Bách Khoa Thư Lịch Sử

Quyền Dân Sự (Từ 1950 Đến Nay)

Ebook miễn phí tại : www.docsach24.com

QUYỀN DÂN SỰ (từ 1950 đến nay)

Quyền dân sự là những quyền tự do và quyền cơ bản của mỗi người sống trong một cộng đồng. Những quyền này được luật pháp và tập quán bảo đảm, giúp cho tất cả mọi người được đối xử công bằng.

Được tổ chức lại vào thập niên 1950, tổ chức cực hữu Ku Klux Klan (3K) đã quấy rối người da đen và các nhóm thiểu số khác tại Mỹ. Những phần tử của tổ chức này đã đốt thập tự để hăm dọa mọi người.

Ý tưởng về các quyền dân sự ở phương Tây có từ ngay trong những trước tác của nhiều triết gia Hy Lạp và La Mã cổ đại, cũng như trong giáo lý của đạo Do Thái và đạo Ki-tô. Ở một số quốc gia, quyền dân sự được Hiến pháp bảo vệ. Tại Mỹ và các quốc gia dân chủ khác, chẳng hạn như nước Anh, quyền dân sự thể hiện trong các đạo luật và tập quán được thiết lập qua hàng trăm năm.

Vào đầu thập niên 1960, nhiều bang ở miền Nam nước Mỹ thi hành các biện pháp phân biệt đối với người da màu. Loại xe taxi này chỉ dành riêng cho người da màu. Các loại phương tiện giao thông công cộng khác cũng có hình thức phân biệt đối xử tương tự.

Quyền dân sự nghĩa là mọi công dân phải được đối xử công bằng và bình đẳng, không phân biệt giới tính, tôn giáo hay sắc tộc. Tất cả mọi người đều có quyền tự do bày tỏ những điều mình tin khi phát biểu trên các phương tiện truyền thông hoặc ở bất kỳ đâu. Tất cả đều có quyền tổ chức một đảng phái chính trị, phải được xét xử công bằng và được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử. Nhiều chế độ áp bức vẫn phớt lờ quyền dân sự và lạm dụng quyền hành của họ.

Năm 1989, sinh viên Trung Quốc biểu tình đòi dân chủ tại Bắc Kinh. Chính phủ điều quân đội tới và hàng nghìn sinh viên đã thiệt mạng.

Nhiều quyền đã phải trải qua cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ mới có được. Trong thập niên 1950 và 1960, tiến sĩ Martin Luther King lãnh đạo phong trào đòi quyền dân sự ở nước Mỹ và đã giành được quyền bình đẳng cho người Mỹ da đen.

MARTIN LUTHER KING: Martin Luther King Con (1929–1968) là một mục sư giáo phái Baptist và nhà lãnh đạo của phong trào đòi quyền dân sự tại Mỹ trong hai thập niên 1950 và 1960. Ngày 28-8-1963, ông đã dẫn đầu cuộc biểu tình tại thủ đô Washington, nơi ông có bài phát biểu nổi tiếng, bắt đầu bằng câu nói “Tôi có một ước mơ...”. Đó là ước mơ về tương lai, mà trong đó đất nước ông sẽ tồn tại với lý tưởng tự do từ buổi đầu thành lập. Ngày 4-4-1968, ông bị một kẻ tên là James Earl Ray bắn chết. Từ năm 1983, ngày thứ Hai tuần thứ ba của tháng 1 được chỉ định là ngày lễ trên toàn liên bang Mỹ để vinh danh ông.
Trong hai thập niên 1970 và 1980, Chile bị một tập đoàn quân sự cai trị. Nhiều công dân bình thường bị bắt và không ai còn nhìn thấy họ nữa. Nhà thờ Thiên Chúa giáo lên án các hành vi bạo lực chống những người vô tội. Họ tiến hành lễ cầu nguyện cho những người bị giam giữ và những người mất tích.

TÌNH TRẠNG VI PHẠM QUYỀN DÂN SỰ

Tại Nam Phi, Nelson Mandela bị vào tù năm 1962 vì ông phản đối chế độ apartheid (chế độ phân biệt chủng tộc da trắng và da màu). Nhiều chính phủ và nhân dân ở nhiều nơi trên thế giới đã tham gia chiến dịch đòi chấm dứt chế độ apartheid bằng cách biểu tình, tẩy chay hàng hóa của Nam Phi và cắt đứt mọi mối quan hệ với nước này. Ông F. W. de Klerk trở thành tổng thống Nam Phi năm 1989 và bắt đầu dỡ bỏ chế độ apartheid. Mandela được trả tự do năm 1990, và đó cũng là năm chế độ apartheid bị bãi bỏ. Năm 1994, Nelson Mandela trở thành tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi.

Năm 1976, Argentina bị một tập đoàn quân sự kiểm soát. Tập đoàn này đã đàn ép phe đối lập bằng việc bắt giữ nhiều nghìn người và bỏ tù họ mà không hề đưa ra xét xử. Khoảng từ 20 đến 30 nghìn người đã bị bắt và không bao giờ xuất hiện trở lại. Họ được gọi chung là “los desaparecidos”, nghĩa là “những người bị mất tích”.

Chế độ quân sự của tướng Pinochet ở Chile trong khoảng thời gian 1973–1990 cũng sử dụng các biện pháp đàn áp tàn bạo tương tự như ở Argentina.

Tại thành phố Johannesburg của Nam Phi vào những năm 1980, nhiều người da đen và những người da màu khác bị chuyển tới những khu nhà ổ chuột tồi tàn để nhường chỗ cho người da trắng được ở những ngôi nhà rộng hơn.

BẢO VỆ QUYỀN DÂN SỰ

Các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc và Tòa án Nhân quyền châu Âu bảo vệ các quyền dân sự. Một số tổ chức khác, chẳng hạn như Tổ chức Ân xá Quốc tế, cũng mở các chiến dịch bảo vệ những người bị truy bức. Tuy nhiên, một số chính phủ vẫn tiếp tục cản trở quyền dân sự. Các chế độ độc tài phủ nhận các quyền dân sự vì coi đó là mối đe dọa chế độ.

Khi những người châu Âu đầu tiên tới Australia định cư vào thế kỷ XVIII và XIX, thổ dân Australia bị xua đuổi khỏi các vùng đất nơi họ vẫn sinh sống bằng nghề săn bắn truyền thống. Nhiều thổ dân đã chết vì các căn bệnh lây từ người châu Âu. Đến tận cuối thế kỷ XX, chính phủ Australia vẫn không thừa nhận các thổ dân là chủ nhân ban đầu của đất nước này từ trước khi người châu Âu tới vào năm 1788.