- Chu Đại Nguyên là một con người có hai nhân cách. Vẻ ngoài thì đó là một thợ săn lành nghề, vui tính mà Triệu Thái – Mã Tôn các ngươi thích giao du. Nhưng tình trạng bất lực về chuyện chăn gối đã trở thành nỗi ám ảnh dày vò y thường xuyên làm cả con người y biến đổi.
Tái Công ra hiệu cho Tào Can rót cho ông một chén trà. Ông uống ngon lành rồi bảo cả hai người:
- Ta cần có thời gian để làm một cuộc kiểm tra tỉ mỉ nơi ở của Chu. Vì vậy ta đã phái cả ba người tới làng Ngũ Dương, đó chỉ là một mưu nhỏ để đánh lạc hướng. Nếu đinh lại Hồng không bị ám sát thì ta đã cùng các ngươi bàn thảo phương án cho vụ việc nghiêm trọng này. Nhưng sau vụ đinh lại Hồng bị sát hại, ta biết là không sao có thể để các ngươi hành động với Chu như không có việc gì xảy ra, các bạn ạ. Ngay cả ta, cũng không thể thành công.
- Nếu tôi mà biết rõ – Mã Tôn sôi nổi – thì chính những bàn tay này sẽ chẹt cổ tên chó đẻ đó.
Ngài pháp quan gật đầu. Một lát im lặng.
- Đại nhân đã phát hiện ra là cái xác không đầu đó không phải của mụ Bân từ khi nào? – Cuối cùng Tào Can hỏi.
- Mãi sau này! – Tái Công chua chát than tiếc – Đáng lẽ phải thấy ngay mới phải. có một chi tiết bình thường mà ta đã bỏ qua.
- Là cái gì vây? – Tào Can hỏi.
- Đó là chiếc nhẫn! Trong khám nghiệm, Nghê Bình khẳng định là viên hồng ngọc gắn ở mặt nhẫn đã biến mất. Nếu kẻ sát nhân thích viên ngọc đó thì sao hắn không tháo luôn cả chiếc nhẫn của nạn nhân?
Tào Can vỗ vỗ trán. Tái Công tiếp:
- Đó là sai lầm thứ nhất của hung phạm. Và cái đó đã qua mắt ta cũng như một việc nhỏ khác chỉ cho thấy rõ rằng là cái thi thể đó không phải là thi thể mụ Bân. Ta muốn nói đến sự biến mất của đôi giày!
- Đúng vậy! Mã Tôn nói – Rất khó nhận định chiếc áo này hoặc chiếc áo kia có phù hợp với thân hình người này người nọ không. Nhưng còn đôi giày đi vào chân thì khác hẳn.
- Phân tích như vậy được đấy – Tái Công nói – nếu chỉ mang đi đôi giày, tên giết người thấy là sẽ gây sự nghi ngờ. Nhưng nếu để lại thì chúng ta sẽ khám phá ra sự không phù hợp với đôi bàn chân người chết. Thế là nó nẩy ra ý nghĩ ranh ma: mang đi tất cả, quần áo và giày dép. Nó hy vọng là chúng ta bị lạc hướng và bỏ qua việc đôi giày.
Ngài pháp quan thở dài, chán nản.
- Tên vô lại đã láu cá, chà! Nhưng chính lúc này nó lại mắc vào sai lầm thứ hai, nhờ đó mà ta lần được đúng con đường phải theo. Sự đam mê những viên đá đỏ đã làm hại nó. Thật vô cùng dại dột mò vào buồng ngủ của Bân trong lúc tên này đang bị giam giữ như một phần tử bị nghi vấn chính. Và thật là điên rồ mà lấy đi hai chiếc áo dài quý của mụ Bân. Chính chi tiết đó mách ta là chưa chắc mụ này đã chết. Nếu kẻ sát nhân đã biết cái ngăn bí mật lúc hắn phạm tội thì những đồ nữ trang đã bị hắn lấy đi ngay lúc đó. Vậy thì phải có kẻ nào đó nói với hắn sau khi hắn đã hành động, và cái kẻ đó không ai ngoài mụ Bân.
- Chính vì thế mà ta biết ý nghĩa của chiếc nhẫn thiếu viên hồng ngọc và việc biến mất tất cả áo quần của nạn nhân: kẻ giết người muốn chúng ta không khám phá ra được cái xác nằm đó không phải là xác mụ Bân. Nó biết là duy nhất chỉ có một người thấy rõ được sự tráo đổi: đó là chồng mụ Bân. Và hắn đặt vấn đề, một lần nữa rất hợp lý – quả là kẻ địch của chúng ta thật thông minh - là thi thể của mụ Bân giả sẽ được cho vào áo quan trước khi Bân, người chồng chứng minh được sự vô tội của mình.
