Bên đường biên giới

Chương 1

Docsach24.com 

Nghe tiếng chó sủa dữ dội, Khôi, Việt ngưng lại nhìn. Tiếng sủa rộ lên từ bên sau hàng rào ken bằng dây kẽm gai, vây quanh một căn nhà lụp xụp. Nếu không có bóng hai con chó lực lưỡng, cao lớn đang lồng lộn sau hàng dây kẽm gai và sủa vóng ra khi thấy bóng người lạ, Khôi, Việt đã tưởng căn nhà ấy bỏ hoang, không người ở. Nằm chênh vênh, hẻo lánh trên một ngọn đồi, căn nhà có vẻ như một ngôi cổ miếu, vách tường rạn nứt, long lở cả vôi vữa và mái ngói mọc rêu sô lệch từng mảng, có chỗ để lộ cả sườn nhà.

Thấy Khôi, Việt đi ngang dưới đường, nặng bước đẩy hai xe máy chở đầy hành lý, hai con chó càng có vẻ hục hặc, đua nhau sủa rộ từng hồi.

Khôi lẩm bẩm:

- Hai con chó dữ quá. Giống chó “lài” có khác.

Việt hỏi:

- Chó lài là giống chó gì?

- À, hồi xưa, ông ngoại tớ có nuôi và gọi thế. Hình như thuộc giống chó lai sói thì phải. Giống này khoẻ mạnh, dữ tợn, và cũng rất khôn lanh…

- Hèn chi chúng không có vẻ thuần thục chút nào…

Hai con chó đôi mắt đỏ ngầu, mép nhe ra để lộ những chiếc nanh nhọn hoắt, vừa sủa vừa chồm lên như muốn vượt qua hàng rào. Nhưng hàng rào khá cao nên chúng rớt xuống, thở hổn hển, và chu lên đau đớn.

Việt nói:

- Hình như chúng bị đói đấy Khôi ạ. Tớ tự hỏi: người chủ nhà này nuôi làm gì tới hai con chó to lớn như thế? Lấy gì cho chúng ăn! Và dùng chúng vào việc gì? Không lẽ chỉ để chúng canh gác ngôi nhà tồi tàn này…

Hai con chó lại vùng lên bám xiêu một quãng rào.

Khôi nói:

- Mong chúng không xổ ra được. Chúng mà ra thì tụi mình có chầu tan xác.

Việt lo ngại:

- Hay mình gọi chủ nhà ra kêu chúng vào?...

Vừa lúc ấy cánh cửa căn nhà vụt mở. Một cô gái, dáng điệu chểnh mảng, quần áo có vẻ lôi thôi bước ra khỏi nhà, đi men theo vách tường, không để ý đến Khôi, Việt đang ở ngoài hàng rào.

Cô gái vòng ra phía sau, cửa trước nhà vẫn để ngỏ.

Tò mò, đôi bạn liếc nhìn vào. Giữa khoảng tranh tối tranh sáng bên trong, đôi bạn thấy một người đàn ông ngồi trên ghế chống hai khuỷu tay lên mặt bàn. Trên bàn có chai rượu. Gã đàn ông cầm một chiếc ly trên tay. Khi uống, gã ngửa đầu ra sau, dốc ngược chiếc ly trút chất rượu vào cổ họng.

Chợt thấy Khôi, Việt đang đẩy xe đi dưới đường, gã nặng nhọc đứng lên, ra tựa người bên khung cửa, phóng tia mắt đầy nghi ngờ, hằn học nhìn theo.

Khôi, Việt e ngại, vội dấn bước không dám quay cổ lại.

Vượt qua khỏi tầm mắt của gã đàn ông, Khôi Việt đều nói chung lên ý nghĩ:

- Gã đàn ông thật là kỳ cục!

- Hình như hắn muốn doạ nạt mình…

- Chắc hắn là một thợ săn ở vùng này…

- Hoặc một tên khùng bị hàng xóm ruồng bỏ…

- Nhưng còn cô gái? Phải sống với một người như thế, một bợm nhậu, chắc cuộc đời cô ta đen tối lắm…

- Hay là, ừ, có thể hắn là… một phạm nhân bị biệt xứ, nên đến ẩn náu sát nơi ranh giới, phòng khi thấy bóng cảnh sát thì chuồn lẹ sang bên kia…

- Sao vậy?

- Thì… nghĩa là… cậu không thấy đây là biên giới Việt Mên đó sao. Dãy núi trước mặt chúng ta có ngôi chùa ẩn hiện sau rặng cây kia là một thắng cảnh thuộc về phần đất của Việt Nam ta. Dãy núi bên kia, phía tay phải, lác đác có những ngôi nhà mái cong, thuộc về đất Cao Mên. Đường ranh giới giữa hai nước có lẽ là lòng thung lũng, khoảng tiếp giáp giữa hai dãy núi, mà đứng đây bị che khuất ta không nom thấy được…

- Thế sao gã đàn ông kỳ dị kia lại không sang tá túc hẳn bên đất Mên có phải ổn chuyện cho gã không?

