Trong khi ở châu Âu đang diễn ra các cuộc chiến tranh Napoleon, xã hội của những người định cư ở châu Mỹ La-tinh cũng bị xáo động và một phong trào đòi độc lập dần trở nên lớn mạnh.
Từ khi Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha chia nhau Tân Thế giới năm 1494, cả hai nước đều có những thuộc địa rộng lớn ở Trung và Nam Mỹ. Trong hàng thế kỷ, các thuộc địa này chịu ách cai trị từ những nước châu Âu xa xôi. Trong thời gian 1807–1808, Napoleon đã tiến quân sang Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, và hai nước này trở thành chiến trường khi quân Anh, cùng quân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chiến đấu chống quân Pháp. Thời kỳ hỗn loạn này đã tạo cơ hội cho các thuộc địa. Họ bắt đầu cuộc đấu tranh đòi độc lập năm 1808, không chấp nhận Joseph, anh trai của Napoleon, lên làm vua Tây Ban Nha cũng như làm người cai trị các thuộc địa.
Argentina tự tuyên bố thoát khỏi ách cai trị của Tây Ban Nha năm 1810, và Paraguay cũng hành động tương tự vào năm 1811. Peru cũng như Mexico độc lập khỏi Tây Ban Nha năm 1821, và Brazil thoát khỏi ách Bồ Đào Nha năm 1822. Venezuela cuối cùng giành được độc lập năm 1830. Có công lớn trong phong trào độc lập ở Nam Mỹ là hai nhà lãnh đạo cương nghị, Simón Bolívar (1783–1830) và José de San Martín (1778–1850), cả hai đều được những tư tưởng của cuộc Cách mạng Pháp khích lệ.
Năm 1819, Bolívar và các nhà quý tộc Venezuela khác đã đánh bại quân Tây Ban Nha ở New Granada (Colombia) và Peru. Năm 1824, Bolívar sát cánh chiến đấu cùng San Martín – người đã hành quân vượt núi Andes vào giải phóng Chile. Năm 1826, Bolívar tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Đại Colombia (gồm Venezuela, Colombia, Ecuador và Panama) nhưng sau đó nước cộng hòa này tan rã. Năm 1825, vùng Thượng Peru lấy tên là Bolivia để vinh danh Bolívar. Cả Bolívar và San Martín đều chiến đấu trong những điều kiện hết sức khó khăn. Mặc dù giành được độc lập, tình cảnh ở các nước này vẫn không thực sự được cải thiện vì quyền lực vẫn do các chủ đồn điền nắm giữ.