- Vào lúc nào thì Đại nhân bắt đầu đặt nghi vấn cho Chu? – Triệu Thái hỏi.
- Sau cuộc hỏi cung Bân Phong lần cuối – Pháp quan đáp – Lúc đầu ta còn nghi cho Nghê Đại. Cô nương họ Lưu là người đàn bà duy nhất bị coi là mất tích, vậy thì đó là nạn nhân duy nhất. Cuộc khám nghiệm cho biết là người chết không còn trinh tiết, nhưng ta biết qua lời thú tội của Nghi Cương là Lưu Liên Phương cũng đã mất trinh với hắn. Thế mà, các ngươi có nhớ không, khởi đầu vụ này chúng ta đã nghi cho Nghê Đại đã bắt cóc con gái của Hội trưởng Thương hội Lưu. Và tên khỏe như vâm này thừa sức để cắt đầu cô gái một cách thật dễ dàng – suốt một thời gian ngắn ta đã bị cuốn vào cái lý giải là sau khi giết tiểu thư Lưu trong một cơn giận dữ, Nghê Đại yêu cầu chị hắn gúp để che giấu tội giết người của hắn bằng cách tráo xác của cô gái coi như xác chị hắn. Nhưng rất mau, ta gạt bỏ giả thuyết đó.
- Tại sao vậy? – Tào Can vội hỏi – Tất cả các yếu tố đều ăn khớp. Chúng ta đều biết là Nghê Đại và chị gái hắn rất ý hợp tâm đầu và mụ này có thể cho đây là dịp tốt để chấm dứt quan hệ với ông chồng mà mụ coi như một cái bướu.
Tái Công lắc đầu.
- Nhà ngươi quên một dấu tích, Tào Can! Vết thương do sơn ướt gây nên. Chỉ có kẻ sát nhân sơ suất và không hiểu mới chạm tay vào cái bàn vừa sơn. Mụ Bân thì biết rất rõ những nguy hiểm đó và ta thì không thấy một vết bỏng nào ở bàn tay Nghê Đại.
Tất cả cái câu chuyện về sơn này đều chĩa vào Chu. Có hai chi tiết bản thân không có gì là quan trọng, nhưng bất ngờ mang một ý nghĩa thật rõ ràng trong vụ việc này ta chợt nhớ ra. Thứ nhất, ý muốn ngẫu hứng của người thợ săn này: Tổ chức bữa tiệc ngoài trời để hắn được đeo bao tay một cách tự nhiên không gây nên một sự nghi ngờ nào. Thứ hai, sự vụng về của Chu trong cuộc săn sói ngày nọ. Hắn vừa qua một đêm khủng khiếp và hai bàn tay hắn bị đau ghê gớm.
Mặt khác, kẻ sát nhân phải ở rất gần nhà Bân và phải có một chỗ trú quan trọng. Thêm nữa, chúng ta lại biết là hắn đã rời khỏi chỗ gây ra án mạng cùng với một người đàn bà và một bọc kềnh càng. Thế mà hắn cần phải đề phòng gặp phải đội quân tuần cảnh. Ta chắc chắn là những người lính cảnh giác cao của chúng ta không thể bỏ qua mà không chặn lại hỏi cặp người lạ mang theo những bọc to cắp dưới nách này. Nhưng từ nhà Bân tới dinh cơ của Chu, đoạn đường này thường được qua lại tự do. Chỉ cần men theo bức tường bao. Ở phía bên này trấn thành đường phố luôn vắng vẻ, hai bên đường là những nhà kho cũ bỏ hoang.
- Nhưng Chu vẫn phải đi qua đường phố chính gần cổng thành phía Đông trước khi về tới nhà hắn ta. – Tào Can nhận xét.
- Một chút mạo hiểm không đáng kể. Những lính canh gác các cổng thành đều bận rộn với kẻ ra người vào còn mắt đâu để ý tới những kẻ đi lại trong nội thành.