- Dĩ nhiên! Nhưng còn lý do riêng của hắn chứ. Chẳng hạn như hắn là một con người nhiều tình cảm, không muốn rời hẳn quê hương để sang sống nhờ bên đất nước ngoài…

Việt bĩu môi:

- Cậu chỉ hay bày đặt, con người như hắn mà có nhiều tình cảm cái nỗi gì!

Khôi cười:

- Ừ, thì tớ cũng… tưởng ra thế. Bởi tớ nghĩ: con người ta dù ở hoàn cảnh nào làm sao có thể thờ ơ với đất nước của mình được.

- Xì, bây giờ cậu lại triết lý nữa. Thôi hãy dẹp đi để nghĩ đến cuộc cắm trại của mình đêm nay đã. Nếu phải nghỉ lại ở đây, gần căn nhà của gã đàn ông kỳ dị kia với lũ chó dữ tợn của gã, tớ thấy không yên tâm chút nào…

- Tại sao? Cậu sợ gì?

- Tớ đâu có sợ, nhưng mà…

- Dù sao, để đề phòng chúng mình cứ thủ sẵn mỗi đứa một cái gậy. Như vậy yên trí hơn…

- Cũng chưa lấy gì làm chắc đâu. Đối với giống chó ấy, khi tấn công nó lanh hơn mình nhiều. Bất thần nó hãy “đợp” cho mình một cú đã.

Khôi không trả lời bạn, lặng lẽ vượt lên tiến vào con đường mòn lởm chởm những sỏi đá, bò theo triền núi Việt khó nhọc theo sau, chân bước chập choạng, hơi thở hổn hển và mồ hôi ướt đẫm áo.

Cả hai lọt vào một cánh rừng âm u rậm rạp.

Đôi bạn kẻ trước người sau, có cảm tưởng như đang tiến sâu vào một đường hầm. Không khí ẩm thấp, nồng nặc mùi cây, cỏ.

Việt vừa thở vừa hỏi:

- Tụi mình dựng lều ở đâu đây, Khôi?

- Cố gắng lên chút nữa! Trời mới về chiều, chúng mình còn đủ thì giờ kiếm chỗ dựng lều trước khi trời tối.

Khôi chợt reo lên mừng rỡ:

- Ồ, đây rồi, tụi mình có thể nghỉ lại chỗ này được.

Quả nhiên, con đường mòn đưa đôi bạn ra một khoảng rừng trống. Việt thở phào nhẹ nhõm khi thấy lại nền trời xanh thẫm đang ngả dần sang màu tím của hoàng hôn.

Chỗ này cây cối thưa thớt vì là bìa rừng; một thảm cỏ mịn thoai thoải giữa hai cây gõ mọc cách nhau chừng mươi thước. Đứng đây nhìn xuống thấy rõ lòng thung lũng của dãy núi phía trước, vài làn khói lam vương nhẹ trên mái nhà của thôn xóm phía xa xa, và ngôi chùa đứng biệt lập nơi sườn núi, ngọn bảo tháp vươn mình khỏi lùm cây, vẳng đưa tiếng chuông ngân nga lan nhẹ trong gió chiều.

Khôi đưa mắt nhìn bức tranh tuyệt tác của thiên nhiên xoa tay mãn nguyện:

- Đẹp quá! Chúng mình cắm trại ở đây thôi…

*

Chiếc lều vải được căng lên, ở vị trí Khôi đã lựa chọn. Bữa cơm ngoài trời do hai anh em tự tay nấu nướng không kém phần thịnh soạn. Ăn xong, họ thấy khỏe khoắn trở lại. Cả ngày hôm ấy họ đã vượt sáu mươi cây số bằng xe máy và leo bộ khá vất vả kèm theo cả chục ký hành trang đeo trên vai.

Việt ngả lưng vào thân cây, lôi chiếc kèn Harmonica trong túi áo ra, và nhìn vòm trời lấp lánh ánh sao, thổi một nhịp điệu êm dịu.

Việt vẫn nhỏ thó như vài năm về trước, tuy có cao hơn đôi chút. Cặp mắt đen lay láy với bộ tóc húi ngắn của Việt làm cho gương mặt của anh có vẻ ranh mãnh nghịch ngợm.

Âm điệu của tiếng kèn do Việt thổi lên như lẩn biến vào màn đêm đang buông xuống.

Khôi, đứng trước cửa lều cặm cụi đóng lại chiếc cọc néo cho chắc. Thân hình Khôi rắn rỏi vạm vỡ hơn Việt nhiều. Nhìn Khôi người ta thấy cái sinh lực tràn đầy của tuổi trẻ. Khôi vẫn luôn luôn là một thiếu niên ham hoạt động, gan dạ, ưa xê dịch, thích khám phá, và mạo hiểm.

Tình bạn của Khôi, Việt mỗi ngày một thêm bền chặt. Ở hai người, tuy thân hình đến tính nết đều khác nhau nhưng lại vẫn bổ khuyết cho nhau được. Cái khôn lanh của Việt vẫn đi đôi với cái gan dạ của Khôi, và cái cứng cỏi liều lĩnh của Khôi thường có cái dè dặt suy tính của Việt ngăn bớt lại. Nhưng cả hai hợp nhau ở chỗ thích du ngoạn, ưa khám phá những mới lạ nên hễ có dịp là rủ nhau cùng đi.

