Nàng cúi xuống rót trà vào chén của pháp quan và ông lại nhận thấy mùi hương thơm dịu như tỏa ra từ người nàng.
- Tiện thiếp xin trình để đại nhân rõ là tình trạng sức khỏe của mụ Bân đáng lo ngại đấy, thưa ngài. Mụ ta chỉ khóc và không chịu ăn uống gì cả. Mụ muốn ông chồng được phép vào thăm.
- Điều đó trái với quy định – Tái Công cau mày đáp – Vả lại ta thấy cái đó chưa chắc đã là một điều tốt cho mụ ta cũng như cho chồng mụ.
- Người đàn bà khốn khổ này rất nhẫn nhục và cam chịu hình phạt đợi chờ mụ - Bà A Quốc nhẹ nhàng nói – Nhưng lúc này, mụ nhận ra tấm lòng yêu kính sâu sắc của mụ đối với chồng và mụ mong cầu được chết trong tâm trạng là đã làm nhẹ được phần nào nỗi phiền muộn ưu tư của chồng bằng cách được bộc lộ cùng chồng tất cả niềm ân hận của mình.
Ngài pháp quan nghĩ ngơi một lát rồi nói:
- Bà hãy bảo tội phạm là ta chấp nhận lời thỉnh cầu của mụ. Bà đã có lý. Mục đích của pháp luật chúng ta trước hết là vãn hồi trật tự của thiên hạ bằng cách sửa chữa những lỗi lầm đã phạm phải. Thái độ ăn năn của mụ Bân có thể mang lại cho người chồng khốn khổ của mụ một sự an ủi, khích lệ, một sự trợ lực nào đó.
- Ngoài ra – Bà A Quốc nói tiếp – tiện thiếp cũng xin trình với đại nhân là đã chăm sóc cho cái lưng của mụ Lỗ bằng các loại thuốc xoa bóp. Những vết thương sẽ lành, nhưng…
Nàng không nói hết câu. Tái Công gật gật đầu khuyến khích, nàng tiếp, giọng khàn khàn:
- Tiện thiếp thấy mụ ta không được khỏe lắm đâu thưa đại nhân. Chính cái sức mạnh đang ngạc nhiên của ý chí đã giúp cho mụ chịu đựng được lần đầu. Nhưng thiếp sợ là mụ sẽ quỵ nếu lại bị đòn như thế một lần nữa.
- Đó là một ý kiến hữu ích – Ngài pháp quan thừa nhận – ta sẽ nhớ điều này.
Bà A Quốc nghiêng mình, lưỡng lự một giây trước khi nói thêm:
- Dù là mụ chưa bao giờ đề cập tới điểm này, tiện thiếp cũng đã hỏi mụ về vấn đề đứa con gái nhỏ của mụ. Mụ bảo là hàng xóm láng giềng sẽ trông nom chăm sóc nó và dù sao chăng nữa thì pháp ty cũng chẳng giam giữ mụ lâu làm gì. Nhưng tiện thiếp muốn thật chắc chắn: Nếu con bé không được chăm sóc chu đáo thì tiện thiếp có thể đem nó về chỗ tiện thiếp.
- Bà hãy làm như vậy đi. Và nhân dịp này hãy thử lục soát nhà mụ xem sao. Có thể bà sẽ thấy bộ y phục Tacta mà chúng ta đang tìm kiếm… hoặc những bộ quần áo màu đen giống như thế. Một phụ nữ có sự xét đoán tinh nhạy hơn nam giới trong những việc như thế này.
Bà A Quốc nghiêng mình khẽ mỉm cười.
Ngài pháp quan rất muốn hỏi xem nàng nghĩ gì về một sự quan hệ ngẫu nhiên giữa võ sư Lan và mụ Lỗ nhưng lại thôi. Nói chuyện về công việc của pháp ty với một phụ nữ mà không đi đến chỗ hỏi ý kiến riêng của người đó đã là một điều ít có! Vì vậy ông dè đặt hỏi bà ta tình trạng của Chu Đại Nguyên.
Bà A Quốc buồn bã lắc đầu:
- Phu quân tôi lại vừa cho hắn uống một liều thuốc an thần mạnh, thưa Đại nhân. Ông ấy cho là trí não của hắn đã hoàn toàn bị xáo động khó có thể phục hồi.
Ngài pháp quan thở dài và bà A Quốc lễ phép xin cáo lui.
Bắt đầu buổi thiết đường chiều, Tái Công thông báo là một quy định mới bắt đầu có hiệu lực xung quanh thẩm quyền của đội quân tuần cảnh, sẽ có yết thị về vấn đề này treo dán khắp quận huyênn. Rồi ông ra lệnh cho viên vệ úy dẫn mụ Lỗ ra trước bục gỗ công đường.
Lại một lần nữa, Tái Công nhận xét là mụ rất chú ý chăm sóc vẻ ngoài của mụ. Tóc mụ chải chuốt và búi gọn gàng lịch sự, mình mặc một áo gấm ngắn. Mặc dù lưng mụ chắc còn đau nhưng mụ đứng rất thẳng người. Trước khi đặt gối quỳ xuống, mụ đưa mắt nhìn quanh khắp phòng xử án và như có vẻ thất vọng vì chỉ thấy rất ít người dự xem cuộc thẩm vấn.
- Ngày hôm qua – Tái Công bắt đầu bằng một giọng đều đều –mụ đã nhục mạ bản tòa. Nhưng mụ vốn là một phụ nữ thông minh và ta chắc là hôm nay mụ sẽ ngoan ngoãn trả lời các câu hỏi của ta – Điều đó sẽ có lợi cho pháp luật và cho cả mụ nữa.