Từ lúc coi Chu là một kẻ bị tình nghi chính trong vụ án bà Bân, ta bắt đầu suy nghĩ để tìm ra đầu mối và động cơ phạm tội của hắn. Bất giác, ta thấy như có một cái gì đó không bình thường trong cuộc sống của hắn. Khi có một nam giới khỏe mạnh và lực lưỡng như hắn có tới tám người vợ mà chẳng có một đứa con nào thì ắt là về mặt vật chất sinh lý có điều gì không ổn. Và cái loại suy nhược này thường có tác động khá nguy hiểm tới tính cách, tới cách xử sự. Nó cũng lý giải sự đam mê kỳ cục của hắn với những viên đá đỏ. Chu là một tên cuồng loạn nguy hiểm và cái tình cảm thù hận bệnh hoạn đã đẩy y đến chỗ giết hại dã man cô gái họ Lưu đáng thương.
- Nhưng cái gì đã khiến ngài đi đến kết luận đó lúc ấy? – Tào Can gặng hỏi.
- Đầu tiên ta tưởng là sự ghen tuông đã làm cho Chu sôi sục lên. Sự ghen tuông của một người đã đứng tuổi với một cặp tình nhân đang ở độ tuổi thanh xuân. Nhưng ta cũng mau chóng gạt bỏ gỉa thuyết đó. Đôi chim này đã cùng nhau đính hôn được ba năm rồi còn mối hận của hắn chỉ mới nảy ra gần đây thôi. Ta chợt nhớ tới một sự trùng hợp kỳ lạ. Theo Nghi Cương, thì Nghê Đại biết được bí mật về sự quan hệ xác thịt của chàng trai này và cô gái họ Lưu là do một vú già kể với hắn trước cửa thư viện. Thế mà cũng chính nơi đó, vài hôm sau, chàng thanh niên khốn khổ của chúng ta căn vặn mụ vú già mách lẻo. Vậy, rất có thể Chu từ trong thư viện đã nghe được cả hai cuộc nói chuyện đó. Nếu ta đoán không nhầm thì cuộc nói chuyện thứ nhất đã gieo vào lòng y niềm hận thù đối với cô gái họ Lưu: ngay dưới mái nhà y, cô gái này đã dám dâng hiến cho một chàng trai hạnh phúc mà với y Thượng đế đã khước từ! Trong đầu óc bấn loạn của Chu, cô gái trở thành biểu tượng của việc y bị chiếm đoạt và một ý tưởng điên rồ nẩy mầm trong đầu: nếu y chiếm đoạt được cô gái này, thì năng lực nam tính có thể sẽ trở lại với y! Còn về cuộc nói chuyện thứ hai, chính nó đã mách cho y biết Nghê Đại là một tên chuyên tống tiền bằng cách de dọa đi phát giác. Y run sợ vì biết rất rõ mối quan hệ mật thiết giữa hai chị em hắn. Nếu mụ Bân nói cho hắn rõ mọi chuyện về những cuộc hẹn hò bí mật của hai người, việc bắt cô gái trong chợ thì y đi đứt! Nghê Đại sẽ không bỏ lỡ thời cơ để quấy nhiễu tống tiền hắn đến cuối đời. Vì vậy y quyết định thủ tiêu hắn. Những việc xảy ra đã cho thấy dự đoán của ta đã trở thành sự thật: Nghê Đại biến mất ngay vào cái ngày mà Nghi Cương căn vặn mụ vú già.
Lúc này đấy, khi ta biết rõ động cơ của tội phạm, một chi tiết khác đã củng cố thêm cho nhận định của ta: các ngươi đều biết rõ ta không phải là người tin vào những điều mê tín dị đoan, nhưng không có nghĩa là chối bỏ sự tồn tại của một số hiện tượng siêu nhiên. Cái đêm tiệc, khi ta nhìn thấy một hình nhân đắp bằng tuyết ngồi trong vườn tít tận cuối dinh cơ rộng lớn của Chu, ta có cảm giác rất rõ ràng là đang bị bao trùm trong bầu không khí thê thảm của một sự chết chóc khủng khiếp.
Trong bàn ăn, chủ nhân cho biết là bọn trẻ con, con các tá điền đắp những hình người tuyết để chơi. Nhưng qua Mã Tôn và Triệu Thái thì ta biết chính y đã tự đắp lấy những người tuyết đó làm bia cho những cuộc y tập bắn cung. Tự nhiên trong đầu ta bật lên một giả thuyết: giấu nhanh một cái đầu người trong một hình nhân tuyết làm cái đầu của người tuyết trong thời tiết này quả là một ý kiến hay vì tuyết rơi nhiều, trùm kín lên cái đầu người thật. Việc làm này lại rất phù hợp với cái đầu óc ma quái của y: y có thể trả hận, một mối thù hận bệnh hoạn với cô gái họ Lưu trong những cuộc tập bắn cung, khi y phóng ra hết mũi tên nọ đến mũi tên kia cắm phập vào đầu những hình nhân tuyết.
