BÀN TAY ÁNH SÁNG

Chương 18

THẤU THỊ

Trải nghiệm đầu tiên của tôi về thấu thị diễn ra một buổi sáng sớm khi tôi đang nằm trên giường quan sát sấu trúc hay hay của cơ và xương phía sau cổ của chồng tôi trong khi anh nằm nghiêng và đang ngủ cạnh tôi. Tôi nghĩ rằng cung cách mà các bắp thịt liên kết với các đốt sống thật đáng chú ý. Bỗng nhiên tôi nhận thức được việc tôi đang làm và vội vàng thôi không nhìn như vậy nữa. Tôi không muốn "quay lại" với mức độ thực tại đó trong một thời gian, cho rằng mình đã "hư cấu" ra mọi cái đó. Dĩ nhiên cuối cùng điều đó đã trở lại. Tôi bắt đầu "nhìn thấy" bên trong các bệnh nhân của mình. Ban đầu việc này làm tôi lúng túng, song sức thấu thị của tôi vẫn còn đó và tôi cứ tiến hành. Thấu thị liên quan đến thông tin khác mà tôi có thể thu được về các bệnh nhân hoặc từ họ hoặc từ các bác sĩ của họ.

Thấu thị là cách nhìn của con người thay cho máy X quang hoặc máy cộng hưởng từ hạt nhân (NMR) và cũng tinh vi như thế. Thấu thị bao gồm khả năng nhìn vào thân thể ở bất cứ độ sâu nào và với mức dung giải nào (trong một dãy nào đó) mà người ta muốn nhận biết. Nó là một phương thức mới để cảm nhận mọi vật. Nếu tôi muốn nhìn thấy một cơ quan, tôi tập trung vào nó. Nếu tôi muốn nhìn thấy nội dung bên trong cơ quan đó hoặc một phần riêng của nó, tôi tập trung vào đấy. Nếu tôi muốn nhìn thấy một vi sinh vật đang xâm phạm thân thể, tôi tập trung vào nó. Tôi nhận được những bức tranh của các vật này trông giống như những bức tranh thông thường.

Chẳng hạn, một buồng gan khỏe mạnh có màu đỏ thẳm, cũng giống hệt như khi nhìn bằng mắt thường. Nếu gan đã từng bị hoặc đang bị hoàng đản thì nó có màu nâu vàng bệnh hoạn. Nếu bệnh nhân đã được hoặc đang được chữa bằng hóa trị liệu thì gan thường có màu nâu ngả lục. Các vi sinh vật được nhìn thấy như thể chúng nằm dưới kính hiển vi.

Các trải nghiệm về thấu thị của tôi lúc đầu xảy ra tự phát, về sau trở nên dễ điều khiển hơn. Tôi bắt đầu hiểu ra rằng để thấu thị được như vậy tôi đã phải có một trạng thái khai mở, trong đó con mắt thứ ba (luân xa 6) của tôi đã được hoạt hoá và phần còn lại của tâm trí tôi đã ở vào một trạng thái tương đối tĩnh lặng, tập trung. Về sau, tôi tìm ra những kỹ thuật đưa con người đạt tới trạng thái đó, như vậy tôi có thể nhìn vào bên trong thân thể vào thời điểm tôi lựa chọn, miễn là lúc bấy giờ tôi có thể đi vào trạng thái tâm thần và cảm xúc này. Nếu tôi mệt mỏi, có thể tôi không làm được việc ấy, một phần là do khi mệt mỏi con người rất khó tập trung và làm tĩnh lặng tâm trí. Khi ta mệt mỏi cũng rất khó nâng cao tốc độ rung động của bản thân. Tôi cũng phát hiện ra rằng mở mắt hay không mở mắt cũng thế thôi, không có ý nghĩa đáng kể, trừ khi lúc đó mình xen kẽ nhận thêm thông tin bổ sung thì phải mở mắt ra để cho thông tin này đi vào qua đôi mắt mở. Đôi khi thông tin bổ sung này giúp cho việc tập trung; đôi khi nó lại gây trở ngại. Chẳng hạn, đôi khi tôi dùng mắt để giúp tập trung tâm trí vào nơi mình đang nhìn. Lúc khác tôi lại nhắm mắt lại để cố gắng không cho thông tin khác đang đi vào có thể làm tôi mất tập trung.

