BÃO TÁP CUNG ĐÌNH

Tựa

Tôi vốn không có ý định viết gì thêm ngoài những gì đã được trình bày trong sách. Bởi tất cả những ý đồ nghệ thuật, người viết đều bày xếp trong đó cả. Cho nên khi sách đã in rồi, nếu dở cũng không có cách gì biện bác để trở thành hay được. Nếu nó quả thực đã xuôi tai người đọc, hà tất phải dài dòng thêm nữa.

Thế nhưng cứ sau mỗi lần tái bản thì từ các bậc cao niên vào hàng túc nho, cũng nhưng các bậc thiện trí thức ưu thời mẫn thế, đều khích lệ tôi nên hé lộ cho độc giả biết, vì sao tôi viết tiểu thuyết lịch sử. Lại vì sao tôi chọn nhà Trần để viết. Và vì sao tôi không viết theo lối thông sử, lại cắt ngang lịch sử, chọn những thời điểm gay cấn nhất để làm nền cho cốt truyện. Và nữa, các độc giả ít tuổi thì hỏi tôi lấy tài liệu lịch sử ở đâu mà phong phú thế. Tại sao tôi có thể am hiểu đời sống chính trị xã hội cách đây tới bảy, tám trăm năm để có thể tạo dựng lên được gương mặt xã hội thời đó. Tại sao tôi lại biết được cả y phục, ngôn ngữ và phong tục, tập quán thời đó để mô tả… Với các độc giả trong quân đội, khi đọc “Thăng Long nổi giận” thì hỏi tôi dựa vào đâu để có thể dựng lại được cả một mặt trận quy mô như thế. Và với tất cả những mưu mô ác độc của quân thù cũng được phơi bày. Vân vân và v.v…

Vâng, những câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng đó lại là một kho vốn liếng cho bất cứ một văn nghiệp nào.

Trước khi tường giải, mong bạn đọc hiểu cho: Sức người có hạn, dù lao động chân tay hay trí óc cũng vậy thôi. Tôi vốn không phải người giỏi giang uyên bác gì. Chẳng qua chỉ chịu khó học và hỏi, rồi tích lũy những điều mình đã học đã hỏi được mà cảm thấy có ích vào một kho chứa, nhưng có thể lấy nó ra dùng bất cứ lúc nào. Vậy là vốn liếng tôi đều vay mượn của thiên hạ.

Nhiều lúc tôi tự hỏi, phải chăng đây là một duyên nghiệp mà định mệnh đã ưu ái ban cho. Và những gì thuộc về huyền linh vô thức đều do định mệnh chi phối, chứ thực quả tôi cũng không có làm gì hơn một tên “phu chữ”.

Tôi xin được phép không đi vào giải đáp lần lượt từng câu hỏi một, mà chỉ xin bày tỏ đôi điều. Và tin chắc sẽ không làm hài lòng tất thảy quý vị độc giả.

Xin thưa, khi đã viết được văn in báo, in sách, thậm chí tới 5 - 6 đầu sách, tôi vẫn chưa dám nghĩ tới việc viết tiểu thuyết lịch sử. Mặt dù tuổi thơ tôi rất hiếu đọc, đặc biệt là các loại tiểu thuyết lịch sử của cả trong nước và ngoài nước. Các truyện nôm khuyết danh tôi không bỏ cuốn nào, và thuộc khá nhiều. Loại truyện danh nhân văn hóa, hoặc tiểu sử các nhà khoa học cũng nằm trong sưu tập của tôi.

Khi lớn lên, tôi tìm đến các bộ lịch sử như: “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn, “Việt sử tiêu án” của Ngô Thời Sỹ, “Lịch triều hiến chương” của Phan Huy Chú, “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim, “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sỹ Liên v.v…

Đọc chính sử đối chiếu với các tiểu thuyết lịch sử của các nhà từ “Hoàng Lê nhất thống chí” của văn phái họ Ngô, tiếp đến các nhà văn cận hiện đại như Nguyễn Triệu Luật, Ngô Tất Tố, Phan Trần Chúc, Lan Khai, Trúc Khê Ngô Vân Triện, Đào Trinh Nhất, Nguyễn Huy Tưởng, Trần Thanh Mại và sau này là Chu Thiên, Nguyên Hồng, Hoàng Yến, Quỳnh Cư, Thái Vũ, Hoài Anh…

Dường như đây là tất cả các tác giả ít nhiều có viết truyện lịch sử của nước ta, kể từ “Hoàng Lê nhất thống chí” ra đời từ cuối thế kỷ 18 tới nay. Con số người viết thể loại này thật quá ít ỏi.

