Bách Khoa Thư Lịch Sử

Thời Đại Lý Trí (1600–1750)

THỜI ĐẠI LÝ TRÍ (1600–1750)

Đến giữa thế kỷ XVII, tư tưởng Phục hưng đã lan rộng hầu khắp châu Âu. Người ta khám phá được nhiều điều mới về thế giới và con người.

Những tư tưởng mới trong lĩnh vực khoa học và triết học được thảo luận trong những cuộc gặp gỡ ở phòng khách của các nữ chủ nhân nổi tiếng như Ninon de Lenclos (1620–1705). Những phòng khách như vậy là nơi nuôi dưỡng sự phát triển của Thời đại Lý trí ở châu Âu.

Trong vòng vài trăm năm, người châu Âu đã chứng kiến những thay đổi lớn lao. Các tàu thuyền lúc này đi tới những vùng đất xa xôi, mang về hàng hóa và tri thức từ những nền văn hóa khác. Châu Âu chuyển sang một nền kinh tế tiền tệ, với nhiều thành phố, đô thị mới và rộng lớn hơn trước. Sách vở, sân khấu, nhạc kịch và văn hóa quần chúng đạt được những bước tiến lớn. Các bậc vua chúa và tầng lớp quý tộc sống trong những ngôi nhà sang trọng và thanh lịch, cách biệt với các tầng lớp còn lại trong xã hội. Các quan chức và công chức điều hành bộ máy chính quyền. Các nhà tư tưởng mới đưa ra những tư tưởng cấp tiến.

John Locke (1632–1704) là một triết gia Anh đã nghiên cứu về bản chất và tầm hiểu biết của con người.

Cuộc sống đối với tất cả mọi người, cả người giàu lẫn người nghèo, lúc này rất khác trước. Người ta bắt đầu đặt câu hỏi và hoài nghi về tính đúng đắn của nhiều tư tưởng đã được thừa nhận. Những lời lẽ trong Kinh thánh hoặc của các triết gia Hy Lạp cổ đại không còn làm mọi người thỏa mãn. Nhiều người bắt đầu tin vào khả năng tự suy xét của mình. Cùng thời gian này, con người có nhiều khám phá mới về thế giới, bầu trời, các miền đất lạ và về chính con người. Người ta cảm thấy thôi thúc bởi nhu cầu kiểm chứng, nghiên cứu, thử nghiệm và thảo luận tất cả mọi điều, bất kể điều gì, nhu cầu vượt qua một ranh giới mới của tìm tòi khoa học. Cuộc cách mạng về phương pháp khoa học và lối tư duy được đặt tên là Thời đại Lý trí.

Sir Isaac Newton (1642_1727) đã phát minh kính thiên văn phản xạ, giúp làm rõ nét và phóng to hình các vì sao ở xa. Thiên văn học trở thành một môn khoa học chính xác hơn.

Các lữ khách tới Nhật Bản, Armenia, Mexico, bán đảo A rập và châu Phi để khám phá và kể về những phát hiện của mình. Các loại thuốc chữa bệnh mới (cũng như các bệnh mới) đến từ những miền đất xa xôi. Bác sĩ mổ tử thi để nghiên cứu các cơ quan nội tạng trong cơ thể và chức năng của chúng. Các nhà thực vật học sưu tầm và bắt đầu phân loại thực vật, các nhà hóa học thì thí nghiệm các hợp chất. Kính thiên văn, phong vũ biểu, đồng hồ quả lắc, máy tính cơ và bơm hơi, tất cả đều được phát minh trong thế kỷ XVII.

ĐÀI THIÊN VĂN HOÀNG GIA: Đài Thiên văn Hoàng gia Greenwich do vua Anh Charles II, bản thân cũng là một nhà thiên văn, sáng lập và do Christopher Wren chỉ huy xây dựng vào năm 1675. Nhà thiên văn đầu tiên quản lý Đài Thiên văn Hoàng gia là John Flamsteed, một nhà thiên văn nổi tiếng lúc bấy giờ. Đài thiên văn này được xây dựng để vẽ bản đồ các vì sao thật chính xác và bảng ghi chuyển động của hành tinh để phục vụ cho thủy thủ. Greenwich trở thành một trung tâm nghiên cứu của thời đó. Giờ tính theo Đài Thiên văn Greenwich, gọi là Giờ trung bình Greenwich (GMT), được lấy làm giờ quốc tế năm 1880. Đài Thiên văn Greenwich đóng vai trò dẫn đầu trong lĩnh vực thiên văn trong vài thế kỷ, và đến thế kỷ XX, do tình trạng ô nhiễm và ánh sáng đèn điện trên các đường phố ở London, hoạt động thiên văn của đài quan sát này được chuyển tới những nơi khác ít ô nhiễm hơn ở Anh.
Năm 1652, quán cà phê đầu tiên được khai trương tại London. Tại đây, người ta thảo luận về chuyện làm ăn, về chính trị và trao đổi tin tức. Quán cà phê Lloyd’s nổi tiếng cũng ở London, phục vụ những vị khách làm nghề bảo hiểm hàng hải.

