Bao Công nghe xong chúm chím cười, lật đật sai người đi bắt Phùng Quân Hoành. Bấy giờ huyện Tường Phù đã giải Nhan Xuân Mẫn tới, Bao Công bèn lấy công văn xem, xem xong đòi Nhan Xuân Mẫn lên hỏi. Xuân Mẫn thấy Võ Mặc quỳ trên thềm, thời rất buồn hỏi rằng: "Mi tới đây làm gì?". Võ Mặc chưa kịp trả lời, thì tả hữu bước tới mở trói cho Xuân Mẫn. Xuân Mẫn khúm núm quỳ xuống. Bao Công thấy tướng mạo nghĩ thầm rằng: "Người lương thiện thế này, lẽ nào lại giết Tú Hồng". Nghĩ rồi bắt đầu hỏi, Xuân Mẫn cứ như lời đã khai tại huyện mà khai lại. Bao Công nói: "Con Tú Hồng ăn ở như vậy đáng ghét lắm, song ngươi là khách không biết phép lịch sự đối với chủ, thế nào là đánh cho phải kiêng chủ nhà sao? Vậy chớ ngươi giết nó tại chỗ nào, hồi nào, đi ngả nào, hãy nói lại nghe coi?". Xuân Mẫn nghẹn họng, không biết trả lời làm sao. Còn đương ngần ngại, Võ Mặc quỳ bên cạnh khóc rằng: "Cậu nên liệu lời mà khai, ở nhà bà trông đợi cậu lắm!". Xuân Mẫn nghe nói như vậy, bất giác gan đau như chích, ruột rối như vò liền cúi đầu khai rằng: "Tội tiểu nhân đáng chết, xin tướng gia lấy đức. Nguyên hôm nọ con Tú Hồng có đưa thư, tiểu nhân chưa kịp xem, kế có Phùng Quân Hoành tới mượn sách, lúc y ra về, tôi tìm lại thời thư nọ đã mất, còn về sau này xảy ra sự gì thì tiểu nhân không được biết. Cho đến ước hẹn tại cửa ngách thế nào, tôi cũng không được rõ". Bao Công nghe nói bấy nhiêu đã rõ ý rồi, cho chủ tớ Xuân mẫn lui xuống, bảo sai dịch giải Quân Hoành tới, Bao Công hèn vỗ án hét rằng: "Quân Hoành gia kia, giả danh, đoạt của, hiếp gái lỡ tay thế nào, mau khai ngay ra". Quân Hoành đáp: "Tôi không có việc ấy, lấy gì khai cho được, Bao Công xem tướng và khí sắc Quân Hoành biết là đứa bất lương, liền sai tả hữu đem hình cụ ra tra. Quân Hoành bây giờ không gan nào chối nổi, bèn đem cả chuyện làm thơ, mượn quạt, trộm thư đến lúc giả danh bóp cổ Tú Hồng... từ đầu chí cuối khai lại một lượt. Bao Công đợi khai dứt liền bắt ký tờ cung, rồi xuống lệnh dùng Cẩu đầu trát chém Quân Hoành. Còn Liễu Hồng thời gọi lên mà rằng: "Nhan sinh chịu oan, Kim Thiền tự vẫn, Tú Hồng bỏ mạng, Lư Tử đứt đầu, cho tới Quân Hoành bị tử hình cũng tại mi tham giàu phụ khó mà ra. Tội mi đã đành chịu chết hay chưa?". Liễu Hồng nghe nói hồn vía lên mây, cúi xuống lạy mà rằng: "Xin tướng gia ban phúc tha chết cho thân già, xin nguyện lập công đền tội". Bao Công gật đầu mà rằng: "Vậy mi phải nuôi dưỡng Nhan sinh như đãi quý khách, các thức cần dùng phải cung cấp, sang năm ứng khảo dầu đậu dầu rớt cũng phải cho thành hôn. Nếu có điều chi sơ sót, đừng trách Cẩu trát nọ vô tình". Liễu Hồng vâng dạ, Bao Công lại kêu Nhan Xuân Mẫn răn rằng: "Ngươi đọc sách thánh hiền, sao không phân được việc lớn, việc nhỏ. Từ nay về sau nên nhớ “. Nhan sinh cúi đầu dạ dạ. Liễu Hồng dắt tay Xuân Mẫn cùng Điền Thị, Võ Mặc trở về Song Tinh Kiều.