Docsach24.com

Các ví dụ về thấu thị

Một ví dụ về thấu thị được trình bày ở Hình 18-1. Phía trên bên trái cho thấy mặt trước bên ngoài của hào quang, phía trên bên phải cho thấy hình ảnh bên trong và minh họa phía dưới cho thấy mặt sau bên ngoài. Trường hợp này là một người bạn gái của tôi ngã trên băng bị thương ở vai. Khi tôi thao tác trên người chị, tôi có thể thấy "đám xuất huyết hào quang" từ mặt trước của vai, nơi mà chị bị mất năng lượng. Các vạch năng lượng ở mặt sau dọc theo cơ thang trở nên rối rắm và cần được uốn nắn lại. Tôi úp bàn tay phải của mình lên chỗ xuất huyết để cầm máu và gỡ rối ở lưng. Khi tiến hành việc này, tôi thấy đầu trên của xương cánh tay bị giập vỡ, và sau đó tổn thương này được khẳng định bằng X quang. Buổi chữa "ngắn ngủi" đó (nửa giờ) đã cầm được máu và gỡ được rối, giúp rút ngắn thời gian điều trị tổn thương xương.

Một ví dụ khác, trình bày ở Hình 18-2 là một u nang buồng trứng mà tôi đánh giá là có kích thước tương tự một quả bóng tennis, đường kính 7cm. Ngày 3 tháng Giêng (Hình 18-2A) nó có màu xám ngả xanh thẫm. U nang này đã được một bác sĩ chẩn đoán nhưng bệnh viêm khung chậu, có màu đỏ thẫm trên hào quang, thì không được ông phát hiện. Ngày 15 tháng Giêng (Hình 18-2B) u nang co lại còn 4cm thì bệnh viêm khung chậu mới được bác sĩ chẩn đoán. Ngày 21 tháng Giêng (Hình 18-2C) u nang còn 2cm nhưng màu đen hơn và cho thấy một hình xoắn ốc rất lạ dính vào u. Bệnh nhân theo một chế độ ăn kiêng chữa bệnh thanh toán được vấn đề (Lúc này tôi không chữa trị mà chỉ quan sát sự tiến triển). Ngày 29 tháng Giêng (Hình 18-2D) u lớn lên tới 3cm, kích thước của một đồng 25 xu, vào lúc bắt đầu kinh nguyệt (hiện tượng này thường xảy ra đối với các u nang). Ngày 6 tháng Hai (Hình 18-2E) u nhỏ lại còn 1cm, ngày 3 tháng Ba (Hình 18-2F) u biến mất hoàn toàn, với nhiều năng lượng khỏe khoắn trước kỳ kinh. Tất cả các quan sát này phù hợp về kích thước với những quan sát khung chậu do một bác sĩ tiến hành.

Bởi vì màu đen của u nang xuất hiện trên hào quang ngày  21 tháng Giêng, cho nên cả bác sĩ lẫn tôi đều khuyên bệnh nhân dùng kháng sinh. Bệnh viêm khung chậu (PID) thường kéo dài trong thời gian lâu (ở trường hợp này là 3 năm) đã được biết như là mở đầu cho sự phát triển của ung thư, vì vậy chúng tôi muốn ngăn ngừa bằng cách giải tỏa ổ nhiễm khuẩn. Bệnh nhân vẫn giữ chế độ ăn kiêng chữa bệnh suốt trong quá trình điều trị. Chị ta có thể hoàn toàn hết nhiễm khuẩn mà không cần kháng sinh, song chúng tôi không muốn điều may rủi. Theo kết quả nhìn thấu thị của tôi, phần nhiều u nang có màu đen. Ở giai đoạn sớm của bệnh, ung thư có màu xanh xám thẫm. Nếu nó tiến triển nó chuyển sang màu đen trên hào quang. Sau đó các đốm trắng hiện ra có màu đen. Khi những đốm trắng lóng lánh và bung ra như núi lửa thì ung thư đã di căn. Trong trường hợp này, u nang trở nên quá thẫm màu để chỉ ngồi chờ giải quyết vấn đề bằng chế độ kiêng khem có tác dụng tinh khiết hóa.

Hình 18-3A (trang 224) trình bày một trường hợp viêm khung chậu, nang buồng trứng và xơ buồng trứng. Như bạn có thể thấy, tri giác cao cấp phân biệt dễ dàng u nang với u xơ hiện ra trên hào quang có màu nâu ngả đỏ.