LÔ-GÍC VÀ NHỮNG TƯ TƯỞNG MỚI

Các nhà toán học như Leibnitz và Descartes nghiên cứu sâu về hình học và các phép tính. Galileo và Newton nghiên cứu trọng lực và Kepler nghiên cứu chuyển động của các hành tinh. Tycho Brahe lập danh mục các vì sao, Snellius, Huygens và Grimaldi nghiên cứu về tính chất của ánh sáng, và Boyle nghiên cứu các loại khí. Các vật thể cơ học tuân theo một lôgíc hợp lý, và lô-gíc này cũng được áp dụng vào xã hội và đời sống chính trị của con người. Francis Bacon phát triển ý tưởng về một nhà nước hoàn hảo. Các nhà tư tưởng khác viết về chính quyền, về các quyền của con người và “khế ước” (thỏa thuận) giữa người cai trị và người bị trị.

Galileo Galilei (1564–1642) là nhà thiên văn học, nhà toán học và vật lý học. Ông đã làm Giáo hội Thiên Chúa tức giận khi cho rằng Trái đất quay quanh Mặt trời.

Các tổ chức mới được thành lập để làm nơi thảo luận các tư tưởng nói trên. Viện Hàn lâm Pháp của Hồng y Richelieu được thành lập năm 1635. Các thành viên thời kỳ đầu của Hội (Khoa học) Hoàng gia ở Anh gồm nhà hóa học Robert Boyle, nhà vật lý học Isaac Newton, nhà viết nhật ký nổi tiếng Samuel Pepys và kiến trúc sư Christopher Wren. Trong các quán cà phê hoặc quán trà nghi ngút khói thuốc lá mọc lên ở khắp châu Âu, người ta thảo luận sôi nổi chưa từng có. Một cách suy xét sự việc mới mẻ, không mang tính tôn giáo mà dựa trên lý trí đang được hình thành. Các công trình khoa học của René Descartes, Isaac Newton, Francis Bacon, Galileo và nhiều người khác đã đặt nền tảng cho tri thức ngày nay của con người về thế giới.

Cho đến thế kỷ XVII, Giáo hội vẫn còn cấm mổ tử thi vì mục đích nghiên cứu. Bức tranh này của họa sĩ Rembrandt mô tả các bác sĩ Hà Lan đang nghiên cứu giải phẫu một xác người.
Mô hình vũ trụ đầu tiên được làm vào năm 1700 để giải thích sự vận động của các hành tinh quanh Mặt trời và các vệ tinh quay quanh các hành tinh. Tay cầm được dùng để quay các hành tinh.
Kính thiên văn thời kỳ đầu của Galileo còn thô sơ, nhưng nhờ nó, ông đã phát hiện được bốn vệ tinh của Sao Mộc.

CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH

1608 Hans Lippershey, chuyên gia nhãn khoa người Hà Lan, phát minh kính thiên văn đầu tiên

1609 Kepler trình bày quy luật vận động của hành tinh

1628 Harvey phát hiện vòng tuần hoàn máu

1635 Viện Hàn lâm Pháp được thành lập

1637 Descartes luận giải hình học giải tích

1644 Nhà khoa học Ý Evangelista Torricelli công bố lý thuyết về phong vũ biểu

1647 Pascal phát minh máy làm phép cộng

1657 Huygens chế tạo đồng hồ quả lắc

1660 Phong vũ biểu được dùng để dự báo thời tiết

1666 Newton phát biểu định luật hấp dẫn

1673 Leibnitz phát minh máy tính

1705 Edmund Halley dự đoán sao chổi xuất hiện lại năm 1758

1735 Carl Linnaeus phân loại động vật và thực vật

1742 Anders Celsius đặt ra thang đo nhiệt độ bách phân