa hành động chúng ta thực hiện với trí nhớ.
Nếu bạn đặt chìa khóa trên ghế xô-pha, hãy hình dung rằng những chiếc chìa khóa này chính là loại mực màu đỏ dùng để sơn màu cho chiếc ghế xô-pha. Còn nếu bạn đặt chiếc bút Montblanc lạ mắt trên nóc ti vi thì bạn hãy tưởng tượng nó là một kíp nổ. Tưởng tượng rằng chiếc ti vi sẽ vỡ tan thành từng mảnh ngay khi bạn đặt chiếc bút lên nó.
Có một cách tốt hơn giúp chúng ta luôn nhớ được mình đã để các thứ ở đâu. Đơn giản là chúng ta chỉ cần tập cho mình thói quen luôn để các đồ vật ở một vị trí cụ thể, đã định.
Trí nhớ là một vấn đề thuộc thói quen. Nếu nhiều năm trước bạn có thể nướng bánh rất ngon khi đọc sách dạy nấu ăn, nhưng từ đó đến hôm nay bạn không làm loại bánh đó nữa, thì bạn có thể sẽ không còn nhớ cách nướng bánh ra sao. Tuy nhiên, nếu bạn lại luyện tập cách làm bánh này trong vài tuần thì đương nhiên bạn sẽ có khả năng làm nó như một thói quen mà không cần đến sách hướng dẫn.
Chúng ta có thể thuộc lòng tất cả những số điện thoại mà mình hay gọi. Bạn sẽ nhận thấy nhiều lợi ích nếu bạn tập cho mình thói quen vứt rác ngay sau khi rửa bát. Khi đang trên đường đi nghỉ cuối tuần bạn không còn bất chợt nghĩ đến việc mình đã quên không vứt rác trước khi ra khỏi nhà nữa. Hơn nữa, nhà bạn sẽ không bị bốc mùi…
Mình đã khóa cửa chưa nhỉ?
Tương tự, một trong những vấn đề rắc rối phổ biến mà chúng ta thường gặp là “hội chứng quên khóa cửa”. Bạn ra khỏi nhà và đang trên đường đến nơi làm việc hay một nơi nào đó thì đột nhiên bạn cảm thấy lo lắng. “Đợi một chút, mình đã khóa cửa chưa nhỉ…?”, “Mình đã tắt hết đẻn chưa nhỉ?”, “Mình đã tắt lò sưởi chưa nhỉ?” Bạn đã bao giờ có cảm giác lo lắng về những vấn đề này chưa? Trong những trường hợp này, bạn thường bỏ đi những ý nghĩ này và hi vọng vào điều khả quan hơn.
Vậy tại sao bạn phải lo lắng?
Có một cách giải quyết vấn đề này rất đơn giản và bất ngờ. Mỗi lần bạn ra khỏi nhà, hãy khóa cửa. Sau đó, hãy tập cho mình thói quen làm theo các bước sau: Đứng trước cửa và tự nhủ rằng: “Mình đã khóa cửa, mình biết cửa đã được khóa, mình sẽ không phải lo lắng gì hết”. Rồi để chắc chắn hơn, bạn vặn nắm cửa hai hay ba lần. Để sau đó, mỗi lần bạn băn khoăn về việc đã khóa cửa hay chưa thì bạn có thể hoàn toàn cảm thấy thoải mái. Bạn sẽ nhớ rằng mình đã kiểm tra và thậm chí còn tự nói với chính mình. Mọi vấn đề và nỗi lo lắng sẽ biến mất, bạn sẽ không phải nghĩ gì thêm nữa như câu nói: “Hãy tin tưởng vào Chúa… nhưng hãy khóa cửa…”
Chìa khóa và ví tiền của mình đâu nhỉ?
Hãy tập thói quen để chì khóa vào một nơi xác định như cái bát, rổ sứ hay treo chúng bên cạnh cửa ra vào.