Tái Công ngưng nói, kéo sát áo choàng quanh người. Ông thấy lạnh. Tái xanh, nhăn nhó, ba phụ tá hộ vệ nhìn ông không rời mắt. Cái không khí ghê rợn của cuộc sát nhân điên loạn này như ùa vào trong gian phòng.
Yên lặng một lúc lâu, pháp quan tiếp tục:
- Lúc này, đã chắc chắn Chu là kẻ sát nhân nhưng ta còn đang thiếu những chứng cứ cụ thể. Vì thế chiều hôm trước, sau buổi thiết đường, ta mới quyết định bày tỏ với các ngươi tất cả luận thuyết của ta. Các ngươi sẽ giúp ta làm một cuộc kiểm tra đột xuất trang trại của Chu. Nếu chúng ta tìm thấy mụ Bân ở đó thì Chu đi đứt. Nhưng ông Trời lại định khác. Nếu ta bàn định với Bân Phong tất cả câu chuyện này sớm trước vài ba tiếng đồng hồ thì đã ngăn cản được Chu, không cho y sát hại đinh lại Hồng của chúng ta.
Yên lặng nặng nề bao phủ gian phòng.
- Sau khi các ngươi ra đi cùng Chu – Tái Công lại tiếp tục – Chúng ta đã tới nhà hắn, quả nhiên thấy mụ Bân ở đó. Mụ được bí mật đưa về pháp ty trong một chiếc kiệu che kín. Rồi ta tiến hành một cuộc thẩm vấn dài với mụ vú già. Mụ này không biết một tí gì về những cuộc tình của cặp tình nhân trẻ. Lúc đó ta mới biết, qua lời khai của mụ Bân, là chính Chu đã rình rập đôi bạn trẻ này. Chẳng chút ý tứ gì, Chu đã nói cho Nghê Đại biết. Rất ranh ma, tên này nắm ngay lấy để định kế hoạch tống tiền. Rồi hắn phịa ra là hắn biết chuyện này là do người vú già. Hắn không muốn đưa tên Chu này vào câu chuyện tống tiền của hắn. Liệu là sau đó hắn có dám quấy nhiễu y không, hay là Chu đã bất chợt nghe được những lời hắn trao đổi với mụ hầu phòng và quyết định thanh toán hắn – như ta đã tưởng – vào lúc đó? Điều này có thể chẳng bao giờ chúng ta rõ được. Chu đã loạn trí, và ta chắc chắn là Nghê Đại đã bị vùi đâu đó dưới một lớp tuyết dày.
Ta cũng đã chuyện trò với cả tám người vợ của y.Tta muốn quên đi những điều các mụ ấy nói về cuộc sống trong quan hệ vợ chồng. Ta cũng đã ra lệnh làm đầy đủ thủ tục để các mụ ấy sớm trở về với gia đình và sau khi vụ án này khép lại, các mụ sẽ được hưởng một phần trong toàn bộ tài sản của Chu.
Sự điên loạn của con người này đã loại trừ y ra khỏi pháp luật của nhân loại. Một quyền lực cao hơn trên quyền lực chúng ta sẽ phán xét y.
Tái Công cầm lấy chiếc túi nhỏ của đinh lại Hồng đặt trên bàn. Ông nhẹ nhàng vuốt ve làn vải gấm cũ kỹ phai màu rồi cất vào ngực áo.
Thấy ông rải ra trước mặt một tờ giấy trắng và cầm lấy chiếc bút lông, ba phụ tá hộ vệ của ông vội đứng lên và rời khỏi phòng.
Tái Công trước hết viết một tờ tường trình chi tiết gửi quan Huyện lệnh về vụ án mạng Lưu Liên Phương rồi hai lá thư riêng. Thư thứ nhất gửi cho người con cả của đinh lại Hồng, đang làm quản gia cho người em thứ của Tái Công ở Thái Nguyên. Đinh lại Hồng góa vợ và người con cả sẽ quyết định mọi việc ma chay cho cha mình. Thư thứ hai gửi cho người vợ cả của ông hiện vẫn đang ở cùng thân mẫu. Sau khi kính cẩn thăm hỏi sức khỏe nhạc mẫu, Tái Công báo cho vợ biết cái chết của đinh lại Hồng, một người được coi như ruột thịt của gia đình. Chẳng có gì nghịch lệ với những công thức thường dùng trong quan hệ vợ chồng, ông đã viết thêm: “Khi một người thân rời bỏ chúng ta thì không phải chỉ có người ấy ra đi mà như có cả một chút gì đó trong chúng ta cũng ra đi theo”.