Đôi bạn thường rong xe trên các nẻo đường quê hương, mang theo đủ dụng cụ cho một cuộc cắm trại. Chiều đến, họ nghỉ lại bên một giòng suối, hoặc tại một bìa rừng, hay trên một cánh đồng cỏ nào đó. Rồi sáng hôm sau họ lại nhổ trại ra đi trong buổi rạng đông mát mẻ, lòng thảnh thơi, sảng khoái trước cảnh đẹp thiên nhiên.

Mỗi lần có dịp là đôi bạn trẻ xa lánh ngay cái không khí đầy bụi bậm oi nồng của đô thị. Lần này, họ đi về miền tây, ngắm cảnh núi đồi tiếp giáp bên đường biên giới.

Trong mọi cuộc đi, Khôi vẫn thường đóng vai điều khiển. Anh nói như phân giải với bạn:

- Mình cắm lều ở đây, gần hai biên trấn, giữa đồn thương chánh của cả Việt lẫn Mên. Biết đâu chúng mình lại chẳng được dịp chứng kiến một chuyện buôn lậu nào đó không chừng!

Việt nhún vai:

- Lúc nào cậu cũng mơ tưởng có thế! Chỉ thích những chuyện rắc rối! Ở đây ngày đêm đều có canh gác cẩn mật. Tháp canh của hai bên đều có ở mọi ngả đường, làm sao còn xảy ra những chuyện “lạ” như cậu tưởng tượng được?

- Thế cậu xem báo, không thấy thỉnh thoảng có những vụ bắt được những tay “bờ lờ” mang hàng lậu thuế vượt biên giới là gì?

- Ồ các ông phóng viên nhà báo nhiều khi các ông ấy cũng phóng đại ra cho bài báo có vẻ hấp dẫn vậy thôi.

Tuy nói thế nhưng với bóng đêm mỗi lúc một dầy đặc bao trùm cảnh vật cùng muôn ngàn tiếng côn trùng rỉ rả nổi lên, Việt cảm thấy câu chuyện buôn lậu, giữa cảnh núi rừng trùng điệp này rất có thể xảy ra được…

Cảm nghĩ của Việt chợt bị tiếng nói của Khôi cắt đứt:

- Cậu nghĩ gì mà thừ người ra thế, Việt?

- À, tớ đang nghĩ vẩn vơ… Như hiện thời thì tớ nghĩ rằng: con đường biên giới này thật là mông lung, huyền hoặc; đó chỉ là một đường do các nhà ngoại giao ấn định và các nhà địa dư vạch trên bản đồ! Suốt buổi chiều nay chúng ta đã đi dọc theo biên giới. Ngoài những trạm canh rải rác đó đây, cậu có nhận rõ được chỗ nào là của bên này, chỗ nào của bên kia không?

Khôi tiến lại gần bạn đáp:

- Tất nhiên là khó mà nhận ra được!

Việt tiếp:

- Bên này và bên kia biên giới cũng là một cánh đồng. Bụi cây mọc bên này cũng giống bụi cây bên kia. Hoa màu đều tương tự. Ruộng lúa, con đường đất đỏ với những gò đống, rạch nước v.v… nói đúng ra đều không có quốc tịch. Ngay cả những ngôi nhà mái lá thấp lè tè, hoặc mái ngói mốc rêu đều chẳng có gì phân biệt cả…

Khôi không hiểu rõ bạn định đi tới kết luận nào, sốt ruột hỏi:

- Rồi sao nữa?

Việt ấp úng:

- À, rồi thôi! Không sao cả…

Khôi đặt tay lên vai bạn:

- Việt, cậu định giấu tớ điều gì! Tớ thấy cậu… làm sao ấy!

Việt lắc đầu:

- Không tớ chẳng sao cả… chiều nay tớ chỉ không được sung sức thôi!

- Cậu phải nói thật đi! Tớ biết cậu chưa nói hết ý nghĩ của cậu…

- Tớ nói thật mà… Nhưng nếu cậu muốn biết rõ hơn thì thú thật với cậu là chiều nay, chẳng hiểu vì sao, tớ cảm thấy không được yên tâm. Có lẽ tại tớ mệt, hoặc vì tại cái… biên giới mập mờ và khó hiểu này…

- Hay tại cậu đã thấy những con chó?

- Cũng có thể! Mà thôi đừng nghĩ vẩn vơ nữa hay hơn.

- Phải đấy, theo tớ thì ở đây chẳng có điều gì đáng cho ta lo ngại cả.

 Đây không phải là lần đầu mà chúng ta cắm lều ở một nơi hẻo lánh. Ngôi nhà có những con chó dữ cũng cách chúng ta khá xa… Tốt hơn chúng ta nên đi ngủ. Cậu sẽ khỏi bị những ý nghĩ viễn vông ám ảnh.

Việt gật đầu, mỉm cười với những ngôi sao trên trời và khoác tay Khôi cùng trở về lều, anh thổi mạnh chiếc kèn cho trổi lên những âm thanh vang vọng vào đêm.