Lời Lư Phương nói vừa dứt, thấy có người vào bẩm, có Liễu viên ngoại xin ra mắt. Lư Phương hỏi các em rằng: "Người ấy thế nào?". Tưởng Bình nói: "Người ấy là học trò của Cửu đầu thái tuế Cam Mậu tên Liễu Thanh hiệu là Bạch diện phán quan, không rõ tới đây có việc gì?". Lư Phương nghe xong bảo ba em núp qua một bên, còn mình bước ra tiếp, thời thấy Liễu Thanh hình cao, vóc ốm, mặt trắng môi son, lộ vẻ khôn ngoan, rất nhiều quỷ kế. Hai người thông tên họ nhau rồi, cùng ngồi xuống uống trà. Lư Phương liền chắp tay đứng dậy hỏi rằng: "Đã lâu rồi, được nghe danh quý khách, muốn được ra mắt mà chưa có dịp, nay may được gót ngọc tới thăm chẳng biết có điều chi dạy bảo chăng?". Liễu Thanh đáp: "Tôi cũng vì luyến mộ lòng nghĩa hiệp của tôn huynh nên tới đây có chút việc riêng. Nhân vì quan Thái thú chỗ tôi ở là Tôn Trân con của quan Binh mã tư Tôn Vinh lại là cháu ngoại của Thái sư Bàng Kiết. Tên ấy làm quan rất tham lam hà khắc, lột da thắng mỡ dân chúng mà giàu. Nay tới ngày khánh chúc của Bàng Kiết, nó giả đi lễ thọ tám chậu cảnh trong ấy chôn ngàn lượng vàng ròng, cố ý xu nịnh cầu vinh. Tôi nghĩ muốn lấy vàng ấy để cứu chẩn cho dân nghèo, chớ chẳng lòng chi tham tiếc, song ngại đơn thân, độc lực khó nổi nên việc tới đây xin tôn huynh giúp đỡ". Lư Phương nói: "Tôi thuở nay lo lắng làm ăn, chưa từng biết đón đường giật của, chuyện ấy xin túc hạ nghĩ kế khác". Nói rồi đứng dậy kiếu lui, Liễu Thanh nghe nói mặt trắng biến hồng, cả thẹn đứng dậy đi ra, bụng bảo dạ rằng: "Nghe đồn Lư Phương là người hào hiệp trượng nghĩa, thế nghĩa hiệp ở đâu? Thật là lầm lắm!”. Liễu Thanh đi ra khỏi cửa ngõ chợt thấy một tên trang đinh đón thưa rằng: "Xin Liễu gia dừng gót, có ba vị Viên ngoại tới rước". Liễu thanh ngó lên thấy Hàng Chương, Từ Khánh, Tưởng Bình đi tới, liền thi Lễ. Tưởng Bình bèn chỉ tên họ từng người, rồi nói với Liễu Thanh rằng: "Việc của tôn huynh tính khi nãy, bọn tôi đều rõ rồi, đại ca tôi vì có sự lo, không hứa giúp, đó là phụ lòng tôn huynh, vậy chúng tôi xin mời lại đại sảnh đàm đạo thêm". Liễu Thanh nghe nói cả mừng, cùng trở lại. Tới đại sảnh, trà nước xong xuôi, Tưởng Bình bèn hỏi tội ác của quan Thái thú Tôn Trân và mưu kế của Liễu Thanh rồi sẽ tính. Liễu Thanh đáp: "Nguyên tôi có vật tổ truyền là Mông Hán dược và Đoạn Hồn hương, đến lúc thi hành sẽ làm vậy... làm vậy... thì tức khắc nên công”. Anh em nghe nói vui mừng, vỗ tay reo cười. Bấy giờ Liễu Thanh nhớ lại khi nãy Tưởng Bình nói rằng Lư Phương có việc phải lo, bèn hỏi, Hàng Chương đem chuyện Bạch Ngọc Đường đi tìm Ngự miêu thuật lại. Liễu Thanh nghe nói cười rằng: "Đã có dịp như vậy thời lại càng tốt, chúng ta vừa đi tìm ngũ gia vừa làm việc nghĩa, nhất cử lưỡng tiện sướng biết bao nhiêu”. Nói xong hẹn hò ít lời, rồi ra về.
