Bách Khoa Thư Lịch Sử

Chiến Tranh Ở Thái Bình Dương (1941–1945)

CHIẾN TRANH Ở THÁI BÌNH DƯƠNG (1941–1945)

Cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng đã kéo Mỹ vào cuộc Chiến tranh Thế giới II. Sau những thắng lợi ban đầu, quân Nhật dần dần bị đẩy lùi về nước mình.

Đô đốc Yamamoto Isoroku (1884–1943) lên kế hoạch cuộc tấn công Trân Châu Cảng. Tháng 4-1943, khi bay thị sát quân Nhật Bản tại quần đảo Solomon, hành trình của ông bị quân Đồng minh phát hiện do giải mã được tín hiệu liên lạc vô tuyến của Nhật Bản. Đô đốc đã thiệt mạng khi máy bay chở ông bị quân Mỹ bắn hạ.

Từ tháng 9-1940, Nhật Bản đã liên minh với Đức và Italia, nhưng không tham chiến. Sau khi Nhật Bản xâm lược Trung Quốc năm 1937, Mỹ ngày càng tăng sức ép đòi Nhật Bản phải rút quân khỏi Trung Quốc. Cuộc chiến ở Thái Bình Dương bắt đầu vào ngày 7-12-1941, khi máy bay của Nhật Bản xuất phát từ sáu tàu sân bay đã vô cớ tấn công một căn cứ hải quân của Mỹ ở Trân Châu Cảng, thuộc quần đảo Hawaii. Hơn 2.400 binh sĩ và thủy thủ Mỹ bị thiệt mạng, 18 tàu hải quân lớn bị phá hủy hoặc hỏng nặng. Phía Nhật Bản chỉ mất chưa đầy 100 quân. Cùng ngày hôm đó, quân Nhật Bản cũng xâm chiếm Thái Lan. Ngày hôm sau, Quốc hội Mỹ phát động chiến tranh với Nhật Bản. Sau đó, Đức và Italia tuyên chiến với Mỹ.

Các tàu chiến lớn của Mỹ là Tennessee và West Virginia bốc cháy trong vụ Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng ngày 7-12-1941. Trong vụ tấn công này, 18 tàu Mỹ lớn, trong đó có tám tàu chiến, bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng.
Các phi công Thần Phong thường thực hiện một số nghi thức trước khi xuất kích, và họ quấn một chiếc khăn đặc biệt.

PHI CÔNG KAMIKAZE NHẬT BẢN

Kamikaze (theo tiếng Nhật) nghĩa là “Thần Phong”, dùng để chỉ cơn bão thần đã làm tan tác tàu thuyền của quân Mông Cổ đang chuẩn bị xâm lược Nhật Bản vào năm 1281. Trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương, rất nhiều phi công Nhật Bản tình nguyện chết vì Nhật hoàng bằng cách lái máy bay chất đầy bom lao vào tàu chiến của quân Đồng minh. Hơn một nửa trong tổng số 2.900 lần xuất kích của các phi công Thần Phong là nhằm bảo vệ đảo Okinawa. Máy bay được các phi công Thần Phong sử dụng nhiều nhất là máy bay chiến đấu Zero.

Các cuộc tấn công Thần Phong được Hải quân Hoàng gia Nhật Bản thực hiện lần đầu tiên vào ngày 25-10-1944, trong trận Vịnh Leyte. Trong chiến tranh, có khoảng 300 tàu của phe Đồng minh bị thiệt hại vì các máy bay Thần Phong tấn công.
Sau chiến thắng ở Midway, Mỹ chiếm đảo Guadalcanal (quần đảo Solomon) vào tháng 8- 1942. Theo chân quân Mỹ, quân New Zealand tiến đến bờ vịnh Guadalcanal vào tháng 11-1943.