Khát vọng của tôi là muốn mở to đôi mắt nhìn vào quá khứ, thấy được những điều kỳ diệu, và cả những khổ đau xưa cha ông ta đã tạo dựng và nếm trải. Nhưng quá khứ luôn được phủ bởi một lớp sương khói khi thì dày đặc đến mịt mờ, khi thì bảng lảng khiến tôi có thể nhận diện được lịch sử. Và vì vậy, ước vọng của tôi cứ mãi mãi lùi xa.

Có một lần tôi thử làm một nhận xét sau khi đọc hầu như tất cả các tác phẩm tiểu thuyết lịch sử của các nhà. Tôi giật mình nhận thấy, tại sao trải qua các triều đại huy hoàng như Lý - Trần - Lê, mà vẫn chưa có được một bộ tiểu thuyết nào khả dĩ như “Tam quốc”, “Thủy hử”, “Pi-e đại đế”, “Ba chàng lính ngự lâm”, “Aivanhô” v.v… của các nước Trung Hoa, Nga, Pháp, Anh.

Và một điều khinh ngạc nữa là các triều đại với các bậc vua giỏi như Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành… Lý Thái tổ, Lý Thái tông, Lý Thánh tông… Lê Thái tổ, Lê Thánh tông v.v… mà dường như bóng dáng họ đều bặt vắng trên văn đàn, hoặc có được nhắc đến thì cũng đóng vai phụ làm nền cho các danh tướng như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Nguyễn Trãi… lừng lững nổi lên như những chủ thể duy nhất của các triều đại ấy.

Chính những điều đó làm tôi trăn trở, nghĩ suy. Thử hỏi không có Trần Thánh tông, Trần Nhân tông là các bậc vua anh hùng đức độ, giỏi về triết học, văn chương, tài năng quán thế về chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, đoàn kết hết thẩy mọi tầng lớp người trong nước để huy động vào việc chống ngoại xâm, thì dễ gì các bậc tể thần như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật … làm nên nghiệp lớn.

Lại như khi giặc Minh sang xâm lược, nhà trí thức lớn Nguyễn Trãi, sau khi tiễn cha tới ải Nam Quan trở về, còn nằm nghe ngóng tình hình tại một góc thành Đông Quan, thì Lê Lợi đã phất cờ tụ nghĩa trên đất Lam Sơn, nhiều phen làm cho quân thù điêu đứng. Và mãi tới lần thứ hai ra mắt Lê Lợi, Nguyễn Trãi mới dâng “Bình Ngô sách”, mới nhập cuộc.

Ấy thế mà các tác giả văn học và văn học sử, hầu như chỉ viết về trận mạc với vai trò của một số vị tướng.

Lại những năm gần đây, khi đánh giá Nguyễn Trãi với thời đại của ông, các nhà sử học mải tôn vinh ông mà quên khuấy mất vai trò của Lê Lợi, người anh hùng số một trong công cuộc đánh giặc Minh tàn bạo - người làm ra lịch sử.

Đành rằng như Trần Hưng Đạo là linh hồn, là trụ cột trong cuộc đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ 13, Nguyễn Trãi là linh hồn của nghĩa quân Lam Sơn trong công cuộc bình định giặc Minh thế kỷ 15.

Ngay cả các bậc đại hùng đại trí ấy, cũng chưa phải là nhân vật duy nhất, là nhân tố duy nhất quyết định chiều hướng phát triển của lịch sử.

Một điều nữa làm tôi trăn trở, rằng dân tộc ta có một quá khứ dựng nước và giữ nước đầy nhọc nhằn và kiêu dũng, không thua kém một dân tộc nào, nhưng sao thế giới biết đến ta quá ít.