Hôm sau, Lư Phương thết tiệc đưa ba em lên đường. Khi tiệc mãn, cùng nhau từ biệt, Lư Phương dặn dò ít lời rồi trở vào. Còn ba anh em Hàng Chương cùng nhau thượng lộ, cứ chỗ hẹn với Liễu Thanh mà tới vì ba người ấy chỉ mong làm thế nào đoạt được vàng của Tôn Trân, nên chưa nóng việc tìm bạn. Bởi vậy Bạch Ngọc Đường mới được thong dong ở Đông kinh, làm nhiều chuyện quỷ thần ngang dọc. Từ khi Ngọc Đường tỷ thí với Triển Chiêu rồi, về nhà trọ nằm nghĩ rằng: "Ta xem người họ Triển này võ nghệ rất giỏi, chẳng phải bậc thường, mà lại nom giông giống gã mình đã gặp ở Miêu Gia tập lúc trước. Nghĩ cũng lạ, cái hiệu Ngư miêu có phải tự ý y đặt ra, hay là Thánh thượng phong tứ. Nếu quả Thánh thượng phong tứ thời ta cũng nên vào hoàng cung náo động ít cuộc chơi. Một là làm cho Thánh thượng biết không phải ở đời chỉ có họ Triển là giỏi, mà lại còn có họ Bạch nữa. Hai là cho rõ tài của bọn ở đảo Hãm Không. Ba là vì việc ấy chắc Thánh thượng sẽ sai Triển ngự miêu dò xét, ta nhân ấy bẫy y vào đảo Hãm Không rồi coi mèo bắt được chuột, hay là bọn chuột ăn mèo. Làm được như vậy cái danh và tấm thân của Ngọc Đường này mới khỏi phí hoài". Ngọc Đường nghĩ xong lại lo rằng: "Nếu ta làm như vậy, mà cứ ra vào nhà trọ, thế nào cho tiện, chi bằng tìm chốn vắng vẻ hẻo lánh, ẩn thân, khiến cho người không thể bắt bóng đạp hình được". Chí đã quyết, liền cứ thế mà làm.
Tại Vạn Thọ Sơn có người Tổng quản tên là Quách An, nguyên cháu gọi Quách Hòe bằng chú. Từ ngày Quách Hòe bị tội, thời căm giận Trần Lâm lắm, lại thấy Trần Lâm được thăng chức Đô Đường thời quyết tìm mưu hại cho được. Một buổi chiều nọ, Quách An đương ngồi, thấy tên thái giám tâm phúc của mình là Hà Thường Hỉ bưng một bình trà đem tới, liền hỏi rằng: "Trà gì mà mi bưng đó vậy?". Hà Thường Hỉ đáp: "Đây là Long Tĩnh, tiểu tử đem dâng cho Tổng quản dùng, kẻo trà hôm qua không được ngon”. Quách An hỏi: "Mi tìm trà này ở đâu?” Hà Thường Hỉ đáp: "Tôi mới vào viện Đô Đường, thấy có trà ngon, mới lắm, nên dâng cho Tổng quản dùng”. Quách An nghe nói tới hai chữ Đô Đường thì nhớ lại thù chú, bèn hỏi: "Mi có biết được Đô Đường là người thế nào không?". Hà Thường Hỉ đáp: "Tôi tuổi đã nhỏ lại không thạo việc, đâu có thể xem được người?". Quách An lại hỏi: "Vậy mi vào viện Đô Đường có thấy điều gì, nói nghe chơi". Hà Thường Hỉ nói: "Không có chuyện gì lạ, duy lúc tôi vào, Đô Đường. có đem khoe một hộp nhân sâm, nói rằng Thánh thượng thấy ngài già cả, khí suy huyết kém, thương cho lúc trước cực nhọc quá nhiều, nên thưởng cho thánh dược để uống, sống lâu thêm tuổi". Quách An nghe nói chau mày nghĩ rằng: "Ta đã quyết lòng trừ lão ấy cho dứt hậu hoạn, thế mà không thể giết ngay được, lòng ta vẫn đương căm tức đây. Thôi đừng mong, đừng mong được sống lâu thêm tuổi mà lầm!".
Thật là:
Vì thương chú, quên phân phải trái,
Bởi ghét người, tính lập mưu sâu.