Ebook miễn phí tại : www.docsach24.com
Sau khi Julius Caesar bị giết vào năm44 TCN, người La Mã muốn có một chế độ độc tài hơn là tình trạng hỗn loạn. Octavian, người kế vị Caesar, dần dần nắm quyền. Ông trở thành hoàng đế đầu tiên của La Mã.
Octavian là cháu họ của Caesar. Ông là một nhà chính trị có tài, được bầu làm quan Chấp chính tối cao (như tổng thống) hết năm này qua năm khác. Ông tự xưng là princeps (“công dân số một”) chứ không phải là vua. Sau khi đổi tên thành Augustus (bậc oai nghiêm), ông tổ chức lại bộ máy chính quyền và cơ cấu đế quốc, thiết lập hòa bình. Dưới sự cai trị của ông, La Mã mở rộng buôn bán sang tận Đông Phi, Ấn Độ và Trung Quốc. Các đô thị, hệ thống đường sá và lãnh thổ của đế quốc La Mã phát triển rộng lớn hơn bao giờ hết.
Các hoàng đế La Mã dựa vào sự ủng hộ của quân đội nhiều hơn là của dân chúng. Giới quý tộc không còn nhiều quyền lực nữa. Nhiều người trong số họ chuyển tới các điền trang giàu có ở nông thôn hoặc tỉnh xa. Hầu hết các hoàng đế La Mã chọn người kế vị, nhưng một số người kế vị không được lòng dân hoặc gây nhiều tranh cãi nên bị binh lính phế truất. Trong vòng một năm, (68-69 CN), có bốn vị hoàng đế đã bị phế truất. Từ năm 100 CN, các hoàng đế tài giỏi là Trajan, Hadrian, Antoninus và Marcus Aurelius cai trị La Mã, tuy phần lớn trong số đó không hẳn là người La Mã. Vào khoảng năm 117 CN, đế quốc La Mã phát triển quá rộng nên không còn đủ khả năng thưởng cho binh lính bằng chiến lợi phẩm, nô lệ hay đất đai chiếm được trong các cuộc chinh phục. Gánh nặng đè lên La Mã gia tăng.
Người dân gia nhập quân đội để được thăng chức, hưởng đất đai hoặc quyền lực, nhất là nếu họ không phải người La Mã. Điều đó cũng có nghĩa là binh lính có vị thế lớn tại La Mã và các thuộc địa; họ trở thành địa chủ và tầng lớp thống trị. Binh lính xuất thân từ nhiều xứ sở khác nhau, người của các man tộc thường được thuê vào quân đội, trở thành lính đánh thuê. Các quân đoàn viễn chinh chiến đấu ở những nơi xa xôi như Scotland, Morocco và bán đảo Arập. Đường sá, pháo đài và các bức tường xác định ranh giới được xây dựng để duy trì an ninh.
Các cuộc chinh phạt cuối cùng của La Mã vào thế kỷ tiếp sau Augustus diễn ra ở Anh, Syria, Palestine và Ai Cập. Người Do Thái và người Anh rất khó đánh bại, còn người Parthia thì gần như không thể. Nhưng phần lớn người dân ở những nước bị thôn tính cũng thích nghi với hoàn cảnh mới. Người dân ở Gaul, Bắc Phi, Syria, Anh và Hungary tiếp nhận lối sống La Mã và tự xem mình là công dân La Mã. Điều hành một đế quốc rộng lớn là một việc khó, và đế quốc La Mã được thống nhất là nhờ hoạt động buôn bán chứ không phải quan hệ tôn giáo hay sắc tộc. Người dân ở các thuộc địa được sống yên ổn theo cách của họ, miễn là tuân thủ các quy định do người La Mã đặt ra.
509 TCN Cộng hòa La Mã thành lập
496 TCN Người La Mã đánh bại người Latium trong trận Hồ Regillus
493 TCN Liên minh La Mã - Latium chống người Etruria
390 TCN Người Celt cướp phá La Mã
306 TCN Người La Mã đánh bại người Etruria
Những năm 300 TCN La Mã bành trướng và thống trị Italia
264-202 TCN Các cuộc chiến tranh Punic và thành Carthage thất thủ
146 TCN La Mã chiếm Hy Lạp Những năm 50 TCN Caesar chinh phục Pháp
49-31 TCN Nội chiến giữa các tướng La Mã
27 TCN Octavian Nền cộng hòa chấm dứt, đế quốc phát triển
160 CN Dịch bệnh và khủng hoảng làm giảm dân số và hoạt động buôn bán
212 Mọi cư dân thuộc đế quốc được hưởng quyền công dân La Mã
212 Hoàng đế Diocletian phân chia và cơ cấu lại đế quốc
324 Thành lập thành phố Constantinople
370 Các man tộc tấn công đế quốc La Mã
410 Người Visigoth cướp phá Rome, gây nên sự xuống dốc nhanh chóng của đô thành này
476 Hoàng đế cuối cùng Romulus Augustus bị hạ bệ