Bách Khoa Thư Lịch Sử

Nước Pháp Và Richelieu (1624–1661)

Ebook miễn phí tại : www.docsach24.com

NƯỚC PHÁP VÀ RICHELIEU (1624–1661)

Louis XIII lên ngôi vua năm chín tuổi. Sau đó, ông bổ nhiệm Richelieu làm tể tướng nhằm biến nước Pháp thành quốc gia dẫn đầu ở châu Âu.

Marie de Medici (1573–1642) là hoàng hậu Pháp, rồi làm nhiếp chính cho con trai là Louis XIII. Bà bám giữ quyền lực và đã bị đi đày năm 1617. Richelieu giúp bà làm lành với con trai vào năm 1620. Nhưng khi cố tiếm quyền vua Louis vào năm 1630, bà bị lưu đày vĩnh viễn ở Brussels.

Năm 1624, vua Pháp Louis XIII đã cử Hồng y Richelieu làm tể tướng. Họ cùng làm việc với nhau trong 18 năm. Richelieu có hoài bão thống nhất Pháp thành một nhà nước trung ương tập quyền hùng mạnh. Công tước ở các vùng lúc đó nắm quyền lực rất lớn, và Richelieu bắt đầu phá bỏ thế lực của họ. Năm 1628, ông cũng xử lý mạnh tay các tín đồ Tân giáo Pháp Huguenot hay gây rắc rối. Richelieu bị các lãnh đạo Thiên Chúa giáo, giới quý tộc và các quan tòa không ưa vì ông đã tước mất nhiều đặc quyền của họ, và mức thuế cao mà ông đặt ra khiến dân chúng nhiều nơi nổi loạn. Ông cho rằng cần phải có bàn tay sắt và dùng vũ lực để đạt được mục đích.

Trang phục của giới quý tộc Pháp rất cầu kỳ. Tóc giả, mũ và quần áo thể hiện địa vị. Đây là trang phục của một sĩ quan quân đội Pháp khi xuất trận.

Ở bên ngoài, Áo và Tây Ban Nha là mối đe dọa chính đối với Pháp. Dòng họ Habsburg cai trị cả hai nước này, và nếu họ phối hợp sức mạnh với nhau thì nước Pháp dễ bị tổn thương. Năm 1613, trong lúc đang diễn ra Chiến tranh Ba mươi Năm, nhà Habsburg ở Áo đã kiểm soát hầu hết nước Đức và có nguy cơ sẽ thống trị châu Âu.

Louis XIII là con trai của vua Henry IV, và là ông vua thứ hai của dòng họ Bourbon. Năm 1610, ông lên làm vua khi còn niên thiếu và thực sự nắm quyền lực vào năm 1617. Ông chịu nhiều ảnh hưởng của Hồng y Richelieu và mất sau Richelieu một năm, vào năm 1643, truyền ngai vàng cho con trai còn nhỏ là Louis XIV.
HỒNG Y RICHELIEU: Armand du Plessis, Công tước xứ Richelieu (1585–1642), trở thành giám mục năm 1607 và hồng y năm 1622. Ông tham gia hội đồng của hoàng hậu nhiếp chính Marie de Medici vào năm 1616 và trở thành tể tướng năm 1624. Richelieu tin tưởng vào sự đúng đắn của “chính thể chuyên chế”, nghĩa là vua có toàn quyền theo ý muốn. Ông tin rằng nhà vua chịu trách nhiệm trước Chúa Trời chứ không phải trước Giáo hội, giới quý tộc hay dân chúng. Richelieu sử dụng điệp viên một cách hiệu quả và đàn áp tất cả những người chống đối. Ông đào tạo người kế tục là Hồng y Mazarin. Mazarin đã tiếp tục các chính sách của ông và làm nhiếp chính nước Pháp khi vua Louis XIV còn bé, cho đến năm 1661. Ở nhiều nước châu Âu, đây là thời kỳ các tể tướng có quyền lực rất lớn.
Lá cờ hoàng gia của các vua Pháp thuộc dòng họ Bourbon đã được lấy làm quốc kỳ cho đến năm 1790, thời điểm nổ ra cuộc Cách mạng Pháp.

NƯỚC PHÁP HÙNG MẠNH HƠN

Để làm suy yếu nước Áo, Richelieu chi viện cho Thụy Điển, Hà Lan và Đan Mạch để cùng đánh một kẻ thù chung là dòng họ Habsburg. Năm 1635, Pháp tuyên chiến với Tây Ban Nha (nước đang cai trị Bỉ và xứ Burgundy). Chiến sự kéo dài đến năm 1648 - sau cả khi Richelieu mất, nhưng kế hoạch của ông đã thành công. Ông đã nỗ lực mở rộng lãnh thổ Pháp tới nơi mà ông cho là biên giới tự nhiên, nghĩa là dãy núi Pyrenees và sông Rhine.

Sau khi Richelieu mất năm 1642, người kế tục ông là Hồng y Mazarin đã tiếp tục các chính sách của ông. Pháp thay Tây Ban Nha trở thành cường quốc của châu Âu. Cuộc nổi dậy của giới quý tộc Pháp, được gọi tên là Fronde, đã bị đàn áp năm 1653. Louis XIV lên ngôi khi chỉ mới năm tuổi, và Mazarin đã cai trị Pháp với cương vị nhiếp chính. Vào năm cuối đời của Mazarin, năm 1661, nước Pháp thay đổi rất nhiều, trở nên rộng lớn hơn, hùng mạnh và giàu có hơn. Quân đội Pháp trở thành đội quân tinh nhuệ nhất ở châu Âu, và Louis XIV trở thành vị vua vĩ đại nhất châu lục này.

Richelieu cho phép người Tân giáo Pháp được hưởng quyền tự do tôn giáo, nhưng ông cố dẹp tan sức mạnh chính trị và quân sự của họ. Vụ tàn sát rùng rợn những người Tân giáo này do Richelieu khởi xướng.