Hình 18-3B cho thấy một ví dụ về sử dụng thấu thị từ xa. Vào cuối một buổi học, một nữ sinh viên hỏi tôi có thể chữa cho một người bạn của cô ta bị hai u xơ được không. Trong khi cô sinh viên hỏi, tôi thấu thị thấy ngay vùng khung chậu của bạn cô. Tôi bèn vẽ lại hình ảnh nhìn thấy lên bảng đen. Hai tháng sau, khi bệnh nhân đến chữa chỗ tôi thì hình vẽ của tôi được khẳng định. Cái mà tôi nhìn thấy đã được chẩn đoán của bác sĩ khẳng định. Cô này có hai u xơ tương đối nhỏ hiện ra có màu nâu ngả đỏ trên hào quang. U bên phải ở cao hơn và bên ngoài tử cung, còn u bên trái ở thấp hơn và một phần dính vào tử cung.

Cái mà tôi đã không thể nhìn thấy từ xa mà chỉ quan sát được trong khi chữa trị là ở luân xa 2 đàng trước có một chỗ rạn có thể một phần do phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng trái. Luân xa này trước khi cắt buồng trứng ắt hẳn đã bị nhiễu loạn tạo nên rối loạn chức năng là chủ yếu. Tôi chắc chắn rằng cuộc mổ đã gây thêm chấn thương cho luân xa này. Cộng với chấn thương do phẫu thuật, phụ nữ thường rút năng lượng của họ ra khỏi khu vự có cắt bỏ buồng trứng bởi vì họ không muốn cảm nhận nỗi đau cảm xúc do mất một buồng trứng. loại tắc nghẽn năng lượng này ức chế quá trình chữa trị tự nhiên trong khu vực đó của thân thể, chỉ tổ làm cho chấn thương cuối cùng trở nên xấu hơn.

Tiên tri bằng thấu thị

Một ví dụ về tiên tri, hoặc sự báo trước của các thầy dạy tâm linh xảy ra hôm tôi đi thăm một chị bạn. Khi còn cách cơ quan của chị ba khu nhà, tôi nghe được tiếng mách bảo rằng chị ta không có ở đấy, rằng có thể chị ta đã bị một cơn đau tim và tôi cần phải chữa cho chị. Tôi thấy cơ quan khóa cửa, đến nhà thì thấy chị trong trạng thái đau đớn, cánh tay trái áp lên người. Cả buổi sáng chị đã ở phòng cấp cứu có máy đo điện tim. Hình 18-4 chỉ rõ những gì mà tôi nhìn thấy bằng thấu thị. Có một nỗi đau cảm xúc và sợ hãi mắc lại ở họng và đám rối thái dương, có năng lượng ứ đọng trong khu vực tim, thấm vào thân thể và lúc này đi thẳng ra sau tới hậu diện mạo của luân xa tim. Đốt sống ngực thứ năm bị lệch sang trái. Đốt sống này không phối hợp với những dây thần kinh kích thích tim mà lại nằm ở rễ của luân xa tim. Tôi cũng quan sát được một điểm yếu trên động mạch chủ ngay phía trên tim. Trong khi hai chúng tôi cùng thao tác để giải tỏa năng lượng ứ đọng xung quanh tim, bạn tôi buông lỏng chỗ tắc nghẽn cảm xúc ở vùng họng và vùng đám rối thái dương bằng cách san sẻ nỗi đau cho tôi và khóc lóc. Năng lượng màu tối trở nên sáng sủa, đốt sống ngực thứ năm trở lại vị trí cũ. Bạn tôi thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Điểm yếu trên động mạch chủ vẫn còn khi tôi ra về, nhưng về sau dần dần trở nên sáng hẳn.

Thấu thị vi mô

Hai ví dụ về thấu thị vi mô được trình bày trên hình 18-5A và hình 18-5B. Hình 18-5A cho thấy các vi sinh vật hình gậy nhỏ xíu đã tràn ngập vùng vai-cánh tay của một bệnh nhân được chẩn đoán là nhiễm khuẩn tựa bệnh phong. Tôi có thể nhìn thấy những vi khuẩn này thâm nhập vùng đó, cả cơ lẫn xương. Khi tôi thao tác chữa trị thì một luồng ánh sáng màu, lúc đầu có màu tím nhạt, về sau có màu ánh bạc rất mạnh tuôn vào thân thể và chan hòa vùng nhiễm khuẩn. Ánh sáng này làm cho các vi sinh vật rung động ở tốc độ lớn. Dường như nó đánh cho chúng long ra. Sau đó dòng chảy năng lượng quay tròn và hút các vi sinh vật ra khỏi thân thể.

