Bác Sĩ Tâm Lý Hệ Liệt

Quyển 2 - Chương 1: Tấm rèm

“Anh có cảm thấy hối hận sau những gì mình đã làm không?”

“Không.”

“Anh có cho rằng mình đã giết cả nhà Claut khi bản thân mất kiểm soát không?”

“Không.”

“Anh có cảm thấy… thương xót cho số mệnh lụi tàn của những người này không?”

“Không.”

“Anh đang phủ nhận việc phải chịu trách nhiệm với cái chết của cả nhà họ sao?”

“Không.”

“Anh có biết hiện tại như anh lúc này là không bình thường chút nào không?”

“Tôi không cho rằng hiện tại tôi không bình thường… Bác sĩ à, anh có thể định nghĩa cho tôi “bình thường” như thế nào là đúng hay không? Cái gì là bình thường? Cái gì là không bình thường?… Anh có thể nói cho tôi biết không?”



………..

Thực chất, tôi không thích việc kéo dài bản thảo ––– đương nhiên, đó là khi cảm hứng vẫn đang dâng trào.


Liếc nhìn tập lịch phía bên phải bàn, tôi nhéo mi tâm một phát thật mạnh ––– thực sự rất muốn gọi cứu mạng, tôi đã kéo dài bản thảo này đến cực hạn rồi, chỉ còn mười ngày nữa là hai tháng… Không nộp đúng kỳ hạn không phải là chuyện đùa… tiểu thư Mitako trăm phần trăm sẽ không bỏ qua cho tôi…

Thế nên mới bảo, lúc trước tự dưng ngốc nghếch đi Hawaii cùng con heo tọc mạch Vision kia, đi về quên bẵng mất kì nộp bản thảo không nói, đã thế còn vác về một cái đầu rỗng tuếch, chẳng viết được cái gì nên hồn. Hiện giờ cũng chỉ có thể ủ ê viết bậy bạ cho đủ từ mà nộp thôi, phần nội dung chẳng có tí thực tế nhân văn nào…

Thở hắt ra, rốt cuộc tôi vẫn đứng dậy bỏ lơ công việc, shutdown laptop đã mở hơn ba tiếng đồng hồ.

Ở trong phòng bếp rót cốc nước đá vừa uống vừa lật xem thư từ nhận được trong gần một tuần, lại vô tình phát hiện ra một tờ hóa đơn vi phạm giao thông của Vision ––– có nhầm không vậy?! Hóa đơn phạt tiền của cậu ta sao lại gửi đến nhà tôi?

Tức giận ném mạnh tờ giấy kia đi, tôi rút ra một tập văn kiện khẩn cấp được kẹp ở ngoài.

Ai lại gửi cho tôi văn kiện khẩn cấp? Nếu thực sự có việc gấp sao không gọi điện thoại hoặc là gửi e-mail có phải nhanh hơn không…

Khó hiểu xé mép đầu của phong thư kia ra, bên trong lại rớt ra một tập ảnh ––– đống ảnh này là thế nào đây?

Nhìn thật kỹ, mới phát hiện tổng cộng bảy tấm ảnh này đều chụp một mảnh vải màu vàng ––– khi nhìn thấy tấm cuối cùng, rốt cuộc cũng biết nội dung của nó. Trên tấm ảnh này còn có một người ––– một người mà tôi quen biết.

Ditross Shasa Trouin ––– ông ấy là giáo viên dược lý học trước đây của tôi ––– nhưng tôi tốt nghiệp đã nhiều năm rồi cũng chưa hề gặp lại thầy, nghe phong phanh đâu rằng thầy đã chuyển đến Mỹ, nhưng hiện tại sao lại đột nhiên nhớ đến tôi mà gửi những thứ khó hiểu thế này?

Địa chỉ nơi gửi trên phong thư, chỉ vỏn vẹn một từ ‘Marseilles’.

