Bách Khoa Thư Lịch Sử

Những Con Người Đầu Tiên (40.000-10.000 TCN)

NHỮNG CON NGƯỜI ĐẦU TIÊN (40.000-10.000 TCN)

Những sinh vật dạng người đầu tiên đã tiến hóa qua một thời kỳ kéo dài tới vài triệu năm. Các tổ tiên loài người thực sự gần với chúng ta nhất mới chỉ phát triển trong vòng 50.000 năm trở lại đây.

Người nguyên thủy đã dùng loại đá lửa có hình dạng khác nhau để làm công cụ nạo, đào, cắt và làm đầu mũi tên.

Các sinh vật họ người (hominid) đầu tiên là vượn người Australopithecine (nghĩa là “vượn người phương Nam”). Xương của loài vượn này được tìm thấy ở Đông Phi. Chúng có thể đi thẳng người và làm ra các công cụ thô sơ bằng đá cuội. Có lẽ chúng không phải là những con người thực sự vì bộ não rất nhỏ so với não người.

NGƯỜI NGUYÊN THỦY

Người Homo habilis (người khéo léo) xuất hiện vào khoảng hai triệu năm trước. Sinh vật họ người này có nhiều kỹ năng hơn và sống đồng thời vào giai đoạn cuối của vượn người Australopithecine. Tiến hóa nhất trong những giống người đầu tiên là Homo erectus (người đứng thẳng), các di cốt của họ được tìm thấy ở châu Phi và châu Á. Nhờ biết cách dùng lửa để nấu ăn và sưởi ấm, họ đã có thể di chuyển từ nơi này sang nơi khác.

Bản đồ này mô tả khí hậu của hầu hết các vùng trên thế giới vào khoảng 16.000 năm TCN, kỷ Băng Hà cuối cùng. Bản đồ nhỏ ở góc trái mô tả dải đất nối giữa châu Á và Bắc Mỹ qua eo biển Bering; các tổ tiên của thổ dân châu Mỹ đã di cư sang theo đường này.
Chiếc lều này được tìm thấy ở Ukraina, làm bằng gỗ, mái lợp da thú hoặc những lớp đất cỏ, trên chặn bằng xương voi mamút. Người ta dựng nó để sống qua mùa đông khắc nghiệt.

NGƯỜI NEANDERTHAL

Khoảng 200.000 năm trước, người Homo erectus đã tiến hóa thành người Homo sapiens (người khôn ngoan). Cùng khoảng thời gian đó, một giống người khác là Neanderthal thích nghi được với khí hậu giá lạnh của kỷ Băng Hà cuối cùng, sống rải rác khắp vùng lục địa châu Âu và Trung Đông. Người Neanderthal chế tạo ra nhiều loại công cụ lao động bằng đá thô sơ khác nhau, mặc dù ngôn ngữ của họ còn hạn chế. Người Neanderthal không sống sót được tới thời hiện đại, những người Neanderthal cuối cùng được biết đến đã tuyệt chủng ở Tây Ban Nha khoảng 28.000 năm trước.

Ở những nơi như Lascaux (Tây Nam nước Pháp), con người vào kỷ Băng Hà vẽ các bức tranh trong hang động, có lẽ để biểu thị lòng tưởng nhớ linh hồn những thú vật họ đã săn bắt làm thức ăn và lấy da làm quần áo mặc.

KỶ BĂNG HÀ

Kỷ Băng Hà cuối cùng, ở đỉnh điểm vào khoảng 16.000 năm TCN, có ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của con người thời sơ kỳ. Đó là kỷ Băng Hà gần đây nhất trong số vài kỷ băng hà đã diễn ra trong vòng 2,3 triệu năm qua. Do phần nhiều nước bị đóng băng, mực nước biển thấp hơn khoảng 90 m so với ngày nay. Vì vậy đã xuất hiện các vùng đất khô ráo giữa Siberia và Alaska, giữa Australia và New Guinea, giữa Anh và châu Âu. Nhờ đó mà con người có thể di cư.

Dùng dây cung làm xoáy tròn chiếc que dựng đứng trên một mảnh gỗ sẽ tạo ra lửa nhờ nhiệt sinh ra do ma sát. Việc này có thể mất từ 10 đến 20 phút.
Người Cro-Magnon dùng đá, xương, ngà, vỏ sò và răng để chế tác đồ trang sức. Chúng thường được chôn theo người chết.

NGƯỜI CRO - MAGNON

Loài người ngày nay có lẽ là hậu duệ của người Cro-Magnon, một nhóm người sống bằng săn bắn hái lượm, dường như đã tiến vào châu Âu từ Trung Đông và cuối cùng thế chỗ người Neanderthal. Người Cro- Magnon sống bằng hái lượm quả, đào rễ củ và săn thú. Họ sống trong các hang đá và những túp lều thô sơ. Khoảng 40.000 năm trước, trí não họ đã phát triển, trở nên giống con người ngày nay hơn, với nhiều ý tưởng hơn và vốn từ vựng cũng phong phú hơn. Họ bắt đầu vẽ tranh, trong đó có những tranh hang động ở Pháp, Tây Ban Nha và sa mạc Sahara. Họ làm được đồ trang sức, những bức tượng nhỏ, quần áo, lều trú, công cụ lao động và vũ khí đi săn.

Thợ săn sống trong hang đá hạ được những con thú rất lớn như voi mamút, nhưng họ cũng săn bắn nhiều loài thú nhỏ hơn như hươu và thỏ.