Chỉ cần có quan niệm và biện pháp đúng đắn, lẽ ra con người có thể thọ đến 120 tuổi.
Theo nguyên lý sinh học, con người có thể sống tới 120 tuổi. Nhưng trên thực tế, con người đã mắc bệnh, tàn tật rồi tử vong trước thời gian đó. Vậy thì thật ra người ta có thể thọ đến bao nhiêu tuổi?
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới, giai đoạn trung niên phải là trước tuổi 65, từ 65 -74 là người cao tuổi trẻ, còn 75 -90 tuổi mới chính thức là người già, 90 tuổi đến 120 tuổi mới là người cao tuổi già. Theo nguyên lý sinh học, tuổi thọ của động vật có vú gấp 5-6 lần so với giai đoạn sinh trưởng của chúng. Nếu giai đoạn sinh trưởng của con người được tính từ thời điểm mọc chiếc răng sau cùng (từ 20 – 25 tuổi), thì tuổi thọ ngắn nhất phải là 100 tuổi, dài nhất là 150 tuổi, nên tuổi thọ bình quân được công nhận phải là 120 tuổi.
Trong suốt quá trình 120 năm đó, nếu chúng ta có thể giữ gìn sức khỏe, đạt tới tiêu chuẩn trước 70 tuổi không có bênh tật, 80, 90 tuổi vẫn khỏe mạnh, thì sống tới 100 tuổi sẽ chẳng còn là ước mơ hão huyền, vì đó là qui luật sinh học bình thường.
Nhưng khi nhìn lại thực tế cuộc sống, tuổi thọ bình quân chỉ đạt tới 70, nghĩa là sống ít hơn 50 tuổi so với qui luật thường.
Còn đáng lẽ phải sống khỏe mạnh tới 70 – 90 tuổi, con người lại sớm đau yếu lúc bước vào ngưỡng 40, mắc chứng bệnh nhồi máu tim lúc 50, chết khi mới hơn 60, cũng là sớm có bệnh hơn 50 năm so với qui luật bình thường.
Sớm mắc bệnh, sớm tàn tật, sớm tử vong đã trở thành hiện tượng phổ biến trong xã hội thời nay.
Xưa kia người ta thường quan niệm rằng:
Người giàu có ăn không ngồi rồi, sức khỏe mới yếu, thật ra, thiếu hiểu biết về chăm sóc sức khỏe ban đầu mới là nguyên nhân chính dẫn đến sức khỏe yếu.
So sánh giữa người da trắng và người da đen sinh sống ở Mỹ, người da trắng kinh tế khá, đời sống vật chất hơn hẳn người da đen, tỉ lệ mắc chứng bệnh cao huyết áp, nhồi máu cơ tim và ung thư cũng ít hơn nhiều so với người da đen. Vì vậy tuổi thọ cũng cao hơn.
Giới trí thức Mỹ có địa vị cao, thu nhập cao, tỉ lệ mắc bệnh cũng thấp hơn so với giới công nhân thợ thuyền. Nguyên do là giới trí thức ở Mỹ có nền giáo dục về sức khỏe, kiến thức vệ sinh, ý thức bảo vệ sức khỏe cao hơn.
Theo số liệu thống kê của tôi, nhiều học sinh tiểu học ở Bắc Kinh đã mắc bệnh cao huyết áp, học sinh trung học đã bị chứng xơ cứng động mạch. Khi kinh tế phát triển, đời sống vật chất ngày càng cải thiện, lẽ ra con người phải sống tốt sống khỏe hơn trước mới đúng, nhưng tại sao có nhiều người lại chết
sớm hơn? Dư luận cho rằng chính nền kinh tế phát triển, cuộc sống sung túc là nguyên do dẫn tới các chứng bệnh tai biến tim mạch, tiểu đường, ung bướu.
Đó là một nhận định hoàn toàn sai lầm! Nền văn minh vật chất không gây nên tội. Nguồn gốc sâu xa chính là sự nghèo nàn về văn minh tinh thần, yếu kém về kiến thức y học dự phòng. Tỉ lệ mắc bệnh thấp và điều kiện kinh tế cao của người da trắng so với tỉ lệ mắc bệnh cao và điều kiện kinh tế thấp của người da đen ở Mỹ là một minh chứng rõ ràng.