Tôi nhíu mày, nhìn đi nhìn lại bức ảnh của thầy Trounin, ngón tay lại cảm giác thấy mặt trái tấm ảnh không hề nhẵn nhụi, vội vàng lật ngược lại, quả nhiên có lời nhắn gửi ở đây ––– vẫn là kiểu chữ tiếng Pháp quen thuộc như ngày nào, ngắn gọn và thanh thoát…

“Thực sự rất xin lỗi em, có chuyện này thầy muốn nhờ em giúp đỡ, mong em đến Marseilles ngay khi nhận được thư, đầu giờ chiều ngày 9 tháng 8 tôi sẽ ở bến tàu X chờ em ––– Trouin.”

Tôi hơi sốc khi đọc xong lời nhắn gọn gàng đến vậy, vẫn cảm thấy mù mờ như ban đầu. Rốt cuộc nên hay không nên đi đây? Hẹn bản thân đến một nơi xa như vậy, hơn nữa đối phương lại là người đã nhiều năm không liên lạc… Liệu có điều gì nguy hiểm chăng? Nhưng thầy làm gì có lí do gì để hại mình… Hơn nữa ngày 9 không phải ngày mai sao? Muốn đi thì bây giờ phải lập tức đặt vé máy bay… Hơn nữa… Bản thân vẫn còn cả tá công việc chưa hoàn thành ở đó… Nhưng lúc này cũng chẳng có hứng thú để viết bất cứ điều gì, lỡ sau khi đi còn tìm được tư liệu phù hợp để viết tiếp thì sao?

Suy nghĩ thật lâu, vẫn cảm thấy nên đi thì hơn ––– nhưng đi một mình thì lại cảm thấy không an toàn… Có lẽ cũng nên tìm ai đó đi cùng… Hơn nữa… Cạnh mình chẳng phải lúc nào cũng có một tên hard-boiled trời không sợ đất không sợ đó sao? Kéo cậu ta đi cùng chắc cậu ấy cũng chẳng từ chối đâu ––– hy vọng trường học của cậu không ý kiến ý cò gì là ổn rồi… Hà hà…

Quyết định xong, tôi liền vui vẻ cầm lấy chiếc điện thoại bị quăng quật suốt ngày, bấm một dãy số thuộc đến lằn cả não.



… …

8 giờ sáng ngày 9, Vision miễn cưỡng xuất hiện trước cửa nhà tôi ––– đừng hỏi tôi vì sao cậu ta lại miễn cưỡng, chẳng cần nghĩ cũng biết, Viện trưởng đã sạc cho cậu ta một trận tơi bời vì đột nhiên đùng một cái nghỉ học thế này.

Thế nên, khi tôi mở cửa, không nhịn được mà phì cười thì Vision đã ném thật mạnh túi xách vào người tôi ––– tên này ác độc quá thể… Đau muốn chết…

“Cậu biết sử dụng thời gian quá nhỉ! Nhìn mớ cậu bày ra đây này! Giờ thì sướng quá rồi! Viện trưởng quẳng hết mớ luận văn về tâm thần phân liệt cho tôi chấm! Còn trước khi vác mặt về phải nộp đủ nữa! ––– Cậu còn cười được sao! Tin tôi đấm cho cậu một phát không hả?!” Vừa vào cửa cậu ta đã gào thẳng vào mặt tôi ––– Vision đáng thương, nhưng tôi lại cảm thấy cậu ta rất xứng đáng bị như thế ––– sao không nghĩ lại khi tôi bị cậu kéo đi khắp nơi thì thảm đến cỡ nào đi? Mới phải chấm vài bài luận mà đã ngoác mồm kêu gào cỡ đó rồi.

“Chấm luận văn đơn giản thôi mà, cậu gấp gáp làm gì?” Tôi cười phì, đặt chiếc túi cậu ta ném vào tôi xuống đất “Đợi tôi một lát đi, cũng sắp xong việc rồi.”

“Không phải vì chuyện này! Cái xui ở đây là tôi vừa giao cho đám sinh viên ở các lớp tôi dạy làm một bảng hỏi MMPI[1] (Minnesota Multiphasic Personality Inventory)!! Tôi phải đọc kĩ từng bài, chấm từng bài từng bài một!! Cậu thử tính xem cả mớ đó tôi sẽ mất bao nhiêu thời gian để hoàn thành hả?!”