Trong trường hợp này bạn cũng nên tạo ra sự liên kết liên tưởng. Có thể bạn muốn tạo ra sự liên kết giữa chìa khóa và cái bát. Hãy tưởng tượng bạn cần phải sạc pin cho chìa khóa và bạn chỉ có thể thực hiện việc này bằng cách cho chìa khóa vào trong bát. Ngay khi bạn đặt chìa khóa vào trong bát thì nó sẽ phát ra một tia sáng màu tím huyền bí. Đó chính là việc sạc chìa khóa, tiếp thêm sinh lực cho chúng.
Bạn không muốn mất ví một lần nữa phải không?
Hãy tưởng tượng rằng chiếc ví của bạn nhạy cảm với ánh sáng. Nó không thể ở ngoài ánh sáng trong vài phút. Tại sao vậy? Đã bao giờ bạn nghĩ tới thực tế rằng chiếc ví đã bị để trong bóng tối quá lâu? Thường thì nó được để trong túi, bao, ba lô hay ngăn kéo,… vì một lí do nào đó. Chúng được cất giữ trong đó để tránh trường hợp những người tham lam, không thể kiềm chế được sự cám giỗ, sẽ lấy mất.
Sự liên hệ giữa chiếc ví và ánh sáng sẽ nhắc nhở bạn để ví ở một nơi an toàn. Hình dung ra rằng khi bạn lấy chiếc ví ra khỏi túi thì sự việc bắt đầu diễn ra. Chiếc ví bắt đầu nóng lên và nhăn nhúm lại. Bạn cảm nhận được hơi nóng bỏng trên các ngón tay mình. Hơi nóng càng ngày càng mạnh, do đó bạn phải để chiếc ví vào vị trí cũ.
Như một thói quen, bạn muốn cất chiếc ví trong ngăn bàn. Để thực hiện được điều này, bạn có thể tạo ra sự liên tưởng giữa chiếc ví và âm thanh rỗng của ngăn bàn khi bạn bỏ chiếc ví vào đó. Giả sử rằng khi chiếc ví rơi vào trong ngăn bàn, nó sẽ phát ra một tiếng rơi “tõm”. Từ giờ trở đi, chiếc ví sẽ phải phát ra âm thanh này lúc bạn vào nhà. Nếu không co âm thanh này thì chắc chắn điều gì đó không hay đã xảy ra.
Nếu bạn hình dung rõ ràng như trên thì sự việc sẽ tiếp tục diễn ra như sau:
Khi bạn đi qua cửa và muốn vứt chiếc ví ở một vị trí tùy tiện nào đó thì trong bạn sẽ xuất hiện hai cảm giác. Thứ nhất, chiếc ví đang nóng bỏng trong tay bạn. Thứ hai, bạn cảm thấy nhất thiết phải cất nó ở một nơi nào đó phát ra tiếng rơi “tõm”. Hai cảm giác này sẽ nhắc bạn cất ví tiền trong ngăn bàn.
Có một câu chuyện kể về một tên trộm đột nhập vào nhà của đại văn hào Pháp Honoré de Balzac. Tên trộm lặng lẽ lục lọi ngăn bàn trong phòng ngủ để tìm tiền cất giấu. Đột nhiên tên trộm nghe thấy ai đó cười khúc khích. Anh ta quay lại và nhìn thấy Balzac đang ngồi trên giường, nhìn anh ta và cười tủm tỉm.
“Có gì đáng cười chứ?”, tên trộm ngạc nhiên hỏi.
Lúc này Balzac mới trả lời: “Điều đáng buồn cười ở chỗ anh nghĩ rằng anh có thể tìm kiếm tiền trong ngăn bàn vào lúc nửa đêm… nhưng chủ nhân hợp pháp của nó lại quên cất vào đó ban ngày!”