Ngày 10-12-1941, tàu chiến Prince of Wales (Công tước xứ Wales) và tuần dương hạm Repulse (Phản công) của Anh đã bị máy bay của quân Nhật Bản đánh đắm ở Vịnh Xiêm. Do hạm đội của Mỹ và Anh thiệt hại nặng, Nhật Bản lúc đó cho rằng họ đã hoàn toàn kiểm soát được Thái Bình Dương. Chỉ trong năm tháng, quân Nhật Bản tràn vào Miến Điện, Hồng Kông, Singapore, Mã Lai, Thái Lan, Philippines và thuộc địa Đông Ấn của Hà Lan (tức Indonesia). Quân Nhật cũng chiếm cả đảo New Guinea và đe dọa vùng ven biển phía Bắc của Australia. Do đã huy động hầu hết quân đội và thiết bị của mình để giúp quân Đồng minh ở châu Âu, Australia buộc phải nhờ tới Mỹ để phòng vệ.

Đánh bật quân Nhật Bản ra khỏi rừng rậm ở Miến Điện là một việc rất khó khăn. Trong thời gian đầu của cuộc chiến, quân Anh dưới sự chỉ huy của tướng Wingate, được gọi là lực lượng đặc nhiệm Chindit, hoạt động ở phía sau chiến tuyến của quân Nhật Bản nhiều cây số.

THIỆT HẠI TRÊN BIỂN CỦA NHẬT BẢN

Tuy nhiên, không phải toàn bộ hạm đội Mỹ bị đánh đắm trong vụ tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng. Ba tàu sân bay của Mỹ đã ra khơi vào thời điểm xảy ra vụ tấn công và nhanh chóng có hai tàu sân bay khác tới nhập đoàn. Ý đồ bành trướng tiếp theo của Nhật Bản đã bị chặn đứng bởi hai trận hải chiến vào năm 1942.

Trận Biển San hô (từ ngày 4 đến ngày 8- 5) là trận đánh đầu tiên trong lịch sử hải quân mà các tàu đối địch không nhìn thấy nhau khi tham chiến. Chỉ có các máy bay xuất kích từ các tàu sân bay giao chiến với nhau. Không bên nào giành phần thắng rõ rệt, nhưng trận đánh này đã chặn được kế hoạch xâm lược Australia của Nhật Bản. Tháng 6, Nhật Bản dự định xâm lược một hòn đảo nhỏ nhưng có tầm chiến lược là đảo Midway và quần đảo Aleutian. Nhưng để làm được việc đó, Nhật Bản cần phải tiêu diệt máy bay Mỹ đóng ở Midway. Tuy nhiên người Mỹ đã giải được mật mã vô tuyến của Nhật Bản và chuẩn bị đối phó với cuộc tấn công này.

Trong trận Midway (từ ngày 4 đến ngày 6-6), hải quân Nhật Bản bị máy bay từ tàu sân bay của Mỹ gây tổn thất nặng tới mức phải rút lui. Trận Midway mang lại thắng lợi quyết định cho quân Mỹ và tạo bước ngoặt trong chiến tranh. Sau khi chặn được bước tiến của quân Nhật Bản, Mỹ bắt đầu nhiệm vụ tái chiếm các vùng lãnh thổ.

Trong ba năm tiếp theo, Mỹ giành lại được các quần đảo Gilbert, Marshall, Caroline và Mariana. Từ các hòn đảo này, Mỹ có thể ném bom xuống các thành phố và các cơ sở công nghiệp của Nhật Bản. Tháng 9-1944, quân Mỹ bắt đầu chiếm lại Philippines, trong khi tập đoàn quân 4 của Anh bắt đầu chiếm lại Miến Điện. Sau các trận đánh ác liệt, quân Mỹ đã chiếm được các đảo Okinawa và Iwo Jima của Nhật Bản vào đầu năm 1945.


CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH

1941 Ngày 7-12 Nhật Bản tấn công hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở Trân Châu Cảng, Hawaii; Mỹ tuyên chiến với Nhật Bản.; Nhật Bản đánh đắm các tàu của Anh ở Vịnh Xiêm.

1942 Quân Nhật Bản đổ vào Hồng Kông, Miến Điện, Thái Lan, Singapore, Mã Lai, Đông Ấn thuộc Hà Lan và Philippines; diễn ra các trận Biển San hô, Midway và Guadalcanal.

1944 Trận đánh Vịnh Leyte; quân Mỹ chiếm lại Philippines.

1945 Quân Mỹ chiếm các đảo Okinawa và Iwo Jima; không quân Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki; Nhật Bản đầu hàng ngày 14-8.