Bách Khoa Thư Lịch Sử

Châu Phi (6000–200 TCN)

CHÂU PHI (6000–200 TCN)

Châu Phi, một lục địa rộng lớn với nhiều dạng môi trường khác nhau, là nơi phát triển những nền văn hóa đa dạng. Văn hóa Ai Cập và Địa Trung Hải thống trị Bắc Phi nhưng người dân sống ở phía Nam sa mạc Sahara không chịu ảnh hưởng trực tiếp của các nền văn hóa này.

Mặc dù những di cốt của con người cổ nhất được tìm thấy ở châu Phi nhưng mãi tới gần đây, lịch sử châu lục này từ năm 1500 TCN trở về trước vẫn không được biết tới nhiều, trừ Ai Cập.

Sahara ngày nay là một sa mạc khổng lồ nằm chắn giữa Bắc và Trung Phi, nhưng vào khoảng năm 6000 TCN thì chưa có sa mạc "rào chắn" này. Các hình vẽ trên đá và trong hang cho thấy khí hậu thời bấy giờ ẩm hơn và có thể từng có khá đông dân cư sinh sống tại Sahara. Từ khoảng sau năm 3500 TCN, đất đai ở Sahara bắt đầu khô cằn, tuy vậy các đô thị và tuyến đường trên sa mạc vẫn được duy trì để kết nối giữa Bắc và Trung Phi.

NUBIA VÀ KUSH

Văn hóa Ai Cập trải rộng trên lưu vực sông Nile tới tận Nubia (Sudan ngày nay), nơi có người da đen sinh sống. Vương quốc của người Kush đã phát triển vượt ra ngoài biên giới Nubia từ năm 2000 TCN. Vương quốc Kush là đối tác thương mại quan trọng và nguồn cung cấp vàng của Ai Cập. Khoảng năm 1500 TCN, Ai Cập xâm lược Kush để chiếm các mỏ vàng ở đây. Nhưng năm 750 TCN, chính Ai Cập lại bị người Kush chinh phục và lập ra triều đại pharaông thứ 25. Vương quốc Kush chưa bao giờ trải qua thời đại đồ đồng mà tiến thẳng từ đồ đá sang đồ sắt. Thủ phủ được dời từ Napata, trung tâm tôn giáo của người Kush, tới Meroë do quanh đây có nhiều quặng sắt. Việc này nghĩa là Kush trở thành một trung tâm quan trọng về chế tạo đồ sắt, cung cấp cho Ai Cập, Babylon, bán đảo Arập và Ethiopia. Thủ phủ Meroë của người Kush được xây dựng mô phỏng Ai Cập và bảo tồn nhiều phong tục truyền thống Ai Cập cho tương lai vào chính thời điểm Ai Cập đang trải qua những thay đổi về văn hóa. Ethiopia cũng là một trung tâm văn hóa quan trọng, nhưng khép kín với những tập quán tín ngưỡng riêng.

Bức tranh cổ trên đá này vẽ các chiến binh Oum Echna ở sa mạc Sahara, có niên đại trước năm 3500 TCN, khi Sahara còn là vùng đồng cỏ có thể ở được.
Các kim tự tháp đổ nát này nằm ở Meroë, phía Đông thành phố Khartoum ngày nay. Vương quốc Meroë phát triển từ vương quốc Nubia trước đó, vốn từng chịu ảnh hưởng của Ai Cập.
Một bức bích họa trong hầm mộ pharaông Sobekhotep mô tả cảnh người nước ngoài mang cống vật dâng pharaông. Đây là một nhóm người châu Phi dâng những món quà tặng mà người Ai Cập rất quý: cống vật từ Nubia gồm các chuỗi vòng vàng lớn, các súc gỗ mun, quạt đuổi ruồi làm từ đuôi hươu cao cổ, hoa quả, một con khỉ nhỏ và cuối cùng là một con khỉ đầu chó.

TRUNG VÀ NAM PHI

Quanh sông Niger là nơi sinh sống của các bộ lạc làm nghề nông, với một vài đô thị buôn bán. Ở vùng hạ lưu sông Niger, người Nok ở Nigeria trở thành thợ chế tạo đồ sắt và sống thành làng mạc. Về phía Đông, có bộ lạc Chad sống theo lối du mục và cả những người sống thành làng mạc. Ở phía bên kia của Trung Phi, người Bantu di chuyển từ Nigeria về phương Nam, mang theo nghề chế tác đồ sắt và nghề nông. Nam Phi là nơi cư trú của người Khoisan, sống bằng nghề chăn cừu, cũng như săn bắn và hái lượm.


CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH

3000 TCN Sahara bắt đầu bị sa mạc hóa

2750 TCN Nghề nông bắt đầu ở Tây Phi

700 TCN Vương quốc của người Kush ở Nubia hưng thịnh

600 TCN Văn hóa Nok, Nigeria và Mero phát triển

200 TCN Jenne-jeno, đô thị châu Phi đầu tiên được thiết lập


Các hình vẽ và hình khắc nổi trên đá được tìm thấy hầu như khắp nơi ở Sahara. Cảnh chăn thả gia súc này được vẽ trên một tảng đá ở vùng Tasili, miền Trung Sahara. Tác giả thậm chí vẽ kỹ màu lông từng con bò một.