Trong trường hợp bệnh AMI, (bệnh bạch cầu nguyên tủy bào cấp) ở bệnh nhân Rose đã được chữa bằng hóa trị liệu, tôi có thể nhìn thấy những vật tựa như hạt giống, màu trắng, bẹt, hình thù rất lạ hiện ra đang dính dáp với các hồng cầu (hình 18-5B). Khoảng một năm trước khi chị ta đến với tôi, một số bác sĩ đã bảo là chị có thể chết trong vòng hai tuần lễ. Vào thời điểm đó, lập tức chị được điều trị tích cực và tiếp tục hóa trị liệu. Chị kể rằng khi họ bảo chị  chỉ còn sống được hai tuần nữa thôi, chị đã nhìn thấy một ánh sáng óng vàng bàng bạc trong phòng và biết rằng mình sẽ không chết. Trên nhãn của các chai thuốc mà chị được chuyền trong thời gian nằm viện, chị đều viết lên mấy chữ "Yêu thương thanh khiết". Chị không bị phản ứng phụ khi chữa hóa trị liệu. Bệnh chị thuyên giảm.

Khi chị trở thành bệnh nhân ngoại trú và tiếp tục hóa trị liệu, chị bắt đầu liên hệ với một người bạn của tôi, Pat Rodegast: Bạn tôi dẫn kênh cho chị liên lạc với một hướng đạo tên là Emmanuel. Emmanuel bảo Rose ngừng hóa trị liệu vì phương pháp này làm chị ốm yếu. Các bác sĩ bảo nếu ngừng hóa trị liệu thì chị sẽ chết rất nhanh, bởi vì các xét nghiệm máu cho thấy bệnh chị thuyên giảm chứ chưa khỏi. Đây không phải chuyện dễ thực hiện song chị quyết định ngừng hóa trị liệu. Vào thời gian này chị đến chỗ tôi, và tôi nhìn thấy những vật tựa như các hạt giống trong máu chị. trong lần chữa đầu tiên, các vật tựa như hạt giống này bị đánh long ra bằng một tia sáng lúc đầu có màu tím nhạt, về sau thì màu bạc, rồi chúng bị hút hết ra ngoài. Xét nghiệm kế đó cho thấy máu chị hoàn toàn bình thường, không còn vật lạ, đây là kết quả đầu tiên kể từ ngày chị được chẩn đoán bệnh.

Docsach24.com

Rõ ràng tôi không phải là công cụ chủ yếu trong việc chữa bệnh cho chị; vai trò của tôi là làm chỗ dựa và thanh lọc máu cho chị. Nhờ khả năng thấu thị mà tôi đã có thể cam đoan với chị rằng không có gì khác thường trong máu chị. Điều này tiếp tục được các xét nghiệm máu minh chứng, cho đến khi chúng tôi quyết định rằng chị sẽ không phải đến chỗ tôi và không cần chỗ dựa này nữa. Không dễ dàng chút nào đối với chị trong việc ủng hộ sự thật nơi bản thân mình. Trước đây chị cần chỗ dựa này bởi vì vào thời điểm đó các bác sĩ, với tất cả chân tình, đều rất sợ chị sẽ chết rất nhanh nếu như ngừng hóa trị liệu và thường xuyên nhắc chị điều này. Nói vậy không có nghĩa là phê phán các bác sĩ, họ đã làm mọi việc có thể làm được để cứu sinh mạng cho chị. Nhưng trong trường hợp này có những yếu tố khác tác động vào mà họ không hay biết. Tôi là thầy chữa, tôi khai thác được thông tin đó. Họ thì không. Đây là một ví dụ cho thấy rằng, sự hợp tác cởi mở giữa các thầy chữa tâm linh với các bác sĩ y khoa sẽ phục vụ tốt cho bệnh nhân. Chúng ta có nhiều điều có thể trao đổi với nhau để giúp cho quá trình chữa trị.