Còn giới trí thức ở Mỹ có địa vị cao, thu nhập cao, tỉ lệ mắc bệnh thấp, tuổi thọ cao hơn so với giới lao động chân tay là minh chứng thứ hai.
Qua đó cho thấy, nhân dân Trung Quốc bị bệnh nhiều, hoàn toàn không do no đủ về đời sống vật chất, mà chỉ tại thiếu thốn về văn minh tinh thần. Chỉ cần người dân có ý thức nâng cao kiến thức y tế và nắm vững biện pháp giữ gìn sức khỏe, thì việc vừa phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, vừa có thêm sức khỏe là việc nằm trong tầm tay của chúng ta.
Xin kể với các bạn một chuyện thật 100%: có một người đàn ông chỉ vì khuân số củ cải trắng trị giá 12 ngàn đồng lên lầu, mà dẫn tới hậu quả phải tốn hơn 120 triệu đồng tiền thuốc men, suýt chút thì bỏ mạng! Nếu trước đó ông ta có kiến thức về sức khỏe, biết rằng một con người xưa nay ít làm việc nặng đột nhiên quá gượng sức sẽ có hậu quả thảm hại ra sao, thì sẽ chẳng bao giờ mắc sai lầm tương tự.
Hiện nay có những căn bệnh nào uy hiếp tới tính mạng của chúng ta? Theo thống kê, chứng bệnh tim mạch đứng đầu bảng, vào năm 2000 trên toàn thế giới có tới 20 triệu người chết vì căn bệnh này, chiếm 1/3 tổng số người tử vong. Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế thế giới đã phát biểu: chỉ cần áp dụng tốt biện pháp dự phòng sẽ giúp giảm hơn phân nửa số tử vong. Có nghĩa là có một nửa trường hợp tử vong đáng lý có thể ngăn chặn. Nên các chuyên gia cho rằng: nhiều người không chết vì tật bệnh mà là chết vì dốt kiến thức y học. Muốn không chết bởi ngu dốt, chết bởi thiếu hiểu biết, hãy ngăn chặn những căn bệnh ngay từ ban đầu.
Xin đơn cử một ví dụ: một ông cụ đang mang trên mình chứng nhồi máu cơ tim, cần tránh mọi sự căng thẳng, gắng gượng quá sức. Vậy mà do thiếu thiểu biết, có lần cho thu dọn nhà cửa, thay vì chỉ nên khuân một lần 2 – 3 quyển sách, ông đã khuân một lần cả chồng sách, gắng gượng quá sức, tim đột nhiên ngừng đập, tuy cấp cứu kịp thời, tim đập trở lại, nhưng do thiếu oxy nên bị nhũn não, trở thành người thực vật, nằm bất động trên giường bệnh. Nếu ông cụ có kiến thức y học dự phòng, biết người lớn tuổi tuyệt đối không nên lao động quá sức thì đã chẳng xảy ra cớ sự.
Trong thời kỳ kinh tế còn bao cấp, một người đàn ông sống ở Bắc Kinh mua rất nhiều cải trắng về nhà, không ngờ hôm sau có tuyết rơi, do lo cải trắng đặt ở ngoài sân bị tuyết làm hư hỏng, nên đã gắng sức khuân vác chúng lên lầu 3, cứ nhiều lần lên xuống để vác cho hết 50kg cải, do ngày thường ít lao động chân tay, nên đã ông thở hổn hển, rồi ho dữ dội, cuối
cùng ho ra máu, đành phải đưa đến cấp cứu, chúng tôi tới kiểm tra, mới biết ông ấy đang bị nhồi máu cơ tim (miocardial infarction) cấp tính, suy tim trái cấp tính, phải tiêm ngay một mũi thuốc đặc trị.
Thưa các bạn, giá 1g vàng ở Trung Quốc lúc đó mới 200.000 đồng, 0,1g chỉ 20 ngàn đồng, thế mà mũi tiêm đó đáng giá 30 triệu đồng, may mà còn công hiệu, để làm tan khối máu, phải tốn tất cả 120 triệu đồng, ông mới lành bệnh. Sau này làm thử một bài toán, 50 kg cải trắng chỉ đáng giá 12 ngàn đồng, anh ta đã vì hà tiện 12 ngàn đồng mà dẫn tới hậu quả phải tốn 120 triệu đồng, suýt chút mất mạng, thật chẳng đáng chút nào! Nếu xưa nay ông ấy có hiểu biết về y học dự phòng, thì chẳng xảy ra điều đáng tiếc này!
