Bách Khoa Thư Lịch Sử

Nam Phi (Từ 1990 Đến Nay)

NAM PHI (từ 1990 đến nay)

Quốc gia Nam Phi là thành lũy cuối cùng của chế độ cai trị đế quốc của thiểu số người da trắng tại châu Phi. Sự kiện Nelson Mandela được ra tù vào năm 1990 báo hiệu sự kết thúc của chế độ phân biệt chủng tộc apartheid.

Frederick W. De Klerk (sinh năm 1936) trở thành tổng thống Nam Phi năm 1989 sau khi P.W. Botha từ chức vì lý do sức khỏe. De Klerk đã rất nỗ lực để chấm dứt chế độ apartheid

Apartheid có nghĩa là sự phân biệt theo chủng tộc hoặc màu da, do người Boer khởi xướng tại Nam Phi vào đầu thế kỷ XX. Nó tách người dân Nam Phi thành ba nhóm: người da trắng, người Phi da đen và người “da màu”, tức người lai. Sau này bổ sung thêm người châu Á thành nhóm thứ tư. Đại hội Dân tộc Phi (ANC) là tổ chức được thành lập vào năm 1912 để đấu tranh chống lại các đạo luật phân biệt đối xử hà khắc này.

Chính phủ Nam Phi do người da trắng thống trị đã đặt ra hàng loạt đạo luật tàn nhẫn để đàn áp các phong trào phản kháng. Năm 1960, chính phủ coi mọi chính đảng của người da đen là bất hợp pháp sau khi xảy ra các cuộc bạo động chống chế độ apartheid tại Sharpeville. Vào giữa thập niên 1970, chính phủ nới lỏng phần nào sự kiểm soát và bắt đầu cho phép một số hiệp hội được hoạt động. Đến giữa thập niên 1980, chính phủ cho phép người da màu có đại diện của mình trong Quốc hội, nhưng người da đen thì chưa.

ANC và các chính đảng khác muốn có một nền dân chủ thực sự, trong đó mỗi người đều có quyền bỏ phiếu, và không phân biệt chủng tộc hay màu da. P.W. Botha, tổng thống Nam Phi từ năm 1984, là nhà lãnh đạo da trắng đầu tiên muốn có cải cách tại quốc gia này.

Là Tổng giám mục Cape Town và là người đứng đầu Nhà thờ Anh giáo, Desmond Tutu (sinh năm 1931) đã giành giải Nobel Hòa bình năm 1984 do những nỗ lực đấu tranh chống chủ nghĩa apartheid.

NHÀ CẢI CÁCH

Mặc dù Tổng thống Botha tiến hành một số thay đổi khiến cuộc sống của người da đen có phần công bằng hơn, nhưng những biện pháp của ông vẫn không dẫn tới sự khác biệt căn bản. Do sức khỏe kém, ông thôi chức năm 1989. Một nhà cải cách tên là F. W. de Klerk trở thành tổng thống, và vào năm 1990 ông hủy bỏ lệnh cấm các chính đảng của người da đen, trong đó có ANC. Để chứng tỏ rằng cá nhân ông thực sự muốn thay đổi, Tổng thống F. W. de Klerk đã trả tự do cho nhiều tù nhân chính trị. Một trong số tù nhân này là Nelson Mandela, ngồi tù từ năm 1964. De Klerk thường xuyên gặp gỡ Nelson Mandela cả khi ông còn ngồi tù lẫn khi ông đã được tự do.

Dưới chế độ apartheid, nhiều người dân da đen ở Nam Phi bị buộc phải rời khỏi thành phố và sống trong các khu nhà ổ chuột tồi tàn ở ngoại ô.
Thành phố Johannesburg hiện đại là trung tâm tài chính của Nam Phi, nằm ở nơi có tên là Witwatersrand, trung tâm khu vực khai thác vàng.

CHẾ ĐỘ APARTHEID CHẤM DỨT

Nelson Mandela trở thành người lãnh đạo tổ chức ANC và đã phát động phong trào đòi quyền dân sự cho dân nước mình, nhưng ông kiên quyết ủng hộ giải pháp hòa bình. Nelson Mandela hợp tác chặt chẽ với de Klerk, bằng cách đó mà cả người da trắng và người da đen có thể hợp tác để cùng thay đổi. Năm 1992, de Klerk tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân riêng cho người da trắng để hỏi họ có mong muốn chấm dứt chế độ apartheid hay không. Kết quả cho thấy hai phần ba số phiếu ủng hộ việc chấm dứt chế độ apartheid.

Những người ủng hộ Nelson Mandela ăn mừng thắng lợi của Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) sau cuộc bầu cử tự do đầu tiên tại Nam Phi vào năm 1994. ANC giành chiến thắng rõ rệt và Nelson Mandela trở thành tổng thống. Ông lãnh đạo đất nước cho đến năm 1999 và Thabo Mbeki được bầu làm tổng thống.

Sau nhiều cuộc thương lượng, cuộc bầu cử tự do đầu tiên tại Nam Phi được tiến hành vào tháng 4-1994, trong đó người da đen cũng được bỏ phiếu. Đảng ANC giành được thắng lợi áp đảo và Nelson Mandela trở thành tổng thống da đen đầu tiên của nhà nước Nam Phi khi de Klerk chuyển giao quyền lực cho ông vào tháng 5 năm đó. Mặc dù ANC thành lập chính phủ, nhưng de Klerk vẫn là một trong hai phó tổng thống của Nam Phi.

Cuộc đấu tranh vì sự bình đẳng đã đạt được thắng lợi lớn, nhưng nền dân chủ mới thành lập ở Nam Phi còn phải đối mặt với nhiều vấn đề gai góc phải mất nhiều năm để cải thiện. Đến năm 2003, hơn 1,7 triệu trẻ em vẫn chưa được cắp sách tới trường, 8 triệu người lớn không biết đọc biết viết, 6 triệu người không được dùng nước uống sạch thường xuyên, một phần tư số người lớn thất nghiệp. Và sự chênh lệch quá lớn giữa người giàu và người nghèo đã dẫn tới hậu quả là nạn tội phạm đường phố tăng mạnh.

Sau khi chế độ apartheid chấm dứt, một số chủ trại da trắng ở Nam Phi đã lo sợ rằng các trang trại rộng lớn của họ có thể bị chính phủ tịch thu và phân chia cho người da đen.