- Kẻ tiện dân đang quỳ trước pháp ty đây không có thói quen kể lể những chuyện dối trá – Bị cáo lạnh lùng cãi.
- Vậy thì – Pháp quan tiếp – có thật là đôi khi người ta kêu ngươi là “mèo con” không?
- Ngài pháp quan muốn chế giễu tôi chăng? – Mụ khinh khỉnh hỏi lại.
- Đưa ra các câu hỏi là đặc quyền của bản tòa – Tái Công bình tĩnh đáp – Ngươi hãy trả lời câu hỏi của ta!
Mụ Lỗ muốn nhún vai, nhưng nhăn mặt vì đau đớn. Mụ khó nhọc nuốt nước miếng và nói:
- Đúng, tôi mang biệt danh đó. Ngày xưa cha tôi đã đặt cho.
Tái Công lúc lắc đầu hỏi tiếp:
- Người chồng quá cố cũng kêu ngươi như thế?
Một ánh độc ác lóe lên trong đôi mắt bị cáo:
- Không bao giờ! – Mụ nói như rít lên.
- Có lần nào – Tái Công tiếp tục – nhà ngươi mặc một cái áo dài đen của đàn ông Tacta?
- Không được sỉ nhục tôi như vậy! – Mụ kêu lên – Có loại đàn bà trọng danh dự nào mà lại choàng vào người quần áo của đàn ông?
- Thế mà – Pháp quan như để buông rơi xuống lời nói của mình – người ta lại tìm thấy một chiếc áo dài đàn ông Tacta trong nhà ngươi đấy!
Ông nhận thấy đây là lần đầu tiên mụ Lỗ tỏ ra lúng túng. Mụ lưỡng lự một lát rồi đáp:
Đại nhân chắc đã rõ là tôi có bà con là người Tacta. Các quần áo đó đã được một trong những người họ hàng ở phía bên kia biên giới để lại đó.
Đưa lại nữ tù nhân này về ngục thất! – Tái Công hạ lệnh – Lát nữa mụ sẽ khai tiếp.
Khi Vệ úy đã giải mụ Lỗ đi, pháp quan đọc hai tờ thư bạ về luật thừa kế. Chắc hắn một số người đã đưa tin về cuộc thẩm vấn mới dành cho mụ Lỗ nên phòng công đường dần dần chật ních người.
Viên Vệ úy đẩy ba tên choai choai to lớn đến trước bục gỗ. Điệu bộ chúng lúng túng ngượng nghịu hết nhìn trộm Tái Công lại nhìn những vệ binh tay cầm dây xích sắt, tay xách roi da.
- Các ngươi không có gì phải sợ - Tái Công ôn tồn – Ta chỉ đơn giản yêu cầu các ngươi đứng ở hàng đầu giữa những người dự khán khác và nhìn thật kỹ người sẽ được đưa tới trước công đường lát nữa đây. Các ngươi sẽ phải nói cho ta rõ là các ngươi có biết bị cáo đó không, nếu có biết thì đã đã gặp ở đâu, vào lúc nào.
Bà A Quốc giải nữ tù nhân vào phòng xử án. Bà đã cho mụ mặc bộ y phục Tacta nam tìm thấy ở nhà mụ.
Mụ Lỗ nhích lên từng bước nhỏ tới phía chiếc bục gỗ. Bằng một cử chỉ duyên dáng đầy nữ tính mụ sửa lại áo, cố ý để lộ ra vẻ tròn đầy của đôi vú rắn chắc và cặp hông. Rồi quay một nửa người về phía đám đông, mụ đẩy cái khăn chít đầu cho lệch sang một bên một cách đỏm dáng. Mỉm cười vẻ bẽn lẽn, mụ giật giật mạnh gấu vạt áo.
“Chà, một vai diễn lành nghề!”. Tái Công thầm nghĩ và ra hiệu cho viên Vệ úy dẫn ba nhân chứng đến trước bục gỗ.
- Nhà ngươi có nhận biết người đàn bà này không? – Ông hỏi tên lớn tuổi nhất.
Tên này ngắm mụ Lỗ với vẻ ngưỡng mộ không giấu giếm. Mụ này nhìn hắn cười bẽn lẽn rồi cúi mặt xuống, đôi má ửng hồng.
- Dạ không, thưa Đại nhân – Nó ấp úng.
- Có phải đó là người mà nhà ngươi nhìn thấy trước khu nhà tắm? – Tái Công kiên nhẫn gặng hỏi.
- Ồ không phải, thưa Đại nhân! - Tên choai choai cười to kêu lên – Đó là một chàng trai kia!
Tái Công đưa mắt hỏi hai nhân chứng kia. Chúng lắc đầu lia lịa không rời mắt nhìn mụ Lỗ với vẻ hâm mộ. Mụ này ném cho chúng một cái nhìn tinh quái rồi lấy tay che miệng.
Tái Công thở dài, ra hiệu cho viên vệ úy đưa bọn nhân chứng ra ngoài.
Ngay khi chúng vừa đi khuất, vẻ mặt mụ Lỗ biến đổi như có phép màu, trở lại lạnh lùng đanh ác như cũ.
- Kẻ tiện dân có mặt tại đây có thể được cho biết cái trò bày đặt ra vừa rồi có nghĩa gì? – Bằng giọng chua chát nhạo báng mụ hỏi – Phải chăng pháp đình tự cho mình cái quyền nhục mạ một phụ nữ lương thiện mà tấm lưng hãy còn đang rỉ máu vì những đòn roi quất bắt ép phải mặc áo quần đàn ông để đem ra trưng bày trước công chúng?