Cũng bởi bộ môn tiểu thuyết lịch sử của ta chậm phát triển. Đến nỗi thanh thiếu niên của chúng ta rất thông thạo sử Tầu, sử Ấn, sử Hy - La, sử Anh, sử Pháp v.v… Trong khi đó có sinh viên đại học trả lời phỏng vấn: “Trương Định là tướng Lương Sơn Bạc”, và một hoa hậu trả lời các vị nữ anh hùng dân tộc có: “Hai Bà Trưng và Trưng Trắc, Trưng Nhị”; một thanh niên có bằng tú tài sinh ra và lớn lên tại phố Lý Đạo Thành mà không biết nhân vật này là ai v.v…

Những sự thật đau lòng ấy cứ dần dần thôi thúc tôi phải viết một cái gì đây về lịch sử; để cho con cháu hiểu được cội nguồn, tiên tổ. Ấy vậy mà vẫn chưa dám viết. Bởi tôi thấy sự hiểu biết và đánh giá các thời kỳ lịch sử, cũng như vai trò của các nhân vật lịch sử trong tôi chưa chín. Nói cho đúng, trình độ tôi chưa với được.

Mãi tới đầu thập niên tám mươi, tôi thường vào công tác phía Nam. Có năm tôi lang thang tại Sài Gòn và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tới mười tháng. Thấy dân tình có vẻ ngao ngán. Nhiều người bỏ nước ra đi. Những ca, vè đặt ra để phỉ báng lịch sử nhiều hơn là khích lệ mọi người phải vượt lên, khiến tôi nhức nhối.

Các bạn tôi ở Sài Gòn, nhất là tôi có người bạn tâm huyết, học với nhau từ thuở thiếu thời, anh thúc giục tôi, bằng mọi giá phải trở về với cội nguồn văn hóa dân tộc; phải làm một cái gì đấy thật cụ thể … Anh bộc bạch với tôi mọi suy tư của anh về thời cuộc, về truyền thống văn hiến của tổ tiên. Phải nói, anh đã thức dậy trong tôi niềm say mê trở về với nền văn hóa dân tộc. Vì thế, khi “Bão táp cung đình” được in, ngay trong đầu tôi đã có lời đề tặng anh.

Tuy vậy, tôi mới chỉ ráo riết chuẩn bị viết thôi chứ chưa dám bắt tay vào việc.

Duyên may tôi được mời đi dự “Hội thảo về Trần Nhân tông với phái Thiền Trúc lâm”, tổ chức tại Yên Tử - nơi Trần Nhân tông xuất gia tu Phật.

Sau hội thảo này, tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Tôi đã lờ mờ nhận ra vai trò của Trần Nhân tông trong lịch sử cũng như trong tôn giáo Việt Nam, nhất là phái Thiền Trúc Lâm.

Nghĩ về phương lược hòa bình của Trần Nhân tông đối với Champa, sau hai cuộc đại thắng giặc Nguyên - Mông 1284 - 1285; 1287 - 1288. Và mối nhân duyên giữa vua Champa Indrvarman III với công chúa Huyền Trân con gái út của ngài, sau gần một năm nhà vua qua thăm Chiêm Thành và điều đình tác hợp. Tôi liền làm một cuộc khảo sát văn hóa - phong tục Champa dọc theo ven biển miền Trung, bắt đầu từ Huế và kết thúc ở Bình Thuận. Qua khảo sát điền dã, kết hợp với các nguồn sử liệu, kể cả huyền thoại, cả những nơi thờ tự hai vị của hai dân tộc Việt - Chăm; lúc về, tôi viết Huyền Trân công chúa.

Nhà xuất bản Thuận Hóa đón nhận bản thảo rất hào hứng, và đưa ngay vào Sài Gòn in luôn 50.000 bản. Số lượng sách sau đó hai tháng đã bán hết. Nhà xuất bản Thuận Hóa đưa về Huế in nối bản 20.000 cuốn nữa mới có sách đưa ra phía Bắc.

