Bách Khoa Thư Lịch Sử

Chiến Tranh Ba Mươi Năm (1618–1648)

CHIẾN TRANH BA MƯƠI NĂM (1618–1648)

Cuộc Chiến tranh Ba mươi Năm là cuộc chiến tranh hiện đại đầu tiên trên thế giới. Khởi đầu là cuộc xung đột tôn giáo giữa người Thiên Chúa giáo và người Tân giáo, nó đã trở thành một cuộc chiến giành quyền lực ở châu Âu.

Ferdinand II của Áo là một tín đồ Thiên Chúa giáo La Mã quyết đoán, ông cho rằng mình có quyền áp đặt tôn giáo đối với người khác.

Năm 1618, căng thẳng bùng nổ giữa người Tân giáo và người Thiên Chúa giáo ở Bohemia, cũng như giữa dòng họ Habsburg và hoàng gia ở những nơi khác. Hoàng đế La Mã Thần thánh Ferdinand II thừa kế ngai vàng Bohemia năm 1617, và hai năm sau (năm 1619) thừa kế ngai vàng Áo. Từ thời điểm này trở về trước, dòng họ Habsburg có thái độ trung lập trong các vấn đề tôn giáo. Bohemia từ lâu đã là xứ theo Tân giáo, nhưng hoàng đế Ferdinand lại là tín đồ Thiên Chúa giáo, ông đã ép buộc xứ Bohemia theo đạo Thiên Chúa một cách thiếu sáng suốt. Hậu quả là người Bohemia nổi dậy chống lại ông.

Frederick, ông “Vua Mùa đông” cai trị Bohemia chỉ trong một năm, và cũng là người cai trị bang Palatinate của Đức.

Năm 1619, các nhà cai trị người Đức – những người bầu ra hoàng đế La Mã Thần thánh – đã họp tại Prague. Họ phế truất Ferdinand II khỏi ngôi vua Bohemia và đưa Frederick theo Tân giáo lên thay. Hậu quả là một loạt cuộc chiến tranh đã nổ ra, phần lớn là ở Đức, cuối cùng thì hầu hết các nước châu Âu khác cũng bị cuốn vào chiến tranh trong 30 năm sau đó.

Giai đoạn đầu, nhờ sự hỗ trợ và tiền bạc của nhà Habsburg ở Tây Ban Nha, quân Thiên Chúa giáo giành thắng lợi trong hầu hết các trận chiến. Năm 1625, người Đan Mạch đứng về phe Tân giáo nhưng không thay đổi được tình thế. Quân Thiên Chúa giáo có hai tướng xuất sắc là Bá tước Wallenstein và Bá tước Tilly; đội quân của họ rất thiện chiến, và đến năm 1629, liên minh của người Tân giáo lâm vào tình thế khó khăn.

Việc dùng các loại súng, trong đó có súng đại bác, đã làm tăng mức độ tàn phá và chi phí của chiến tranh. Súng hỏa mai đã được người Thụy Điển cải tiến cho nhẹ hơn và nạp đạn nhanh hơn.

THỤY ĐIỂN THAM CHIẾN

Vua Bohemia Frederick bỏ trốn và Maximilian xứ Bavaria, một công tước theo đạo Thiên Chúa, được chỉ định làm vua Bohemia. Chiến trận từ đó chuyển về hướng bắc. Dưới sự chỉ huy của tướng Wallenstein, quân của hoàng đế Ferdinand đã đánh bại quân Đan Mạch và tàn phá miền Bắc Đức. Đã tưởng như không gì có thể ngăn cản hoàng đế Ferdinand buộc được nước Đức theo đạo Thiên Chúa, thì vua Thụy Điển Gustavus Adolphus theo Tân giáo tham chiến vào năm 1630. Ông giành lại miền Bắc Đức, thắng giòn giã quân Thiên Chúa giáo trong hai trận ở Breitenfeld và L tzen. Nhưng hai bên đều bị tổn thất lớn trong hai trận này. Tướng Tilly bị giết trong trận Breitenfeld còn vua Gustavus Adolphus thiệt mạng trong trận L tzen.

