Đế quốc Maurya do Chandragupta lập ra, trải dài từ Bengal tới dãy Hindu Kush và thống nhất tất cả các vùng đất miền Bắc Ấn Độ.
Chandragupta lên nắm quyền ở Maghada vào năm 321 TCN, và trong vòng mười năm đã thôn tính phần lớn miền bắc Ấn Độ. Ông là một nhà tổ chức tài ba và Ấn Độ trở nên thịnh vượng dưới ảnh hưởng của ông. Con trai ông là Bindusara (năm 293-268 TCN) đã mở rộng đế quốc tới tận miền Nam Ấn Độ.
Asoka (268-233 TCN), cháu nội của vua Chandragupta, là người cai trị vĩ đại nhất của đế quốc Maurya. Ông đã mở rộng đế quốc thành nơi cư trú của các dân tộc thuộc hơn 60 tín ngưỡng và ngôn ngữ khác nhau. Ông là người Hindu nhưng đã quy y theo đạo Phật sau lần chứng kiến một trận chiến vô cùng khủng khiếp. Vua Asoka tuân theo các quy tắc đạo đức "phẩm hạnh và phi bạo lực" của đạo Phật, mang lại hòa bình, văn minh, phẩm giá và thịnh vượng cho thần dân của mình. Ông gây dựng tôn giáo từ một tông phái nhỏ, và cử các nhà truyền giáo tới tận Indonesia, Trung Á và Ai Cập. Ông cho dựng nhiều trụ đá khắp Ấn Độ, trên đó khắc những giáo huấn về đạo đức và tín ngưỡng cho người dân. Asoka là một trong những quốc vương công minh nhất trong lịch sử.
Về mặt thực tiễn, vua Asoka cố gắng cải thiện điều kiện sống của người dân. Ông cho xây hồ chứa nước, hệ thống tưới tiêu, đào giếng, dựng các lữ quán cách đều nhau dọc các con đường trong đế quốc của mình nhằm khuyến khích việc đi lại và buôn bán cũng như quy tụ mọi vùng khác nhau vào một hệ thống. Vua Asoka cũng dùng một lực lượng lớn cảnh sát mật giúp ông điều hành đế quốc đa dạng này. Mặc dù ông đã nỗ lực thống nhất đế quốc, nhưng dưới sự trị vì của ông, bất đồng về tôn giáo giữa tín đồ đạo Hindu, đạo Phật và các tôn giáo khác lại trở nên rõ rệt hơn. Chẳng bao lâu sau khi Asoka qua đời, đế quốc Maurya bắt đầu tan rã và Ấn Độ bị chia thành nhiều vương quốc nhỏ.