Đảo quốc thiên đường
Ngày 5 tháng 1 năm 2004. Dường như chỉ vài phút sau khi đáp xuống phi trường Changi, tôi đã nhận được hành lý của mình và nó nhanh chóng được một người lái taxi ân cần đón lấy. Xe chúng tôi hòa vào làn đường tràn đầy những chiếc xe mới bóng lộn trang bị tiện nghi điều hòa không khí đang lưu thông tấp nập, những luống hoa trồng dọc hai bên đường cũng đang nở bung sắc thắm của những bụi hoa móng tay, như thể hiện lời chào đón bất tận của một đất nước thuộc vùng nhiệt đới, giữa biết bao cây lá xanh tươi và những tia nắng lấp lánh phản chiếu từ biển cả. Phía xa là bến cảng vận chuyển hàng hóa nhộn nhịp nhất thế giới. Gần hơn nữa, tòa nhà chọc trời đầy vẻ tráng lệ của thủ đô Singapore với khung thép lộng kiếng – đại bản doanh của hơn 6000 tập đoàn đa quốc gia – đang mở rộng cửa, vừa khi các chuyên gia trẻ của nơi chốn làm việc vô cùng sang trọng và bao gồm nhiều thành phần đa sắc tộc này bắt đầu bước vào giờ nghỉ ăn trưa của mình. Đó là cảm nhận trong ngày đầu tiên khởi đầu nhiệm kỳ hai năm cuối của tôi trong ban điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Sau 25 năm làm việc ở rất nhiều quốc gia khác nhau và đại đa số đều có mức thu nhập thuộc loại thấp, thì nơi chốn này trông giống như một Miền Đất Hứa.
Hứa hẹn bởi ai? Không lẽ bởi các giám sát viên cùng làm việc với tôi trong ban điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế, những người đã từng đón nhận rất nhiều sự ân thưởng dành cho bao nỗi khó nhọc của họ khi thực hiện công trình chiết xuất khí oxy La Paz, công trình quét lọc cát Nouakchott, hay công trình làm lạnh gia tốc Kyiv? Không hề. Vì mỗi một nhiệm vụ ở thời kỳ đầu này đều mang lại cho chúng tôi một sự tưởng thưởng riêng, đặc biệt là sự hài lòng mãn nguyện trong tác nghiệp khi được bắt tay làm việc cùng các viên chức chính phủ luôn tỏ ra vô cùng tâm huyết trong việc cố gắng thúc đẩy nền kinh tế đầy cam go của đất nước họ.
Không, đây là một đích đến do các đồng nghiệp của tôi trong cộng đồng phát triển quốc tế và tôi vạch ra trong suốt 25 năm qua. Ẩn chứa đằng sau những đề xuất về các sách lược kinh tế mà chúng tôi đưa ra chính là một tiền đề hết sức căn bản: hãy thi hành các chính sách kinh tế đúng đắn – một cách kiên định – rồi đất nước các anh sẽ gặt hái một thành quả kinh tế rất cao, theo sau đó là việc chấm dứt hoàn toàn mọi sự nghèo đói. Lời khuyên sách lược của chúng tôi, dù có làm tổn thương nhức nhối, nhưng luôn phác thảo một đích đến cuối cùng cho tiềm năng kinh tế mỗi đất nước: nhà ở khang trang và dễ sở hữu dành cho tất cả mọi người cùng với một cảnh quan môi trường trong lành, hiệu quả chất lượng trong nền tảng giáo dục và trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, việc làm đầy đủ và mọi cơ hội tiến bước vào đời dành cho trẻ em – như Singapore kiểu mẫu đã từng thực hiện. Quốc gia độc lập này, như tuyên bố của vị Thủ tướng đầu tiên Lý Quang Diệu "đã từ một đất nước thuộc Thế giới thứ ba phát triển thành một quốc gia thuộc Thế giới thứ nhất chỉ trong vòng thời gian của một thế hệ" (Lee, 2000)
Giúp mang lại những nhận thức đúng đắn về những đặc thù của một chính sách kinh tế tốt đẹp là mục đích lưu lại của tôi ở Singapore. Trong suốt hai năm làm việc trên cương vị Giám đốc Trung tâm huấn luyện khu vực thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế – Singapore, một tổ chức hợp tác điều hành giữa chính phủ Singapore và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đã có gần 2000 viên chức chính phủ và viên chức đại diện các ngân hàng quốc gia thuộc khu vực châu Á – Thái Bình dương đến Singapore trong các khóa học ngắn hạn từ hai đến ba tuần. Thành viên tham dự khoảng chừng 40 quốc gia, từ Afghanistan cho đến Tonga, đến trung tâm này nhằm nghiên cứu xem làm thế nào mà các chính sách kinh tế vĩ mô và các nguyên tắc tài chính đúng đắn có thể góp phần tạo nên một nền kinh tế tăng trưởng bền vững cho chính đất nước mình. Đối với nhiều người trong số họ, đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên ra khỏi quê nhà. Ngồi trên xe và lưu thông qua mọi nơi chốn của thành phố vô cùng sạch đẹp và hiện đại này, nhiều người có lẽ đang băn khoăn tìm kiếm một chiếc chìa khóa dường như bí ẩn có khả năng mở toang mọi cánh cửa tiềm năng kinh tế của chính đất nước họ.