VỤ NÉM NGƯỜI QUA CỬA SỔ Ở PRAGUE: Vụ “ném người qua cửa sổ ở Prague” là hành động của một số nhà quý tộc Bohemia theo Tân giáo có tính quyết định dẫn tới xung đột. Trong cuộc họp giữa họ và một số đại diện của hoàng đế nhà Habsburg theo đạo Thiên Chúa, tranh cãi đã nổ ra giữa hai bên. Họ đã ném các đại diện của hoàng đế qua cửa sổ lâu đài Hradcany, thành trì của nhà Habsburg ở Prague. Hành vi bạo lực này được gọi là “vụ ném người qua cửa sổ ở Prague” và đã làm bùng nổ cuộc Chiến tranh Ba mươi Năm vào năm 1618.
Một trong những sự kiện tồi tệ nhất của cuộc Chiến tranh Ba mươi Năm là quân Thiên Chúa giáo dưới sự chỉ huy của Bá tước Tilly đã phá hủy thành phố Magdeburg của Đức vào năm 1631. Trước đó, Bá tước Tilly rất được ngưỡng mộ ở khắp châu Âu.

Người Pháp tham chiến vào năm 1635, một năm sau khi quân Thụy Điển thua trận Nưrdlingen. Tể tướng Pháp là Hồng y Richelieu vốn ủng hộ người Tân giáo vì ông phản đối nhà Habsburg đầy tham vọng. Cùng năm này, các công tước Đức theo Tân giáo, khánh kiệt và thất bại, đã rút khỏi cuộc chiến. Có một số nước tham chiến đổi từ phe này sang phe khác và cuộc xung đột trở nên phức tạp. Mỗi nước có mục đích riêng của mình. Quân Pháp tiến vào Bavaria theo Thiên Chúa giáo để tranh giành với dòng họ Habsburg Tây Ban Nha còn Thụy Điển đánh bại dòng họ Habsburg Áo. Khi quân Pháp và Thụy Điển sắp chiếm được Bavaria và đe dọa Áo thì hoàng đế Ferdinand cầu hòa.

Bá tước Albrecht Wallenstein (1538–1634) theo đạo Thiên Chúa là một vị tướng xuất sắc. Ông trở nên giàu có nhờ chiến tranh và cố gây dựng đế quốc của mình ở miền Bắc nước Đức. Hoàng đế Ferdinand không ưa việc này và Wallenstein bị thất sủng.

HẬU QUẢ CHIẾN TRANH

Trong cuộc chiến tranh kéo dài này, các bên đã dùng tới súng lớn và lực lượng lính đánh thuê, nên rất tốn kém và gây tàn phá nặng nề. Quân lính cướp phá sạch nhiều vùng ở Đức và đôi khi lại chuyển từ phe này sang phe khác. Nước Đức lâm vào cảnh đổ nát, Hà Lan và Thụy Sĩ giành độc lập, còn Pháp, Thụy Điển và Hà Lan thì trở nên mạnh hơn. Một số quốc gia giành thêm được đất đai, một số khác thì bị mất đất. Brandenburg-Prussia, một bang của Đức, đã lớn mạnh hơn và thậm chí trở nên quan trọng hơn. Dòng họ Habsburg mất quyền lực và đế quốc La Mã Thần thánh trở nên suy yếu. Đức bị chia cắt thành 300 quốc gia nhỏ. Nhiều chính quyền ở châu Âu trở thành các chính quyền thế tục, nghĩa là không còn áp đặt đức tin tôn giáo đối với dân chúng nữa. Hòa ước Westphalia chấm dứt chiến tranh là hiệp ước quan trọng đầu tiên của châu Âu thời cận đại.

Wallenstein và các quân lính của ông bị sát hại ở Eger (Đức) vào năm 1634, khi ông bị phát hiện là đã lợi dụng chiến tranh để làm giàu và tạo thế lực.

CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH

1618-1620 Người Bohemia nổi dậy chống Áo

1625-1627 Đan Mạch gia nhập phe Tân giáo

1629 Người Đức Tân giáo thua trận

1630 Vua Thụy Điển Gustavus Adolphus tham chiến, giành lại miền Bắc nước Đức

1631 Tướng Tilly tấn công và phá hủy thành phố Magdeburg

1631-1632 Quân Tân giáo thắng trận ở Breitenfeld và Lützen

1634 Quân Tân giáo bị đánh bại ở Nưrdlingen, Bá tước Wallenstein bị giết

1635 Người Đức Tân giáo giảng hòa, Pháp tham chiến

1645 Chiến thắng của Pháp và Thụy Điển ở Đức

1648 Hòa ước Westphalia chấm dứt chiến tranh