Chính sự tiếp nhận của bạn đọc đối với tiểu thuyết lịch sử, là sự khích lệ đáng trân trọng khiến tôi lao vào viết tiếp.

Tức là viết cuốn “Bão táp cung đình”. Đây là thời kỳ chuyển chính quyền từ Lý sang Trần, và nhà Trần đi vào công cuộc hồi sinh đất nước,để chuẩn bị đối phó với quân Mông Cổ đang tràn sang xâm lược Trung Hoa, và chúng lâm le tiến vào Đại Việt.

Tôi thường suy ngẫm về vai trò của nhà chiến lược thiên tài Trần Thủ Độ. Thế nhưng qua sử sách các đời, vẫn coi ông là kẻ tàn bạo, lộng hành và bất trung. Càng nghiền ngẫm, tôi càng thấy không thể đồng tình với các nhà sử gia trung đại. Mặt khác, tôi cũng chờ đợi các nhà lịch sử đương đại phán xét. Nhưng tuyệt nhiên không có một cuộc hội thảo nào, về vai trò của Trần Thủ Độ với vương nghiệp nhà Trần (cho tới trước 1993). Còn với các cuốn sử được viết lại thời nay, tuy không phê phán nặng hơn các sử gia thời trước, song cũng chưa có một đánh giá khả dĩ về nhân vật lịch sử này.

Tôi nghĩ, Trần Thủ Độ đối với nhà Lý tựa như Mạc Đăng Dung đối với nhà Lê. Bởi tới thời điểm lịch sử ấy, hai nhà Lý và Lê đều đã suy đồi tới cực điểm. Song với quan điểm cố chấp, nếu không nói là ngu trung của các sử gia phong kiến, nên đã coi hai nhân vật lịch sử tầm cỡ này như là giặc của nhà Lý và nhà Lê.

Với tấm lòng của kẻ hậu thế, nhìn vào quá khứ với thái độ khách quan, kính cẩn và thận trọng, tôi mạnh dạn viết giai đoạn đầu của nhà Trần với vai trò chủ chốt của Trần Thủ Độ, mong trả lại sự công bằng cho nhân vật lịch sử cũng như giai đoạn lịch sử này. Tác phẩm viết xong từ năm 1988, nhưng mãi năm 1989 mới in được.

Sau khi tác phẩm ra đời, bạn đọc gần xa không những không phản ứng mà còn đồng tình cổ vũ. Thế là tôi lao vào viết tiếp hai tập “Thăng Long nổi giận”, nói về cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ II (1284-1285). Và “Vương Triều sụp đổ”, phản ánh 60 năm suy thoái rồi sụp đổ của cuối vương triều Trần.

Vậy là tôi đã hoàn thành bộ tiểu thuyết bốn tập về nhà Trần với 2.000 trang in. Đây không phải là bộ tiểu thuyết liên hoàn, bởi như phần trên đã nói, tôi cắt ngang lịch sử, chọn thời điểm gay cấn nhất để làm bối cảnh xã hội của truyện. Tuy nhiên, nếu độc giả đọc cả 4 tập theo thứ tự: “Bão táp cung đình” - “Thăng Long nổi giận” - “Huyền Trân công chúa” - “Vương triều sụp đổ”, sẽ hình dung một cách có hệ thống về triều đại này.

Và nếu như độc giả không có trọn bộ bốn tập, mà chỉ đọc riêng từng tập, vẫn nắm được trọn vẹn giai đoạn lịch sử mà tác phẩm phản ánh.

Cũng có bạn hỏi tôi chọn trường phái nào để viết.

Hiện trên thế giới đang tồn tại nhiều trường phái:

- Có trường phái tôn trọng các sự kiện lịch sử như nó đã xảy ra, trên cơ sở đó hư cấu, cấu trúc để tái tạo lịch sử, dựng lại gương mặt lịch sử như nó có. Và khi đọc, độc giả có cảm nhận: lịch sử là như thế. Điển hình cho trường phái này là Alexis Tolstoi nhà văn Nga, và tác phẩm nổi tiếng của ông là “Pi-e Đại đế”, “Con đường đau khổ”.

