Bách Khoa Thư Lịch Sử

Những Nông Dân Đầu Tiên (10.000–4.000 TCN)

Ebook miễn phí tại : www.docsach24.com

NHỮNG NÔNG DÂN ĐẦU TIÊN (10.000–4.000 TCN)

Các nền văn minh sơ khởi của Trung Đông xuất hiện tại vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu, một khu vực lý tưởng cho nghề nông và cuộc sống định cư, cho hoạt động buôn bán và sau này là xây dựng các đô thị.

Cuộc sống của con người đã thay đổi đáng kể cùng với sự phát triển của nghề nông. Dần dần họ đã tìm ra cách thuần hóa động vật và bắt đầu trồng cây để thu hoạch.

Những người làm nghề nông đầu tiên định cư ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu (Fertile Crescent) ở Trung Đông khoảng 10.000 năm trước. Nơi đây người ta trồng lúa mì, lúa mạch. Họ chăn dê, cừu, lợn và trâu bò để lấy sữa, thịt, da, lông và để chuyên chở. Kiểu dáng các công cụ lao động thô sơ được cải tiến dần, giúp con người khai khẩn đất đai hiệu quả hơn, giúp họ xây nhà và sống định cư. Sau này, nghề nông cũng phát triển tại các vùng đất màu mỡ ở Trung Quốc, Tây Bắc Ấn Độ, Iran, Ai Cập, Nam Âu và Mexico.

Con người tôn thờ các Mẫu thần trước tiên, cách đây khoảng 25.000 năm. Họ tin rằng, giống như Mẹ Trái Đất, các nữ thần này ban phát sự sống cho muôn loài.

THUẦN HÓA ĐỘNG VẬT

Động vật đầu tiên được thuần hóa là chó, ngay từ khoảng 10.000 năm TCN. Chó được dùng để chăn giữ vật nuôi và canh gác vào ban đêm. Ngựa, dê, cừu cũng được thuần hóa. Người nông dân đã biết lai giống động vật để thay đổi các đặc tính của chúng. Một số loài khác cũng được con người chăn nuôi, chẳng hạn như gà và gà lôi, có nguồn gốc từ Viễn Đông. Trong khi đó, một số loài động vật khác như bò rừng châu Âu (auroch) lại bị săn bắn đến tuyệt chủng.

Lúa mì và lúa mạch được lai tạo với nhiều cây lương thực khác để tạo ra giống mới. Con người dùng bột lúa mì, lúa mạch để làm bánh mì, bánh nướng, bánh ngọt, nấu cháo.

TƯỚI TIÊU

Một trong những phát minh quan trọng nhất của con người là hệ thống tưới tiêu, dẫn nước vào các vùng canh tác. Nông dân ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu và châu Mỹ đã đào các kênh rạch dẫn nước vào đồng ruộng. Nhờ sử dụng hồ dự trữ nước và cửa cống, các vùng đất nằm xa sông hồ có thể được tưới nước đầy đủ. Tại Ai Cập và Trung Quốc, người dân đã biết trữ nước mưa hàng năm để cung cấp cho hệ thống tưới tiêu. Tại các vùng khí hậu nhiều mưa, việc thoát nước cũng rất quan trọng. Trải qua nhiều thế hệ, một số nông dân bắt đầu biết trao đổi hàng hóa với dân các vùng lân cận và lữ khách, mở đường cho phát triển buôn bán, đặt nền móng cho sự ra đời các đô thị và các nền văn minh đầu tiên.

Trong các ngôi làng sơ khai, con người lợp nhà bằng tranh, chăn gia súc trong các bãi rào kín và trên đồng cỏ, trồng rau trong vườn. Họ đã biết cách bảo quản thực phẩm, bón phân cho ruộng và chế tạo công cụ lao động.