Quá trình thấu thị

Tôi có một lối giải thích tác động của cách nhìn này. Tôi đã quan sát thấy đường đi của ánh sáng vào thân thể bằng thấu thị hoặc nhìn bằng X quang của mình. Và cái mà tôi nhìn thấy là nó. Ánh sáng vừa đi vào con mắt thứ ba (tức luân 6-ND), vừa đi vào hai mắt thông thường và tuôn chảy dọc theo các dây thần kinh thị giác như trình bày ở hình 18-6. Ánh sáng này có rung động cao hơn ánh sáng nhìn thấy được và có thể đi xuyên qua da. Ánh sáng đi qua giao thoa thị giác và đi vòng tuyến yên nằm sau giao thoa thị giác. Lúc này ánh sáng đi theo hai đường. Một đường tới các thùy chẩm cho thị giác bình thường, một đường đi vào đồi não cho chức năng kiểm tra vận động nhãn cầu. Theo quan sát của tôi thì bằng một số kỹ thuật thiền định và tập thở, con người có thể làm cho tuyến yên bắt đầu rung động và bức xạ ánh sáng hào quang vàng óng (hoặc ánh sáng màu hồng nếu người đó đang yêu.

Docsach24.com

Docsach24.com

Rung động này và ánh sáng vàng óng làm tăng lượng ánh sáng phân nhánh đi vào vùng đồi não. Theo điều tôi nhìn thấy được, ánh sáng hào quang này vòng lấy bề mặt của đáy thể chai và được hướng vào bên trong tuyến tùng vốn tác động như một máy dò cho việc nhìn thấu thị. Bằng cách thở có kiểm tra, cọ không khí vào phần sau trên của họng và màn hầu nằm đúng đối diện với tuyến yên, tôi có thể kích thích tuyến yên rung động như vậy. Cách thở thiền định này cũng giúp tôi tập trung và làm tĩnh lặng tâm trí. Việc này cũng mang ánh sáng vàng óng từ nền lên phía sau cột sống của tôi và ánh sáng hồng lên trán. Hai luồng này vòng lấy nhau trong khu vực đồi não. Điều đó mang lại thêm năng lượng cho các vùng trán trung tâm và trung tâm của não. Cảm giác chủ quan của loại nhìn này là để  cho một cái gì đó (năng luợng, thông tin) đi vào vùng con mắt thứ ba của đầu. Loại nhìn thấy này cho ta khả năng chụp quét ở bất cứ độ sâu nào ta chọn, với một dãy rộng các mức dung giải, xuống tới mức tế bào, thậm chí mức virus.

Cảm giác chủ quan của tôi là mình có được một máy chụp quét scanner trong đầu. Nó khu trú ở vùng não trung tâm đàng sau con mắt thứ ba của tôi cách chừng 2 inches, nơi mà một đường thẳng từ con mắt thứ ba chạy ra sau sẽ cắt đường thẳng nối liền hai thái dương. Dường như nó là tâm của máy scanner. Từ điểm này tôi có thể nhìn về bất cứ hướng nào mình chọn mà không cần quay đầu về phía đó; tuy nhiên, nó thường giúp tôi nhìn trực tiếp vào vật mà tôi đang chụp quét.

Khi một bệnh nhân đến với tôi, tôi tiến hành chụp quét một lượt toàn bộ thân thể họ để nắm bắt khu vực cần quan tâm. Tôi bị thu hút vào những vùng thân thể cần chú ý. Sau đó tôi điều chỉnh cho khớp đúng với phần ấy và chụp quét ở mức dung giải tinh vi. Để có được kết quả chính xác, lắm lúc tôi đặt hai tay lên vùng có vấn đề. Tôi thấy làm như vậy thì nhìn vào dễ hơn.

Đôi khi tôi sử dụng phương pháp khác. Tôi chỉ việc yêu cầu nhìn một bức tranh xem vấn đề như thế nào là tôi nhận được một bức tranh tâm thần về tình hình đó.

Các bài tập để kiến lập thấu thị

1. Du hành qua thân thể

Phương thức tốt nhất để luyện tập thấu thị là qua các bài tập thư giãn sâu bao gồm cái gọi là "du hành qua thân thể".

