Bên Em Trọn Đường Đời

Chương 14

Thật lâu sau khi Nguyên về rồi, Diễm vẫn cứ ngồi đó. Cô cứ suy nghĩ mông lung mà không biết rằng chiều đã dần tối…Thốt nhiên Diễm cảm thấy muốn gặp Nguyên, kể hết tất cả cho Nguyên nghe. Như vậy sẽ dễ dàng cho cô hơn. Nguyên có vẻ đã đoán hiểu tình trạng của cô rồi. Cô cần phải giải thích thật rõ ràng cho anh nghe và có thể hai đứa sẽ tìm được cách giải quyết với nhau. Cô đứng lên đi vào và nhờ một người làm công trong nhà chở cô xuống Biên Hòa.

Mẹ cô vẫn chưa về. Vì muốn một mình đi đến nhà Nguyên nên cô mượn chiếc xe đạp của chị Xuân, người giúp việc cho mẹ cô và đạp đi. Đường đi thật tối, ngõ hẻm vào nhà Nguyên lại càng tối hơn vì các bờ rào dâm bụt hai bên. Cô đành chịu không thể đạp thêm được nữa mà phải xuống xe dẫn bộ vào. Gần đến cổng, bỗng nhiêu cô nghe có tiếng nói chanh chua của Thanh Loan:

− Sao? Chuyện với cô nàng 'Diễm xưa' của anh đến đâu rồi mà xem mặt mày bí xị vậy anh Ba?

Cô nhìn qua hàng rào dâm bụt và thấy trong khoảng sân nhỏ trước nhà, Thanh Loan đang đu đưa trên chiếc ghế xích đu, còn Nguyên có vẻ vừa mới đi đâu về, ngồi vắt vẻo trên chiếc xe Dream của anh.

Cô nghe tiếng Nguyên đáp:

− Đang thuyết phục nó chịu làm đám cưới thì tự nhiên nó bảo muốn về Việt Nam ở luôn. Mày xem có 'nóng' không?

− Ha, ha,…vậy là 'xôi hỏng bỏng không' rồi còn gì. Đòi về Việt Nam thì làm sao anh thỏa mãn ước mơ đi Mỹ được đây? Bà Thanh đi đâu cũng rêu rao là con Diễm đi được vì tụi nó chung một hộ khẩu, nên bả chỉ làm lại giấy khai sanh để con Diễm là con của bà kia theo diện anh em đi chung với nhau nhưng tui không tin chút nào hết. Chuyện đâu có dễ dàng như vậy, hai đứa nó không có bà con với nhau thì làm sao qua mặt được làng xã để chứng giấy tờ chứ. Tụi nó ở chung với nhau mấy năm, anh không sợ có người ăn ốc anh phải đổ vỏ à?

− Mầy làm như tao ngu lắm vậy đó! Tao cũng làm như không biết nó đi theo diện gì. Cần quái gì, tao đâu có định sống đời với nó đâu! Qua được đến Mỹ, làm giấy ly dị mấy hồi. Mầy không biết chứ tao cũng tính rồi. Mẹ nó khoe là nó học năm thứ ba trường Dược, chắc giống bên mình là học năm năm. Nó bảo lãnh được tao qua là nó cũng sắp ra trường, khi đó thì tao sẽ nói ngọt cho nó đi làm nuôi tao đi học. Tao học ra trường xong thì đường ai nấy đi thôi.

− Ừa, tính toán cho kỹ đi ông, người tính không bằng trời tính đó! Em cũng chúc cho anh được thành công để mai mốt còn được ông anh gửi đô về cho nữa chứ! Mà ông đi thì bỏ con Ái Mỹ cho ai? Ông coi chừng bắt cá hai tay, đến tai con Mỹ thì 'lúa' đời đó. Con gái rượu của bí thư tỉnh ủy đó nghe. Coi chừng đụng vào ổ kiến lửa bây giờ.

− Tao biết lo cho tao mà. Mà sao hôm nay mầy dạy đời anh mầy quá vậy? Lo vô xem phim kìa, 'Người giàu cũng khóc' mà tối nay không thèm coi sao hả?

− Ý chết cha, phim chiếu rồi hả? Sao con Lành không kêu em vậy cà?

Mãi mãi Diễm không bao giờ nhớ được làm cách nào mà cô đi ra khỏi con hẻm tối nhà Nguyên, lên xe và đạp về nhà. Cô năn nỉ chị Xuân đưa cô về liền mà không phải chờ mẹ cô. Nhìn mặt cô có vẻ xanh xao hốc hác quá, chị Xuân cũng vội vàng dắt xe ra chở cô đi ngay.