Dù thuốc đặc trị tốt đến cỡ nào, cũng không thể sánh bằng dự phòng!
Tác dụng của việc giáo dục về giữ gìn sức khỏe là hướng dẫn mọi người dự phòng nhiều thứ bệnh bằng những biện pháp đơn giản. Nền khoa học kỹ thuật hiện nay ngày một phát triển, tuy giúp điều trị được nhiều thứ bệnh, song chi phí rất tốn kém, chỉ một số ít người giàu có và địa vị cao mới được hưởng thụ.
Thí dụ trường hợp ghép tim, ca đầu tiên mà bệnh viện An Trinh Bắc Kinh phẫu thuật ghép tim là trường hợp cô bé 14 tuổi ở Đông Bắc, tốn hơn 40 triệu đồng, loại thuốc mà cô bé đó uống giá mỗi lọ 100ml là 1 triệu đồng, tiêm mỗi mũi thuốc tốn 1,5 triệu đồng, quá đắt!
Còn bệnh động mạch vành, tuy có thể điều trị bằng kỹ thuật đặt ống thông tim, ống này chỉ dài 3 cm, rộng 3 mm, cân nặng không đến 0,5g mà giá đến 50 triệu đồng. Nhưng kỹ thuật cao cũng không thể giúp bệnh nhân hồi phục như thời chưa bị bệnh, cho nên không bị mắc bệnh mới là điều tốt nhất.
Chúng ta muốn khống chế bệnh cao huyết áp, đơn giản chỉ cần uống thuốc hàng ngày là có thể giảm tối đa nguy cơ xuất huyết não. Một khi tai biến mạch máu não, bắt buộc phải phẫu thuật mở hộp sọ hút máu bầm, dù sống lại cũng tàn tật. Đừng phát bệnh vẫn hơn!
Có một ông mắc chứng bệnh cao huyết áp đã hơn 12 năm, có điều kỳ lạ là uống thuốc giảm áp thì thấy khó chịu, ngược lại, không uống thuốc thì dù huyết áp lên cao đến 200ml cũng chẳng sao, 12 năm sau, ông mắc bệnh xơ cứng động mạch, chứng uremia, thay máu hàng tuần 3 lần, một năm tốn 180 triệu đồng, suốt ngày ngồi lì trên ghế, bà vợ phải chăm sóc ông suốt 12 năm, cuối cùng ông cũng qua đời.
Thật ra nếu chịu khó uống thuốc hạ huyết áp, ngày tốn chưa đầy 2.000 đồng. Chỉ vì không chịu chữa trị bệnh tật theo đúng phương pháp khoa học, vừa tốn tiền, phí sức, chịu khổ và không cứu được mạng sống, vì vậy kỹ thuật y khoa dù cao đến đâu cũng không thể sánh bằng phòng bệnh từ thuở ban đầu.
Kinh nghiệm từ nước Mỹ: người khỏe càng cần sự quan tâm nhiều hơn của xã hội
Các công ty ở Mỹ rất biết quí trọng đội ngũ công nhân có sức khỏe tốt. Song nhìn lại nhiều nước trên thế giới, chưa hẳn đã tận tâm chăm sóc người khỏe mạnh. Xã hội thường chỉ chú tâm chăm lo cho những kẻ đau yếu, càng bệnh nặng, càng nhiều người thăm viếng hỏi han. Chúng ta gọi quan niệm này là trọng điều trị, khinh phòng bệnh.
Xin bàn kỹ về vấn đề quan niệm. Muốn đẩy mạnh công tác phòng bệnh ban đầu, trước hết cần phải thay đổi quan niệm cũ một cách triệt để, nếu không sẽ rất khó thành công. Thế nào là thay đổi quan niệm?
Trước tiên chúng ta phải nghiệm ra một điều rằng: nhiều căn bệnh xã hội thời nay chủ yếu được bắt nguồn từ lối sống thiếu văn minh. Nói cách khác, chỉ cần chúng ta chịu khó duy trì lối sống văn minh, thì không lo thiếu sức khỏe.
