Bách Khoa Thư Lịch Sử

Thám Hiểm Châu Đại Dương (1642–1820)

THÁM HIỂM CHÂU ĐẠI DƯƠNG (1642–1820)

Trong chuyến đi đầu tiên, thuyền trưởng Cook đi thuyền từ địa đầu của Nam Mỹ tới New Zealand và đã chứng minh rằng không có lục địa lớn nào nằm giữa hai khu vực này như nhiều người vẫn nghĩ.

Công cuộc thám hiểm châu Đại Dương tiến triển khá muộn so với các vùng khác của thế giới. Những người tiên phong trong công cuộc này là Tasman, Cook và một số nhà thám hiểm khác.

Vào thế kỷ XVII, các thủy thủ Hà Lan đã khám phá miền Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đến những năm 1620, họ phát hiện ra vùng bờ biển phía Bắc và Tây của Australia và đặt tên vùng này là “Tân Hà Lan”.

Nhà hàng hải, thuyền trưởng James Cook (1728–1779) đã thực hiện ba chuyến đi thám hiểm Thái Bình Dương từ năm 1768 đến năm 1779. Ông tới vịnh Thực vật năm 1770 và tuyên bố Australia thuộc về Anh.

Năm 1642, một người Hà Lan tên là Abel Tasman (1603–1659) phát hiện ra đảo Tasmania. Ông đi thuyền từ Mauritius và đi về hướng Nam xa đến nỗi không nhìn thấy Australia. Đi xa hơn về phía Đông, Tasman sau đó đã tới đảo phía Nam của New Zealand. Sau một trận chiến với dân Maori trên đảo, ông trở về Batavia, thuộc lãnh thổ Đông Ấn của Hà Lan, và trên đường đã phát hiện ra Tonga và Fiji. Năm sau, ông đi thuyền dọc bờ biển miền Bắc Australia.

Năm 1688 và 1699, nhà hàng hải người Anh William Dampier thám hiểm bờ biển miền Tây và Tây Bắc Australia. Các nhà thám hiểm này đã chứng minh rằng Australia là một hòn đảo nhưng họ không định cư ở đó. Thái Bình Dương hầu như vẫn chưa được biết tới vì nó quá xa và nghèo nàn nên không hấp dẫn các thương gia châu Âu.

Cuộc thăm dò khoa học đầu tiên các vùng đất miền Nam này do thuyền trưởng James Cook, người đã thực hiện ba cuộc hành trình, đảm trách. Trong chuyến thám hiểm đầu tiên (1768–1771), ông đi vòng quanh New Zealand. Sau đó ông tới vịnh Thực vật (Botany) ở Australia và tuyên bố vùng này thuộc chủ quyền của Anh. Trong chuyến hành trình thứ hai (1772–1775), ông đã khám phá nhiều hòn đảo ở Thái Bình Dương và Nam Cực. Trong cuộc hành trình cuối cùng bắt đầu vào năm 1776, ông tới New Zealand, Tonga, Tahiti, cuối cùng là tới Hawaii; tại đây ông bị giết trong một cuộc tranh chấp với dân trên đảo.

CÁC CUỘC THÁM HIỂM CỦA THUYỀN TRƯỞNG COOK: Thuyền trưởng Cook được ủy nhiệm tới Tahiti để quan sát Sao Kim đi ngang phía trước Mặt trời. Sau việc này, ông được bí mật cử xuống phương nam để lập bản đồ New Zealand và Australia cho chính phủ Anh. Trong chuyến đi thứ hai, ông là nhà thám hiểm đầu tiên tới vùng Nam Cực nhưng buộc phải rút lui vì gặp các tảng băng trôi. Ông khám phá ra giá trị của rau quả mang lên tàu cho thủy thủ, nhờ vậy mà ngăn được bệnh scobut (do thiếu vitamin C). Ông cũng đưa các họa sĩ giỏi đi cùng vì cho rằng cần phải ghi lại những khám phá một cách khoa học. Ông mất ở Hawaii vào năm 1779 giữa chừng chuyến đi thứ ba.
Là những thủy thủ và thợ thủ công khéo léo, người Maori trang trí xuồng bằng những chạm khắc công phu mang ý nghĩa tôn giáo. Có khoảng 100.000 người Maori ở New Zealand khi thuyền trưởng Cook tới đây. Nhiều người trong số họ sau này bị giết trong các cuộc chiến tranh chống những người định cư và quân lính Anh.

DÂN BẢN XỨ

Những vùng đất được coi là “mới” mà thuyền trưởng Cook khám phá ra trên thực tế đã có người sinh sống nhiều trăm năm trước đó. Ở New Zealand có người Maori, còn ở Australia có thổ dân Úc. Cả hai dân tộc này sống theo phong tục truyền thống cổ xưa của họ. Cho nên, điều dễ hiểu là họ đã phải cảnh giác trước thuyền trưởng Cook và thủy thủ của ông, những người châu Âu họ lần đầu tiên trông thấy.

Thổ dân đã sống ở Australia từ hàng nghìn năm, rải rác trên một lục địa rộng lớn. Họ sống bằng cách tìm kiếm thức ăn và săn bắn, vận dụng kiến thức tiến bộ của họ về thiên nhiên. Họ khác biệt với người châu Âu đến nỗi đã bùng nổ một cuộc xung đột về văn hóa mà hậu quả là văn hóa của thổ dân về sau hầu như bị xóa sổ.

Người ta cho rằng người Maori đi thuyền từ Polynesia tới Aotearoa (New Zealand) vào khoảng năm 750 và là những nông dân, chiến binh sinh sống thành làng. Khi người châu Âu tới vùng đất của họ, họ đã kháng cự lại.

Những người định cư đầu tiên ở Australia tới đây năm 1788. Họ là tù nhân bị đưa từ Anh tới Australia để trừng phạt cho những tội ác mà họ đã phạm. Những người định cư tự do bắt đầu tới đây vào năm 1793. Ở New Zealand, những người săn cá voi, thợ săn và các thương gia đến trước, chẳng bao lâu sau theo chân họ là các nhà truyền giáo. Nhiều người định cư thời kỳ đầu đến từ xứ Scotland, Ireland và xứ Wales. Những người định cư mang tới những căn bệnh thường làm dân bản xứ thiệt mạng do không có sức đề kháng.


CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH

1642-1644 Các chuyến thám hiểm của Abel Tasman tới Tasmania và New Zealand

1688/1699 William Dampier thám hiểm bờ biển miền tây và tây bắc Australia

1766-1768 Bougainville phát hiện ra Polynesia và Melanesia

1768-1771 Chuyến đi đầu tiên của thuyền trưởng James Cook

1772-1775 Chuyến đi thứ hai của thuyền trưởng James Cook

1776-1779 Chuyến đi thứ ba của thuyền trưởng James Cook

1829 Anh thôn tính toàn bộ Australia

1840 Anh tuyên bố chủ quyền ở New Zealand

Trong chuyến đi thứ ba tới Thái Bình Dương vào năm 1779, thuyền trưởng Cook bị giết trong một cuộc giao tranh với người Hawaii quanh vụ lấy trộm một con thuyền. Lúc đầu, người Anh được dân bản xứ đón chào, nhưng sau vụ này các thủy thủ của ông phải lên tàu về nước mà không còn thuyền trưởng.