Tôi nghe xong cũng không tránh khỏi sửng sốt. “MMPI sao? Một phần gồm 576 đề… Há há… quả thực rất hợp với câu này nhé.”

Đừng bảo tôi không biết cảm thông nhé, chẳng qua so với những lần cậu ta hại tôi đến tơi bời thì việc này chẳng bằng một góc nữa.

“Câu nào cơ?”

“Đã đâm lao phải theo lao á.”

“Lôi – Thế – Hàn!!!!!!! ————”

Nhìn cậu ta nổi khùng quả thực rất thú vị – tiếng gào của cậu ta khiến tôi cười sặc sụa.



2 giờ chiều, chúng tôi cập bến Marseilles ổn thỏa, đặt phòng khách sạn cũng rất phải chăng. Sau khi thu xếp ổn định mọi chuyện, cả tôi và Vision cũng chẳng màng đến bữa trưa, vội vàng bắt xe đến bến tàu X.

Bến tàu cũ nằm trên đảo Yves, tòa lâu đài cổ Yves từng được miêu tả rất chi tiết trong tác phẩm nổi tiếng ‘Bá tước Monte Cristo’ của Dumas ––– tiếc rằng chúng tôi không có thời gian ghé qua đấy, bằng không cũng tham quan được địa điểm nổi tiếng này.

Vision nhìn tôi đi dạo, vẫn bức bối trong lòng, bất mãn huých tôi một cái.

“Cậu vẫn chưa giải thích cho tôi tại sao phải đến đây, hôm qua chỉ nói vỏn vẹn vài chữ ‘ngày mai đi Marseilles, xin phép nghỉ mau lên’ rồi giập máy ngay, tôi bận tối mắt tối mũi chẳng có lấy một phút để hỏi, rốt cuộc có chuyện gì gấp đến nỗi phải đi ngay vậy?”

Nhìn bộ mặt nhăn nhó khó hiểu của Vision, tôi lại muốn cười, nhưng vẫn cố nhịn xuống, thuận tay đẩy kính mát hạ xuống sống mũi, bâng quơ nói. “Hôm qua một ông giáo cũ của tôi đột nhiên bảo tôi tới gặp ông ấy, đi một mình chán lắm, vậy nên tiện lôi cậu đi cùng luôn ––– còn về chuyện gì thì bản thân tôi cũng không rõ, chỉ biết nó ––– có liên quan đến một tấm rèm màu vàng.”

“Gì cơ?…” Vision hơi khựng lại. “Cậu không rõ chuyện gì mà vẫn ngàn dặm xa xôi bay đến đây, còn giống như đuổi theo cái gì đó… Cậu có bị ấm đầu không đấy?” Nói tới câu cuối, cậu ta cười phá lên.

Lơ đi những lời châm biếm của Vision, tôi tiếp tục dáo dác tìm thầy Trounin ––– dường như thầy ấy vẫn chưa tới thì phải…

Năm phút trôi qua, vẫn không nhìn thấy bóng dáng người thầy thân yêu của tôi, dưới sự nài nỉ của Vision cùng ánh nắng gay gắt, tôi quyết định đến ngồi chờ tạm ở một quán café sân vườn kia.

Nào ngờ, vừa ngồi xuống, đột nhiên hai người từ phía sau cũng bước tới, chẳng nói chẳng rằng cũng ngồi xuống bàn tôi.

“Cho tôi hỏi một chút, anh có phải là Hance Dead không?” Cô gái tóc đỏ cười ngọt hỏi, trong khi tôi và Vision vẫn còn đang đớ người ra ––– nhưng người cô ta hỏi lại là Vision.


Cậu ta phì cười, chỉ vào tôi.

Cô gái ngượng ngùng cúi đầu xuống, mất mấy giây sau mới ngẩng lên cười gượng với tôi. “Xin lỗi, Dr. Dead. Chào anh, tôi là Osti Rona Kru.” Sau đó chỉ sang người đàn ông vẫn chưa nói lấy một câu từ đầu bên cạnh. “Còn đây là Hora Terfi Tirold, hai chúng tôi là cảnh sát.”