Thế nào là lối sống văn minh? Gói gọn chỉ 16 chữ: ăn uống hợp lý, thể dục đều đặn, cai thuốc bớt rượu, tâm trí ổn định.
Chỉ cần làm đúng theo 16 chữ trên, sẽ giúp giảm 55% bệnh cao huyết áp, giảm 75% khả năng tai biến mạch não, 50% bệnh tiểu đường và giảm 1/3 khả năng mắc bệnh ung thư… kéo dài tuổi thọ hơn 10 năm. Đồng thời tiết kiệm rất nhiều chi phí thuốc men, tóm lại lối sống khỏe mạnh tuy đơn giản, song mang lại hiệu quả thật sự lớn lao.
Tại sao đòi hỏi thay đổi quan niệm? Muốn trình bày rõ về vấn đề này, xin kể lại sự việc từ đầu.
Nhớ khi tôi có mặt ở Mỹ vào năm 1981 làm công tác nghiên cứu về y tế dự phòng. Thầy giáo Steinmer là vị giáo sư nổi tiếng thế giới, ông dẫn tôi tới thăm một khu phố, tham dự một buổi hợp của một công ty. Tôi nghe ông chủ công ty đó tuyên bố phát giải cho các công nhân mà suốt một năm qua chưa hề nghỉ bệnh.
Mỗi người nhận một chiếc áo thun, một cây vợt chơi tennis, và một tờ chi phiếu tiền thưởng tượng trưng. Mọi người nhiệt liệt vỗ tay hoan nghênh.
Tôi chợt nghĩ, ông chủ này thật thông minh, vì công nhân viên của ông suốt một năm qua chưa nghỉ bệnh, giúp ông tiết
kiệm biết bao nhiêu là chi phí thuốc men, nay chỉ thưởng cho họ một ít quà, nếu so với giá trị lao động của họ sáng tạo thì thật chẳng đáng là bao! Tuy nhiên để động viên công nhân viên yêu thích thể thao, ông cũng bỏ ra khá nhiều chi phí để xây hồ bơi, sân chơi tennis, phòng tập thể dục trong công ty…
Sau khi về Bắc Kinh, tôi thấy nhiều chủ tịch công đoàn, lãnh đạo đơn vị đều sắp xếp thời gian thăm những công nhân viên bị bệnh nặng, càng bệnh nặng càng nhiều người tới thăm hỏi, chỉ có người khỏe chẳng ai màng tới. Nói như vậy, không có nghĩa là không nên hỏi han người bệnh, song người khỏe càng đáng được khích lệ động viên để mọi người đều cố gắng sống thật khỏe mạnh, vui tươi.
Qua đó cho thấy Trung Quốc xưa nay chỉ chú trọng việc điều trị bệnh, bệnh viện chúng tôi mỗi lần có cán bộ nằm viện tốn ít nhất cũng vài triệu đồng, nghĩa là có khi nhà nước phải tốn hàng trăm tỷ đồng cho công tác điều trị, nhưng lại không chịu tốn một xu cho công tác dự phòng.
Theo kết luận nghiên cứu của các chuyên gia: chỉ cần tốn 1 đô la cho công tác dự phòng bệnh tim mạch, sẽ tiết kiệm được 8,59 đô la về chi phí điều trị về sau. Đồng thời tiết kiệm khoảng 100 đô la chi phí cấp cứu.
Bản thân tôi cũng làm thống kê điều tra ở một vùng nông thôn, có một hộ nông dân thu nhập hàng năm khoảng 400 triệu đồng, khá giàu có, chỉ tiền lì xì cho con cháu nhân dịp xuân về cũng tốn hơn vài triệu, song khi tới điều tra về vệ sinh môi trường, mới tá hỏa ra cả nhà 7 người chỉ dùng chung một bàn chải đánh răng,
vì họ cho rằng đánh răng là chuyện thừa, có cũng được, không cũng chẳng sao, cả nhà họ có tới 4 người mắc chứng bệnh cao huyết áp.