Trước tiên, bạn hãy nằm xuống và nới lỏng mọi quần áo chật. Thở sâu và thư giãn. Thử làm như thế lần nữa. Bây giờ hãy hít sâu và làm căng toàn bộ thân thể bạn, càng căng càng tốt. Nín thở; sau đó thở ra và để cho hết căng. Làm lại lần nữa. Rồi lặp lại động tác tập căng-thở, nhưng chỉ cho mức căng bằng một nửa thôi và căng đều trên toàn bộ thân thể. Thở ra và thả lỏng. Bây giờ bạn hãy thở sâu và thư giãn trong khi thở ra. Lặp lại ba lần mà không căng thân thể. Hãy mường tượng sức căng rỉ ra khỏi thân thể, tựa như mật ong đặc trên bề mặt phía dưới bạn. Hãy cảm nhận tim bạn đập chậm lại, nhẹ nhàng, khỏe khoắn. Lúc này bạn hãy tưởng tượng mình rất tinh tế, như một chấm sáng và đi vào thân thể bạn, tới bất cứ nơi nào mà bạn chọn. Bản ngã tinh tế đó của bạn chảy vào vai trái, làm thư giãn mọi căng thẳng khi nó đi tới. Bản ngã tinh tế đó của bạn chảy xuống cánh tay trái và đi vào bàn tay trái, làm thư giãn mọi căng thẳng tại đó, rồi quày trở lên đi vào chân phải và sau đó quay lên tay phải. Toàn bộ thân thể của bạn nặng và ấm. Lúc này bạn bắt đầu thăm dò các hệ thống của thân thể bằng bản ngã tinh tế của bạn. Hãy đi vào tim bạn và hãy đi theo máu khi máu được bơm trong thân thể bạn. Hệ thống này có vẻ tốt không? Nó có cảm thấy khỏe mạnh không? Rồi bạn hãy du hành qua hai lá phổi và nhìn vào các mô của phổi. Hãy đi vào các cơ quan tiêu hóa của bạn. Hãy đi theo tiến trình của thức ăn khi nó vào trong thân thể bạn. Hãy đi từ miệng xuống thực quản mà vào trong dạ dày (bao tử) của bạn. Nó có dáng vẻ thế nào? Nó có đủ năng lượng không? Nó có được cân bằng giữa số enzyme tiêu hóa mà nó cần không? Rồi bạn hãy theo thức ăn mà ra khỏi dạ dày, qua tá tràng, vào ruột non rồi vào ruột già. Mọi thứ có tốt cả không? Bấy giờ bạn quay trở lên đi vào gan, tụy, lách của bạn. Chúng hoạt động có tốt không? Hãy du hành qua bộ phận sinh dục. Chúng có bảo dưỡng được tình yêu mà chúng xứng đáng không?

Nếu có một chỗ nào đó trong thân thể làm bạn bận tâm thì bạn hãy phái bản ngã tinh tế của bạn tới khu vực đó, mang theo yêu thương và năng lượng. Hãy nhìn cho kỹ khu vực đó. Nếu nó thiếu thứ gì thì hãy để bản ngã tinh tế của bạn làm điều gì đó cho nó. Nếu nó cần được thanh lọc thì hãy thanh lọc. Nếu nó cần năng lượng, hãy để bản ngã tinh tế gửi năng lượng tới cho nó.

Khi bạn đã thỏa mãn với việc thăm dò và chăm sóc thân thể mình, bạn hãy để cho bản ngã tinh tế lớn lên thành bạn với kích thước bình thường và hòa nhập với bản ngã thực của bạn.

Bạn có thể trở lại với phương thức tự thăm dò này vào bất cứ lúc nào bạn  muốn.

Bạn hãy đưa bản thân mình trở về với trạng thái nhận thức bình thường nhưng hãy cứ để cho bản thân thư giãn sâu, tự tin và biết nhận thức. Bạn đã chụp quét chính thân thể bạn.

Docsach24.com

2. Chụp scan cho bạn mình

Hãy ngồi đối diện với bạn mình trên ghế. Một người có thể là quan sát viên và người kia ở trạng thái khai mở để được quan sát. Hãy tiến hành thiền định để tĩnh lặng tâ trí. Nhẹ nhàng để bản thân tập trung vào bạn mình. Mắt nhắm. Nhớ rằng đây cũng tựa như du hành qua thân thể vậy. Lúc này có thể du hành bằng mắt qua thân thể của bạn mình. Chỉ có khác một chút, bởi vì lúc này ta chụp quét từ bên ngoài vào.