Và chúng ta sẽ phải làm gì trong trường hợp ta quên tạo ra sự liên kết liên tưởng như đã yêu cầu? Sẽ phải làm gì khi chúng ta không chú ý đến hành động mà chúng ta đã thực hiện với đồ vật đó…?
Ghi nhớ những gì chúng ta quên
Cách ghi nhớ tốt nhất là không chỉ nghĩ đến đồ vật đó mà bạn nên nghĩ đến tình huống dẫn tới việc bạn để nó ở đâu. Cụ thể hơn, bạn nên nghĩ đến việc bạn sẽ làm.
Rất nhiều lần chúng ta cố gắng nhớ về việc chúng ta đã làm trước khi tình huống này xảy ra. “Tôi đã đi qua cửa, đi vào phòng khách rồi phòng tắm,…”. Cách này cũng đúng nhưng hơi hời hợt. Cách giải quyết hiệu quả là chúng ta lật ngược lại từng bước một. Chúng ta cần cố gắng nhớ xem mình đã muốn làm gì.
Trong trường hợp không thấy chùm chìa khóa, bạn hãy cố gắng nhớ lại xem mình đã dự định làm gì trước khi bước vào nhà. Bạn dự định làm gì ngay khi bước vào nhà? Có thể bạn đang vội theo dõi một chương trình trên ti vi. Nếu thế, rất có thể bạn đã đãng trí để chìa khóa trên ti vi. Hay cũng có thể khi bạn đang đi vào phòng thì bạn nhớ ra cần phải cho một cuốn sách vào trong túi ngay lập tức. Trong trường hợp này, có thể ban lại đãng trí để chùm chìa khóa trên giá sách và bắt đầu đọc lướt qua cuốn sách chăng?
Khi đỗ xe, điều cốt yếu là bạn phải chú ý đến vị trí mà bạn đỗ xe. Hãy tìm xem gần đó có điểm gì đáng chú ý giúp bạn nhớ hay không. Đó có thể là một cái cây lớn, một tấm biển quảng cáo khổng lồ, hoặc bạn cũng nên chú ý tới con số và màu sắc của nơi này.
Bạn cũng có thể biến hành động đỗ xe thành một thói quen có tính chất liên tưởng như sau: hình dung rằng mỗi khi ra khỏi xe, bạn đóng cửa và khóa xe, bạn phải xoay tròn 360 độ. Tưởng tượng rằng bạn phải thực hiện động tác xoay tròn như kiểu múa ba lê. Mục đích của việc xoay tròn chính là nhắc bạn kiểm tra vị trí mới này và chú ý đến cảnh vật xung quanh nó.
Nếu bạn không để ý tới vị trí bạn đã đỗ xe thì hãy cố gắng nhớ xem trong lúc đang lái xe bạn đã nghĩ gì! Rất có thể bạn đã muốn đỗ xe ở nơi gần một vị trí cụ thể nào đó nhưng bạn đã phải thất vọng vì bãi đỗ xe này không còn chỗ. Bạn đi tiếp lên dãy hai, thật chán nản, bạn lại thấy một chiếc xe ô tô khác đã đỗ ở vị trí còn trống. Chính vì thế, cuối cùng bạn phải đỗ xe ở dãy thứ ba.
Nếu bạn không nhớ được những điều này ngay lập tức thì đừng nghĩ đến nó nữa. Hãy đưa ra lời chỉ thị cho bộ não của bạn là hãy quên vấn đề đó đi ở mức độ ý thức. Cùng lúc, đưa ra lời chỉ thị cho bộ não tiếp tục tìm kiếm ở mức độ tiềm thức. Câu trả lời sẽ tự đến với bạn vì bạn có thể trong qua khứ nó đã xảy ra nhiều lần.
Bạn hãy tự tin rằng bạn có thể tin tưởng vào trí nhớ của mình. Bạn nên cảm thấy chẳng có vấn đề gì khi bạn quên mất điều gì đó – Bộ não của bạn vẫn tiếp tục làm việc để tìm ra điều bí ẩn.