Bách Khoa Thư Lịch Sử

Nhật Bản Và Đông Nam Á (1603–1826)

NHẬT BẢN VÀ ĐÔNG NAM Á (1603–1826)

Người châu Âu dần dần thâm nhập châu Á, tìm cách chi phối hoạt động buôn bán tại đây. Vào thế kỷ XVIII, những quan hệ thương mại này biến thành các cuộc giao tranh chính trị.

Cái chặn ở đốc kiếm có tác dụng bảo vệ tay khi giao chiến. Cái chặn đốc kiếm có trang trí của Nhật Bản này có từ thế kỷ XVIII.

Từ năm 1603, Nhật Bản do các Shogun nhà Tokugawa cai trị. Họ điều hành đất nước rất chặt chẽ và cô lập Nhật Bản với thế giới bên ngoài. Nhưng họ cũng mang lại an ninh và thái bình cho nước này. Dưới sự cai trị của nhà Tokugawa, Nhật Bản phát triển thịnh vượng. Dân số tăng từ 20 triệu lên 30 triệu người trong vòng 150 năm, sản lượng nông nghiệp tăng mạnh. Các thành phố trở nên phồn vinh, cùng với đó là sự lớn mạnh của hoạt động buôn bán và tầng lớp thương gia. Thợ thủ công khéo tay làm ra những hàng hóa đẹp, đặc biệt là quần áo, vải lụa màu. Nhiều người Nhật Bản được hưởng một nền giáo dục tốt.

Những người thuộc đẳng cấp dưới samurai không được phép đeo đồ trang sức. Vì vậy, họ dùng các tượng netsuke nhỏ bằng gỗ hoặc ngà voi để trang trí các vật dụng như túi đựng thuốc lá treo vào obi (dây thắt lưng) của áo choàng. Netsuke này đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật giá trị.

Nhưng Nhật Bản cũng có những vấn đề của mình. Nhiều người Nhật Bản rời bỏ ruộng đồng, dồn về các thành phố, và tầng lớp samurai rơi vào cảnh nợ nần. Sưu thuế cao dẫn tới các cuộc nổi loạn, và nhiều tội nhỏ cũng bị trừng phạt bằng án tử hình. Vào những năm 1740, Shogun Yoshimune (1684–1751) có tư tưởng tiến bộ đã bãi bỏ nhiều đạo luật hà khắc và cho phép du nhập sách vở của châu Âu. Nhưng vào những năm 1760, tại Nhật Bản đã xảy ra nạn đói, động đất; các cuộc khởi nghĩa xảy ra thường xuyên, và phong trào chống đối các Shogun dần lớn mạnh. Chỉ một số ít thương gia Hà Lan là những người nước ngoài duy nhất được phép vào Nhật Bản. Họ bị đối xử một cách miệt thị, nhưng vì kiếm được rất nhiều tiền nên họ chịu đựng sự xúc phạm này.

Người Nhật Bản có các quy định về sự sạch sẽ và vệ sinh tiến bộ hơn nhiều so với người phương Tây. Các nhà tắm công cộng rất phổ biến ở các thành phố của Nhật Bản thời kỳ này.

ĐÔNG NAM Á

Tại Đông Nam Á, không có việc cấm các thương gia nước ngoài giống như ở Nhật Bản. Các nhà buôn gia vị người A rập và châu Âu đã tới khu vực này từ thời Trung Cổ, sau này người châu Âu đã thiết lập các trạm thông thương. Người Hà Lan thống trị khu vực này, kiểm soát Java và lập các trạm thông thương trên nhiều hòn đảo. Một vài quốc gia do Hồi giáo chi phối ở Đông Ấn có thái độ thân thiện với người Hà Lan hoặc bị người Hà Lan kiểm soát.

Trong thế kỷ XVIII, quan hệ buôn bán đã biến thành các giao tranh chính trị. Người Anh ngày càng quan tâm hơn đến khu vực này. Năm 1762, họ ép người Tây Ban Nha phải từ bỏ độc quyền đối với tuyến đường biển sang châu Mỹ La-tinh. Năm 1786, họ kiểm soát Penang ở Mã Lai, và năm 1795 thì chiếm được cảng Malacca của người Hà Lan.

Người Hà Lan có một trạm buôn bán trên đảo Deshima gần Nagasaki ở miền nam Nhật Bản. Đây là trạm thông thương duy nhất của người nước ngoài được phép thành lập ở Nhật Bản. Tại đây, người Hà Lan xuất khẩu vải lụa và các mặt hàng tinh xảo khác của Nhật Bản để đổi lấy bạc.

Trong các cuộc chiến tranh do Napoleon khởi xướng, người Anh chiếm Batavia, thủ phủ của người Hà Lan trên đảo Java. Sau đó, họ trả lại thủ phủ này cho người Hà Lan sau khi người Hà Lan thừa nhận quyền kiểm soát của Anh ở Mã Lai. Năm 1819, người Anh lập Singapore làm hải cảng tự do và các thương gia Anh được hưởng đặc quyền tại đây. Singapore trở thành cảng dừng chân quan trọng trong các hoạt động buôn bán của người Trung Quốc và nhanh chóng phát triển thành một trung tâm thương mại chủ chốt trong khu vực. Hàng hóa từ Anh và Ấn Độ được chuyển tới phương Đông và hàng hóa từ Trung Quốc và Đông Ấn được chuyển về phương Tây.

Năm 1819, Quý ông Thomas Stamford Raffles (1781–1826) đã thành lập cảng thuộc địa Singapore cho người Anh. Ông rất nỗ lực để tăng cường thế lực của Anh ở khu vực Đông Nam Á, và Singapore sớm trở thành trung tâm buôn bán của khu vực.

CÁC CUỘC CHIẾN TRANH ĐỊA PHƯƠNG

Các nước châu Âu bắt đầu can dự vào các cuộc chiến tranh giữa các nước Đông Nam Á. Họ lợi dụng các cuộc xung đột địa phương để giải quyết tranh chấp giữa họ với nhau. Người Anh, Pháp và Hà Lan đều chiến đấu ở Xiêm (Thái Lan ngày nay) vào những thời điểm khác nhau, tuy vậy Xiêm vẫn là một nước độc lập. Trong những năm 1824–1826, nổ ra một cuộc chiến tranh giữa người Anh và người Miến Điện do Miến Điện ủng hộ kẻ thù của Anh, những người sống gần các vùng đất giàu có ở Bengal mà Anh cai trị. Người châu Âu không chiếm các vùng đất liền của Đông Nam Á làm thuộc địa, nhưng họ khiến các nước này dần dần phụ thuộc vào họ. Đến năm 1820, người châu Âu đã có ảnh hưởng rất lớn ở Đông Nam Á.

CHIẾM RANGOON: Năm 1824, Quý ông Archibald Campbell, chỉ huy của quân Anh, đã dẫn 11.000 quân vượt 640 km đường sông, tới chiếm Rangoon, thủ đô của Miến Điện. Cuộc tấn công này nhằm trả đũa vụ tấn công của vua Miến Điện vào các vùng đất của Anh ở Ấn Độ.