Trước hết, hãy chụp quét cả thân thể để tìm ra khu vực nào thu hút mình. Đầu tiên, có thể dùng hai tay, nhưng tay chớ đụng vào người. Về sau sẽ không cần dùng tay nữa. Khi được trực giác thu hút tới một khu vực trên thân thể của bạn mình thì hãy tập trung hơn vào nơi đó. Hãy để cho bản thân tập trung vào các cơ quan ở khu vực ấy. Hãy tin vào cái mình nhìn thấy. Ta có thể có một màu sắc, một kết cấu,, một cảm giác hoặc đúng là một ý thức mơ hồ về cái gì đó. Hãy để cho bức tranh đi vào đầu mình.

Khi đã thỏa mãn với cái mình tìm ra được, hãy để cho bản thân bị thu hút vào một khu vực khác của thân thể bạn mình và lặp lại như trên. Nếu như không bị thu hút vào khu vực nào cả thì chỉ bắt đầu chụp quét thân thể.

Có thể chụp quét thân thể bằng cách chụp quét từng vùng, hoặc nếu biết giải phẫu (cần phải học nếu muốn trở thành thầy chữa) thì chụp quét các cơ quan. Hãy ghi những gì mình nhìn thấy.

Khi đã thỏa mãn với việc thăm dò đó, hãy từ từ trở lại với bản thân và mở mắt ra.

Hãy luận bàn với bạn ta cái mà ta nắm bắt được. Điều ta nắm bắt có tương quan với điều mà bạn ta biết về bản thân hay không? Điều gì không ăn khớp? Có thể giải thích tại sao không? Có thể câu trả lời nằm trong những điều mà ta thừa nhận. Có thể vấn đề nằm trong chính bản thân ta. Có thể là ta đúng, còn bạn ta không biết về tình hình mà ta "đã nhìn thấy". Lúc này hãy chuyển vai đi và để cho bạn quan sát mình. Hãy để cho bản thân ở trạng thái thụ động để bạn ta dễ dàng tiến hành công việc.

3. Thiền định để khai mở scanner con mắt thứ ba

Một phương pháp tập luyện mà Đức C.B một trong các thầy học của tôi, gợi ý là nằm ngửa hoặc ngồi ở tư thế thẳng lưng. Đảm bảo thật thoải mái. Hít sâu vào bằng mũi. Trước tiên làm cho bụng dưới đầy không khí, rồi phần ngực giữa, đến phần ngực trên. Sau đó mở miệng ra, càng to càng tốt. Giữ cho phần sau của lưỡi hướng về phần sau của họng và giữ họng sao cho không khí chỉ thoát ra nếu nó cọ vào phần sau trên của họng, gần màng hầu. Hãy cố tìm cách cho không khí cọ vào, càng phía sau càng tốt. Âm thanh phát ra do cọ cần phải thanh nhẹ, không ùng ục. Đừng oặt đầu ra phía sau mà giữ đầu thẳng theo cột sống. Từ từ để cho không khí ra khỏi thân thể bạn, đầu tiên là không khí ở bụng dưới, rồi phần ngực giữa, xong đến phần ngực trên. Để cho toàn bộ không khí đi ra. Thở và thư giãn. lặp lại thở cọ. Khi đã nắm chắc được vấn đề này thì hãy thêm phần mường tượng sau đây;

Trong khi thở ra, hãy mường tượng một luồng ánh sáng óng vàng xuất phát ở vùng chậu sau và chạy thẳng lên theo cột sống đi vào vùng não trung tâm. Lặp lại ba lần như vậy theo ba lần thở có cọ không khí vào màng hầu. Bấy giờ hãy tập trung vào phía trước thân thể. Luồng ánh sáng này có màu hồng ở phía trước thân thể. Lặp lại ba lần theo ba lần thơ cọ. Nhớ rằng hai luồng ánh sáng này ôm lấy nhau bên trong trung tâm của não.

Mỗi lần bạn học xong bài tập này, bạn đừng thực hiện thêm quá ba đến bốn lần thở cho quy tắc đó sẽ bị hoa mắt, choáng váng. Yêu cầu thực hiện bài tập cuối cùng này hết sức cẩn thận vì nó rất mạnh mẽ. Lấy cái gì cũng phải từ từ. Bạn không thể tăng đốc độ cho sự tiến triển của mình bằng phương cách vô tổ chức. Một phương cách như vậy không bao giờ có kết qua (mặc dù phần đông chúng ta mong cho nó có).

