Bách Khoa Thư Lịch Sử

Trung Quốc: Triều Minh (1368–1644)

Ebook miễn phí tại : www.docsach24.com

TRUNG QUỐC: TRIỀU MINH (1368–1644)

Sau một cuộc khởi nghĩa kéo dài, người Mông Cổ bị đánh đuổi khỏi Trung Quốc. Tiếp đó, nước này được hưởng nền thái bình thịnh trị trong vòng 150 năm dưới triều Minh.

Hoàng đế Hồng Vũ (1328–1398) tổ chức lại bộ máy cai trị Trung Quốc, mở các trường đào tạo quan lại. Ai muốn làm quan thì phải đỗ các kỳ thi về văn học và triết học.

Hốt Tất Liệt (Kublai Khan) là một hoàng đế Trung Hoa vĩ đại, nhưng ông lại là người Mông Cổ. Sau khi ông mất vào năm 1294, các hoàng đế kế vị của nhà Nguyên đều nhu nhược, Trung Quốc nhiều lần lâm vào nạn đói và gặp vô vàn khó khăn. Thuận Đế, hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyên, là một nhà cai trị rất kém cỏi. Người Trung Hoa chán sống dưới ách cai trị hà khắc của người nước ngoài. Họ đã tìm được một người trị vì đồng hương, đó là Chu Nguyên Chương – vốn là nhà sư, trong lúc khó khăn đã phải đi khất thực. Là thủ lĩnh của quân nổi dậy, Chu Nguyên Chương có sẵn trong tay một đội quân và cũng chứng tỏ tài cầm quân.

Nghệ thuật, văn học và nghề gốm đã phát triển từ thời nhà Tống và nhà Nguyên. Chiếc bình này là bằng chứng về một thời kỳ phát triển xuất sắc của nghệ thuật dưới thời nhà Minh.

Sau 13 năm dấy binh, Chu Nguyên Chương chiếm được thành Bắc Kinh, đuổi quân Mông Cổ về nước và lên ngôi hoàng đế, gọi là Minh Thái Tổ. Ông lập triều đại nhà Minh (nghĩa là “sáng”) và lấy niên hiệu là Hồng Vũ (nghĩa là “rất thiện chiến”). Ông dời đô về thành Nam Kinh ở phía Nam. Ông nắm quyền hành tuyệt đối tại Trung Quốc trong 30 năm, bảo vệ đất nước trước các cuộc tấn công của quân Mông Cổ, khôi phục trật tự và sự thịnh vượng cho nước này.

Minh Thái Tổ truyền ngôi cho cháu là Kiến Văn nhưng bốn năm sau đó, Kiến Văn bị chú là Chu Đệ lật đổ và Chu Đệ trở thành Hoàng đế Vĩnh Lạc hay Minh Thành Tổ (1360–1424) vào năm 1403.

Nghề làm vườn và tạo cảnh đã phát triển thành một hình thức nghệ thuật rất đặc biệt ở Trung Quốc và Nhật Bản. Nước là một yếu tố quan trọng trong khu vườn cảnh này ở Trung Quốc.

NỀN THÁI BÌNH DƯỚI THỜI NHÀ MINH

Trung Quốc lại phát triển hùng mạnh dưới sự trị vì của Hoàng đế Vĩnh Lạc những năm 1403–1424. Đường sá, đô thị và kênh rạch được xây dựng lại, và khi dời đô về Bắc Kinh, hoàng đế cho xây dựng các đền đài, cung điện lớn trong Tử Cấm thành. Học thuật và nghệ thuật phát triển rực rỡ. Thương mại và công nghiệp được khuyến khích, và điều khác thường là Trung Quốc đã hướng ngoại khi xuất khẩu hàng hóa và mở rộng ảnh hưởng của mình ở nước ngoài. Vị đô đốc theo đạo Hồi là Trịnh Hòa nhận sứ mệnh thực hiện các chuyến đi dài tới tận Ấn Độ, thế giới Hồi giáo và châu Phi. Nhưng sau thời trị vì của Hoàng đế Vĩnh Lạc, Trung Quốc không còn quan tâm tới các nước khác. Nhiều người Hoa định cư ở Đông Nam Á tham gia vào hoạt động buôn bán đang ngày càng lớn mạnh của cộng đồng mình. Bộ máy cai trị của Trung Quốc được cải thiện, và nếu không nhắc đến những vấn đề với nạn cướp biển và các cuộc tấn công của người Mông Cổ thì Trung Quốc đã phát triển thịnh vượng trong một thế kỷ.

Chiếc ống đựng bút lông thời nhà Minh này được làm từ sơn mài chạm khắc. Người ta làm sơn mài bằng cách phết nhiều lớp một thứ sơn đặc lên mặt gỗ. Sơn cứng lại, tạo thành một chất liệu rất bền mà người Trung Hoa hay sử dụng.

Từ năm 1517 trở đi, người Bồ Đào Nha và những người châu Âu khác tới bờ biển Trung Quốc, buôn bán chủ yếu ở Quảng Châu. Các hoàng đế trị vì Trung Quốc vào cuối thế kỷ XVI đều xa hoa lãng phí và không được lòng dân; có nhiều cuộc tấn công xảy ra trên vùng biên ải. Thương mại sa sút, nạn tham nhũng và cướp bóc gia tăng, nạn đói và các cuộc khởi nghĩa hay diễn ra. Năm 1592, người Nhật Bản xâm lược nước Triều Tiên láng giềng, đe dọa tới an ninh của Trung Quốc. Các cuộc khởi nghĩa nổ ra ở nhiều nơi tại Trung Quốc và vào năm 1644, triều đại nhà Minh sụp đổ.


CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH

1353-1354 Dịch hạch bùng phát khắp Trung Quốc

1368 Chu Nguyên Chương sáng lập triều Minh

1403-1424 Giai đoạn trị vì của hoàng đế Vĩnh Lạc

1517 Các thương gia châu Âu đầu tiên tới miền Nam Trung Quốc

1552-1555 Các cuộc tấn công lớn của hải tặc vào tàu thuyền ngoài khơi bờ biển Trung Quốc

1582 Tham nhũng gia tăng và triều Minh suy thoái

1592 Người Nhật Bản xâm lược Triều Tiên, đe dọa an ninh Trung Quốc

1644 Triều Minh sụp đổ


Vẽ tranh sơn thủy cũng trở thành một hình thức nghệ thuật phát triển cao dưới thời nhà Minh. Đây là bức tranh sơn thủy kinh điển thời nhà Minh, do họa sĩ Đường Dần vẽ, có tên là Mộng tiên thảo đường (Mộng cõi tiên trong nhà cỏ).