Cảnh sát ư? Tôi nhớ tôi đã làm gì tội lỗi ở đây đâu mà được cảnh sát chú ý thế này.

Lấy lại bình tĩnh, tôi mỉm cười nói. “Xin lỗi… Tuy hơi thất lễ một chút, nhưng dường như tôi không hề quen hai người… Mà hai người hẳn cũng không quen biết gì tôi đúng không? Hơn nữa, tôi nhớ rằng tôi cũng chưa hề làm chuyện gì quấy rầy đến cả hai, đúng không?”

Khuôn mặt của nữ cảnh sát tên Kru kia lại đỏ lên, nhưng vẫn điềm tĩnh trả lời. “Thật ngại quá, sự việc là như vầy ––– chính Ditross Shasa Trouin nhờ chúng tôi đến đây tìm anh, ông ta nói anh có thể giải đáp câu đố này, bởi vì bức ảnh ông ta đưa cho chúng tôi là anh này” cô ta nhìn Vision. “Thế nên vừa rồi tôi mới nhận lầm người… Không ngờ Dr.Dead lại là người Trung Quốc…”

Người Trung Quốc thì có vấn đề gì sao? Phân biệt chủng tộc à? Nhưng lúc này việc này không quan trọng ––– “Cô nói thầy bảo các người tới tìm tôi? Vậy ông ấy đâu? Ông ấy hiện giờ đang ở đâu? ––– chính là ngài Trouin mà hai người vừa nhắc tới đó.”

Nghe tôi nói xong, cả hai sửng sốt nhìn nhau. Sau đó, cô cảnh sát kia vẻ mặt nghi hoặc mà nhìn tôi.

“Ngài không biết rằng Trounin hiện tại là nghi can của những vụ giết người gần đây sao?”

“Gì cơ?!” Tôi và Vision cùng thốt lên ––– Sao lại như vậy? Rốt cuộc chuyện gì đang diễn ra đây chứ….



[1]MMPI (Minnesota Multiphasic Personaltiy Inventory) là một trong những Bảng kiểm Nhân cách (Personality Inventories) có nhiệm vụ đánh giá về cách thức tư duy, cảm nhận và hành động. MMPI là Bảng kiểm Nhân cách thông dụng nhất hiện nay, đã được dịch ra trên 150 thứ tiếng và hơn 50 nước đã sử dụng (Dana, 1995). Bảng MMPI nguyên thuỷ công bố lần đầu vào 1945, gồm 550 items; vào năm 1989, phiên bản cập nhật mang tên MMPI-2, gồm 567 items (Butcher, 1990).

Cả hai bản MMPI đều trình bày các câu mô tả đạo đức và thái độ xã hội, hành vi, trạng thái tâm lý và điều kiện thể chất; người tham gia phải lựa chọn giữa “đúng”, “sai” hoặc “không rõ” cho mỗi câu.

Cần lưu ý, MMPI phát triển trên cơ sở thực nghiệm. Các items của bản MMPI gốc phân bố trong 10 thang đo các đặc tính hoặc vấn đề tâm lý, như hoang tưởng bộ phận, lo hãi hoặc chống đối xã hội. Trong bản cập nhật, thêm 4 thang đo đánh giá tổn thương tâm lý trong rối loạn ăn uống, lạm dụng chất và hạn chế kỹ năng tác nghiệp,… MMPI đặc biệt hữu ích như một thiết bị sàng lọc những đối tượng rất thiếu hụt về mặt chức năng tâm lý.

MMPI bị chỉ trích khi sử dụng trong các môi trường đa văn hoá. Các chuẩn tắc của MMPI không phản ánh các biến để xác định bất thường hay không trong điều kiện xuyên văn hoá. Hơn nữa, sự chính xác khi chuyển ngữ MMPI và sự tương thích của chúng với bản tiếng Anh vẫn còn là câu hỏi (Dana, 1995).