Bách Khoa Thư Lịch Sử

Cuộc Chiến Tranh Bảy Năm (1756–1763)

CUỘC CHIẾN TRANH BẢY NĂM (1756–1763)

Chiến tranh Bảy năm lôi cuốn nhiều nước tham gia, mỗi nước đều có ý đồ riêng. Phổ và Anh được lợi nhiều nhất trong cuộc chiến này. Phổ giữ được tỉnh Silesia, Anh giành thêm quyền kiểm soát trên các vùng biển, cũng như ở Canada và Ấn Độ.

Cuộc Chiến tranh Bảy năm là cuộc chiến giữa các cường quốc châu Âu tranh giành quyền thống trị tại lục địa, cũng như quyền kiểm soát trên biển và các thuộc địa.

Trong phần lớn thế kỷ XVIII, Áo, Phổ, Nga và Pháp, mỗi nước đều muốn giành quyền kiểm soát châu Âu. Cuộc tranh giành vẫn chưa ngã ngũ sau khi cuộc Chiến tranh giành ngôi kế vị ở Áo chấm dứt năm 1748. Tuy nhiên, không quốc gia châu Âu nào đủ mạnh để một mình giành chiến thắng, vì vậy họ đã liên minh với nhau. Hệ quả là cán cân quyền lực ở châu Âu luôn bất ổn.

Áo, Pháp, Thụy Điển, Nga và Tây Ban Nha đối chọi với Phổ, Anh và Hanover. Áo muốn giành lại vùng Silesia từ tay Phổ, còn Anh và Pháp tranh giành các thuộc địa ở Ấn Độ và Canada. Nhưng các cuộc chiến tranh rất tốn kém về thời gian, tiền của, vũ khí, sinh mạng con người và làm cạn kiệt tài nguyên của các quốc gia tham chiến. Cuộc chiến tranh bắt đầu vào năm 1756, kéo dài trong bảy năm. Lúc đầu, quân Pháp và Áo tưởng như đã giành phần thắng.

Nhưng quân Anh dưới sự chỉ huy của bộ trưởng chiến tranh Pitt Cha đã hợp lực với quân Phổ. Chiến thắng của quân Phổ vào năm 1757 trong các trận Rossbach (chống quân Pháp), trận Leuthen (chống quân Áo) và trận Zorndorf (chống quân Nga) cùng với chiến thắng của quân Anh trước quân Pháp tại Plassey (Ấn Độ) và Quebec (Canada) đã làm thay đổi cán cân quyền lực.

Chiến tranh Bảy năm là cuộc chiến tốn kém về sinh mạng và tiền của đối với tất cả các bên tham chiến và diễn ra trên quy mô lớn, như được thể hiện qua trận đụng độ này.
Trong trận vịnh Quiberon vào tháng 11 năm 1759, ở ngoài khơi Brittany, hải quân Anh đã đánh bại hải quân Pháp và từ đó thống trị các vùng biển ngoài khơi.
Huy chương này được làm để vinh danh liên minh Áo-Pháp chính thức được thiết lập tại cung điện Versailles năm 1756.

KẾT CỤC CUỘC CHIẾN

Năm 1759, liên quân Anh-Phổ đánh bại quân Pháp ở Minden (Đức) và hải quân Anh đánh bại hạm đội của Pháp ở vịnh Quiberon. Năm 1760, quân Anh chiếm Montreal ở Canada. Năm 1761, William Pitt Cha buộc phải từ chức vì chính sách của ông không được các chính trị gia khác ủng hộ. Nữ hoàng Nga Elizaveta mất năm 1762 và nước Nga với vị Sa hoàng mới lên ngôi là Peter III đã rút khỏi cuộc chiến. Tuy nhiên, diễn biến này vẫn không làm chiến sự chấm dứt. Nguyên nhân thực sự khiến chiến tranh chấm dứt là phí tổn và sức tàn phá của cuộc chiến đối với tất cả các bên tham chiến, họ đã cạn kiệt tiền của và khí tài.

Các bộ trưởng và nhà ngoại giao lúc này kiểm soát chính phủ, và sau những mất mát do cuộc chiến tranh kéo dài gây ra, nhiều nước ở châu Âu muốn đàm phán hơn là tiến hành chiến tranh. Theo Hiệp ước Paris năm 1763, Anh sẽ được những vùng đất của Pháp ở Canada và Ấn Độ, còn Phổ sẽ giữ tỉnh Silesia giàu có.


CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH

1756 Chiến tranh Bảy năm bùng nổ

1757 Trận chiến Plassey – Anh tăng cường kiểm soát tại Ấn Độ

1757-1758 Các trận đánh mang tính sống còn đối với quân Phổ – Phổ thắng trong trận Rossbach và Leuthen

1759 Quân Anh giành quyền kiểm soát nhiều vùng ở Canada và trên biển

1759 Trận Minden – liên quân Anh-Phổ giành thắng lợi

1740-1748 Chiến tranh giành ngôi kế vị ở Áo

1760 quân Anh chiếm Montreal ở Canada

1762 Nga rút khỏi cuộc chiến

1763 Hiệp ước Paris chấm dứt chiến tranh

Trận Zorndorf là trận đánh giữa quân Nga và quân Phổ năm 1758. Trận đánh này rất khốc liệt và không bên nào thực sự giành thắng lợi, mặc dù quân Phổ được lợi hơn do chống đỡ được cuộc xâm lược của quân Nga.