- Lại có trường phái không coi trọng sự thật lịch sử. Mà lịch sử chỉ là một cái cớ, để từ đó người nghệ sĩ biểu đạt cái mà mình cần phải biểu đạt. Điển hình cho trường phái này là Alexandre Dumas (cha) với tác phẩm “Les trois mousquetaires” (Ba chàng lính ngự lâm). Ông đã từng tuyên bố: “Qu’est ce que l’histoire? C’est un clou, auquel j’accroche mes tableaux” (Lịch sử là gì? Đó là một cái đinh, ở đó tôi treo móc những bức tranh của tôi).

- Và một trường phái khác cũng khá phổ biến, tức là dựa vào sự thật lịch sử, truyền thuyết lịch sử nhưng viết theo nhãn quan chính trị chính thống của thời đại tác giả. Tác phẩm được xem như có 40% sự thật và 60% hư cấu. Đó là trường hợp tiểu thuyết “Tam quốc chí” của La Quán Trung, được Mao Tôn Cương nhuận sắc theo cùng quan điểm.

- Một trường phái khác là dựa vào các sự thật lịch sử, sự kiện lịch sử rồi làm biến dạng nó đi một cách tự nhiên chủ nghĩa. Các nhân vật được đẩy lên hàng thần thánh hoặc tụt xuống hàng ma quái, yêu nghiệt. Và để cho hấp dẫn, các nhân vật được “chưởng hóa”. Loại tiểu thuyết này có tên là dã sử. Các tiểu thuyết đường rừng của nhà văn Lan Khai thuộc loại đó.

Ở Trung Quốc tiểu thuyết dã sử khá phát triển ví như “Phong Thần”, “Bí mật mả Tào Tháo”, “Mả Khổng Minh”, và hàng loạt tiểu thuyết “Chinh đông”, “Chinh tây” v.v…

- Còn một loại nữa, tuy không đủ sức trở thành trường phái nhưng đã thấy xuất hiện ở nước ta.

Đó là thể loại “Kể chuyện lịch sử”. Trong đó tác giả kể về các nhân vật và các chiến công của họ. Loại truyện này thường từ 30 trang tới 100 trang hoặc 200 trang, gồm nhiều mẩu ghép lại. Về dung lượng cũng như sức dựng truyện, dựng nhân vật chưa đạt tới trình độ tiểu thuyết. Và nó cũng không phát triển được.

Hiện nay loại hình hồi ký và tiểu thuyết lịch sử đang phát triển mạnh trên thế giới, nhất là phương Tây. Như nước Anh chẳng hạn, năm 1993 đã có hơn 1.200 đầu sách văn học viết về lịch sử được xuất bản. Riêng thi hào Byron có 300 đầu sách viết về ông.

Nước láng giềng của ta như Trung Quốc, đang ào ạt dựng phim theo tiểu thuyết lịch sử, và hàng loạt các hồi ký của các nhân vật tai mắt của thời đại, đã ra mắt công chúng.

Nhân dân có quyền được thông tin, kể cả thông tin về lịch sử. Đáng tiếc, về mặt này chúng ta làm được quá ít.

Còn một số câu hỏi mang tính bếp núc của nghề văn, như làm thế nào để biết phong tục, tập quán, y phục, ngôn ngữ… thời Trần. Đây là một vấn đề không nhỏ, mang tính nghề nghiệp khá lý thú. Tôi sẽ trình bày vào một dịp khác, mong bạn đọc lượng thứ.

Nhân đây, xin được tỏ lòng biết ơn, nếu như được các bậc cao minh chỉ giáo cho tác giả những điều còn thiếu sót, hoặc lầm lẫn trong khi viết.

Tác giả chịu ơn độc giả nhiều lắm.

Song càng viết, càng cảm thấy thiếu. Vậy xin mượn lời của một nhà thơ trữ tình nổi tiếng để kết thúc bài tựa này:

“Ai rằng vương nghiệp lung lay

Ta thành kính ngược thời gian hoài niệm”.

Hoàng Quốc Hải

Giảng Võ ngày Thân

Tháng Dần năm Đinh Sửu

(7-3-1997)