Vùng đồng bằng rộng lớn miền Trung Tây nước Mỹ có thời trải dài tưởng như vô tận. Vào thế kỷ XIX, đây là nơi diễn ra một cuộc chiến tranh giành quyền sở hữu đất.
Nhiều nhóm thổ dân châu Mỹ đã sinh sống ở vùng Đồng bằng Lớn (Great Plains) thuộc miền Tây nước Mỹ hàng nghìn năm. Khu vực rộng lớn này trải dài từ sông Mississippi ở miền Đông tới dãy núi Rocky ở miền Tây, và từ Canada ở miền Bắc tới Texas ở miền Nam. Từ thế kỷ XVII trở về trước, nhiều bộ lạc ở đây sống bằng nghề nông. Họ trồng ngô, đậu và các cây lương thực khác, nhưng cũng săn trâu bằng cung tên. Lối sống của họ bắt đầu thay đổi vào thế kỷ XVII khi người Tây Ban Nha du nhập ngựa vào vùng này.
Nhờ có ngựa, thổ dân châu Mỹ có thể săn trâu dễ dàng hơn. Săn được trâu, họ không những có thịt để ăn, mà còn có thể dùng xương trâu để làm dụng cụ và vũ khí, da trâu để lợp lều và làm quần áo. Một số cộng đồng thổ dân châu Mỹ được gọi là “các dân tộc vùng Đồng bằng”. Những người định cư da trắng đầu tiên đã bắt một số bộ lạc rời khỏi quê hương ban đầu của họ ở phía Đông sông Mississippi chuyển về phía Tây.
Chính phủ Mỹ khuyến khích người dân di cư về phía Tây. Theo Luật Cấp đất cho người định cư mới (1862), một gia đình có thể sở hữu 65 hecta mà chỉ phải đóng một khoản lệ phí rất nhỏ, miễn là họ không bán đất trong vòng năm năm. Những người nào khoan giếng hoặc trồng cây còn được trao nhiều đất hơn. Đạo luật còn khuyến khích nông dân chuyển tới định cư ở vùng Đồng bằng Lớn.
Chính phủ Mỹ cũng khuyến khích việc xây dựng đường sắt để chở người tới những vùng chưa có người định cư. Và vì chính phủ hào phóng trong việc cấp đất để xây dựng đường sắt, nên nhiều tuyến đường sắt được xây lên chỉ nhằm chiếm đất. Đến năm 1869, tuyến đường sắt Thái Bình Dương được hoàn thành, nối bờ biển phía Đông với bờ biển phía Tây nước Mỹ.
Việc mở các tuyến đường sắt nhanh chóng làm thay đổi diện mạo nước Mỹ. Các tuyến đường sắt này đưa thêm nhiều người định cư tới xứ sở truyền thống của thổ dân. Giữa hai cộng đồng đã nảy sinh xung đột. Khi các thủ lĩnh của người bản xứ và những người tới định cư ở quê hương họ ký thỏa thuận về đất đai thì mỗi bên hiểu một cách. Tư tưởng về sở hữu cá nhân của người định cư là vô nghĩa đối với những người bản xứ, vì họ cho rằng mình vẫn có thể săn bắn trên những vùng đất đã bị chiếm hữu. Một cuộc đấu tranh sinh tồn bắt đầu. Nhiều người bản xứ mua súng và tấn công nhà cửa vườn tược của người định cư, tấn công xe ngựa của họ, đường sắt và cả kỵ binh Mỹ.
Bắt đầu từ năm 1866, đã nổ ra hàng loạt cuộc chiến tranh. Năm 1877, Tổng thống Mỹ Rutherford B. Hayes tuyên bố: “Phần nhiều, nếu không nói là hầu hết, các cuộc chiến tranh của chúng ta với thổ dân da đỏ có nguyên do là sự thất hứa và những việc làm bất công”. Chỉ cần một việc giết trâu, nguồn thực phẩm chính của các dân tộc ở vùng Đồng bằng, là đã đủ để tiêu diệt người Mỹ bản xứ. Năm 1860, ở vùng này có khoảng 15 triệu con trâu, nhưng đến năm 1885 chỉ còn lại 2.000 con. Những người bản xứ sống sót ở vùng Đồng bằng bị buộc phải chuyển tới những khu đất dành riêng cho họ, thường là đất bạc màu nơi họ phải trồng cây lương thực để sống.
Người bản xứ châu Mỹ chỉ quen săn bắn nên không muốn làm nghề nông. Họ không được phép trở thành công dân Mỹ, và có ít quyền công dân. Hàng nghìn cộng đồng người bản xứ đã thiệt mạng trong các trận đánh ác liệt với binh lính Mỹ. Trận đánh cuối cùng diễn ra ở Wounded Knee tại bang Nam Dakota vào năm 1890, trong đó binh lính đã tàn sát 200 người Sioux. Chẳng bao lâu, tất cả người bản xứ bị dồn vào những khu vực dành riêng cho họ và lối sống của họ bị chấm dứt vĩnh viễn.