Sau khi trao những lá thư đó cho người nha lại, ông lơ đãng ăn bữa trưa, miên man trong những suy nghĩ u buồn.
Tái Công cảm thấy kiệt sức và chẳng còn dũng khí để tập trung đầu óc xem cần phải làm gì về vụ giết hại võ sư Lan và vụ mụ Lỗ. Ông bảo người lục sự đem cho ông hồ sơ về một kế hoạch cho vay không lấy lãi của triều đình để cứu trợ nông dân trong những vụ mùa thất bát. Theo ông, đây là một dự kiến có tính ưu việt nhất và ông đã nhiều đêm bàn bạc với đinh lại Hồng. Khi ba người phụ tá của ông trở lại thư phòng, họ thấy người thầy của họ đang mê mải tính toán.
Gạt đống giấy tờ sang một bên, ông bảo họ:
- Đã đến lúc chúng ta nghiêm chỉnh đề cập tới vụ án giết hại võ sư Lan Đạo Quý. Càng ngày ta càng tin chắc một người đàn bà đã đầu độc ông. Khốn thay lời khai của người võ sĩ trẻ là tài liệu duy nhất chúng ta có về lý lịch của ông. Và còn nữa, những gì anh ta nghe được buổi chiều hôm đó cũng vẫn chưa cho chúng ta một ý niệm rõ rang nào về nhân thân võ sư.
Mã Tôn gật đầu tán thành ý kiến của ông với vẻ thất vọng.
- Điều làm cho chúng ta ngạc nhiên – Triệu Thái nói – đó là cả võ sư Lan, cả người khách nữ đều rất thoải mái tự nhiên khi cùng nhau tiếp cận. Vì vậy ta có thể kết luận là giữa họ không hề có sự e dè giữ ý tứ. Cũng như ngài đã tự mình nhận thấy, thưa Đại nhân, và tất cả chúng ta đều rõ là võ sư Lan không hề tìm cách che đậy thân thể trần trụi của mình khi người khách nữ vào trong buồng tắm của mình.
- Chính xác thì người bạn trẻ đó đã nghe thấy gì? – Tái Công hỏi.
- Ồ, không có gì đặc biệt. Người khách nữ tỏ ra giận dữ và thấy ông cứ trốn tránh mụ. Võ sư Lan có đáp lại là vấn đề đó không quan trọng và nói cái gì đó như “mèo con”.
Pháp quan nhổm người trên ghế bành:
- “Mèo con”? – Ông nhắc lại vẻ khó tin.
Bất giác ông nhớ tới câu hỏi mà con bé, con mụ Lỗ hỏi ông. Nó hỏi ông là con mèo con mà người khách của mẹ nó nói chuyện với là con mèo ở đâu. Cái đó làm thay đổi cả cục diện! Ông hạ lệnh cho Mã Tôn:
- Ngươi hãy lên ngựa tới mau nhà Bân Phong. Tên này biết rất rõ mụ Lỗ thời bé. Hãy hỏi hắn xem hồi đó mụ có một tục danh nào không?
Mã Tôn rất ngạc nhiên, nhưng không có thói quen bàn cãi về những mệnh lệnh của chủ nên vội vã đi ngay.
Chẳng đôi hồi gì thêm, Tái Công bảo Triệu Thái pha trà và lao vào một cuộc thảo luận không dứt với Triệu Thái về thẩm quyền của đội quân tuần cảnh.
Mã Tôn trở về cũng nhanh như khi đi.
- Ông già Bân suy nhược ghê gớm thưa Đại nhân. Sự sa đọa của bà vợ làm ông vô cùng đau khổ. “Thà mụ chết quách đi còn hơn!” Ông ta đã nói vây. Tuy nhiên tôi cũng đã hỏi được ông ta về mụ Lỗ. dường như những bạn học hồi đó hay gọi mụ là “Mèo con”.
Tái Công nắm tay đấm mạnh xuống bàn:
- Đó là điều ta chờ đợi! – Ông nói lớn.