Việc phát hiện chiếc chìa khóa đó chính là sự tìm tòi ẩn chứa đằng sau nội dung sách: điều gì giải thích cho những thành tựu kinh tế vô cùng rực rỡ này của Singapore? Không hề có một nền kinh tế nào khác có thể tăng trưởng nhanh hơn trong giai đoạn 40 năm liên tục, kết thúc vào thời điểm năm 2000. Những bài học kinh nghiệm nào của Singapore mà các quốc gia khác có thể vận dụng, hay là cứ tiến hành thực hiện các bước phát triển và tăng trưởng giống như Singapore vậy? Du khách đến đây thường tỏ ra kinh ngạc trước mạng lưới giao thông phát triển hoàn hảo và vẻ đẹp lộng lẫy thăng hoa của quốc gia độc lập nhỏ bé này. Nhưng rất nhiều trong số họ, kể cả những người đến từ các quốc gia phát triển, khi tìm hiểu về các chính sách kinh tế và cơ cấu quản lý điều hành của Singapore, đều không ít ngạc nhiên về mô hình thượng tầng kiến trúc của đất nước này.
Lời cảm tạ
Tôi mặc nhiên bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc khi liên hệ sử dụng các phần chú thích được trích dẫn từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau và các bộ sách tham khảo. Tôi xin chân thành cảm ơn khi sử dụng các biểu đồ được sao chụp lại từ cuốn sách tham khảo hết sức giá trị của ông David Weil. Những lời biết ơn chân thành của tôi xin được gởi tới các vị Luc De Wulf, Anita Doraisami, Joshua Green, Khor Hoe Ee, Jerome La Pittus, Lim Chong Yah, David Orsmond, Euston Quah, Leo Van Houtven và Peter Wilson, về việc đã đọc bản thảo, gợi ý chỉnh sửa, và đưa ra nhiều lời phê bình nhạy bén nhằm làm cho bản gốc được hoàn thiện hơn. Sự thẳng thắn góp ý cùng sự động viên khích lệ đã làm cho các ý kiến phê bình của họ thêm sâu sắc hơn. Xin được gởi lời cảm ơn tới ông Ernesto Zedillo, nguyên Tổng thống Mexico, nay đang giữ cương vị điều hành Trường đại học Yale, dù lịch làm việc khít khao vẫn dành thời gian đọc cuốn sách này. Tôi rất vui khi được làm việc với bà Elizabeth Daniel, cùng hai cộng sự Paul Tan và Pauline Lim của nhà xuất bản Thomson Learning, đã nhiệt thành biên tập hết sức kỹ lưỡng để bản thảo gốc trở thành một tác phẩm hoàn hảo.
Rất nhiều cảm nhận ẩn chứa đằng sau nội dung sách, đã được thu thập trong suốt 27 năm tôi làm việc với tổ chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Đồng nghiệp và các giám sát viên tiền nhiệm, cũng như các viên chức chính phủ và nhiều người khác, kể cả các viên chức Ngân hàng Thế giới mà tôi có dịp tiếp xúc thường xuyên, đã tận tình hướng dẫn tôi rất nhiều. Khi viết sách, tôi có lợi thế của một người đứng ngoài cuộc phát hiện ra những nét quyến rũ độc đáo của Singapore. Và tôi thấy cần phải nhanh chóng học hỏi nhiều điều. Những cảm nhận riêng được bộc lộ trong một số bài viết của các giáo sư Gavin Peebles, Peter Wilson, Lim Chong Yah, Linda Low, Diane Maury, R.S. Milne, và của các viên chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế từng làm việc ở Singapore nhiều năm, là hết sức giá trị đối với tôi. Nhưng tôi cần nhấn mạnh rằng mọi quan điểm nhận thức trình bày trong cuốn sách này hoàn toàn là cảm nhận của riêng tôi, chứ không hề là của bất kỳ một tổ chức nào khác mà tôi đã từng, hoặc đang cộng tác làm việc. Mọi nhầm lẫn về sự kiện, về diễn dịch, hay phán đoán, nếu có, đều là do sai sót của cá nhân tôi.
Cuốn sách đầu tiên Giữa Chốn thiên đường và Nơi không tưởng – Sự phát triển ở Đông Nam Á, xuất bản năm 1976, tôi viết dành cho lớp người trẻ trong khu vực này, những người mà đối với họ, phát triển cũng có nghĩa là một thách thức duy nhất đối với tài năng và tài lãnh đạo. Thành công Singapore xin được dành tặng cho Mike, vợ tôi, với lòng biết ơn chân thành vì đã hỗ trợ tôi trong suốt quá trình thực hiện. Cuốn sách này, cũng như nhiều thứ khác trong đời sống chúng tôi, nếu không có cô sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.