Bách Khoa Thư Lịch Sử

Các Trận Đánh Trong Chiến Tranh Thế Giới I (1914–1917)

CÁC TRẬN ĐÁNH TRONG CHIẾN TRANH THẾ GIỚI I (1914–1917)

Mặt trận phía Tây kéo dài qua cả Bỉ và miền Đông Bắc nước Pháp. Hàng triệu lính đã thiệt mạng trong các trận đánh trên mặt trận này trong thời gian 1914–1918.

Trong một loạt các trận đánh ác liệt dọc theo mặt trận phía Tây, hàng triệu người đã chết chỉ để tranh giành vài km. Chiến tranh sớm lâm vào tình trạng giằng co.

Trong Chiến tranh thế giới I, chiến sự diễn ra ở nhiều khu vực. Mặt trận phía Tây nằm giữa Đức và miền bắc nước Pháp, còn mặt trận phía Đông nằm giữa Đức và Nga. Chiến sự cũng diễn ra trên biển và ở Trung Đông, nơi các cường quốc Đồng minh tấn công đế quốc Ottoman. Tại châu Phi, quân Anh và Pháp tấn công các thuộc địa của Đức.

Mặt nạ phòng hơi độc được sử dụng trong Chiến tranh thế giới I để chống lại các cuộc tấn công bằng khí độc.

Trên mặt trận phía Tây, từ tháng 9-1914, quân Pháp và quân Anh cùng với hàng nghìn lính từ thuộc địa Anh chiếm giữ một mạng lưới đường hào sâu. Cách họ chỉ vài trăm mét – phía bên kia “vành đai trắng” – là các đường hào của quân Đức. Hàng triệu người đã thiệt mạng ở mặt trận phía Tây trong các trận đánh như Ypres, Verdun và sông Somme. Một trong những trận tàn khốc nhất diễn ra ở Passchendaele vào năm 1917. Trận đánh diễn ra dưới trời mưa xối xả, binh lính phải lội trong bùn ngập tới tận thắt lưng. Trong vòng 102 ngày, quân Đồng minh chỉ tiến được 8 km, với cái giá là 400.000 sinh mạng.

Trong bốn năm, mặt trận phía Tây không di chuyển được quá 32 km. Hàng rào thép gai, súng liên thanh và pháo binh khiến các cuộc tấn công đều không có hiệu quả. Xe tăng được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1916, có thể nghiến qua hàng rào thép gai hoặc súng liên thanh, nhưng chưa thực sự đáng tin cậy. Máy bay có hiệu quả hơn và được sử dụng để do thám quân địch, chỉ điểm cho pháo binh và ném bom. Mặt trận phía Đông kéo dài từ khu vực Baltic đến bờ biển Đen và cũng có các tuyến đường hào mà theo đó quân Nga đã rút lui vào tháng 9-1914.

Tháng 9-1914, quân Đức tiến đến gần Paris đã bị chặn lại khi quân Đồng minh chật vật trấn giữ phòng tuyến sông Marne. Chính phủ Pháp rời tới Bordeaux. Quân Đồng minh giữ được phòng tuyến và trong một cuộc phản công lớn, gọi là trận Marne thứ nhất và được coi là một trong những trận đánh quyết định của cuộc chiến, quân Đồng minh đã đẩy quân Đức lùi về tuyến sông Aisne.
Cuộc chiến ở mặt trận phía Tây diễn ra trong các chiến hào được bảo vệ bằng hàng rào thép gai và súng máy. Điều kiện chiến đấu lúc đó thật khủng khiếp: bùn ngập tới đầu gối, đạn nã thường xuyên trong các cuộc bắn tỉa và đột kích. Trận sông Somme và trận Verdun tại Pháp vào năm 1916 đã làm hơn hai triệu lính thiệt mạng, nhưng không bên nào tiến thêm được quá vài trăm mét.
Những chiếc xe tăng đầu tiên do hai nhà khoa học Anh chế tạo đã được sử dụng trong trận sông Somme năm 1916. Được trang bị súng máy, những chiếc xe tăng này khiến lính Đức kinh hoàng, nhưng vẫn còn quá nhiều hỏng hóc về mặt cơ khí nên chưa thật hiệu quả.

CUỘC CHIẾN TRÊN BIỂN

Chỉ có hai trận đánh lớn trên biển trong Chiến tranh Thế giới I. Trận đầu vào năm 1914, khi một hạm đội của Đức bị Hải quân Anh tiêu diệt ở ngoài khơi quần đảo Falkland. Trong trận thứ hai là trận Jutland vào năm 1916, cả quân Đức và Anh đều nhận đã thắng. Tuy vậy, từ đó cho tới khi Đức đầu hàng quân Đồng minh và chiến tranh kết thúc, hạm đội của Đức không bao giờ rời cảng Kiel của họ thêm một lần nào nữa.

Tàu ngầm của Đức – gọi là tàu U – tấn công các tàu thuyền đi về hướng Anh và Pháp. Các tàu ngầm của Đức đã đánh đắm hàng trăm tàu của phe Đồng minh, suýt buộc nước Anh quỳ gối. Khi tàu Housatonic của Mỹ bị đánh chìm vào năm 1917, Mỹ đã tuyên chiến với Đức.

Jutland là trận đánh lớn trên biển trong Chiến tranh Thế giới I. Mặc dù hạm đội của Đức gây được nhiều tổn thất hơn là họ phải chịu, nhưng cả hai bên Anh và Đức cùng tuyên bố mình chiến thắng. Sau trận này, ngày 31-5-1916, hạm đội “Biển Cả” của Đức rút chạy trong bóng tối và trở về cảng của mình, ở lại đó cho tới khi kết thúc chiến tranh.
THẢM HỌA Ở GALLIPOLI:Năm 1915, với mục tiêu hỗ trợ quân Nga ở mặt trận phía Đông, quân Đồng minh ném bom các pháo đài của Thổ Nhĩ Kỳ có nhiệm vụ canh gác eo biển Dardanelles. Quân Đồng minh, gồm cả lực lượng ANZAC của Australia và New Zealand, sau đó đã đổ bộ xuống Gallipoli để chiếm các vị trí chiến lược nhìn ra eo biển hẹp Dardanelles. Tuy nhiên, do sai lầm, quân Đồng minh đã đánh giá quá thấp sức mạnh của quân Thổ Nhĩ Kỳ và chỉ riêng Australia đã có 8.587 lính thiệt mạng và 19.367 lính bị thương.