BÃO TÁP CUNG ĐÌNH

Lời Tòa soạn

Docsach24.com 

 Trước khi lên ngôi thiên tử, đạt đến quyền lực tối thượng hầu hết các triều đại phong kiến đều khởi nghiệp gian nan. Những ông vua đầu tiên phải tìm cách chinh phục, vỗ yên thiên hạ, làm phai mờ ấn tượng về triều đại cũ bằng nét rực rỡ, hoành tráng của triều đại mới. Phong kiến ở châu Á, châu Âu hay châu Phi đều không vượt qua quy luật này. Tất nhiên trừ một số trường hợp ngoại lệ mà trường hợp Thái tổ Lý Công Uẩn là ví dụ. Tuy vậy số này vô cùng hiếm hoi.

Ở nước ta, khi khởi nghiệp, nhà Trần một mặt lãnh trách nhiệm đảm bảo sự hưng vong của đất nước trước dân tộc, mặt khác chấp nhận tiếng thị phi khi mạnh tay gạt triều Lý đã mục nát sang một bên. Khó có triều đại nào giành lấy quyền lực kiểm soát đất nước, lập nên triều đại mới vừa bài bản, kế hoạch vừa quyết liệt, dữ dội như nhà Trần.

Có điều ấy có lẽ còn vì bối cảnh đất nước khi ấy đã quá bức bách. Trong nước dân tình ta thán do sự mục nát của hệ thống quan liêu nhà Lý, sản xuất buôn bán đình đốn. Bên ngoài giặc Nguyên - Mông lăm le xâm chiếm Đại Việt để rộng đường tràn xuống vùng biển Đông Nam Á. Không đứng ra thống nhất dân tộc thì sẽ lâm họa diệt vong. Bởi thế những cái đầu quyết đoán của họ Trần đã bước ra vũ đài chính trị Đại Việt.

Ngoài việc biết chọn đúng thời điểm giành lấy ngọn cờ lịch sử, có lẽ cái may của vương triều này còn thuộc về một điểm hết sức quan trọng - dòng họ này có quá nhiều nhân tài kiệt hiệt và họ đã có quá trình chuẩn bị hết sức chu đáo, kể cả việc đào tạo để con cháu có đủ trình độ, năng lực trên mọi lĩnh vực chứ không riêng gì quân sự.

Nói đến chuyện nhà Trần khởi nghiệp là phải nói đến vai trò và công lao của Thái sư Trần Thủ Độ. Bàn tay quyết đoán đến bạo liệt của ông đã giúp nội tình đất nước bình ổn tức thời. Người đời sau hay phê phán ông, đặc biệt nhiều sử gia ghi ông tội "chuyên quyền, lạm sát". Nhưng nếu đặt trong bối cảnh rối ren của đất nước khi ấy sẽ thấy Trần Thủ Độ khó lòng làm khác. Bởi trong giai đoạn khởi nghiệp những quyết định của ông đều là những quyết định có tính chiến lược, cực kỳ quan trọng, nó đòi hỏi phải sớm đem lại kết quả, không có nhiều thời gian để chờ vì lửa xâm lăng của ngoại bang đã ham háp vùng biên giới Đại Việt.

Tiểu thuyết lịch sử Bão táp cung đình của Hoàng Quốc Hải đưa ta về nước Đại Việt của thế kỷ XIII khi những anh thuyền chài bước ra vũ đài chính trị, bắt đầu gầy dựng sự nghiệp hiển hách cho dòng họ mình và cho cả dân tộc. Trên bối cảnh lịch sử ấy, mối bung xung trong quan hệ anh em, thầy trò; những cuộc đấu tranh quyền lực sẽ có cơ hội bùng nổ đến tận cùng cảm xúc. Những chuyện tình thơ mộng giữa những người anh em, chị em, thậm chí là cô cháu khiến ta bám vào trang mạch truyện hấp dẫn từ đầu đến cuối trong niềm say mê.

Cốt truyện, cái giá đỡ lịch sử ít nhiều bạn đọc đã biết. Phần còn lại là chi tiết truyện, giọng văn và cách dẫn dắt của tác giả sẽ làm nên sự lôi cuốn của bộ tiểu thuyết. Bởi thế, nói nhiều về một bộ tiểu thuyết lịch sử là điều sẽ làm nhiều độc giả phiền lòng.

Báo Bình Định đã từng giới thiệu và được bạn đọc nồng nhiệt chia sẻ tiểu thuyết lịch sử Huyền Trân công chúa. Hy vọng một lần nữa bạn đọc báo Bình Định sẽ có cảm giác thú vị tương tự với Bão táp cung đình.