Bách Khoa Thư Lịch Sử

Nghệ Thuật (500 TCN–500 CN)

Ebook miễn phí tại : www.docsach24.com

NGHỆ THUẬT (500 TCN–500 CN)

Trong thời kỳ này, các tác phẩm nghệ thuật phát triển ngày càng vì mục đích tự thân của chúng và ít vì mục đích tôn giáo, phục vụ vua chúa hay truyền thống như vào những thiên niên kỷ trước.

Bức tượng nữ thần Aphrodite này, mà nay được biết đến với tên gọi Thần Vệ nữ (Venus) xứ Milo, được nhà điêu khắc Alexandros xứ Antioch tạc vào năm 130 TCN theo phong cách Hy Lạp. Dù là một nữ thần nhưng Vệ nữ được khắc họa trong hình hài một con người thực, thể hiện những cảm xúc (tiếng Hy Lạp là “pathos”) của con người.

Các tác phẩm nghệ thuật dần dần phát triển theo xu hướng thể hiện tính sáng tạo và để trang trí nhà cửa, phố sá và đồ dùng hàng ngày. Của cải tích lũy được của các đế quốc và các thương gia đô thị được dùng để bảo trợ và khuyến khích giới nghệ sĩ, dẫn tới những bước tiến lớn trong sáng tạo nghệ thuật. Nghệ thuật thời kỳ này có tính hiện thực hơn: người Hy Lạp và La Mã tạc tượng và vẽ tranh thể hiện trực tiếp, chính xác con người và cuộc sống quanh họ theo cách mới. Tại Hy Lạp, các tác phẩm nghệ thuật xuất sắc ra đời trong thời kỳ cổ điển và đạt đỉnh cao vào khoảng năm 400-300 TCN. Thông qua các chiến dịch của Alexander Đại đế, những tư tưởng Hy Lạp về chủ nghĩa hiện thực trong nghệ thuật lan tới tận Ấn Độ, và sự truyền bá đạo Phật đã đưa những tư tưởng này đi xa hơn về phương Đông, tới Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á. Các nghệ sĩ La Mã thường bắt chước tác phẩm của người Hy Lạp và phát triển phong cách hiện thực đôi khi mang tính thô ráp của riêng mình.

Chiếc vại này được làm ở xứ Anh thuộc La Mã khoảng năm 200, thời của cuộc “cách mạng công nghiệp” đầu tiên tại Anh. Hình trên vại mô tả một đấu sĩ thua trận đang xin tha mạng.

Ở khắp các đế quốc thời kỳ này, nhà của người giàu được trang trí bằng tranh rực rỡ trên tường, tượng, phù điêu và tranh khảm. Các công trình xây dựng được trang trí hình vẽ và chạm trổ công phu. Ở châu Mỹ và châu Phi, các phong cách nghệ thuật phát triển tách biệt với những nơi khác, và Trung Quốc cũng có các phong cách riêng độc đáo.

Chiếc ghim tinh xảo bằng đồng mạ vàng và ngọc thạch lựu do một người Ostrogoth ở Tây Ban Nha làm ra vào cuối thế kỷ V CN. Hình chim đại bàng có thể tượng trưng cho thần linh, với tám điểm lịch trong năm ở chính giữa.
Chiếc bình này là của Leandros, người có tên được khắc trên miệng bình. Bình được tạc hình đầu một phụ nữ châu Phi, có lẽ xuất xứ từ một trong các thuộc địa của Hy Lạp ở Bắc Phi.
Tác phẩm điêu khắc tìm thấy trong mộ của một thợ rèn La Mã, mô tả người thợ rèn bên chiếc đe, người thợ phụ đang thổi ống bễ nung kim loại trong lò, và các dụng cụ của nghề rèn.
Những con hạc này được đúc vào cuối thời nhà Chu ở Trung Quốc (khoảng năm 300 TCN), phủ sơn mài, một loại sơn dầu được phết nhiều lớp và để cho cứng lại. Hạc được coi là loài chim mang đến tin tốt lành và là biểu tượng của vẻ đẹp trang nhã.
Một mô hình tháp canh bằng gốm được làm tại Trung Quốc thời Hậu Hán vào khoảng năm 100 CN. Những ngọn tháp như thế này được dựng lên để canh giữ tài sản cho những điền trang quý tộc - chúng cũng có thể có cả ý nghĩa tôn giáo.

SỰ XUẤT HIỆN CỦA CÁC TƯ TƯỞNG MỚI

Ở Trung Quốc và Mexico, chữ viết bao gồm các hình vẽ hơn là chữ cái, và các hình này pha trộn ý tưởng với biểu hiện nghệ thuật. Người Trung Hoa làm các vật dụng bằng gỗ phủ sơn mài và cũng vẽ lên lụa. Trong cùng thời kỳ, người Hy Lạp trở thành những người tiên phong trong lĩnh vực kịch nghệ, đưa lên sân khấu các tình huống trong đời thực. Họ là những người đầu tiên thể hiện tâm trạng và tình cảm trong nghệ thuật. Vì tính sáng tạo là bản chất tự nhiên của con người, nên mọi nền văn hóa, dù đơn giản hay tinh vi, đều có loại hình nghệ thuật của riêng mình, thể hiện trong các tác phẩm khắc chạm trên gỗ hoặc đá, viết hoặc vẽ lên giấy cói hoặc vỏ cây, trong việc may quần áo và dệt thảm, hoặc đúc kim loại. Các tư tưởng mới xuất hiện thông qua các tác phẩm nghệ thuật, và trong giai đoạn quan trọng này, nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau được hình thành, một số trong đó tiếp tục phát triển đến ngày nay.

Một bức khắc đá của người Maya tả một thầy tu mặc lễ phục đang đi vào thế giới huyền bí.
Một con quạ bằng đồng đỏ do người Hopewell ở vùng Đông của Bắc Mỹ làm vào khoảng năm 100 TCN. Người Hopewell kiểm soát các mỏ đồng rất nguyên chất và xuất khẩu đồng sang tận Mexico.