Bách Khoa Thư Lịch Sử

Ireland: Nội Loạn (1916–1923)

IRELAND: NỘI LOẠN (1916–1923)

Theo Hiệp ước Anh-Ireland năm 1921, Nam Ireland trở thành quốc gia tự trị. Năm 1949, quốc gia này trở thành một nước cộng hòa, hoàn toàn độc lập với nước Anh.

Sự thất vọng của Ireland trước việc Luật Tự trị (Home Rule) tuy đã thông qua nhưng sau đó chưa được thực thi bởi Chiến tranh Thế giới I nổ ra đã dẫn tới nổi dậy và nội chiến. Nam Ireland trở thành lãnh thổ tự trị vào năm 1921.

Nhiều người Ireland đòi hỏi phải có Luật Tự trị và một dự luật Tự trị đã được Nghị viện Anh thông qua năm 1912. Lẽ ra nó đã trở thành luật cho phép Ireland có Nghị viện riêng để giải quyết các vấn đề nội bộ, nhưng lại bị trì hoãn khi Chiến tranh thế giới I bùng nổ vào năm 1914.

Ở Bắc Ireland, người Tân giáo phản đối dự luật tự trị vì nó sẽ biến họ trở thành cộng đồng thiểu số trong một quốc gia Thiên Chúa giáo. Những người thuộc phái Cộng hòa Ireland muốn Ireland trở thành một nước cộng hòa độc lập. Nhiều người ủng hộ đảng chính trị có tên là Sinn Féin (“Chỉ một mình chúng ta”). Một số người là thành viên của Quân Tình nguyện Ireland, Hội Ái hữu Cộng hòa Ireland, hay Quân đội Công dân Ireland.

Ngày lễ Phục sinh năm 1916, những người cộng hòa chiếm tòa nhà Tổng cục Bưu điện ở Dublin làm tổng hành dinh. Chiến sự diễn ra trong một tuần. Ngày 29- 4, những người cộng hòa đầu hàng. Quân Anh nã đại bác khiến tòa nhà bốc cháy.

Vào ngày thứ Hai dịp lễ Phục sinh năm 1916, các thành viên của Quân Tình nguyện Ireland và Quân đội Công dân Ireland do Padraic Pearse và James Connolly dẫn đầu đã chiếm các tòa nhà công cộng tại Dublin, sự kiện này được đặt tên là cuộc Nổi dậy Phục sinh. Từ trụ sở của Tổng cục Bưu điện, Pearse và Connoly tuyên bố thành lập nước cộng hòa, nhưng ngay sau đó bị quân đội Anh đánh bại. Trong cuộc bầu cử năm 1918, Sinn Féin giành được 73 trong tổng số 105 ghế của Ireland trong Nghị viện Anh.

Sinn Féin thành lập riêng nghị viện của mình (Dáil Eireann) và tuyên bố Ireland là nước cộng hòa độc lập vào năm 1919. Động thái này dẫn tới cuộc chiến giữa Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) và Cảnh sát Hoàng gia Ireland (RIC). Cảnh sát có vũ trang, có tên gọi là lực lượng Đen và Nâu vàng (Black-and-Tans) theo màu đồng phục của họ, được đưa tới để chi viện cho RIC. Chiến sự kéo dài tới năm 1921.

Bức ảnh này cho thấy xác chiếc xe hơi được dùng làm chiến lũy trên đường phố Dublin trong cuộc Nổi dậy Phục sinh năm 1916. Phía bên này chiến lũy là những người cộng hòa, phía bên kia là lính Anh. Nhiều dân thường đã chết trong các cuộc đọ súng.
Michael Collins (1890–1922), người ngồi giữa, tham gia vào cuộc Nổi dậy Phục sinh năm 1916 và bị người Anh bắt bỏ tù. Ông trở thành thủ lĩnh đảng Sinn Féin và người đứng đầu cơ quan tình báo của Quân Tình nguyện Ireland. Ông được bầu vào Nghị viện Ireland năm 1918 và đã đàm phán về hiệp ước hòa bình với Anh năm 1921, trở thành người đứng đầu Chính phủ Lâm thời năm 1922. Ông bị giết trong một cuộc phục kích vào tháng 8-1922.
Éamon de Valera (1882–1975) sinh tại Mỹ. Ông bị người Anh bắt bỏ tù vì đã tham gia cuộc Nổi dậy Phục sinh năm 1916 và thành lập Đảng Fianna Fáil năm 1926. Từ Những năm 1937–1959, ông đã ba lần làm thủ tướng Ireland. Sau đó ông trở thành tổng thống cho tới năm 1973.

HIỆP ƯỚC ANH-IRELAND

Chính phủ Anh muốn chia Ireland thành hai phần, theo đó sáu hạt thuộc vùng Ulster ở phía Bắc sẽ tách khỏi phần còn lại của Ireland. Theo đạo Luật về Chính quyền Ireland năm 1920, thì mỗi phần của Ireland sẽ có chính phủ tự trị ở mức độ nhất định. Sáu hạt thuộc vùng Ulster có đa số dân là người Tân giáo không muốn chịu sự cai quản của Dublin. Họ chấp thuận đạo luật này và thành lập một quốc gia mới là Bắc Ireland. Dáil Eireann, do Eamon de Valera lãnh đạo, phản đối đạo luật vì họ muốn độc lập hoàn toàn cho toàn bộ Ireland.

Với mục tiêu mang lại hòa bình, Hiệp ước Anh-Ireland năm 1921 quy định Nam Ireland trở thành một nhà nước tự trị thuộc Vương quốc Anh. Tên gọi của nó là Nhà nước Tự do Ireland, được thành lập năm 1922. Nhưng sự kiện này lại dẫn tới nội chiến. Một bên là lực lượng của phái Nhà nước Tự do Ireland, đồng ý với các điều khoản trong Hiệp ước. Còn phe bên kia là những người cộng hòa.

Nội chiến kéo dài tới năm 1923, khi de Valera ra lệnh cho những người cộng hòa buông súng. Năm 1926, ông thành lập một chính đảng mới, đặt tên là Fianna Fáil. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1932, ông thắng lực lượng Nhà nước Tự do Ireland. Hiến pháp mới ban hành năm 1937 đặt tên mới cho Nam Ireland là Eire, nhưng lãnh thổ này vẫn nằm trong khối Liên hiệp Anh. Nó hoàn toàn độc lập khỏi Anh vào năm 1949, và rút khỏi khối Liên hiệp Anh.


CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH

1916 Cuộc Nổi dậy Phục sinh tại Dublin bị người Anh dập tắt trong vòng một tuần

1918 Trong cuộc bầu cử, Sinn Féin giành được 73 trong tổng số 105 ghế của Ireland trong Nghị viện Anh

1919 Động thái Sinn Féin tuyên bố Ireland độc lập dẫn tới nội chiến

1922 Nam Ireland được gọi là Nhà nước Tự do Ireland, trở thành một thuộc quốc tự trị của Anh

1923 Nội chiến chấm dứt

1926 Đảng Fianna Fáil được thành lập

1937 Hiến pháp mới đổi tên Nam Ireland thành Eire

Cả hai lực lượng Nhà nước Tự do Ireland và những người cộng hòa đều được trang bị nhiều vũ khí trong thời gian nội chiến. Khẩu pháo dã chiến này là của lực lượng Nhà nước Tự do Ireland và đã được sử dụng tại hạt Limerick.