Thật ra, giữ vệ sinh răng miệng có khả năng giúp giảm bớt rất nhiều chứng bệnh, như xơ cứng động mạch, bệnh tim, ở phương Tây, vấn đề vệ sinh răng miệng là việc quan trọng hàng đầu, tổ chức Y tế thế giới cũng luôn nhấn mạnh tác dụng vệ sinh răng miệng.
Tóm lại, việc thay đổi quan niệm là điều cấp bách, nhằm chuyển biến nhận thức từ trị bệnh sang phòng bệnh.
Do khác nhau về gen, nhiều người nhìn bề ngoài chẳng mấy khác nhau, thật ra lại rất nhiều điểm chênh lệch. Bạn muốn mình là chú thỏ hên, hay con vịt rủi? Tất cả được quyết định bởi cách bảo vệ sức khỏe.
Các chứng bệnh xơ cứng động mạch, tiểu đường, ung thư thật ra bắt nguồn từ đâu? Chủ yếu có hai nguyên nhân: nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài. Nguyên nhân bên trong chủ yếu do gen di truyền, nguyên nhân bên ngoài là nhân tố môi trường, hai nguyên nhân giao thoa và tác động lẫn nhau.
Nguyên nhân bên trong là một thứ di truyền, một thứ khuynh hướng, thí dụ: khi cha mẹ bạn đều mắc chứng cao huyết áp, thì con cái của họ cũng có 45% khả năng mắc chứng bệnh này. Khi cha hoặc mẹ mắc chứng cao huyết áp, thì có 28% tỉ lệ con cái bị di truyền. Nếu cha mẹ đều bình thường, thì chẳng lẽ con cái không bị cao huyết áp sao? Cũng bị, song tỉ lệ đó chỉ là 3,5%. Đó là lý do giải thích tạo sao có một số người vừa mới ra đời đã mắc chứng bệnh cao huyết áp, hoặc cholesterol cao, đó là do chịu ảnh hưởng nhất định bởi di truyền!
Xin đơn cử một ví dụ:
Chú thỏ con nên ăn gì? Đáng lẽ thức ăn của thỏ con phải là cà rốt, rau xanh, nếu như đột nhiên thay đổi khẩu phần của chúng, cho ăn toàn trứng và mỡ, lòng đỏ trứng chứa cholesterol cao, mỡ là chất béo động vật. Bốn tuần sau, chú thỏ khó tránh khỏi nguy cơ mắc chứng bệnh đau tim. Thử làm thí nghiệm này trên vịt Bắc Kinh xem sao? Vẫn cho vịt ăn toàn trứng và mỡ, kết quả thật kỳ lạ, ngày qua ngày, con vịt chẳng bị cholesterol cao hoặc xơ cứng động mạch, tất nhiên cũng chẳng bị chứng bệnh tim nào cả.
Sao kỳ vậy, tại sao thỏ ăn như thế thì bị xơ cứng động mạch, còn vịt cho ăn y như vậy lại không bị xơ cứng, lý lẽ thật giản đơn, tất cả chỉ vì nguyên nhân di truyền, vịt là vịt, thỏ là thỏ, cơ địa chúng khác nhau!
Con người cũng thế! Tại sao Trương Tam ăn chút thịt mỡ thì cholesterol cao,xơ cứngđộng mạch,còn Lý Tứ thì chẳng chuyện gì cả? Đó là vì Trương Tam có cơ địa thỏ, còn Lý Tứ có cơ địa vịt.
Tất cả chỉ Trương Tam xúi quẩy, biết làm sao đây?
Tại sao có người ăn ít lại dễ mập, có người ăn nhiều vẫn mảnh mai, đó cũng tại cơ địa, di truyền khác nhau mà ra, có thứ di truyền 100%, có thứ theo khuynh hướng, bệnh cao huyết áp và bệnh tim là có yếu tố di truyền.
Con người nhìn tướng mạo, thân hình bề ngoài, dường như chẳng khác nhau là bao, thật ra giữa họ tồn tại sự khác biệt rất lớn, thậm chí một trời, một vực. Cuộc đời đầy sóng gió chông gai, có ai tránh khỏi phút giây nếm mùi ngọt bùi cay đắng, song thể trạng mọi người lại có phản ứng khác nhau khi đứng trước cùng một cảnh ngộ. Thí dụ: khi gặp những chuyện giận dữ sốt ruột, anh A thì mặt đỏ bừng, tim đập nhanh, giận rung cả người; còn anh B chỉ luôn kêu đau dạ dày; chị C bị tiểu đường, chị D càng tệ hơn, mang luôn chứng ung thư… Tuy nhiên cũng có người luôn căng thẳng tức giận, song sức khỏe vẫn bình thường.
