Năm 1949, Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản lên nắm quyền tại Trung Quốc và làm biến đổi đất nước đã kiệt quệ vì chiến tranh này. Trung Quốc đã thực hiện cải cách kinh tế và mở cửa từ năm 1978.
Đảng Cộng sản lên nắm quyền tại Trung Quốc vào năm 1949, và lãnh tụ của đảng, Mao Trạch Đông trở thành Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nội chiến và cuộc kháng chiến chống Nhật đã khiến Trung Quốc lâm vào tình trạng nghèo túng, nhiều người chết đói. Đường sá, trường học, bệnh viện không đáp ứng nổi nhu cầu của người dân. Nhiều người trong chính phủ mới cho rằng Trung Quốc cần noi gương những người cộng sản ở nước Nga. Mao Trạch Đông không đồng ý với việc công nghiệp hóa vì ông tin tưởng vào nền kinh tế nông nghiệp. Đất đai được chia lại cho nông dân, nhưng một bộ máy quan liêu khổng lồ cũng được lập nên. Mao Chủ tịch thôi giữ chức chủ tịch nước vào năm 1959.
Trong khi chính phủ Trung Quốc theo gương nước Nga, thì Mao Trạch Đông bắt đầu cuộc “Cách mạng văn hóa” vào năm 1965, nhằm tấn công các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Năm 1970, ông trở thành tư lệnh tối cao.
Ông đã thay đổi xã hội Trung Quốc một cách căn bản. Các hợp tác xã nông nghiệp trồng những loại cây lương thực chủ chốt, còn ngành công nghiệp thì sản xuất thêm nhiều sắt thép. Các bác sĩ “chân đất” chữa bệnh cho mọi người ở nông thôn, và trẻ em học đọc, học viết. Mao viết cuốn sách “Tư tưởng Mao Chủ tịch” và phát hành rộng rãi. Mọi người đều bị buộc phải đọc cuốn sách này và đi đâu cũng đem theo. Ngay cả những nông dân bình dị nhất cũng có thể trích dẫn chỗ này chỗ nọ trong cuốn sách.
Nhiều đối thủ chính trị của Mao bị xử tử, tầng lớp trí thức bị cầm tù và tra khảo, các gia đình bị ly tán, và còn hàng triệu người chết vì nạn đói. Trong Cách mạng văn hóa, Mao hành động như vậy vì từng có nhiều người học thức đã lên tiếng chỉ trích chủ nghĩa cộng sản vào đầu thập niên 1960. Mao sợ rằng họ sẽ chống lại hình thái chủ nghĩa cộng sản cực đoan mà ông đã áp đặt.
Sau khi Mao qua đời vào năm 1976, chính phủ Trung Quốc bắt đầu thực hiện cải cách kinh tế và mở cửa ra thế giới, khuyến khích ngoại thương và đầu tư của nước ngoài. Kinh tế phát triển nhanh đến mức tổng sản phẩm quốc nội năm 2005 đã gấp mười lần năm 1978 và kinh tế Trung Quốc trở nên lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế quá nhanh cũng gây ra những lo lắng về môi trường, nhất là sự ô nhiễm không khí, xói mòn đất, tiêu thụ nhiều năng lượng và thiếu nước.
Dân số Trung Quốc năm 1990 đã lên tới 1 tỉ 200 triệu người. Nhằm đạt mục tiêu ổn định dân số vào khoảng năm 2000, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng chính sách ưu tiên nhà ở và chế độ chăm sóc y tế cho các gia đình có một con. Mô hình này tương đối có hiệu quả.