Suốt đêm, cô thức trắng, cứ chong mắt nhìn lên đỉnh mùng mà vật vã trong đau khổ. Thật tội nghiệp cho mối tình đầu của cô. Trong khi cô yêu anh thật lòng thì Nguyên lại lừa dối cô, xem cô chỉ là một phương tiện để anh ta đi Mỹ được. Không ngờ Hùng đã nhận xét rất đúng về con người của Nguyên: bằng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích của mình. Nhưng anh đã không nói thêm cho cô biết Nguyên còn là một tên đểu cáng nữa. Thôi như vậy cũng xong, Diễm cảm thấy mình vẫn còn rất may mắn khi tình cờ biết được bộ mặt thật của Nguyên. Gần sáng, Diễm quyết định sẽ trở về Mỹ ngay. Bây giờ, cô phải thật sự bước vào đời, phải tự mình đứng lên để lo cho tương lai. Về sớm, cô có thể xin đi làm chung với Uyển Vy đế có thêm tiền trang trải cho việc học và sinh sống. Rồi đây cô sẽ phải nghĩ đến việc xin thêm học bổng và mượn tiền nhà nước để đi học như các bạn cô vẫn hay làm. Trước nay, cô không quan tâm đến vì đã có Hùng lo lắng mọi chuyện, nhưng bây giờ thì phải khác rồi.

Diễm chờ cho mẹ cô thức dậy. Đêm qua, vì lo cô xảy ra chuyện gì nên mẹ cô đã về và ngủ lại. Diễm chỉ nói với mẹ là cô hơi mệt, cần phải đi ngủ sớm, mẹ cô cũng an tâm vì thấy cô không có vẻ bị bệnh. Bà cũng rất ngạc nhiên khi nghe cô nói muốn trở về Mỹ. Cô viện lý do rằng cô muốn về sớm để hoàn tất thủ tục vào trường, sợ rằng nếu có cần nộp thêm giấy tờ mà cô không có mặt thì sẽ làm trễ nải việc nhập học của cô. Và cô cũng nói thêm là khoảng hai năm nữa cô sẽ học xong, lúc đó cô sẽ về thăm mẹ nữa. Mẹ cô có vẻ rất buồn trước quyết định của cô. Bà nói:

− Con về đây cả tháng rồi mà mẹ vẫn không bứt được ra khỏi công việc để đưa con đi chơi đây đó. Thôi nếu con muốn đi sớm thì tùy con. Mẹ cũng không dám cản trở việc học hành của con. Con đi rồi, chắc mẹ cũng thu xếp bớt lại công việc làm ăn. Mẹ làm đây cũng là để lại cho con sau này. Nhưng bây giờ mẹ biết con gái của mẹ sẽ có một tương lai tốt đẹp khi con ra trường thì mẹ cũng không cần phải làm nhiều chi nữa.

− Mẹ ơi! Con đi rồi, mẹ thay con chăm sóc cho Ngoại nha. Cô Ba vì bận rộn công việc trong nhà cứ bỏ Ngoại ngồi một chỗ hoài tội quá đi.

− Mẹ biết mà. Hai năm nay, công việc bận rộn quá nên mẹ phải giao hết cho cô Ba trông coi. Ngoại con tuy lẫn như vậy nhưng không thể nào đưa được bà đi đâu ra khỏi căn nhà này. Lúc trước mẹ đưa Ngoại về dưới Biên Hòa để có nhiều thời gian chăm sóc cho Ngoại nhưng bà trở bệnh liền. Đến khi đưa Ngoại về lại đây thì Ngoại khỏe lại ngay. Con cứ yên tâm và cố gắng học cho mau ra trường. Chắc chắn là Ngoại sẽ còn rất khỏe, sống mà chờ con về đó.

Rồi ba dượng cô đưa cô đi Sài Gòn để đổi vé máy bay. Cô sẽ bay vào ba ngày sau đó. Trên đường về lại Biên Hòa, Diễm ghé ngang Bưu Điện gọi phone cho Uyển Vy, vắn tắt báo tin là cô sẽ về lại Mỹ sớm hơn, nhưng nói Vy khỏi cần ra sân bay đón cô, cô sẽ tự gọi xe taxi về nhà. Trong những ngày này, Nguyên chỉ ghé thăm cô có một lần nhưng vội vã đi ngay sau khi nói với cô là anh phải xuống trường ôn thi. Nhưng tối đó khi cô Ba Phước trở về từ Biên Hòa, lại nói thấy anh chở một cô gái, hai người trông rất tình tứ khi cùng đi vào một tụ điểm ca nhạc. Cô chỉ mỉm cười bình thản, thầm nghĩ chắc đó là Ái Mỹ. Nhà của ông bí thư tỉnh ủy thì cô còn lạ gì chứ, một ngôi nhà thật đồ sộ có lính gác bên ngoài nằm trên đường quốc lộ 1. Bây giờ cô mới hiểu lý do tại sao Nguyên phải chở cô đi vòng vèo khi đến nhà anh. Có lẽ anh sợ Ái Mỹ trông thấy nếu anh đi ngang nhà của cô nàng.

Trước khi đi, cô viết cho Nguyên vài dòng: 'Nguyên, Diễm đã suy nghĩ kỹ rồi. Hai chúng ta không hợp nhau đâu. Đừng viết thư cho Diễm nữa và chúc Nguyên được hạnh phúc với Ái Mỹ'. Cô đưa lá thư cho cô Ba Phước nhờ cô Ba đưa cho Nguyên khi nào anh đến tìm cô. Và cô lên đường một cách lặng lẽ, không muốn một ai đưa tiễn trừ mẹ và ba dượng của cô.