Trong 50 năm trở lại đây, nhiều người đã dùng bạo lực để theo đuổi các mục đích chính trị, thường là hướng tới việc xóa bỏ trật tự đã được thiết lập.
Một số nhóm người sử dụng bạo lực (các hoạt động khủng bố) nhằm trở nên nổi tiếng và giành được sự ủng hộ cho mục đích chính trị của họ. Những phần tử khủng bố thường được những người ủng hộ gọi là chiến sĩ đấu tranh vì tự do. Những phần tử khủng bố bắt cóc và giết người, đánh bom và cướp máy bay. Nguyên nhân của hành động khủng bố không phải lúc nào cũng giống nhau. Một số người làm vậy vì muốn khuếch trương niềm tin chính trị của họ, trong khi một số khác (những người theo chủ nghĩa dân tộc hoặc những người giải phóng) muốn thiết lập một quốc gia riêng cho những ai chưa có tổ quốc. Ví dụ như ở Trung Đông, các phần tử khủng bố bắt cóc và đánh bom để thu hút sự chú ý đối với sự nghiệp của người Palestine, những người hiện chưa có một tổ quốc.
Tại Tây Ban Nha, nhóm Euzkada Ta Askatasuna (ETA) bắt đầu chiến dịch khủng bố vào những năm 1960 để gây sức ép buộc chính phủ tiến tới việc thành lập một nhà nước riêng của người xứ Basque. Ở Bắc Ireland cũng vậy, các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc như Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) gia tăng các hoạt động khủng bố vào những năm 1970 chống lại sự cai trị của Anh tại tỉnh này.
Năm 2001, nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan có tên gọi là Al-Qaeda đã thực hiện các vụ tấn công lớn vào nước Mỹ. Năm 2002 và 2003, nhóm này tiếp tục tiến hành các vụ khủng bố tại Bali, A rập Xê út và Morocco. Nhiều nước đã tham gia cùng với Mỹ phát động một “cuộc chiến chống khủng bố”.