Lại nói Triển Hùng Phi từ giã anh em họ Đinh, trở về dọc đường cứu Nhan Phúc, tới nhà giao cả các việc cho lão bộc Triển Trung, rồi lật đật trở về phủ Khai Phong. Công Tôn Sách và bốn dũng sĩ Vương, Mã, Trương, Triệu thấy chưa mãn phép mà tới, lấy làm lạ, xúm nhau hỏi, song Triển gia không cho biết là Bạch Ngọc Đường tìm mình, chỉ nói tế tổ xong, không bận việc gì nên quay về.
Án của Nhan Xuân Mẫn xử xong, Bao Công nhớ tới việc bỏ thư để kiếm, bèn cho mời Triển Hùng Phi tới cậy hết sức ngăn phòng, Triển Chiêu dạ lui ra đem chuyện ấy bàn với Công Tôn Sách rằng: "Tôi sở dĩ trở lại kinh sớm là bởi có Cẩm mao thử Bạch Ngọc Đường đi tìm. Mà việc để kiếm bỏ thư thì cũng của Ngọc Đường lập mưu cứu Xuân Mẫn. Nay án Xuân Mẫn xử xong rồi, chắc y không còn quấy rối ta nữa, cần chi mà tướng gia dạy phải hết lòng phòng bị“. Công Tôn Sách nghe nói cả cười rằng: "Nếu quả có người ở đảo Hãm Không tới tìm đại ca, thời đại ca phải hết lòng phòng ngừa mới được. Bạch Ngọc Đường tìm đại ca chẳng phải giao hảo, mà là quyết tranh đấu đó". Triển Chiêu nói: "Tôi với năm vị hào kiệt ở đảo Hãm Không có thù hiềm gì đâu?" Công Tôn Sách nói: "Đại ca nghĩ lại coi năm vị ấy đều lấy chữ Thử là chuột làm hiệu, còn đại ca lại xưng Ngự miêu là mèo, lẽ nào mèo không bắt chuột. Ngọc Đường đi tìm đại ca là lẽ đó”, Triển Chiêu nói: "Nếu Cẩm mao thử vì lẽ đó mà tới đây, tôi xin chịu lỗi mà bỏ hiệu ấy đi". Triệu Hổ đương cầm chén rượu nghe nói vậy liền đứng lên nói rằng: "Ngự miêu là hiệu của Thánh thượng ban cho đại ca, tội gì mà bỏ, nếu có Ngọc Đường, Ngọc Mật tới đây sinh chuyện lôi thôi, tôi hâm cho y một chén rượu thì y biết”. Nói dứt lời cái ly cầm trên tay đánh keng một tiếng, xem lại thì đã bị một viên đá đánh tan ra từng mảnh. Ai nấy thất kinh. Triển Chiêu lật đật thổi đèn, rồi cởi áo ra xách bảo kiếm, bước đến giả bộ xô ra, thời nghe một tiếng cộp khác. Đó là một viên đá chọi vào cửa. Triển Chiêu chờ viên đá rớt xuống tới mặt đất, bèn khoát cửa nhảy ra lẹ như tên. Thấy ở ngoài có một người tương tự như người đã gặp ở Miêu Gia tập, huơ kiếm nhảy tới chém. Triển Chiêu bèn ráng sức đỡ mạnh một cái thật mạnh nghe rổn một tiếng, kiếm của người ấy gãy làm hai đoạn, vừa muốn lướt chém lại thời thấy đánh vụt một cái, người ấy đã nhảy tót lên nóc lầu rồi. Triển Chiêu không dám nhảy theo, e có miếng chi lạ hay là dùng kế ám khí, nên bước quanh lại bên tường, chợt thấy trước mặt xẹt tới một vật, vừa né đầu tránh, cái khăn bịt trên đầu rớt xuống đất, nghe tiếng cộp, biết là viên đá. Triển Chiêu quay đầu nhìn lại thời người ấy đã đi mất rồi. Bây giờ trong công sở, bốn dũng sĩ dốc người xách đèn lồng và khí giới ra tiếp và tìm kiếm các nơi song không thấy tăm dạng gì cả.
Ai nấy đều lấy làm lạ, bàn luận ầm ã, kế có lệnh Bao Công đưa tới, đòi Công Tôn Sách và Triển Chiêu vào hầu. Hai người vào thư phòng bái kiến Bao Công và thuật lại chuyện khi nãy. Bao Công nghe xong, gật đầu và dặn rằng: "Việc xảy ra như vậy không dễ gì mà bắt được, vậy cần phải dè dặt canh phòng là tốt hơn". Triển Chiêu và Công Tôn Sách vâng dạ lui ra. Từ hôm đó không có điều gì xảy ra nữa.