Tôi từng quen một ông lão, tuy đã 60, sức khỏe cũng còn tốt, song từ khi hay tin con trai bị tai nạn giao thông làm chấn thương cột sống, phải nằm liệt giường, bác sĩ nói là suốt đời phải có người chăm sóc, còn tiền viện phí thì mỗi ngày đến cả triệu đồng. Do quá lo lắng và thương con, ông đã mất ăn, mất ngủ, cuối cùng ngã bệnh, kiểm tra phát hiện ung thư dạ dày. Khi phẫu thuật thấy có 3 khối u, sau phẫu thuật vì quá đau buồn nên đã chết khi con trai vẫn còn đang cấp cứu. Thế đấy, một con người ba tháng trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, nay do gánh nặng tâm lý, căng thẳng thần kinh, làm phát sinh tật bệnh, chính cơn stress tinh thần làm cho ông bị ung thư.
Tóm lại, đứng trước cùng cảnh ngộ thương tâm, căng thẳng, có người thích ứng rất tốt, cũng có người chịu đựng không thấu, tất cả chỉ vì khả năng gánh chịu tâm lý, tinh thần, tính cách và ý chí của mỗi người đều không giống nhau. Đó chính là nguyên nhân nội tại khiến sức khỏe mọi người khác nhau.
Sức khỏe bình đẳng trước mọi con người. Chỉ cần tuân thủ qui luật sức khỏe, đảm bảo anh suốt đời sống khỏe sống tốt, nếu đi ngược với qui luật, bị mẻ đầu sứt trán cũng là lẽ đương nhiên, qui luật này cũng chẳng bao giờ thay đổi trước quyền thế địa vị và tiền của.
Trong các yếu tố gây nên căn bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, ung thư… tác nhân bên trong chỉ chiếm 20%. Còn 80% chính là nguyên nhân bên ngoài. Vì vậy chúng ta có thể giảm bớt và khống chế những căn bệnh thông qua lối sống hợp lý và khoa học.
Hãy nắm vững chiếc chìa khóa sức khỏe trong tay! Nay tóm gọn bằng 16 chữ vàng ngọc: ăn uống hợp lý, thể dục đều đặn, cai thuốc bớt rượu, tâm trí ổn định.
Rất nhiều phụ huynh do quá cưng chiều con cái trong gia đình, cho cháu ăn toàn sơn hào hải vị, yến sào, sâm Hoa Kỳ, sữa ong chúa… Thật ra, tốn chi cho nhiều tiền của? Chỉ cần cho cháu uống vitamin B tổng hợp, vitamin C, thêm sữa tươi là đã đủ dinh dưỡng. Khi đường ruột cháu không chịu sữa tươi thì sao? Cứ việc đổi sang yoghurt. Không thích ư? Thì chuyển sang sữa đậu nành, nhưng phải cho liều gấp đôi, vì chất canxi trong sữa đậu nành chỉ bằng một nửa của sữa tươi.
Song bạn lại nói, nếu tôi chẳng có hứng thú với ba món trên thì sao? Tôi xin trả lời: vậy bạn cứ việc chờ chết!
Vì đứng trước sức khỏe, mọi người đều bình đẳng, chiếc chìa khóa sức khỏe đang nắm trên tay bạn, nếu bạn chịu tuân thủ qui
luật sức khỏe, đảm bảo bạn suốt đời sống khỏe sống tốt, nếu đi ngược qui luật, bị mẻ đầu sứt trán cũng là lẽ đương nhiên, qui luật này cũng chẳng bao giờ thay đổi trước địa vị và tiền của.
Bệnh viện chúng tôi từng tiếp nhận một người bệnh, ông ta hết sức giàu có, tuổi đời còn trẻ, chỉ mới 38, nhưng là chủ tịch Hội đồng quản trị của tám công ty, ông đột nhiên bị nhồi máu cơ tim, sau khi cấp cứu, tuy đã hoàn hồn, nhưng thành tim của ông quá mỏng so với kích thuớc bình thường, chỉ cần một cơn ho dữ, cũng có nguy cơ làm rách tim. Phải mang gậy đi từng bước đi nhẹ nhàng.