Nhiều lần trong một buổi chữa, tôi thực hiện các bài tập thở rất nhanh và điều đó giúp tôi nâng cao các rung động và năng lượng của mình, đến mức tôi có thể nhìn vào hào quang tốt hơn, nhìn thấy những mức cao hơn của hào quang, và cũng truyền được những tần số cao hơn qua trường hào quang của bản thân. Để làm việc đó, tôi cọ không khí vào phần sau trên của họng, nhưng tôi thở rất ngắn và nhanh bằng mũi. Do chỗ tôi đã nhiều lần thực hiện các bài tâp trên nên bây giờ tôi tiến hành việc này một cách dễ dàng. Đôi khi tôi cũng thở sâu, đều, thậm chí thở vào thở ra mà không cần nghỉ ở giữa và cọ không khí vào phía sau họng để tập trung chú ý, để cho tâm trí khoáng đạt và cân bằng trường năng lượng của mình. Tôi gọi kỹ thuật thở này là thở cọ mũi.

Khi thị giác cao cấp đi đôi với thính giác cao cấp thì thông tin nhận được càng trở nên hữu ích hơn.

Tìm nguyên nhân bệnh tật: Đi ngược lại thời gian

Tôi đã phát hiện ra một phương thức "đọc" nguyên nhân của một vấn đề thể chất đặc biệt. Nó phối hợp hai kỹ thuật. Kỹ thuật thứ nhất là phương thức thông thường gợi ký ức. Đơn giản nhớ lại hồi ta còn trẻ. Bây giờ hãy lấy một tuổi nào đó, hoặc một vị trí nào đó mà ta đã sống và nhớ lại nó. Rồi nhớ lại một thời gian còn sớm hơn thế. Quá trình bên trong gợi  ý ký ức là gì? Nó giống cái gì? Khi tôi nhớ việc gì đó trong quá khứ, tôi sử dụng tâm trí mình theo một phương thức riêng. Tôi biết cái đó giống cái gì. Tôi giữ ký ức về cảm nghĩ, hình ảnh hoặc âm thanh. Thật dễ dàng "đi ngược lại" thời gian; tất cả chúng ta đều làm như thế. Phần đông tin rằng chỉ có thể làm được điều đó cho bản thân, chứ không làm được cho người khác. Đó đúng là một niềm tin hạn chế. Tôi đã phát hiện ra rằng chính quá trình bên trong đó, quá trình đi ngược lại thời gian, được sử dụng để "đọc" lịch sử đã qua của bệnh tật.

Kỹ thuật thứ hai là sử dụng mối liên kết tâm động và thấu thị. Trước hết tôi liên kết với phần đặc biệt có vấn đề của thân thể bằng cách sử dụng giác quan tâm động của mình. Sau đó tôi có một bức tranh của khu vực có vấn đề để mô tả điều kiện hiện tại của nó. Tôi giữ mối liên kết này rồi đi ngược lại thời gian, đọc quá khứ và chứng kiến lịch sử của phần thân thể đó đó. Vì tôi cứ chứng kiến trở lại quá khứ, cuối cùng tôi "đọc được"nguyên nhân của vấn đề. Chẳng hạn, tôi sẽ thấy một chấn thương xảy ra cho một phần thân thân thể vào một  thời điểm khá xa trong đời sống của bệnh nhân. Rồi lại sẽ thấy một chấn thương khác, còn xa hơn cái kia, cứ thế. Phần lớn những bệnh trầm trọng là kết quả của một chuỗi dài những chấn thương như thế. Tôi cứ đơn giản đi ngược lại thời gian cho tới thời điểm trước khi xảy ra chấn thương ở phần thân thể đó. Chấn thương đầu tiên xảy ra là nguyên nhân khởi đầu của vấn đề hiện tại.

Điểm lại Chương 18

1. Sử dụng thấu thị có thể thấy được gì? Bạn thấy được vùng nào trong thân thể? Ở độ sâu bao nhiêu?

2. Bằng thấu thị, người nhìn có thể cảm nhận các vật với dãy kích cỡ nào?

3. Có thể sử dụng thấu thị từ xa được không?

4. Hãy liệt kê ba bài tập thấu thị.

5. Tuyến nội tiết nào là máy dò cho việc thấu thị.

Để làm động não

6. Điểm khác nhau giữa mường tượng và cảm nhận?