Bách Khoa Thư Lịch Sử

Cộng Hòa La Mã (509–27 TCN)

CỘNG HÒA LA MÃ (509–27 TCN)

Cho tới lúc này, La Mã do các nhà quý tộc cai trị. Họ mở rộng vùng ảnh hưởng của La Mã, đầu tiên là ở Italia và sau đó ra khắp vùng Địa Trung Hải.

Chiếc vò hai quai như thế này (amphora) được dùng đựng dầu ô liu và rượu để mang đi khắp đế quốc La Mã.

Nhưng sau đó nổ ra cuộc đấu tranh giữa quý tộc (patrician) với bình dân (plebeian), dẫn tới sự ra đời của một bộ luật và sự ảnh hưởng của bình dân trong chính quyền. Điều này tạo nên sức mạnh của nền Cộng hòa. Để tự vệ trước các cuộc tấn công, người La Mã tham gia một loạt các cuộc chiến tranh, và đến năm 270 TCN họ đã kiểm soát được phần lớn Italia. Ít lâu sau, La Mã mâu thuẫn với Carthage trong việc buôn bán tại Địa Trung Hải, dẫn tới các cuộc chiến tranh Punic (tên gọi khác của người Phoenicia và Carthage) kéo dài 60 năm. Trong giai đoạn này, vua Hannibal của xứ Carthage đã chỉ huy quân đội vượt dãy Alps sang xâm chiếm Italia. Sau một loạt chiến thắng của Hannibal, một vị tướng tài ba của La Mã là Scipio đưa quân sang châu Phi để tấn công Carthage. Tình hình đó buộc vua Hannibal phải trở về nước, và cuối cùng tướng Scipio đánh bại Carthage. Ngay sau đó người La Mã xây dựng các đô thị mới, thiết lập trật tự, mang lại sự thịnh vượng và cho phép những dân tộc bị chinh phục được hưởng một dạng quyền công dân La Mã nếu họ chịu hợp tác. Đến năm 44 TCN, người La Mã đã cai trị Tây Ban Nha, Pháp, khu vực châu Âu ở phía Nam sông Danube, Tiểu Á và Bắc Phi. Họ thống trị vùng Địa Trung Hải trong gần 200 năm và trở thành lực lượng bá chủ ở phương Tây.

Quảng trường trung tâm (forum) của một đô thị ở La Mã là nơi người ta gặp gỡ, đưa ra những thông báo hay họp chợ, cũng là nơi có tòa thị chính, kho bạc và tòa án.
Đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đế quốc là hệ thống đường sá, được xây dựng để thúc đẩy hoạt động buôn bán, dịch vụ chuyển thư và việc chuyển quân. Trong hình bên phải là cảnh xây cống dẫn nước qua đường.

NỀN CỘNG HÒA CHẤM DỨT

Vào năm 100 TCN, xung đột giữa quý tộc và bình dân gia tăng. Quân đội La Mã tuyển dụng cả những thường dân không có đất đai, những người này về sau được ban thưởng đất đai và địa vị ở thuộc địa. Cuộc tranh giành quyền lực giữa các tướng lĩnh La Mã dẫn tới nội chiến. Đến năm 44 TCN, Julius Caesar trở thành Chấp chính suốt đời của La Mã. Những người Cộng hòa đã ám sát ông và không lâu sau nền Cộng hòa sụp đổ.

Quân đội của Hannibal hành quân từ Tây Ban Nha, vượt rặng Alps tiến vào Italia. Đội quân này hùng mạnh đến mức quân La Mã tránh đối đầu mà thay vào đó tấn công chính Carthage, buộc Hannibal phải rút quân về bảo vệ.

CÁC CUỘC CHIẾN TRANH PUNIC

Để mở rộng thế lực, người La Mã gây chiến với người Phoenicia ở Carthage. Các cuộc chiến tranh Punic (264-241 TCN và 218-202 TCN) bắt đầu từ cuộc tranh giành Sicily nhưng sau đó đe dọa cả các đô thị lớn của La Mã và Carthage. Tướng Hannibal của Carthage sắp chiến thắng sau khi xâm lược Italia từ phía dãy núi Alps, nhưng tướng Scipio Africanus của La Mã muốn tránh một cuộc chiến trực diện, đã tấn công Tây Ban Nha năm 206 TCN và tiếp đó đánh thẳng vào Carthage năm 202 TCN. Kết cục, người Phoenicia mất tất cả, còn người La Mã thống trị Địa Trung Hải và hoạt động buôn bán ở vùng này.

Hannibal là một nhà chiến lược lỗi lạc và là người khiêm tốn. Ông đã có nhiều mưu mẹo độc đáo. Chỉ bằng chiến thuật tài tình không kém, người La Mã mới đánh bại được ông.
Người Carthage dùng voi châu Phi gieo rắc nỗi kinh hoàng cho quân La Mã. Khi họ vượt qua dãy Alps, phần lớn những con voi này đã chết.