Một hôm ông hỏi tôi:
- Thưa bác sĩ, tôi có điều này nghĩ mãi không ra?
- Điều chi?
- Tại sao Thượng đế xử tệ với tôi như vậy? Người ta 78 tuổi vẫn còn sống rất khỏe, cớ sao tôi phải mắc căn bệnh này trong lúc tôi còn trẻ như vậy?
Theo tôi biết, thì Thượng đế luôn công bằng. Đó là qui luật thiên nhiên, chuyện đời tuy lắm cái không công bằng, nhưng Thượng đế thì không. Ông bị bệnh là lẽ đương nhiên, vì ông đã làm trái với 4 qui luật giữ gìn sức khỏe đó là “ăn uống hợp lý, thể dục đều đặn, cai thuốc bớt rượu, tâm trí ổn định”.
Máu ông rút ra, bị đông lại ngay, cho thấy độ máu quá đặc, đặt sau 8 tiếng, trên bề mặt nổi lên một lớp mỡ, cho thấy hàm lượng mỡ trong máu cao, ông cân nặng hơn 90 kg, vòng eo lớn hơn 1m, suốt ngày ăn uống no đầy, toàn là sơn hào hải vị, thế là trái với qui luật “ăn uống hợp lý”; ông đi làm ngồi xe hơi, lên lầu có thang máy, không bao giờ nghĩ tới tập thể dục, đó là trái với qui luật “thể dục đều đặn”; ông ngày hút 2 gói thuốc lá, bữa ăn nào cũng rượu chè, trái với “cai thuốc bớt rượu”; trong phòng ông luôn có cô thư ký, phía dưới nhà lại có cô bạn gái xinh đẹp, ông cầm tay em này tim đập nhanh, ôm eo em kia máu tăng cao… điện thoại cầm tay reo không ngừng, khi làm ăn có lời, ông phấn khởi vui mừng, làm ăn thua lỗ, ông lo âu nóng ruột, còn chi là “tâm trí ổn định”… Bốn qui luật giữ gìn sức khỏe ông đều làm trái làm ngược, không bị bệnh mới lạ? Trách Thượng đế sao được?
Béo phì là triệu chứng của sự già nua, còn “phát tướng” vùng bụng, là triệu chứng của tật bệnh.
Ngạn ngữ Anh có câu: “Vòng eo càng lớn, tuổi thọ càng ngắn”, muốn biết người nào tuổi thọ ra sao, chỉ cần đo vòng eo anh ta sẽ biết!
Béo phì là triệu chứng của sự già nua, còn “phát tướng” vùng bụng, là triệu chứng của tật bệnh.
Tiêu chuẩn cân nặng của một người là độ cao trừ đi 105, hoặc độ cao trừ đi 100, nếu bạn cao 1,70m, trừ đi 100, tức là 70 kg, lý tưởng hơn là trừ 105, nghĩa là 65 kg. Muốn tìm ra con số tiêu chuẩn có thể làm bài toán như sau: cân nặng (kg)/ độ cao bình phương (m2), ta gọi đáp số này là chỉ số cân nặng. 22 là con số tốt nhất, 24 hoặc 23 cũng được. Nếu lớn hơn 24, coi như vượt cân, trên 28 là béo phì, đó là tiêu chuẩn giành cho người châu Á.
Ta chia béo phì thành hai dạng: dạng béo theo hình trái táo và dạng béo theo hình quả lê, nếu anh ta béo tập trung vùng bụng, gọi là béo dạng trái táo, hoặc béo nội tạng. Đa số là nam giới, đây là kiểu béo phì nguy hiểm, liên quan nhiều tới bệnh tim, xơ cứng động mạch và tai biến mạch máu não; dạng trái lê thường thấy nơi phụ nữ, béo ở vùng mông và đùi, lớp mỡ tập trung ở vùng ngoài, còn gọi là béo ngoại tại ít bị bệnh tim hơn.
Chúng tôi từng cho mổ tử thi của một người bệnh đột quỵ lúc chỉ mới 38 tuổi, cân nặng tới 99 kg, là người nghiện thuốc nghiện rượu, ngại kiểm tra sức khỏe và khám bệnh, khi mổ ngực ra, không tìm thấy quả tim, hóa ra tim bị bọc bởi một lớp mỡ dày 3cm. Động mạch vành bị đóng mỡ 95%, đây là dạng béo phì dạng vùng bụng, hết sức nguy hiểm. Thường đi kèm với các chứng bệnh như máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, tiểu đường, cao huyết áp và đau tim. Cho nên, bệnh béo phì là vấn đề xã hội nghiêm trọng. Nhất là thời nay, khi đa số trẻ em đều mắc chứng bệnh béo phì, bị cao huyết áp khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều trẻ mới học cấp phổ thông đã bị xơ cứng động mạch, gan nhiễm mỡ, chỉ còn cách đẩy mạnh các biện pháp khắc phục như ăn uống hợp lý và tập thể dục đều đặn. Nhiều người rất chịu khó dùng thuốc giảm cân hoặc trà giảm béo, thật ra, biện pháp giảm cân khoa học nhất chính là áp dụng biện pháp trên!
Bác sĩ tốt nhất là chình mình, thuốc men tốt nhất chính là thời gian, tâm trí tốt nhất là yên tĩnh, thể dục tốt nhất là đi bộ
Sức khỏe là tài sản quí nhất của con người. Song không thể chỉ dựa vào khoa học kỹ thuật tân tiến hoặc thuốc men, vì người bác sĩ tốt nhất vẫn là chính mình, thuốc men tốt nhất là thời gian, tâm trạng tốt nhất là yên tĩnh, thể dục tốt nhất là đi bộ.
Bác sĩ tốt nhất là chính mình. Đây không phải là lời của tôi, mà là câu nói vàng ngọc của ông Hippocrates, danh y Hy Lạp cổ xưa: bản năng của người bệnh cũng chính là bác sĩ của người bệnh. Các bạn thử xem. Khi bị đứt tay, máu chảy ra từ vết thương giây lát sau đó máu đông lại, một tuần sau vết thương tự khỏi. Ruột hư cắt đi một khúc cũng chẳng sao, thận hư cũng có thể trị khỏi… nhìn chung cơ thể chúng ta có khả năng tái sinh cực mạnh, chỉ cần giữ chúng ở trạng thái tốt nhất. Người bạn có sẵn một sức đề kháng, nó đóng vai trò thầy thuốc cho chính cơ thể bạn.
Còn thuốc men tốt nhất là thời gian nhằm nhấn mạnh cho ta thấy bệnh tật nên phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt. Thời gian cũng là liều thuốc an ủi cho tâm hồn.
Tôi có người bệnh do trì hoãn việc điều trị căn bệnh cao huyết áp, cuối cùng mang chứng bệnh uremia, tốn hơn 180 triệu đồng cũng không khỏi bệnh, thật ra đối với chứng cao huyết áp, nếu điều trị ngay từ đầu, ngày chỉ dùng một viên thuốc, 3 tháng nửa năm sẽ khỏi, chứ chờ tới khi xảy ra xuất huyết não thì chẳng còn kịp nữa. Cũng giống như đau tim, chỉ cần tiêm một mũi, nửa giờ sau sẽ trở lại bình thường, nếu trì hoãn hơn 6 giờ mới nhập viện, hiệu quả sẽ kém, hơn 12 giờ sẽ vô phương cứu chữa. Đó chính là lý do tại sao phải tranh thủ “thời gian vàng” cho điều trị.
Giữ tâm trạng bình ổn, thường xuyên đi bộ tập thể dục là việc làm hết sức đơn giản, ai cũng có thể làm tốt. Theo nghiên cứu của chuyên gia Mỹ, tốn 1 đô la cho chi phí phòng bệnh còn công hiệu hơn tốn 10 đến 100 đô la cho chi phí điều trị.
Chỉ cần bạn chịu khó “ăn uống hợp lý, thể dục đều đặn, cai thuốc bớt rượu, tâm trí ổn định”, bạn sẽ giữ được cân nặng vừa độ, không đau đầu bởi tỷ lệ cholesterol.